CHIA SẺ TIN MỪNG
Chúa Nhật thứ 32 Thường
Niên
(9-11-2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Ed
47,1-2.8-9.12: (1) Người ấy
dẫn tôi trở lại phía cửa Đền Thờ, và này : có nước vọt ra từ dưới ngưỡng cửa
Đền Thờ và chảy về phía đông, vì mặt tiền Đền Thờ quay về phía đông.
· 1Cr
3,9c-11.16-17: (16) Anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên
Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao ? (17) Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính
là anh em.
· TIN
MỪNG: Ga
2,13-22
Đức Giê-su tẩy uế Đền Thờ
(Mt 21,12-13; Mc 11,15-17; Lc 19,45-46)
(13) Gần đến lễ Vượt Qua của
người Do-thái, Đức Giêsu lên thành Giêrusalem. (14) Người thấy trong Đền
Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. (15) Người liền lấy dây
làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền
của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. (16) Người nói với những
kẻ bán bồ câu: “Đem
tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”. (17) Các môn đệ
của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa,
mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.
(18) Người Do-thái hỏi
Đức Giêsu: “Ông lấy dấu
lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?” (19) Đức Giêsu
đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại”. (20) Người
Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong,
thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao?” (21) Nhưng Đền
Thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Người. (22) Vậy, khi
Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào
Kinh Thánh và lời Đức Giêsu đã nói.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Tại
sao Đức Giêsu lại tỏ ra tức giận đến nỗi dùng tới bạo lực như vậy? Sự kiện đó
nói lên điều gì? Những điều gì làm Ngài ghê tởm nhất trên đời?
2. Thiên
Chúa, Đức Giêsu, việc phụng vụ hay thờ phượng Ngài có thể bị biến thành đối
tượng kinh doanh, buôn bán không?
3. Thân
xác, tâm hồn hay bản thân ta cũng là đền thờ của Thiên Chúa. Ta có kính trọng
đền thờ nội tâm của ta một cách xứng đáng không? Những hành động nào biểu lộ sự
kính trọng hoặc coi thường đền thờ đó?
Suy tư gợi ý:
1. Hai điều Đức Giêsu ghê tởm nhất trên đời
Đức Giêsu đã phản ứng hết sức mạnh mẽ
trước cảnh tượng đền thờ bị biến thành nơi buôn bán. Trong Tin Mừng, phản ứng
mạnh như thế của Đức Giêsu rất hiếm thấy. Có hai lần Ngài phản ứng rất mạnh,
khác hẳn với thái độ hiền lành hòa nhã bình thường của Ngài: lần đuổi những
người buôn bán ra khỏi đền thờ (x. Ga
2,13-16), và lần Ngài chửi bọn Pharisêu thậm tệ (x. Mt 23,13-36). Điều
này cho ta thấy hai điều làm Ngài ghê tởm nhất trên đời:
– một là biến nơi thờ phượng thành nơi buôn bán
(x. Ga 2,16), biến việc thờ
phượng, lời cầu nguyện, lễ nghi tôn giáo thành hàng hóa mua bán, thành đối
tượng kinh doanh để sinh sống…
– hai là đạo đức giả, lợi dụng hay núp bóng đạo
đức hoặc tôn giáo để tiến thân, để ngồi lên đầu lên cổ thiên hạ (x. Mt 23,2.6),
để bóc lột người nghèo (23,14), để thần thánh hóa những thực tại vốn chẳng phải
là thần thánh hầu đem lại lợi nhuận (23,16-22), để làm mọi người lầm tưởng mình
đạo đức bằng cách giữ nhiệm nhặt những luật lệ không quan trọng nhưng lại bỏ
qua những điều quan trọng nhất của lề luật là tôn trọng “chân lý, công lý và tình thương” (x.
23,23-24), hoặc tìm cách tôn vinh các ngôn sứ thời xưa để che đậy việc bách hại
hay bạc đãi những ngôn sứ đồng thời với mình (23,29-36)…
2. “Đừng biến nhà Cha tôi thành
nơi buôn bán”
Bài Tin Mừng hôm nay nói về điều ghê
tởm thứ nhất của Ngài. Phải công nhận rằng Ngài đã phản ứng hết sức mạnh mẽ khi
thấy “trong
Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền”.
Cách hành xử của Ngài thật là hung hăng và đáng sợ: Ngài “lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn
họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc thì đổ
tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ”. Trước sự việc ấy, chắc các
tông đồ phải lấy làm lạ vì Ngài làm trái với điều Ngài thường dạy: “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên
phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,39). Tại sao vậy? –
Vì Ngài đang phải đối diện với một cảnh tượng mà Ngài cho là hết sức kinh tởm:
người ta đã biến đền thờ hay nhà Cha Ngài thành nơi buôn bán, thành một cái
chợ.
Trong bài Tin Mừng này, những vật bị
đưa ra mua bán chỉ là “chiên, bò, bồ câu” mà Ngài đã phản ứng dữ
dội như thế! Không biết Ngài sẽ phản ứng mãnh liệt thế nào khi con người đem
chính Thiên Chúa, Cha Ngài, đem chính Ngài, hay chính những lễ nghi thờ phượng
Ngài ra làm đối tượng để kinh doanh buôn bán, để mặc cả, trao đổi. Tình trạng
tương tự như thế vẫn đang xảy ra nhan nhản trong các tôn giáo. Các thầy cúng
mặc cả với tín đồ về số tiền phải trả cho một buổi lễ cúng, không đủ tiền thì
thầy không cúng. Hoặc các thầy đưa ra một bảng giá (tarif) cho những buổi lễ
tùy theo mức độ trang trọng của chúng, bảng giá đó áp dụng chung cho cả người
giầu lẫn người nghèo, v.v… Nhiều thầy cúng coi việc cúng tế như một nghề nghiệp
để sinh sống. Lúc ấy thần thánh trở nên một loại phương tiện, một loại hàng hóa
phục vụ cho nghề nghiệp của họ.
So sánh với thái độ hiền lành và đầy
tính bênh vực của Đức Giêsu trước người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại
tình (x. Ga 8,2-12) với thái độ dữ tợn của Ngài trước cảnh buôn bán trong đền
thờ, ta thấy Ngài coi tội sau nặng hơn như thế nào! Và càng nặng hơn biết bao
tội buôn thần bán thánh! Trong sách Công Vụ, có thuật lại một trường hợp buôn
bán thần thánh như sau: «Ông Simon thấy rằng
khi các tông đồ đặt tay cho ai thì Thánh Thần được ban xuống tren người ấy, nên
ông đem tiền đến biếu các tông đồ và nói: “Xin cũng ban ban quyền ấy cho tôi,
để tôi đặt tay cho ai thì người ấy cũng nhận được Thánh Thần”. Nhưng ông Phêrô đáp : “Tiền bạc của anh hãy tiêu tan luôn với anh cho rồi,
vì anh tưởng có thể lấy tiền mà mua được ân huệ của Thiên Chúa!”»
(Cv 8,18-21). Quả thật, hiện nay, biết bao kitô hữu đã hành động như Simon,
muốn dùng tiền bạc để mua chuộc các ân huệ, sự tha thứ, sự giảm hình phạt của
Thiên Chúa, hoặc chức tước trong Giáo Hội cho mình hoặc cho người thân của
mình! Họ làm như lòng nhân từ của Thiên Chúa có thể mua chuộc được bằng tiền
bạc!
3. Bản thân ta cũng là đền thờ, đừng biến nó
thành nơi buôn bán
Thánh Kinh cho biết: đền thờ vật chất ở
bên ngoài không quan trọng bằng đền thờ tâm linh ở bên trong ta. Thánh Phaolô
nói: “Thiên Chúa, Đấng tạo thành vũ trụ và
muôn loài trong đó, không ngự trong những đền thờ do tay con người làm nên”
(Cv 17,24). Thánh Têphanô cũng nói tương tự (x. Cv 7,48). Vậy thì Ngài ngự ở
đâu? Thánh Phaolô trả lời: “Nào anh em chẳng
biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong
anh em sao? (…) Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em”
(1Cr 3,16-17; x. 2Cr 6,16b). Ngay cả thân xác của chúng ta cũng là đền thờ của
Thiên Chúa: “Anh em chẳng biết rằng thân xác
anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao?” (1Cr 6,19), thậm chí còn là
một phần bản thân của Đức Kitô: “Nào anh em
chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao?”
(1Cr 6,15).
Sự hiện diện của Thiên Chúa trong đền
thờ vật chất không được “đậm đặc”
như đền thờ tâm linh trong tâm hồn ta. Thế mà khi nó bị trần tục hóa Đức Giêsu
đã tỏ ra tức giận như vậy! Vậy thì khi đền thờ tâm linh trong tâm hồn ta bị
trần tục hóa, Ngài sẽ tức giận đến thế nào?
Chúng ta trần tục hóa đền thờ trong bản
thân ta và người khác khi ta coi thường phẩm giá con người của mình và của
người khác. Thiên Chúa đã dựng con người theo hình ảnh của Ngài, giống như
Ngài, đồng thời nâng con người lên hàng con cái Ngài. Con người trở nên một cái
gì hết sức quí giá trước mặt Thiên Chúa, đến nỗi khi con người phạm tội, Thiên
Chúa đã phải hy sinh chính Con Một rất yêu quí của Ngài để cứu con người. Thánh
Kinh nói Thiên Chúa quí con người đến mức “luôn
ấp ủ, dưỡng dục, giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Ngài” (Đnl
32,10). Thiên Chúa quí con người như vậy, nhưng con người lại coi thường chính
bản thân, phẩm giá của mình và người khác, đến nỗi sẵn sàng bán rẻ hoặc xúi
giục người khác bán rẻ lương tâm và phẩm giá – thậm chí cho kẻ ác – để chỉ nhận
được những lợi ích chóng qua: tiền bạc, hư danh, địa vị, sự an toàn bản thân…
Không chỉ những phường gái điếm, những tay nghiện rượu, nghiện ma túy mới coi
thường thân xác hay linh hồn mình, mà cả những kitô hữu trí thức, những người
được coi là đạo đức cũng sẵn sàng coi thường đền thờ Thiên Chúa nơi bản thân.
Chẳng hạn sẵn sàng hy sinh sự trong sáng của lương tâm, hoặc hy sinh sức khỏe,
sự an toàn bản thân để đổi lấy một niềm vui nho nhỏ của miếng ăn, của thú vui
thể xác, của tiện nghi vật chất… để rồi cuối cùng trở nên một con người tầm
thường, hoặc chuốc lấy một căn bệnh, một thương tật hoặc có khi mất mạng…
Chúng ta trần tục hóa tâm hồn ta khi ta
nuôi trong tâm trí những quan niệm sai lầm, những tư tưởng kiêu căng, vị kỷ,
những ý định độc ác, những tâm tình ghen ghét, vô ơn, v.v… Chính những tư tưởng
này xúc phạm và làm ô uế đền thờ của Thiên Chúa trong tâm hồn ta. Vì thế, để tỏ
lòng kính trọng đền thờ này, chúng ta hãy mặc lấy những quan niệm đúng đắn,
những tâm tình yêu thương, vị tha, xả kỷ… Những tâm tình này chính là những thứ
trang hoàng đền thờ nội tâm ta xứng đáng làm nơi Thiên Chúa ngự.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin cho con biết thật sự kính trọng đền thờ của Cha nơi tâm hồn
và thân thể con. Xin đừng để con làm ô uế đền thờ của Cha bằng những tư tưởng
xấu, những tâm tình ích kỷ, kiêu căng. Xin giúp con trang hoàng đền thờ của Cha
bằng những tư tưởng và hành động tốt đẹp, bằng những nỗ lực sống thuận theo
thánh ý Cha. Để Cha cảm thấy hài lòng khi ngự trong tâm hồn con. Amen.
Joan Nguyễn Chính Kết