CHÚA NHẬT 30 QUANH NĂM, B

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:        Do-thái 5: 1-6

 

        Đối với chúng ta hôm nay không có gì là khó khi nghĩ rằng Chúa Giê-su là vị Thượng Tế đã dâng hiến thân mình trên thập giá.  Nhưng đối với Ki-tô hữu sơ khai thì quả thực là khó, vì Chúa Giê-su đâu có thuộc chi tộc Lê-vi.  Do đó, khi gọi Chúa Giê-su là vị Thượng Tế siêu phàm đã “băng qua các tầng trời mà đến,” thư Do-thái đã phải nêu lên những bằng chứng để chứng tỏ khẳng định của mình là đúng.  Chúng ta có thể đọc thấy bằng chứng ấy trong đoạn 5:1-10.  Nhưng bài đọc hôm nay chỉ trích dẫn 6 câu đầu, nói lên ba đức tính phải có của vị thượng tế:  a) được tuyển chọn trong số người phàm, b) có khả năng cảm thông với kẻ tội lỗi, và c) không tự xưng, nhưng được Thiên Chúa đặt làm “Thượng Tế theo phẩm trật Men-ki-xê-đê.”  Trích dẫn như vậy, Phụng vụ Lời Chúa muốn tiếp tục quảng diễn hình ảnh Chúa Ki-tô là vị Thượng Tế biết cảm thương với những nỗi yếu hèn của chúng ta.

 

a)  Chúa Giê-su, vị Thượng Tế siêu phàm, là người đồng hội đồng thuyền với chúng ta

 

        Đặc tính “đồng hội đồng thuyền” này hết sức quan trọng.  Nếu không có đặc tính này, khó mà cảm thương được.  Hẳn chúng ta biết từ ngữ “cảm thương” (com-passion) theo nguyên ngữ có nghĩa là cùng chịu đau khổ với nhau, lấy nỗi đau của người khác làm nỗi đau của chính mình.  Cho nên khi nói Thiên Chúa cảm thương với chúng ta thì có nghĩa là Người muốn chia sẻ nỗi đau của con người.  Nhưng Thiên Chúa là Đấng siêu việt thì làm sao chia sẻ được nỗi đau của con người?  Chính vì thế, Ngôi Lời mới mặc lấy thân phận con người, được đặt tên là Giê-su, danh hiệu là Ki-tô, để nhờ Người mà Thiên Chúa có thể cảm thương được với thân phận con người, một thân phận đã hoàn toàn bị tội lỗi và quyền lực của nó khống chế.

        Bản tính nhân loại của Chúa Giê-su là yếu tố chính để Thiên Chúa nhờ đó mà cảm thương được với mọi người không trừ ai.  Đối với truyền thống Do-thái, vị thượng tế tuy được chọn trong số người phàm, nhưng vẫn phải là người thuộc chi họ Lê-vi.  Còn Chúa Giê-su, Người không thuộc chi họ Lê-vi, cũng không xưng mình là thượng tế;  dân chúng chỉ gọi Người là Rabbi, là ngôn sứ.  Do đó khi tuyên xưng Người là Thượng Tế, thư Do-thái không có ý nói về chức tư tế theo chi họ Lê-vi, nhưng đã vượt trên mọi truyền thống Do-thái giáo để tôn vinh Người là “Thượng Tế theo phẩm hàm Men-ki-xê-đê” được chính Thiên Chúa tuyển chọn trong số những thường dân chứ không phải giữa chi họ Lê-vi.  Chúa Giê-su đã hạ mình làm người nô lệ vâng phục cho đến chết trên thập giá để thi hành thánh ý Thiên Chúa như thế nào (Pl 2:6-8), thì giờ đây Người cũng hạ mình hòa nhập với lớp thứ dân để cảm thương với mọi người và dâng mình làm lễ hy sinh trên thập giá như vậy.  Do đó, Người cho chúng ta một gương mẫu là phải vượt trên cả khuôn khổ chức tư tế Lê-vi để mỗi người chúng ta sẽ trở nên lễ hy sinh dâng lên Thiên Chúa.

 

b)  Chúa Giê-su “có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc”

 

        Do hậu quả của tội nguyên tổ, toàn thể nhân loại đã trở thành “những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc.”  Trí óc con người không còn nhận ra ý Chúa và phục thiện nữa.  Tính xác thịt và nô lệ cho tội lỗi đã chi phối ý chí tự do của con người.  Hậu quả là:  “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu...  Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không.  Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:15.18-19).

        Cuộc chiến nội tâm ấy của con người, Chúa Giê-su đã từng trải.  Cám dỗ trong sa mạc có thể coi là biểu tượng cho cuộc chiến nội tâm Người phải đối phó trong suốt cuộc đời, để làm sao luôn trung thành với thánh ý Chúa Cha và sứ mệnh cứu thế.  Chúa Giê-su có khả năng cảm thông với chúng ta, vì chính Người đã kinh nghiệm những khó khăn khi bị giằng co giữa ý riêng và ý Chúa.  Người bị cám dỗ để cho dân chúng tôn Người lên làm vua.  Người bị thử thách do “ý tốt” của Phê-rô xin Người bỏ cuộc, đừng lên Giê-ru-sa-lem chịu chết.  Người đã phải toát mồ hôi máu trong Vườn Cây Dầu để một lần nữa “xin vâng ý Cha.”  Chắc chắn Người vẫn chưa thoát được nanh vuốt của cám dỗ ngay cả khi bị treo trên thập giá, nghe lời thách thức của kẻ thù:  “Ông Ki-tô, vua Ít-ra-en, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta thấy và tin!” (Mc 15:32).  Quả thực, Chúa Giê-su với những kinh nghiệm ấy, không những có mà còn có thừa khả năng  để cảm thông với những nỗi yếu hèn của chúng ta!

 

c)  Từ khả năng cảm thông tiến đến quyền năng cứu độ chúng ta

 

        Tuy bài đọc hôm nay dừng lại ở câu 6, nhưng theo đà tư tưởng, chúng ta có thể đọc luôn đến câu 10, để thấy được vị Thượng Tế siêu phàm của chúng ta không chỉ cảm thương với số phận chúng ta mà thôi, nhưng hơn thế nữa, Người còn có quyền năng cứu độ chúng ta.  Bởi đâu Người có khả năng ấy?  Trước hết là vì “khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết.”  Chúa Giê-su đã “lớn tiếng” chuyển cầu cho toàn thể nhân loại.  Thư Do-thái muốn diễn tả tất cả sự tha thiết, chân thành và hiệu năng của lời cầu nguyện của Chúa Giê-su, không chỉ xin Thiên Chúa cứu Người khỏi cái chết thể xác, nhưng còn xin Thiên Chúa cứu toàn thể nhân loại khỏi cái chết do tội lỗi.  Sau nữa, quyền năng cứu độ Chúa Giê-su có được là do Người đã “học được thế nào là vâng phục.”  Thư Do-thái viết tiếp:  “Và khi chính bản thân đã (vâng phục) tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.”  Như vậy, nơi Chúa Giê-su, cảm thương phải đi tới cùng đích của nó, không chỉ là một tình cảm suông, nhưng phải tiến tới hành động cứu chuộc, đưa nhân loại ra khỏi vòng nô lệ tội lỗi và cõi chết để làm con cái Thiên Chúa hằng sống.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

 

        Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể đem lại cho tôi niềm tin và hy vọng nào?

        Mỗi khi bị cám dỗ, tôi có nhớ tới Chúa Giê-su đã từng bị thử thách không?  Những nhắc nhở ấy giúp tôi nhận ra mối quan hệ giữa Người và tôi như thế nào?  Tôi có thể chia sẻ một vài lần thắng được cám dỗ nhờ nhớ đến Chúa Giê-su đã chia sẻ những yếu hèn của tôi?

        Có lần nào tôi đã “cảm thông” với người khác và “cứu” họ khỏi nỗi thất vọng và bỏ cuộc không?  Tôi đã làm gì để cảm thông với họ?

 

Cầu nguyện kết thúc                   

 

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lời nguyện sau đây:

Lạy Chúa, từ lòng mẹ, chúng con đã phải mang án chết do tội A-đam truyền lại, nhưng nhờ mầu nhiệm Con Chúa chịu khổ hình, Chúa đã tiêu diệt sự chết.  Vậy giờ đây, xin Chúa ban ơn thánh hóa biến đổi chúng con nên giống hình ảnh A-đam mới là Đức Ki-tô, Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện Thứ Sáu Tuần Thánh)

 

Lm. Ðaminh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà