CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY

Bài 1

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:  Rô-ma 8: 31-34

          Bài đọc Tân Ước hôm nay vẫn tiếp tục suy niệm về vai trò của Chúa Ki-tô trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Chúa Nhật trước bài đọc sử dụng đoạn thư thứ nhất của thánh Phê-rô và hôm nay đoạn thư của thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma, cùng một chủ đề nhưng được trình bày dưới những khía cạnh khác biệt.  Thánh Phê-rô cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi và cứu chuộc chúng ta nhờ cái chết và sự sống lại của Chúa Ki-tô.  Còn thánh Phao-lô thì muốn đề cao tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, Đấng “bênh đỡ chúng ta” và không “buộc tội, lên án” chúng ta.

          Người ta vẫn coi đoạn thư Rô-ma hôm nay là một trong những đoạn an ủi và khích lệ chúng ta nhất trong toàn bộ Kinh Thánh.  Vậy an ủi và khích lệ ở điểm nào?  Thánh Phao-lô đã nêu lên một chân lý tuyệt vời:  “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (câu 31).  Tiếp theo, với lý luận sắc bén và hùng hồn (cc. 32-34), thánh Phao-lô đã nại đến lòng quảng đại (không buộc tội) và lòng nhân từ (không kết án) của Thiên Chúa, để chứng minh cho chân lý nói trên.  Vậy trước hết chúng ta thử đi vào lý luận của thánh Phao-lô, rồi trở lại điều ngài khẳng định là Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta.  Cuối cùng là đi tới kết luận:  tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ và thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô.

 

a)  Tình yêu quảng đại của Thiên Chúa

          Đặc tính quảng đại của tình yêu Thiên Chúa được nhận ra qua sự kiện chắc chắn là Người không buộc tội chúng ta.  Tuy tội lỗi nguyên tổ và những tội riêng của chúng ta đã phạm tới Thiên Chúa, Người vẫn không muốn hủy diệt chúng ta.  Trái lại, ngay từ đầu Người còn muốn kêu gọi, tuyển chọn và làm cho chúng ta được nên công chính (đọc lại các câu 29-30).  Thiên Chúa có quyền buộc tội chúng ta và chính chúng ta cũng đáng bị buộc tội.  Vậy mà Người đã không làm theo lẽ công chính của Người, nhưng làm vì sự công chính cho chúng ta.  Chính đặc tính quảng đại của tình yêu đã khiến Thiên Chúa đối xử với con người không như Đấng Tạo dựng công thẳng đối xử với tạo vật tội lỗi, nhưng như hoàn toàn với tình yêu của người Cha đối với con cái.

          Điểm độc đáo trong lý luận của Phao-lô là thách thức.  Cùng với Phao-lô, mỗi người chúng ta có thể tự hào rằng:  Thiên Chúa đã tuyển chọn chúng tôi và làm cho chúng tôi được nên công chính, vậy thì chúng tôi thách ai dám chống lại Thiên Chúa mà buộc tội chúng tôi đấy!  Tiếp đến, chúng ta như nghe thấy Phao-lô trấn an chúng ta:  Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?

          Chống lại chúng ta không chỉ là người khác, nhưng còn là ba thù (thế gian, tội lỗi và ma quỷ).  Như thế, thánh Phao-lô đặt chúng ta vào hoàn cảnh sống giữa thử thách trần gian và mời gọi chúng ta tin tưởng vào sự bênh đỡ của Thiên Chúa.

 

b)  Tình yêu nhân từ của Thiên Chúa

          Nếu hiểu buộc tội và kết án là hai giai đoạn để xử một người, chúng ta sẽ dễ dàng phân biệt được hai đặc tính của tình yêu Thiên Chúa:  quảng đại và nhân từ.  Phải buộc tội trước rồi mới kết án sau.  Phao-lô muốn trình bày tình yêu cứu độ của Thiên Chúa như một kế hoạch, một lịch sử có đầu có cuối.  Khởi đầu của kế hoạch ấy là Thiên Chúa tiền định sẽ làm cho chúng ta được nên công chính (tức là không buộc tội).  Tiếp theo là kế hoạch ấy được thực hiện “nhờ Đức Ki-tô” đã nhập thể, rao giảng Tin Mừng, chịu khổ nạn, chết và sống lại, để “giải án tuyên công” cho tất cả những ai tin vào Người (tức là không kết án).  Cuối cùng là mọi người được hưởng phúc vinh quang.

          Vậy đặc tính nhân từ của tình yêu Thiên Chúa và không kết án con người là một bước tiếp theo đặc tính quảng đại.  Khi sai Con Một đến với thế gian, Thiên Chúa đã trao quyền kết án cho Người (Ga 12:48; 16:8-11).  Nhưng đối với những người Thiên Chúa đã tuyển chọn và cho được nên công chính, thì Đức Ki-tô sẽ không kết án họ.  Ai lại kết án những kẻ mình vừa cứu thoát bao giờ!

 

c)  Chúa Giê-su Ki-tô thể hiện tình yêu quảng đại và nhân từ của Thiên Chúa 

          Suy niệm về tình yêu cao cả của Thiên Chúa không phải chỉ nghĩ về những ý niệm trừu tượng, nhưng là ngắm suy một tình yêu “nhập thể”, tình yêu “chúng tôi đã nghe, đã thấy tận mắt, đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã chạm đến” (1 Ga 1:1).  Điểm tuyệt vời trong lý luận của Phao-lô là vừa cho chúng ta thấy tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, lại vừa cho chúng ta có dịp chiêm ngưỡng tình yêu ấy nơi Chúa Giê-su Ki-tô.  Chúa Ki-tô luôn là một dấu chỉ sống động nói lên tình yêu Thiên Chúa.  I-xa-ắc được tha chết chỉ nói lên lòng quảng đại của Thiên Chúa đối với Áp-ra-ham.  Nhưng chính việc Chúa Ki-tô không được tha chết mới có thể nói lên được tất cả chiều dài, rộng, cao, sâu của tình yêu Thiên Chúa (x. Ep 3:18-19) ôm ấp toàn thể nhân loại.

          Chúng ta thiết nghĩ khi chọn đoạn thư này cho Phụng vụ Lời Chúa mùa Chay, Giáo Hội muốn chúng ta suy gẫm về tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.  Tuy nhiên Giáo Hội cũng muốn nêu lên chân lý mà thánh Phao-lô đã đề cao:  Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?  Cuộc đời Ki-tô hữu là cả một mùa Chay dài với những thử thách chiến đấu không ngừng.  Nhưng nếu chúng ta xác tín được những gì Thiên Chúa làm cho chúng ta do tình yêu cứu độ của Người, thì chúng ta sẽ tìm được nâng đỡ và sức mạnh để hoàn tất hành trình đức tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, “Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta.”

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Suy niệm về tình yêu Thiên Chúa là đề tài chúng ta thường lập đi lập lại nhiều lần.  Nhưng với bài đọc hôm nay, thánh Phao-lô đã giúp tôi nhận ra những đặc tính của tình yêu ấy như thế nào?  Suy niệm này có ý nghĩa gì trong mùa Chay?

          Đặc điểm của đoạn thư thánh Phao-lô hôm nay đã đem lại những an ủi và khích lệ cho Ki-tô hữu.  Với hoàn cảnh sống hiện thời của tôi, tôi nhận được an ủi và khích lệ trên những phương diện nào?

          Đoạn thư tuy có nói lên ý định hữu hiệu và yêu thương của Thiên Chúa muốn cứu độ con người, nhưng không nhắc đến trách nhiệm của mỗi người chúng ta là phải đáp trả và cộng tác với kế hoạch của Thiên Chúa.  Vậy tôi sẽ phải làm gì để chu toàn trách nhiệm của tôi?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài ca tụng tình yêu Thiên Chúa, thí dụ “Chúa là tình yêu, Ngài đã đến cứu thế giới...”

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà