CHÚA NHẬT 32 QUANH NĂM, B

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:        Do-thái 9: 24-28

 

        Cao điểm của thư Do-thái nằm trong những câu Kinh Thánh của bài đọc hôm nay, giải thích Chúa Giê-su là Linh Mục Thượng Phẩm thập toàn.  Muốn diễn tả mức độ thập toàn, tốt nhất là so sánh với những gì không hoàn hảo.  Đó chính là mạch tư tưởng thư Do-thái đi theo khi so sánh Chúa Giê-su với vị thượng tế theo dòng họ Lê-vi, tác vụ của Người với tác vụ của vị thượng tế và hiệu quả do hiến tế của Chúa Giê-su với hiệu quả do lễ Xá tội của Do-thái.  Trong chương 8, thư Do-thái lập luận rằng Chúa Giê-su là vị trung gian của một giao ước hoàn hảo hơn, vì Người đã thi hành một tác vụ tuyệt vời hơn (8:6).  Giao ước này đã đuợc ngôn sứ Giê-rê-mi-a tiên báo trong Gr 31:31-34 và lời tiên báo ấy được thể hiện trọn vẹn qua lời khẳng định của Thiên Chúa:  “Ta sẽ dung thứ những điều gian ác chúng làm, sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng nữa” (8:12).  Vậy Đức Ki-tô đã thi hành sứ vụ tư tế của Người như thế nào?

 

a)  Vào cung thánh  

        Thánh điện (nơi cực thánh) trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem là nơi vị tư tế sẽ vào mỗi năm một lần vào ngày lễ Xá tội.  Tại đó ông sẽ thay mặt dân để gặp gỡ Thiên Chúa, dâng lên Người hiến lễ để xin Người tha tội cho mình và cho dân.  Sách Lê-vi chương 16 đã mô tả rất chi tiết về tác vụ của vị tư tế, từ việc cử hành lễ xá tội cho thánh điện, cho Lều Hội Ngộ và bàn thờ tới lễ xá tội cho chính mình và cho toàn dân.  Tuy nhiên vào cung thánh nhân ngày lễ Xá tội chỉ là một nghi thức diễn tả một cách nào đó sự gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa.  Nó cần thiết cho con người, nhắc nhớ họ về sự gần gũi của Thiên Chúa, về tình trạng tội lỗi của họ.  Nhưng sau bao thế kỷ, sự gặp gỡ ấy vẫn chỉ là “các hình ảnh mô phỏng những thực tại trên trời” (9:23), tức là mô phỏng sự thanh tẩy tạm thời chứ chưa phải là vĩnh viễn sẽ dung thứ những điều gian ác và sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm của nhân loại nữa.  Chính vì hiệu quả bất toàn đó mà bức màn che thánh điện vẫn phải để nguyên chứ không được cất đi và mỗi năm vị tư tế lại phải đi qua bức màn đó để lập lại nghi thức gặp gỡ Thiên Chúa và cầu xin Người xá tội cho dân.

        Thánh điện mà Chúa Giê-su bước vào không phải là “cung thánh do tay người phàm làm ra, vì cung thánh ấy chỉ là hình bóng của cung thánh thật,” nhưng là “chính cõi trời, trước mặt Thiên Chúa.”  Khi đến trước mặt Thiên Chúa, Chúa Giê-su đã giúp cho nhân loại từ nay có thể chạm tới Thiên Chúa, gặp gỡ Người mặt đối mặt.  Tội lỗi và sự chết đã là bức màn ngăn cách con người với Thiên Chúa, thì giờ đây sau cái chết hy sinh của Chúa Giê-su trên thập giá, “bức màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới” (Mc 15:38; Lc 23:45).  “Để giờ đây Người ra đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 9:24).  Vậy Chúa Ki-tô đã thi hành tác vụ tư tế của Người như thế nào trước mặt Thiên Chúa?

 

b)  “Đức Ki-tô đã tự hiến tế chỉ một lần, để xóa bỏ tội muôn người”

        Vị tư tế Lê-vi đã sát tế một con dê đực, một con cừu đực và một con bò tơ để làm lễ xá tội.  “Ông sẽ lấy máu con bò tơ và máu con dê mà bôi lên các góc cong của bàn thờ.  Ông sẽ dùng một ngón tay rảy máu bảy lần lên bàn thờ, mà thanh tẩy cho khỏi các điều ô uế của con cái Ít-ra-en, và thánh hiến bàn thờ” (Lv 16:18-19).  Nhưng tội lỗi và quyền lực của nó vẫn còn đó, không hề lay chuyển.  Thi hành phận vụ xong, vị tư tế trở về với cuộc sống bình thường, và cũng như mọi người lại tiếp tục sống dưới quyền lực không thể bị khuất phục của tội lỗi, rồi năm tới ông trở lại Đền Thờ và lập lại cùng một nghi thức.

        Còn Chúa Ki-tô, vị Thượng Tế thập toàn của chúng ta, không đem theo máu của tế vật, nhưng Người đã dùng máu của chính mình đổ ra trên thập giá.  Bàn thờ của Người không phải bằng đá quý chạm trổ những góc cong mỹ thuật, nhưng là cây gỗ ô nhục người Rô-ma dùng để trừng phạt những kẻ phản loạn.  Chiều ngày áp lễ Vượt qua của Do-thái, chiên lễ Vượt qua đã chịu sát tế để tạ tội cho dân.  Cũng thế, Chúa Giê-su đã chịu chết trên thập giá vào chiều ngày áp lễ Vượt qua, và sau khi chết, “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người.  Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19:34).  Máu và nước, biểu tượng cho sự sống mới, trào ra và đem lại sự sống cho những ai tin vào Người.  Máu của Người không chỉ “thanh tẩy các điều ô uế” nhưng là “tiêu diệt tội lỗi.”  Tội lỗi và sự chết đã hoàn toàn mất đi quyền bá chủ vĩnh viễn trên con người.  Trước kia con người không thể có được một đời sống mới.  Nhưng bây giờ nhân loại được nhận sự sống mới do Thánh Thần sau khi Chúa Giê-su “gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga 19:30).

 

c)  Chúa Ki-tô sẽ xuất hiện lần thứ hai để cứu độ những ai trông đợi Người

        Hy tế thập giá của Chúa Giê-su đã hoàn tất giai đoạn khởi đầu của chương trình cứu độ, nhưng chưa phải là chung kết.  Cái chết của Người đã khởi sự cho cuộc sống mới của chúng ta, để chúng ta sẽ tiếp tục sống như “những ai trông đợi Người.”  Trông đợi không phải một cách thụ động, nhưng là tích cực để cho mình được biến đổi nhờ kết hiệp với Chúa Giê-su làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa Cha.  Hai thời điểm rõ rệt của Chúa Giê-su đã vạch ra cho chúng ta một hành trình để tiến về cung thánh đích thực mà gặp gỡ Thiên Chúa.  Nói khác đi, chúng ta là những người sống ở giữa thời điểm Phục Sinh của Chúa Giê-su và cuộc tái lâm của Người trong ngày tận thế.  Đó là thời gian để chúng ta cùng với Chúa Giê-su bước qua đau khổ và thử thách của cuộc sống để đến gần Thiên Chúa mỗi ngày một hơn.  Và cuối cùng, chúng ta cũng theo Chúa Giê-su, bước qua chính cái chết của mình để cùng với Người vào cung thánh đích thực mà gặp gỡ Cha chúng ta trong vinh phúc vĩnh cửu.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ                          

 

        Những “bức màn trướng” nào đã ngăn cách tôi với Chúa?  Tôi phải làm gì để phá bỏ đi những ngăn cách ấy?  Chúa Giê-su dạy tôi đến với Cha như thế nào?

        Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su cầu nguyện:  “Con xin thánh hiến chính mình con cho họ, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến” (Ga 17:19).  Tôi cảm nghiệm được gì qua lời cầu nguyện này của Chúa Giê-su?  Sự thật thánh hiến tôi là sự thật nào?

        Là người “trông đợi” Chúa Giê-su lại đến, tôi phải sống như thế nào để Người nhận ra tôi và không nói với tôi:  “Các anh đấy ư?  Ta không biết các anh từ đâu đến” (Lc 13:25)?

 

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng nhau đọc Thánh Vịnh 51, xin Chúa ban cho chúng ta một con tim mới.

 

Lm. Ðaminh Trần đình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà