Chúa Nhật thứ 1 Mùa
Chay
(9-3-2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· St 9,8-15: (11) Ta lập giao ước của Ta với các ngươi : mọi xác phàm
sẽ không còn bị nước hồng thuỷ huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thuỷ để
tàn phá mặt đất nữa.
· 1Pr 3,18-22: (18) Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần
vì tội lỗi của những kẻ bất lương hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa.
· TIN MỪNG: Mc 1,12-15
Đức Giê-su chịu cám dỗ trước khi công khai rao giảng Tin
Mừng
(12) Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. (13) Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày,
chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ
Người. (14) Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su
đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. (15) Người nói: «Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.
Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng».
CHIA SẺ
Câu hỏi
gợi ý:
1. Tại sao trước khi Đức Giê-su bước ra đời để
loan báo Tin Mừng, Thánh Thần lại đẩy Ngài vào hoang địa để Ngài chịu cám dỗ?
Việc đó có cần thiết hay ích lợi cho Ngài hoặc cho ai không? Mục đích của Thánh
Thần là gì?
2. Bị cám dỗ là điều tốt hay xấu? Cám dỗ hay thử
thách có cần thiết cho việc nên thánh của ta không? Tại sao? Trước mặt Thiên
Chúa, một người giả như chưa hề phạm tội vì chưa bị cám dỗ bao giờ có thánh
thiện hơn người đã từng phạm tội vì tuy đã chống trả mãnh liệt nhưng lại thất
bại không?
3. Không nhờ cám dỗ, không nhờ thử thách, ta có
thể xác định sự thánh thiện hay đạo đức của mình hay của một ai không? Tại sao?
4. Cám dỗ hay thử thách là cần thiết, vậy có nên
tự tìm cho mình những dịp để «được» cám dỗ không? Tại sao?
Suy tư
gợi ý:
1. Đức
Giê-su chịu thử thách trước khi ra đi loan báo Tin Mừng
Cám dỗ là một điều cần thiết
trong cuộc sống để chúng ta có thể chứng tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa.
Thật vậy, làm sao ta có thể biết tình yêu của ta đối với Thiên Chúa và tha
nhân, tinh thần siêu thoát, lòng đạo đức của ta cao hay thấp và ở mức độ nào,
nếu ta không được thử thách? Tương tự như nếu không dùng lửa hay a-xít để thử,
làm sao ta có thể biết được những đồ trang sức của ta là vàng thật hay vàng
giả, là nguyên chất hay bị pha tạp? và nếu bị pha tạp thì pha tạp ở mức độ nào?
Để biết rõ một người trước khi dùng người đó, nhất là vào những chức vụ quan
trọng, giám đốc nhân sự của các công ty thường thử tay nghề, thử lương tâm, thử
bản lãnh, thử mức độ đáng tín nhiệm của người đó bằng nhiều phương cách khác
nhau. Ông có thể dàn dựng khéo léo những cơn cám dỗ. Nhờ những thử thách đó,
chẳng những viên giám đốc công ty biết rõ người mình muốn tuyển chọn, mà chính
bản thân người được thử thách ấy cũng biết rõ tài đức của mình hơn. Những người
đã qua được thử thách một cách thành công chắc chắn sẽ cảm thấy tự tin hơn và
dễ đạt được thành quả tối ưu trong công việc của mình. Như vậy, thiết tưởng
việc thử thách để biết bản lãnh về tài và đức của mình hay của người là một
việc cần thiết và hết sức dễ hiểu.
Quan niệm như thế, ta thấy việc «Thần Khí đẩy
Đức Giê-su vào hoang địa» để «chịu Xa-tan cám dỗ» trong «bốn mươi
ngày» trước khi Ngài khai mạc công việc rao giảng Tin Mừng, là một
việc dường như tất yếu phải có. Qua thử thách đó, Đức Giê-su có dịp tỏ ra cho
Thiên Chúa và mọi người thấy bản lãnh của Ngài để có thể đảm trách công việc
loan báo Tin Mừng và cứu chuộc nhân loại.
2. Thử thách
và cám dỗ rất cần thiết trong đời sống chúng ta
Trong mùa Chay, Giáo Hội mời gọi
chúng ta ý thức về tình trạng yếu kém, tội lỗi, đầy khiếm khuyết trong con
người hiện tại hay «con người cũ» – vốn «bị tội lỗi thống trị» (Rm
6,6) – của chúng ta. Từ đó, ta mới quyết tâm «cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa»
(Ep 4,22; x. Cl 3,9) để «mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo
theo hình ảnh Thiên Chúa hầu thật sự sống công chính và thánh thiện»
(Ep 4,24).
Nhiều khi chúng ta ý thức và tự
xưng rằng mình tội lỗi, dù rất thật lòng, nhưng ý thức về tình trạng tội lỗi ấy
nhiều khi hết sức mơ hồ. Chúng ta không biết mình tội lỗi thế nào, ở mức độ
nào, tội lỗi ở chỗ nào… Chính vì thế, chúng ta không biết đường nào mà sửa
mình, để rồi cuối cùng, chúng ta chẳng sửa đổi gì cả, nghĩa là «mèo vẫn hoàn
mèo». May thay, nhờ có những cám dỗ xảy đến trong đời sống mà ta
biết được mình tội lỗi thế nào, ở mức độ nào.
Cũng có nhiều khi ta tưởng mình
đạo đức, thánh thiện, vì ta cảm thấy mình rất ít khi lỗi luật của Chúa hay của
Giáo Hội. Ta có cảm tưởng ta rất tốt với bạn bè, với những người chung quanh
ta, vì ta thấy mình cư xử rất lịch thiệp với họ, không hề đụng chạm tới quyền
lợi họ, hay không hề cư xử bất công với họ… Ta cũng giống như Phê-rô và các
tông đồ xưa, nghĩ mình là người luôn luôn trung thành với Đức Giê-su bất kỳ
trong hoàn cảnh nào: «Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy»
(Mt 26,35). Khi nói như thế, các ông rất thành thật, không một chút dối trá.
Nhưng các ông không thể ngờ được phản ứng của các ông sau này khi Đức Giê-su bị
bắt: «Các
môn đệ bỏ Người mà chạy trốn hết» (Mt 26,56), còn Phê-rô, người tỏ ra
sẵn sàng sống chết với Thầy mình nhất thì «gà chưa kịp gáy ông đã chối Thầy tới ba lần»
(Mt 26,75).
Nhiều khi thứ đạo đức hay trong
sạch của ta tương tự như độ trong của một ly nước múc từ dưới bùn lên, nhưng đã
được để lắng trong nhiều ngày. Phần trên của ly nước cũng trong vắt không kém
gì một ly nước suối. Nhưng khi quậy lên thì nước trong ly đục ngầu đang khi ly
nước suối có quậy đến đâu cũng vẫn tiếp tục trong vắt. Nếu không quậy lên,
người ta có cảm tưởng nước ở trong cả hai ly tốt như nhau. Nếu không quậy lên,
làm sao biết được ly nào là trong thật sự? Cũng vậy, nếu không có cám dỗ, làm
sao biết được ai đạo đức sâu xa, ai đạo đức chỉ ở bề mặt?
3. Chỉ biết
mình đạo đức hay không qua những cám dỗ thử thách
Nguyễn Công Trứ viết: «Ví phỏng
đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai». Thật vậy, nếu
cuộc đời của mọi người đều an bình, thuận buồm xuôi gió cả, thì người có bản
lãnh sẽ hành xử chẳng khác gì người không bản lãnh. Nếu các đồ vàng bạc không
được thử bằng lửa hay a-xít thì chẳng sao phân biệt được vàng thật hay vàng
giả. Cũng vậy, chính trong cơn hoạn nạn ta mới biết được ai là bạn tốt, bạn
thật của ta: «Friend in need, friend indeed» (Bạn bè trong cơn hoạn nạn
mới là bạn thật). Tương tự, chỉ khi gặp những biến cố, những hoàn cảnh khó
khăn, ta mới biết được ta có đạo đức hay không. Muốn biết đạo đức của ta ở mức
độ nào, ta cần phải tự xét xem phản ứng của ta thế nào…
– khi quyền lợi của ta bị va chạm
một cách bất công: lúc đó ta nổi sùng lên và chửi rủa loạn xạ? hay ta bình tĩnh
xét xem nguyên nhân tại đâu, suy nghĩ xem có thể giải quyết cách nào cho đẹp
nhất, khôn ngoan nhất, bác ái nhất?
– khi có một quyền lợi nào đó
không thể phân chia xảy đến giữa ta và người bạn của ta: lúc đó ta quyết dành
quyền lợi ấy về cho mình? hay biết nhường cho bạn? Epictète đưa ra hình ảnh hai
con chó có vẻ quấn quít và yêu thương nhau lắm. Nhưng khi có ai quăng cho chúng
một cái xương, thì chúng quay ra cắn nhau sứt đầu chảy máu. Như vậy có thật là
chúng yêu thương nhau không? Làm sao biết được chúng có yêu thương nhau thật sự
không nếu không có miếng xương để thử?
– khi đứng trước một người gặp
nguy khốn đang cần cứu giúp, nhưng nếu cứu giúp thì ta sẽ phải hy sinh rất nhiều:
lúc đó ta sẽ cứu giúp người ấy bất chấp phải hy sinh? hay sẽ nhường việc cứu
giúp ấy cho người khác?
– khi đứng trước những bất công
trước mắt mà việc lên tiếng của ta có thể chặn đứng hay giảm bớt phần nào,
nhưng nếu lên tiếng thì ta sẽ bị sách nhiễu, công việc của ta sẽ bị cản trở:
lúc đó ta sẽ coi sự đau khổ của đồng loại quan trọng hơn sự thoải mái cá nhân
ta? hay ngược lại?
– khi mà nồi cơm của ta và gia
đình ta bị đe dọa nếu ta làm theo lương tâm, và làm theo lương tâm sẽ cứu được
biết bao nồi cơm của những gia đình khác: lúc đó ta sẽ coi những nồi cơm của vô
số gia đình kia quan trọng hơn nồi cơm của gia đình mình? hay ngược lại?
– khi có hai người giàu và nghèo
đến với ta một lúc, người giàu đem lại nhiều lợi lộc cho ta, còn người nghèo
đến để nhờ ta một việc khá khó khăn: lúc đó ta sẽ đối xử với hai người một cách
niềm nở như nhau? hay ta sẽ đối xử một cách phân biệt hết sức rõ rệt?
– v.v…
Rất nhiều người tưởng mình tốt
lành thánh thiện chỉ vì thấy mình chưa hề phạm một lỗi nào quá đáng, rồi dựa
trên sự vô tội của mình họ chê bai người khác đã phạm lỗi này tội kia. Thật ra
họ chỉ là người chưa phạm tội vì chưa phải ở trong những hoàn cảnh khó khăn,
nhiều cám dỗ, chứ không phải họ là những người khó có thể phạm tội. Rất có
thể khi gặp những hoàn cảnh khó khăn, những cơn thử thách, họ còn phạm tội nặng
nề hơn những người đã từng bị họ chê trách, mặc dù hoàn cảnh khó khăn hay sự
thử thách của họ chẳng nặng nề bằng những người kia. Sự thánh thiện đạo đức
phải dựa trên khả năng không phạm tội khi bị cám dỗ, chứ không chỉ đơn
thuần dựa trên tình trạng vô tội trong hiện tại chỉ vì chưa gặp cám dỗ.
Nhiều người tự hào khoe mình bản
lãnh lắm, hoặc được mọi người coi là đã tiến rất xa trên con đường nhân đức chỉ
vì tu hành đã lâu năm, hay vì được nắm giữ những chức vụ quan trọng trong Giáo
Hội, v.v… Nhưng khi gặp những thách đố, khi phải đối đầu với những cám dỗ chưa
từng gặp, họ mới nhận ra bản lãnh của mình còn non kém, hay đường nhân đức của
mình mới chỉ ở giai đoạn đầu.
Như đã nói trên, cám dỗ và thử
thách rất cần thiết cho việc nên thánh của ta. Tuy nhiên, không phải vì thế mà
ta nên tự tìm cho mình những cám dỗ. Trái lại, sự khôn ngoan đòi buộc ta phải
tránh xa các dịp tội, những điều kiện hay cơ hội khiến ta có thể phạm tội. Câu
«dĩ đào
vi thượng sách» là một phương cách rất hay trong việc tu đức hay nên
thánh. Và cũng nên nhớ lời khuyên của Phao-lô: «Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng
kẻo ngã» (1Cr 10,12). Nhưng khi những cám dỗ tình cờ xảy đến ngoài ý
muốn của ta, ta nên sẵn sàng đón nhận, và hãy chiến đấu một cách dũng cảm,
quảng đại. Rồi dù thắng hay bại, ta cũng hãy coi chúng như những hồng ân Chúa
ban để giúp ta hiểu rõ mình hơn, khiêm nhường hơn, giúp ta xác định đúng hơn
mình đang ở vị trí nào trên con đường nên thánh.
CẦu nguyỆn
Lạy Cha,
nhiều khi con thầm tự hào về mình, tưởng mình đã đạo đức hay thánh thiện lắm
rồi. Nhưng lắm khi chỉ cần gặp những cơn cám dỗ hơi bất thường một chút, con đã
ngã gục. Con cám ơn Cha đã gửi những cám dỗ ấy đến để con ý thức về bản lãnh
của con một cách chính xác hơn, nhờ đó con khiêm nhường hơn, và biết cảm thông
với những yếu đuối của đồng loại hơn.
Joan Nguyễn Chính Kết