CHÚA NHẬT 29 QUANH NĂM, B

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:        Do-thái 4: 14-16

 

        Với bài đọc của hai Chúa Nhật trước, chúng ta đã có một giới thiệu đầy đủ về vai trò của Chúa Ki-tô trong kế hoạch cứu rỗi.  Chúa Ki-tô là “vị lãnh đạo thập toàn” (Dt 2:9-11, Chúa Nhật 27) dẫn đưa toàn thể nhân loại về cội nguồn của mình là Thiên Chúa.  Đồng thời, Chúa Ki-tô cũng là Lời Thiên Chúa (Dt 4:12-13, Chúa Nhật 28), từ Thiên Chúa mà đến với nhân loại để nói cho nhân loại biết về tình yêu và kế hoạch của Thiên Chúa.  Hiểu được vai trò “con thoi” của Chúa Ki-tô giữa Thiên Chúa và nhân loại, chúng ta sẽ thấy dễ dàng hơn để suy niệm về vai trò Thượng Tế của Người.  Từ Chúa Nhật 29 hôm nay cho đến Chúa Nhật 33, các bài đọc sẽ quảng diễn đề tài này, đưa chúng ta qua những chương chủ yếu của Thư Do-thái (chương 5-10).  Sáu chương này trình bày cao điểm của Ki-tô học và là một trình bày Ki-tô học có hệ thống nhất trong toàn bộ Tân Ước.  Riêng bài đọc hôm nay cho chúng ta hai khẳng định và kết luận thực hành.

 

a)   Chúa Giê-su, vị Thượng Tế siêu phàm, đã băng qua các tầng trời.  Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin.

        Phi thuyền con thoi là một tiến triển khoa học vĩ đại của Hoa-kỳ.  Hình ảnh bay vút lên trời cao, rồi biến mất trong không gian, đã đem lại hy vọng và tin tưởng cho các khoa học gia và nhiều người khác. Nhưng bên cạnh những thành công, nó cũng để lại nhiều kỷ niệm thương đau.  Còn đoạn thư Do-thái hôm nay cho chúng ta một hình ảnh sống động khác:  “Có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời.”  Lời giới thiệu thật là độc đáo, nhưng cũng vô cùng ý nghĩa.  Người đã băng qua các tầng trời.  Để đến với chúng ta.  Và để về lại với Thiên Chúa.  Các tầng trời là một hình ảnh nói lên khoảng cách giữa chúng ta với Thiên Chúa.  Khoảng cách đó là vô hạn vô biên và loài người chúng ta không thể nào vượt qua được.  Vì thế Thiên Chúa được gọi là Đấng Tối cao, hoặc siêu việt.  Chính Chúa Giê-su đã nói về khoảng cách vô hạn này:  “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3:13).  Khi xuống thế mặc lấy thân xác con người, Ngôi Lời đã “băng qua các tầng trời” mà đến dựng lều cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1:14).  Rồi sau khi hoàn tất cuộc Khổ nạn và Phục sinh, Đức Ki-tô đã “lên trời ngay trước mắt các ông, và có đám mây rước Người lên, khuất mắt các ông” (Cv 1:9).  Với vai trò Thượng Tế siêu phàm, Đức Ki-tô “đã băng qua các tầng trời” để tiến vào cung thánh trên trời, đến ngự bên hữu Thiên Chúa.  Qua cái chết hy sinh trên thập giá, Đức Ki-tô đã cất bỏ đi tấm màn che cung thánh để Người đến với Thiên Chúa.  Từ nay không còn ngăn cách vô biên giữa Thiên Chúa và nhân loại.  Tội lỗi ngăn cách giờ đây đã bị xóa bỏ và nhân loại được hòa giải với Thiên Chúa.  Sau hết, Đức Ki-tô đã băng qua sự chết để tiến tới cuộc sống vinh quang bất diệt.  Tất cả đều nói lên những cách thức khác nhau của cùng một hành vi “băng qua các tầng trời” do Đức Ki-tô thực hiện.

        Tuy là một giới thiệu ngắn gọn, nhưng thật phong phú ý nghĩa và có sức mạnh hỗ trợ niềm tin của chúng ta.  Lời tuyên xưng đức tin của chúng ta đã được đặt vào lúc trọng đại nhất trong Thánh lễ, ngay sau khi Truyền phép.  “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết, và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa lại đến.”  Nếu chúng ta ý thức được vai trò Thượng Tế của Chúa Giê-su, chắc chắn lời tuyên xưng của chúng ta sẽ mang những ý nghĩa mới mẻ hơn.   

 

b)  Vị Thượng Tế của chúng ta biết cảm thương những nỗi yếu hèn của chúng ta.  Vậy chúng ta hãy mạnh dạn tiến gần ngai Thiên Chúa.                

        Đối với con người, khi có ai trổi vượt hơn những người khác thì thường một khoảng cách được tạo ra giữa họ với mọi người.  Nhưng Chúa Giê-su, vị Thượng Tế siêu phàm của chúng ta không phải như vậy.  Siêu phàm không có nghĩa là tách biệt.  Trái lại, Chúa Giê-su đã muốn cảm thương với những nỗi yếu hèn của chúng ta.  Chính vì muốn như vậy, Người đã chọn con đường Nhập Thể, trở nên giống như chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.  Người đã sống trọn vẹn thân phận con người của chúng ta, đến độ bản tính Thiên Chúa hoàn toàn dấu ẩn đi.  Dân chúng Na-da-rét xầm xì với nhau:  “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?” (Lc 4:22).  Hoặc “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xê, Giu-đa và Si-mon sao?  Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” (Mc 5:3).  Rồi tới các môn đệ là những người đi với Người mấy năm trời mà cũng không nhận ra căn tính và sứ mệnh đích thực của Người.  Nhiều người đã phải khó chịu về lối cảm thương của Chúa Giê-su và sẵn sàng lên án Người.  “Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng:  ‘Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nao:  một người tội lỗi’.” (Lc 7:39).

        Gần với những người tội lỗi và những người bị gạt ra lề xã hội, Chúa Giê-su muốn nói lên điều gì?  Người muốn tỏ ra cho nhân loại biết Thiên Chúa cảm thương con người như thế nào.  Không phải chỉ là những lời ca tụng trong Thánh Vịnh:  Tôi sẽ ca ngợi lòng thương xót của Chúa đến muôn đời.  Nhưng là lòng thương xót đã được biểu lộ qua cử chỉ, lời nói, cách đối xử nhân hậu của Thiên Chúa làm người.  Lòng thương xót không còn là một ý niệm trừu tượng, nhưng là những điều mắt thấy tai nghe thể hiện qua cung cách của Chúa Giê-su.

        Trước khi đi tới kết luận thực hành, tác giả thư Do-thái muốn chúng ta có một xác tín về bản chất của Chúa Giê-su, vị Thượng Tế siêu phàm:  Người đã chịu thử thách và cảm nhận được những nỗi yếu hèn của con người.  Sở dĩ chúng ta e ngại, không dám tiến gần ngai Thiên Chúa là vì thấy thân phận của mình yếu hèn quá.  Nhưng bây giờ, chúng ta đã thấy một người cũng thuộc về gia đình nhân loại chúng ta, đã “băng qua các tầng trời” mà đến được với Thiên Chúa, đã kéo Thiên Chúa cúi xuống với nhân loại, thì chúng ta không còn lý do để ngần ngại tránh né Thiên Chúa nữa.  Tiến lại gần ngai Thiên Chúa không chỉ có nghĩa tương lai đời sau, nhưng phải là một lối sống của Ki-tô hữu ngay tại đời này.  Chúa Giê-su giúp chúng ta tạo một mối quan hệ với Thiên Chúa ngay đang khi chúng ta còn sống ở trần gian.  “Tiến lại gần” diễn tả sự mật thiết mỗi ngày một gia tăng, để rồi sẽ tới một lúc không phải chỉ tiến lại gần, nhưng là ở lại vĩnh viễn trong tình yêu muôn đời của Thiên Chúa.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

 

        Nếu Chúa Giê-su đã “băng qua các tầng trời” để đến với tôi, thì tôi cũng phải vượt qua những gì để đến với Người?  Làm sao để vượt qua được những trở ngại ấy?

        Tôi đã đọc lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su sau phần Truyền Phép với thái độ nào?  Lời thư Do-thái hôm nay sẽ giúp tôi thế nào để nói lên lời tuyên xưng đức tin?

        Tôi đã để cho Chúa Giê-su giúp tôi “tiến lại gần ngai Thiên Chúa” như thế nào?  Những gì cản ngăn tôi?  Làm sao tiến đến mỗi ngày một gần Chúa hơn?

 

Cầu nguyện kết thúc

 

        Nhóm cầu nguyện bộc phát với lời tuyên xưng đức tin sau Truyền phép.

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà