Chúa Nhật I mùa Chay - B

 

Có lẽ chúng ta cảm thấy quen thuộc với câu truyện Chúa Giê-su chịu cám dỗ trong hoang địa được thánh Mát-thêu và Lu-ca kể lại, hơn là câu truyện do thánh Mác-cô kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay.  Thánh Mát-thêu và Lu-ca đi vào những chi tiết và đối thoại trong ba lần cám dỗ, trong hoang địa, trên nóc Đền Thờ và trên núi cao.  Còn thánh Mác-cô chỉ vỏn vẹn kể tên một số biến cố liên tiếp, như Chúa Giê-su vào hoang địa, chịu Xa-tan cám dỗ và sống giữa dã thú, sau đó thánh sử hướng chúng ta tới điểm chính, tức là Chúa Giê-su rao giảng và sứ điệp rao giảng của Người gồm những gì.  Trình bày như thế, thánh Mác-cô muốn chúng ta thấy rõ những cám dỗ tựu chung là những thử thách Chúa Giê-su phải đương đầu khi Người thi hành sứ vụ Cứu Thế.  Hoặc nói khác đi, cho dù những cám dỗ Chúa Giê-su chịu có diễn ra trong bất cứ hình thức nào hay ở bất cứ nơi chốn nào đi nữa, thì mục tiêu duy nhất mà những cám dỗ ấy nhắm tới vẫn là làm sao khiến cho Chúa Giê-su đừng trung thành với sứ vụ Cứu Thế, đừng làm theo thánh ý và kế hoạch Chúa Cha đã phác họa.

 

Để suy nghĩ về điểm này, chúng ta có thể mượn những chi tiết trong trình thuật Tin Mừng của thánh Mát-thêu và Lu-ca.  Lần cám dỗ thứ nhất trong hoang địa, ma quỷ thách Chúa Giê-su biến hòn đá thành bánh.  Nếu làm được như vậy, Chúa Giê-su sẽ có thể sử dụng quyền phép ấy để đem lại cơm no áo ấm cho đồng bào và Người sẽ trở thành một lãnh tụ chính trị nổi tiếng, thay vì đem lương thực thiêng liêng là Lời Chúa đến cho nhân loại và hiến thân làm của ăn linh hồn trong Bí tích Thánh Thể.  Lần cám dỗ thứ hai, ma quỷ đem Chúa lên nóc Đền Thờ, cho Chúa một cơ hội để Người có thể được dân chúng ngưỡng mộ tôn vinh nếu Người nhảy từ trên cao xuống mà không hề hấn gì.  Tại sao Chúa không tìm con đường tắt để được tôn vinh, chỉ cần nhảy từ trên cao xuống và được an toàn, thay vì phải chịu chống đối mọi bề, chịu cuộc khổ nạn và chết nhục nhã trên thập giá?  Lần cám dỗ thứ ba xem ra lại còn đơn giản hơn nữa.  Ma quỷ đưa Chúa lên núi cao, cho thấy tất cả sự giàu sang, lớn lao của thế giới, rồi nó bảo Người:  chỉ cần làm một cử chỉ đơn thuần là sấp mình bái lạy nó.  Dễ ợt thôi mà!  Việc gì phải tùng phục theo ý của Chúa Cha, vất vả cả một đời!  Nhưng chúng ta thấy đó!  Cả ba thứ cám dỗ kia tuy có khác nhau về hình thức, về nơi chốn, nhưng chung quy vẫn là xúi giục Chúa Giê-su cứ làm theo kế hoạch riêng của mình, chứ đừng làm theo ý Chúa Cha, hay nói tóm lại, ma quỷ xúi giục Chúa Giê-su muốn gì thì cứ làm, không cần phải làm “Con yêu dấu” của Chúa Cha!

 

Những gì được nói về cám dỗ chúng ta thấy nơi con người của Chúa Giê-su thì chúng ta cũng có thể gặp thấy chính nơi chúng ta.  Thường chúng ta chỉ nhìn những cám dỗ chúng ta phải chịu như là những trường hợp riêng rẽ, không có gì móc nối giữa cám dỗ này với cám dỗ kia.  Thí dụ hôm qua tôi bị cám dỗ ngoại tình, bất trung với người bạn đường của tôi.  Hôm nay tôi bị cám dỗ ghé vào bar, uống mấy ly rượu.  Tôi vẫn nghĩ rằng:  hôm qua khác với hôm nay, cám dỗ ngoại tình khác với cám dỗ uống rượu.  Tôi không thấy có gì liên kết giữa chúng cả.  Nhưng thực ra chúng ta quên mất rằng:  con người chúng ta là một toàn bộ, những nguyên nhân, những hệ quả ràng buộc với nhau.  Cho nên những cám dỗ dưới hình thức khác nhau và trong những hoàn cảnh khác nhau chỉ là những khía cạnh khác nhau của cùng một thử thách chính, tức là thứ cám dỗ xúi giục chúng ta đừng sống như những người con cái của Thiên Chúa.

 

Là người “Con Yêu Dấu” của Chúa Cha, Chúa Giê-su đã bị cám dỗ đừng thi hành sứ vụ, đừng nói cho nhân loại sứ điệp của Chúa Cha là “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”  Ma quỷ không muốn nhân loại quay về với Thiên Chúa, nên nó phải tìm đủ cách để ngăn cản.  Nó lo sợ rằng Chúa Giê-su sẽ kêu gọi loài người từ bỏ tội lỗi để trở lại với Thiên Chúa.  Nó muốn bưng bít Tin Mừng sắp được công bố.  Cho nên nó phải cám dỗ Chúa Giê-su ráo riết để Người bỏ cuộc.  Sách Tin Mừng cho chúng ta thấy:  ma quỷ đã bại trận trong cuộc cám dỗ khốc liệt này, và Chúa Giê-su đã chiến thắng.  Thánh Mác-cô viết về cuộc chiến thắng này như sau:  “Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa.  Người nói:  ‘Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.  Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”  Thế là “Lời của Thiên Chúa” bắt đầu vang lên, không phải chỉ ở miền Ga-li-lê mà thôi, nhưng khắp thế giới, kêu gọi con người trở về với Thiên Chúa.

 

Nhưng chúng ta sẽ đặt câu hỏi:  Vậy những cám dỗ Chúa Giê-su chịu có liên hệ gì với chúng tôi?  Có chứ.  Mà lại còn liên hệ rất chặt chẽ nữa.  Nếu ma quỷ đã thất bại trong việc “bịt miệng” Thiên Chúa để khỏi công bố sứ điệp sám hối, thì nó sẽ quay sang chúng ta để “bịt tai” chúng ta đừng nghe sứ điệp ấy.  “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” là sứ điệp Giáo Hội muốn lập lại và nhắc nhở chúng ta hãy sống, đặc biệt trong mùa Chay thánh.  Đây cũng là chủ đề suy niệm và kế hoạch sống đức tin cho tất cả mùa Chay.  Hy vọng chúng ta có cơ hội suy niệm Lời Chúa kỹ càng hơn trong chủ đề này.  Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là làm sao đem sứ điệp của Chúa Giê-su “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” vào trong đời sống hằng ngày của chúng ta.  Thực hiện được sứ điệp ấy mỗi ngày tức là chúng ta đang dần dần thắng được cám dỗ của Xa-tan vậy.

 

Lạy Chúa Giê-su, Đấng chiến thắng cám dỗ của ma quỷ, xin giúp chúng con cũng được chiến thắng cùng với Chúa.  A-men. 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi