Chúa Nhật thứ 2 Mùa
Chay
(16-3-2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· St
22,1-2.9a.10-13.15-18: (15) Sứ thần Chúa nói với Áp-ra-ham: (16) «Bởi vì ngươi
đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, (17) nên Ta sẽ
thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như
sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. (18) Mọi dân tộc
trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì
ngươi đã vâng lời Ta.
· Rm 8,31b-34: (31b) Có Thiên
Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?
· TIN MỪNG : Mc 9,2-10
Đức Giê-su biến đổi hình dạng (// Mt 17,1-8; Lc 9,28-36)
(2) Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông
Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một
chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng
trước mắt các ông. (3) Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở
trần gian giặt trắng được như vậy. (4) Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông
Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. (5) Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su
rằng : «Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay
! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho
ông Ê-li-a». (6) Thực ra, ông không biết phải nói gì,
vì các ông kinh hoàng. (7) Bỗng có một đám mây bao phủ các ông.
Và từ đám mây, có tiếng phán rằng : «Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe
lời Người». (8) Các ông chợt nhìn quanh, thì không
thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi. (9) Ở trên núi
xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều
vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. (10) Các ông
tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu «từ cõi chết sống lại» nghĩa là
gì.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý :
1. Điều
các tông đồ thấy nơi Đức Giê-su khi Ngài hiển dung trên núi khác với điều các
ông thấy nơi Ngài hằng ngày ở chỗ nào? Trường hợp nào các ông thấy được bản
chất của Ngài?
2. Chúng
ta cần hành xử với mọi người đúng theo bản chất con người họ, hay theo những gì
chúng ta thấy ở bên ngoài? Bản chất đích thực và sâu xa nhất của mỗi người là
gì?
3. Bản
chất đích thực của mọi người chung quanh ta – là hình ảnh và là con cái Thiên
Chúa – có hiện ra trước con mắt đức tin của ta không? Ta thường hành xử theo
con mắt đức tin hay theo con mắt xác thịt?
Suy tư gợi ý :
1. Bản chất và hiện tượng
Khi cứu xét một sự vật, dù lớn hay nhỏ, tâm hay vật, trừu tượng hay cụ
thể… bất cứ triết lý nào, đông phương cũng như tây phương, đều nói đến và phân
biệt hai phạm trù căn bản này: bản chất và hiện tượng.
– Hiện tượng: là những gì hiện ra trước mắt mọi người, thấy được dễ
dàng, và thường thay đổi, nay thế này mai thế khác. Chẳng hạn, đối với một
người, thì hiện tượng là những gì liên quan đến hình dạng (khuôn mặt, chiều
cao, vẻ đẹp, mầu da), khả năng (trình độ văn hóa, nghề nghiệp, chuyên môn, tài
nghệ), tính nết (quan niệm, tư tưởng, thói quen, các khuynh hướng), sở hữu (sự
giàu nghèo, của cải, nhà cửa), v.v…
– Bản chất: là cái sâu thẳm bên trong, khiến cho một vật là chính nó,
chỉ thấy được bằng trí tuệ, và tương đối không thay đổi.
2. Khi Đức Giê-su hiển dung, các tông đồ thấy
được bản chất của Ngài
Khi sống với Đức Giê-su, các tông đồ chỉ thấy được những hiện tượng bên
ngoài của Thầy mình: thân xác, thói quen, lời nói, việc làm, với những lời
giảng dạy, những phép lạ, v.v… Từ đó các ông dự đoán về bản chất của Thầy mình:
trước hết Ngài là một Thầy Đạo vì Ngài dạy về đạo lý, tôn giáo; kế đến Ngài là
người được Thiên Chúa sai đến, là người của Thiên Chúa, vì Ngài có thể nhân
danh Thiên Chúa mà làm phép lạ, chữa bệnh, trừ quỉ… Sự hiểu biết của các ông về
bản chất của Ngài chỉ là dự đoán, căn cứ trên những hiện tượng mà các ông thấy
được, tuy đúng, nhưng chưa phải là bản chất đích thực và sâu xa của Ngài.
Nhưng vào thời điểm của bài Tin Mừng này, các ông được nhìn thấy nhãn
tiền bản chất của Thầy mình qua những hình ảnh mang tính biểu tượng diễn ra
trước mắt các ông. Ngài đứng giữa Mô-sê và Ê-li-a, là hai nhân vật vĩ đại tiêu
biểu cho Lề Luật và các ngôn sứ, là hai thực tại nền tảng của tôn giáo Do Thái.
Đứng giữa hai ông, điều đó có nghĩa là Ngài lớn hơn hai ông. Toàn cảnh – với y
phục rực rỡ, mây trắng bao phủ – biểu tượng cho sự vinh quang cùng tột của
Ngài. Câu nói từ trong đám mây phán xuống cho các ông biết rõ bản chất đích
thực của Ngài: «Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người». Vậy thì
Ngài chính là Con Thiên Chúa. Điều các ông thấy bằng mắt, nghe bằng tai về Thầy
mình hôm nay là bản chất đích thực của Ngài, khác với bình thường các ông chỉ
thấy những hiện tượng bên ngoài của Ngài.
3. Chúng ta cần thấy được bản chất của chính
mình, của tha nhân
Trong đời sống, chúng ta chỉ nhìn thấy được những hiện tượng bên ngoài
của sự vật, của người này người nọ. Và qua những hiện tượng ấy, tâm trí ta tìm
kiếm, khám phá ra bản chất của sự vật, của con người. Tuy nhiên, nếu chỉ căn cứ
vào những hiện tượng bên ngoài, sự phán đoán của ta về bản chất của sự vật hay
của con người có thể sai lầm. Thấy được bản chất đích thực của người, việc, vấn
đề ta gặp trong cuộc đời là điều hết sức quan trọng để chúng ta hành xử đúng,
thích hợp.
Trong đời sống, rất nhiều khi chúng ta đối xử với người khác, theo
những hiện tượng mà ta thấy được nơi họ, chứ không theo bản chất đích thực của
họ. Hiện tượng là cái có thể thay đổi, nay còn mai mất, nay thế này mai thế
khác: như của cải, tài năng, quyền lực… Thật vậy, nhiều người hôm trước còn
giàu nứt khố đổ vách, hôm sau biến thành trắng tay. Nhiều người khi gặp lại sau
nhiều năm xa cách, ta không ngờ được tính tình của họ đã đổi trắng thay đen quá
nhanh chóng và sâu xa… Nói cụ thể hơn, nhiều khi cách chúng ta đối xử với tha
nhân tùy thuộc vào sự giàu nghèo, vào quyền lực, vào tính nết của họ… Chúng ta
không nhìn vào bản chất đích thực của họ và đối xử theo bản chất ấy.
4. Bản chất đích thực của con người: là hình
ảnh và là con cái của Thiên Chúa, được dựng nên giống như Ngài
Sự hiển dung của Đức Giê-su cho các tông đồ và cho cả chúng ta thấy bản
chất đích thực của Ngài. Kinh Thánh, hay đức tin, cho ta biết bản chất đích
thực và sâu xa nhất của ta và của những người mà ta gặp trong cuộc đời. Họ và
ta đều được Thiên Chúa tạo dựng «theo hình ảnh của Ngài» (St 1,27; 9,6; Ep
4,24), «giống
như Ngài» (St 1,26; 5,1), để trở thành «con cái Ngài» (Lc 20,36; Ga
11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10). Họ và ta đã được Thiên Chúa «ban tặng một
điều rất quý báu và trọng đại» là «được thông phần bản tính của Ngài»
(2Pr 1,4). Mà bản tính của Ngài là thần linh, nên khi «được thông phần bản tính của Ngài»,
một cách nào đó, họ và ta cũng mang bản tính thần linh nơi bản chất mình (x. Tv
82,6; Ga 10,35). Đức tin Ki-tô giáo cho chúng ta thấy phẩm giá nội tại của con
người thật hết sức cao cả. Nếu nhìn bằng con mắt đức tin, và thật sự hành xử
đúng theo những gì đức tin đòi hỏi, chúng ta sẽ phải coi trọng chính bản thân
mình và mọi người chung quanh ta biết bao!
Coi trọng bản thân đòi buộc ta phải sống thánh thiện, tốt lành, cao
thượng xứng với bản chất cao quí của mình. Sống hèn hạ, tội lỗi không chỉ là tự
khinh rẻ bản thân mình, mà còn giống như làm dơ bẩn hay chà đạp hình ảnh của
Thiên Chúa. Một cách nào đó, đó là vũ nhục Thiên Chúa. Tương tự như con của một
ông vua mà sống một cách hèn hạ, nhục nhã, mất phẩm giá, điều này làm mất mặt
nhà vua, làm nhà vua phải xấu hổ trước mặt thần dân.
Coi trọng mọi người đòi buộc chúng ta phải cư xử với họ đúng với bản
chất cao quí của họ. Bất cứ ai, hễ đã là người thì ta đều phải coi trọng, cho
dù người đó hiện ra thế nào trong thế giới hiện tượng: nghèo nàn, dơ bẩn, hèn
hạ, xấu xa, tội lỗi, hay có những hành vi bỉ ổi, đáng khinh… Dù họ thế nào, hễ
đã là người, thì họ đáng kính trọng, chính vì bản chất của con người rất cao
trọng. Luật pháp các nước nói chung đều cho việc cố ý giết người là một tội
nặng, đáng chịu hình phạt nặng nhất, cho dù người bị giết là người có những
hành vi hèn mạt hay tội lỗi đến đâu. Điều đó cho thấy luật pháp các nước đã
nhìn nhận phẩm giá cao quí của con người, bất chấp con người thế nào.
Là người Ki-tô hữu, đúng ra ta phải luôn luôn thấy mọi người đều «hiển dung»
trước con mắt đức tin của mình, nghĩa là ta phải thấy được bản chất đích thực rất
cao quí của mọi người. Nếu ta thật sự tôn trọng và yêu mến Thiên Chúa, thì tất
nhiên ta phải tôn trọng và yêu mến con cái của Ngài, hình ảnh của Ngài, là
những con người cụ thể chung quanh ta. Thiên Chúa thì vô hình, nhưng hiện thân
của Ngài thì rất hữu hình bên cạnh ta, chung quanh ta. Nếu ta không tôn trọng
và yêu mến những hiện thân cụ thể ấy của Ngài, thì sự tôn trọng và yêu mến Ngài
nơi ta chỉ là một ảo tưởng. Thánh Gio-an nói: «Nếu ai nói : "Tôi yêu mến Thiên
Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu
thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ
không trông thấy» (1Ga 4,20).
CẦu nguyỆn
Lạy Cha, việc Đức Giê-su hiển dung trước mắt các tông đồ
khiến các ông nhìn thấy bản chất đích thực và cao trọng của Ngài là Con Thiên
Chúa. Nếu con mắt đức tin của con còn trong sáng, tinh nhuệ, ắt con cũng thấy
mọi người chung quanh con «hiển dung» trước mắt con với bản chất rất
cao trọng của họ: là hình ảnh và là con cái của Cha. Xin cho con biết biểu lộ lòng
yêu mến và tôn trọng Cha một cách cụ thể qua việc yêu thương và quí mến những
người đang sống chung quanh con, bất chấp họ là người thế nào.
Joan Nguyễn Chính Kết