Chúa
Nhật thứ 33 Thường Niên,B
(16-11-2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Đn 12,1-3:
(2) Trong số những kẻ an nghỉ trong bụi đất, nhiều người sẽ trỗi dậy :
người thì để hưởng phúc trường sinh, kẻ thì để chịu ô nhục và bị ghê tởm muôn
đời. (3) Các hiền sĩ sẽ chói lọi như bầu trời rực rỡ, những
ai làm cho người người nên công chính, sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao.
· Dt
10,11-14.18: (16) Đây là giao ước Ta sẽ lập với chúng sau những ngày
đó, thì Đức Chúa phán : Ta sẽ ghi vào tâm khảm chúng, sẽ khắc vào lòng trí
chúng lề luật của Ta. (17) Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và
việc gian ác của chúng nữa.
· TIN
MỪNG: Mc
13,24-32
Con Người quang lâm (Mt 24,29-31; Lc
21,25-28)
(24) «Nhưng trong những ngày đó, sau cơn gian nan ấy, thì
mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, (25) các ngôi
sao từ trời sa xuống, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển. (26) Bấy giờ
thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà
đến. (27) Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ
tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến
cuối chân trời.
Dụ ngôn cây vả (Mt 24,32-36; Lc
21,29-33)
(28) «Anh em cứ lấy thí dụ cây vả mà học hỏi. Khi cành nó
xanh tươi và đâm chồi nảy lộc, thì anh em biết là mùa hè đã đến gần. (29) Cũng vậy,
khi thấy những điều đó xảy ra, anh em hãy biết là Con Người đã đến gần, ở ngay
ngoài cửa rồi. (30) Thầy bảo thật anh em: thế hệ này sẽ chẳng qua đi,
trước khi mọi điều ấy xảy ra. (31) Trời đất sẽ qua đi, nhưng những lời
Thầy nói sẽ chẳng qua đâu. (32) «Còn về ngày hay giờ đó thì không ai
biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa
Cha biết mà thôi.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Chết có phải là điều chắc chắn nhất sẽ xảy ra cho ta không? Chết là
gì, có phải là chấm hết hoàn toàn không? Nếu không thì có gì đáng ta lo ngại?
2. Đời ta chắc chắn có ngày tận cùng. Còn đời sống của thế giới thì
sao? Có tận cùng không? Có những dấu hiệu nào báo trước ngày tận cùng đó?
3. Thiên Chúa có thường xuyên nhắc nhở để ta ý thức và chuẩn bị cho
cái chết của mình không? Ngài nhắc nhở ta thế nào? bằng những dấu hiệu nào?
4. Cách tốt nhất để chuẩn bị ngày ta ra trước tòa Chúa là gì?
Suy tư gợi ý:
1. Một chân lý chắc
chắn nhất trong cuộc đời: ta sẽ chết
Có một điều mà ta có thể quả quyết chắc chắn hơn
tất cả mọi điều, đó là sẽ có ngày ta phải chết, phải từ giã cõi đời, lìa bỏ mọi
người kể cả những người thân yêu nhất mà ta không bao giờ muốn rời xa. Đây là
một chân lý mà ta vẫn thường xuyên chứng nghiệm mỗi khi gặp đám ma hay dự lễ an
táng của một ai đó. Đó là một chân lý chắc chắn nhất trên đời, nhưng nhiều khi
ta sống như thể không hề có chân lý ấy, như thể chúng ta sẽ không bao giờ chết,
mà cứ sống mãi sống hoài cùng với trời đất. Mỗi lần thấy có ai qua đời, thiết
tưởng ta nên nghĩ rằng một ngày nào đó sẽ tới phiên chúng ta. Và ngày ấy không
ai có thể xác định được: có thể là 30,40 năm nữa, nhưng cũng có thể là 10,5 hay
1 năm nữa, và cũng rất có thể là tháng sau, tuần sau, ngày mai, hay chút xíu
nữa. Nhiều người đã chết bất đắc kỳ tử, những người này thường
không ngờ được mình lại chết sớm và nhanh như vậy! Còn ta, ta không thể quả
quyết rằng mình không thuộc số những người này! Và ngày ta chết chính là ngày
cùng tận của riêng ta!
Nếu cá nhân mỗi người đều có ngày cùng tận, thì
toàn thế giới hay toàn nhân loại này cũng có ngày cùng tận của nó. Và đó cũng
là một chân lý chắc chắn không kém gì sự chết cá nhân. Vì trong thế giới hiện
tượng, cái gì có sinh thì cũng có diệt theo định luật «thành, trụ, hoại, không». Và
bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở ta về chân lý bất di dịch này, đồng thời cho ta
biết những dấu hiệu báo trước ngày tận diệt ấy.
2. Những dấu hiệu
báo trước
a) Ngày tận
cùng của cá nhân
Theo niềm tin Kitô giáo, chết là bắt đầu một đời
sống khác, và đời sống mai hậu ấy là một đời sống vĩnh cửu. Điều hết sức nghiêm
trọng là đời sống mai hậu ấy nếu hạnh phúc thì là hạnh phúc vĩnh cửu, và nếu
đau khổ thì cũng là đau khổ vĩnh cửu. Mà hạnh phúc hay đau khổ trong đời sống
ấy hoàn toàn tùy thuộc vào cách ta sống, cách ta tin, cách ta hành xử trong đời
sống hiện tại. Vì thế, cách ta sống trong đời sống hiện tại này thật quan
trọng, nó quyết định số phận vĩnh cửu của ta. Chính vì đời sống hiện tại có
tính quyết định vĩnh cửu như thế, nên vì yêu thương ta, Thiên Chúa thường xuyên
gửi đến ta những sứ điệp cảnh báo ngày chết của ta. Nhưng rất nhiều người trong
chúng ta coi thường những sứ điệp ấy để rồi cuối cùng phải lâm vào tình trạng
đau khổ vĩnh cửu.
Sau đây là những sứ điệp của Thiên Chúa nhắc nhở
ngày tận số của ta:
a) Những đám ma, những lễ an táng mà ta gặp hay
tham dự là những dấu hiệu nhắc nhở ta rằng chắc chắn một ngày nào đó sẽ tới
phiên ta từ giã cuộc đời như người trong đám ma ấy.
b) Những dấu hiệu của cơ thể suy thoái như tóc bạc,
răng long, đau lưng, mệt mỏi, bệnh tật, hay những biến cố đến từ bên ngoài như
tai nạn, dịch tễ… đến với chính ta hay người khác đều là những sứ điệp của
Thiên Chúa gửi đến để cảnh báo ta.
Liệu khi Thiên Chúa gọi ta ra khỏi cuộc đời, ta sẽ
xuất hiện trước Thiên Chúa trong tình trạng nào? tốt lành thánh thiện hay xấu
xa tội lỗi? đáng hưởng hạnh phúc vĩnh cửu hay đáng chịu trầm luân mãi mãi? Tự
hỏi như thế thì còn quá xa vời. Hãy tự hỏi: nếu ngay bây giờ Chúa gọi tôi đi
thì tôi sẽ ra đi trong tình trạng nào? tôi đã sẵn sàng mọi sự để xứng đáng với
hạnh phúc vĩnh cửu chưa? Cách tốt nhất để bảo đảm là ta sẽ ra đi trong tình
trạng tốt đẹp là luôn tỉnh thức để luôn luôn trong tình trạng đẹp lòng Thiên
Chúa (x. Mc 13,33; Lc 21,36). Hãy luôn luôn tự nhủ: bất kỳ một tư tưởng xấu,
một hành động xấu nào trong đời ta cũng đều ảnh hưởng tai hại đến tình trạng
cuối cùng của cuộc đời ta, là tình trạng lúc ta ra khỏi thế gian này. Tình
trạng này quyết định số phận cuộc đời mai hậu của ta. Người ta vẫn nói: «Cây xiêu
đằng nào, đổ đằng nấy». Vết mực một khi đã dính vào áo thì dù có
giặt kỹ đến đâu cũng không tránh khỏi làm áo bị cũ, bị hoen ố, bị kém giá trị
đi.
b) Ngày tận
cùng của thế giới
Ngày tận cùng của thế giới cũng có những dấu hiệu
báo trước: dưới đất thì động đất, mất mùa, đói kém, lũ lụt… trên trời thì mặt
trời mặt trăng mất sáng, tinh tú sa xuống, «các quyền lực trên trời bị lay chuyển»…
nhân tâm thì điên đảo, chiến tranh và bạo lực lan tràn, các ngôn sứ giả (tự
xưng là ngôn sứ mà bản chất thì không phải) xuất hiện… Hiện nay ta thấy những hiện
tượng ấy đang xẩy ra ngày càng trở nên rõ rệt, quy mô, có hệ thống và khốc
liệt. Điều đó cho thấy ngày tận cùng của thế giới đã gần kề.
Điều đáng lo ngại cho thế giới này chính là sự sa
đọa và tội lỗi của nhân loại ngày càng gia tăng. Con người dường như ngày càng
mất đi cảm thức về tội lỗi. Người ta chỉ biết quan tâm chạy theo những quyến rũ
của vật chất, của quyền lực, của thú vui xác thịt… Con người trở nên ích kỷ hơn
bao giờ hết. Các tôn giáo – kể cả Kitô giáo – có khuynh hướng chỉ chú tâm đến
những lễ nghi hay hình thức bên ngoài mà quên đi tinh thần phải có ở bên trong.
Vì thế, khả năng soi sáng và hướng dẫn thế giới của các tôn giáo không mấy hữu
hiệu. Giới tăng lữ bị tục hóa đến nỗi nhiều người chỉ coi tác vụ của mình như
một nghề nghiệp để sinh sống… Đó là những điều khiến Đức Giêsu đã đoán trước và
lo ngại cho thế giới này: «Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin
trên mặt đất nữa chăng?» (Lc 18,8).
3. Thái độ cần phải
có
Trước sự chắc chắn và bất ngờ của sự chết, của việc
Chúa quang lâm, thiết tưởng mỗi người kitô hữu cần phải tỉnh thức và sẵn sàng:
«Anh em
hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến»
(Mt 24,44; Lc 12,40). Thái độ tỉnh thức và sẵn sàng ấy phải được thể hiện một
cách thực tế bằng sự tôn trọng và thực hiện «chân lý, công lý và tình thương»
(x. Mt 23,23b). Tình thương đòi hỏi ta không chỉ biết lo lắng cho số phận đời
đời của mình, mà còn cho số phận của những người sống chung quanh ta nữa. Trước
một thế giới sa đọa và tội lỗi như hiện nay, nếu ta không cảm thấy một sự lo
ngại nào, và cũng không thấy mình cần phải làm gì, điều đó chứng tỏ tình thương
và ý thức liên đới của ta còn rất yếu kém.
Trong ngày phán xét cuối cùng, điều chủ yếu mà
Thiên Chúa phán xét ta chính là tình yêu của ta đối với tha nhân và những việc
ta làm để thể hiện tình yêu ấy (x. Mt 25,31-46). Điều tốt lành nhất ta có thể
làm cho tha nhân chính là giúp họ trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa: Ngày
ấy, «những
ai làm cho người người nên công chính sẽ chiếu sáng muôn đời như những vì sao»
(Đn 12,3). Đó cũng chính là cách tốt nhất để chuẩn bị ngày ta ra trước tòa
Thiên Chúa.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, ai cũng chắc chắn 100% rằng
mình sẽ chết. Nhưng chẳng ai chắc chắn được chút nào về ngày giờ chết của mình.
Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào, thậm chí không mấy ai ngờ trước được. Vì
thế, con muốn chuẩn bị thật chu đáo ngày con ra trước tòa Cha. Con muốn ngày ấy
phải là ngày hạnh phúc nhất của con. Con muốn chuẩn bị bằng cách: ngày nào hay
giờ nào con cũng sống như thể ngày đó hay giờ đó là ngày hay giờ cuối cùng cuộc
đời con. Hy vọng với cách đó, con sẽ luôn luôn sẵn sàng trở về với Cha bất cứ
giây phút nào. Xin giúp con sống thật sự tinh thần chuẩn bị đó.
Joan Nguyễn Chính Kết