CHÚA NHẬT 33 QUANH NĂM, B

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:        Do-thái 10: 11-14, 18

        Ở cao điểm trình bày sự so sánh việc cử hành lễ Xá tội của Cựu Ước với việc Chúa Giê-su tự hiến trên thập giá, thư Do-thái đã đề cập tới người tế lễ, nơi cử hành hy tế, ý nghĩa của hành động vào cung thánh.  Tuy nhiên bài đọc hôm nay mới thực sự nêu lên điểm quan trọng nhất, đó là so sánh hiệu quả mà nhân loại đã nhận được do hiến tế Chúa Giê-su đã dâng lên Thiên Chúa với hiệu quả “lờ mờ” của hiến tế theo Lề Luật.  Hiệu quả do hiến tế của Chúa Giê-su là:  “Chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ” (10:10).  Tuy nhiên, muốn cho suy niệm của chúng ta được mạch lạc dựa trên lập luận của thư Do-thái, chúng ta có thể sử dụng nguyên cả đoạn thư, bắt đầu từ câu 1 chương 10 cho đến hết đoạn trích dẫn hôm nay, để thấy rõ hy tế theo Lề Luật (Lê-vi) thì vô hiệu, còn hy tế của Chúa Giê-su thì hữu hiệu vĩnh viễn.

 

a)  Hy tế hữu hiệu phải đưa con người đến gần Thiên Chúa                             

        Lề Luật ấn định những quy tắc cho việc cử hành hy tế, như chúng ta đã đọc thấy trong sách Lê-vi chương 16.  Tuy nhiên Lề Luật lại không thể xác định những gì chúng ta sẽ lãnh nhận được khi cử hành hy tế ấy mỗi năm một lần, mà “chỉ phác họa lờ mờ những phúc lộc của thế giới tương lai.”  Phúc lộc của thế giới tương lai là việc tha thứ tội lỗi, điều con người hằng khát khao mong đợi.  Thế mà Lề Luật chỉ có thể phác họa lờ mờ!  Vậy “lờ mờ” có nghĩa là tội lỗi vẫn chưa được xóa bỏ thực sự.  Dù mệnh danh là lễ “Xá tội” (xá nghĩa là tha cho, miễn cho), tức là biến một tội nhân thành một người vô tội và mở ra cho họ một tương lai để tiếp tục sống như một người tốt, nhưng lễ Xá tội quả thực đã không làm nổi công việc đó.  Lễ Xá tội chỉ có thể “năm này qua năm khác, nhắc cho người ta nhớ mình có tội” mà thôi.  Cho nên tội lỗi và quyền lực của nó vẫn còn hiện diện nơi con người như một chướng ngại vật không thể hủy diệt, ngăn cản con người tiến lại gần Thiên Chúa.

        Trái lại, Đức Ki-tô đã “băng qua các tầng trời” mà vào trần gian để thay thế cho hy tế bất lực của Lề Luật.  Người lấy chính thân mình làm hy lễ và đổ máu mình ra để xóa bỏ chướng ngại vật tội lỗi, nhờ đó Người đã thực hiện “chính xác những thực tại phúc lộc của thế giới tương lai.”  Nói khác đi, nhờ đổ máu làm lễ hy sinh trên thập giá để xóa bỏ tội lỗi chúng ta, Chúa Giê-su đã cho chúng ta có một tương lai rõ ràng, tức là giúp cho chúng ta trở thành con cái đích thực của Thiên Chúa và có khả năng tiến lại gần Thiên Chúa (ơn được nên công chính).

        Hy lễ Chúa Giê-su dâng tiến là thân thể Người.  Trước đó, các vị ngôn sứ cũng đã đề cập tới tính cách vô hiệu của máu chiên, dê và bò, nêu lên điểm thiếu sót căn bản của hy tế theo Lề Luật tức là thiếu lòng chân thành.  Nhưng máu của Chúa Giê-su là máu của con người “đến để thực thi ý Thiên Chúa” với tất cả chân thành và vâng phục.  Chính lòng chân thành và vâng phục của Người đã đem lại hiệu quả tuyệt vời là phá bỏ bức tường tội lỗi ngăn cách để con người có thể tiến lại gần Thiên Chúa.  “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người...” (Pl 2:9), nghĩa là đặt Người ngồi bên hữu và làm trung gian để chúng ta là những kẻ “đồng thừa kế” có thể nhờ Người mà đến gần Thiên Chúa.

 

b)  Hy tế hữu hiệu phải “làm cho những kẻ Người đã thánh hóa được nên hoàn hảo”      

        Xóa đi tội lỗi chúng ta, đó là hiệu quả khởi đầu cho một tiến trình “được nên hoàn hảo.”  Nếu Chúa Giê-su không đổ máu và chết trên thập giá, thì chúng ta vẫn hoàn toàn bị hậu quả của tội tổ tông chế ngự và không bao giờ có khả năng “tiến lại gần Thiên Chúa,” tức là được nên công chính.  Tội tổ tông đã tước đoạt nơi con người khả năng ấy rồi và không gì có thể phục hồi khả năng ấy cho con người, kể cả việc cử hành hy tế ngày lễ Xá tội.  Chết cho tội lỗi chúng ta, Chúa Giê-su đã vĩnh viễn chiến thắng tội lỗi và sự chết, khi Thánh Thần Thiên Chúa cho Người được chỗi dậy từ kẻ chết.  Sau khi sống lại, Chúa Ki-tô sẽ không còn chết nữa.  Thánh Phao-lô quả quyết như vậy.  Chúng ta cũng thế.  Nếu chúng ta cùng với Chúa Ki-tô chết đi cho tội lỗi chúng ta để tiếp tục sống con người mới, thì chúng ta cũng sẽ được nên giống như Người, nghĩa là sẽ được sống lại và sống muôn đời.

        Tuy nhiên khả năng “được nên hoàn hảo” Chúa Giê-su đem lại cho chúng ta là để chính chúng ta phải sử dụng khả năng ấy mà tiến lại gần Thiên Chúa.  Khả năng ấy là đôi chân, là phương tiện chỉ chúng ta mới sử dụng được, không ai có thể sử dụng giúp chúng ta, kể cả chính Đức Ki-tô.  Quyết định tiến lại gần Thiên Chúa là quyết định của cá nhân chúng ta.  Thiên Chúa chỉ mời gọi, chỉ chờ đợi.  Người đã giúp chúng ta bước đầu, là xóa bỏ tội lỗi chúng ta và cho chúng ta thân phận và tương lai mới, Người “sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác” của chúng ta nữa.  Để giúp chúng ta tiếp tục thực hiện tiến trình “được nên hoàn hảo,” Người “sẽ ghi vào tâm khảm chúng ta, sẽ khắc vào lòng trí chúng ta lề luật của Người.”  Và lề luật của Người, đó là chính Chúa Giê-su, một bộ luật bằng xương bằng thịt đã sống giữa chúng ta, mặc khải sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho chúng ta qua lời giảng và lối sống của Người, để chúng ta nghe và thực hành thì sẽ được sống đời đời.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

 

        “Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” Tôi đã bắt chước Chúa Giê-su để thưa như vậy trong hoàn cảnh sống hiện tại của tôi chưa?  Ý Chúa trong hoàn cảnh sống hiện tại của tôi là gì?  Nói khác đi, nếu tôi đang là một người cha, người mẹ, học sinh, linh mục hay tu sĩ, người đang sống ly dị... thì Chúa muốn tôi phải sống như thế nào?

        Sau khi được rửa tội, Chúa phục hồi cho tôi khả năng “được nên hoàn hảo” (có thể trở nên thánh thiện, hoặc ơn thánh hóa).  Vậy tôi đang sống ơn thánh hóa hoặc đang sử dụng khả năng nên thánh của tôi như thế nào?  Mỗi khi khả năng ấy tạm thời mất đi do tội lỗi, tôi có mau mắn đến xin hòa giải với Chúa để Người phục hồi cho tôi không?  Tôi có ý thức điều này mỗi khi cử hành Bí tích Giải tội không?

        Tôi đã lấy gương mẫu của Chúa Giê-su làm mẫu mực như thế nào?  Tôi có đọc và suy niệm Tin Mừng để tìm thấy những quy luật sống không?

        Tôi sẽ đọc tiếp đoạn 12:1-4 để suy niệm và cầu nguyện với Chúa Giê-su.

 

Cầu nguyện kết thúc

 

        Sau cầu nguyện bộc phát với những suy niệm đoạn 12:1-4, nhóm cùng hát một bài ca ngợi hy tế của Chúa Giê-su, thí dụ bài “Ngày xưa thánh giá là đền hy sinh, Máu Chúa chan hòa ghi dấu ân tình...”

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà