Chúa Nhật II Mùa Chay

Bài 2

 

          Sau tháng 4 năm 75, tôi gặp lại một người học trò cũ tại Hoa-kỳ.  Lúc ấy vợ con anh còn kẹt lại bên Việt Nam và anh rất cô đơn, hết đi làm rồi trở về căn phòng mướn.  Anh tâm sự với tôi.  Cha biết không?  Mỗi lần cảm thấy quá chán nản là con phải nghĩ ngay tới vợ con, người bạn đường đã yêu thương con thật nhiều và đứa con kháu khỉnh dễ thương.  Tình yêu của họ đã thực sự trở thành sức mạnh giúp con kiên nhẫn và hy vọng.

         

          Những kinh nghiệm sống tương tự như vậy gặp được rất nhiều.  Nó cho chúng ta thấy vai trò của tình yêu thật là quan trọng, đặc biệt trong những lúc chúng ta phải đối phó với những thử thách của cuộc đời.  Kinh nghiệm ấy hôm nay lại càng trở nên sống động qua câu truyện Tin Mừng thánh Mác-cô, kể lại biến cố Chúa Giê-su biến đổi hình dạng – hoặc nói theo ngôn từ thần học là Chúa Giê-su hiển dung – trên núi Ta-bô-rê.  Biến cố này xảy ra sau khi Chúa Giê-su tiên báo lần thứ nhất rằng Người sẽ lên Giê-ru-sa-lem, sẽ chịu đau khổ và phải chết.  Người đem theo ba môn đệ thân tín lên núi Ta-bô-rê, tại đây hình dạng Người biến đổi sáng láng.  Rồi có ngôn sứ Ê-li-a cùng với ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Người và có đám mây bao phủ các ngài.  Qua những chi tiết ấy, thánh sử Mác-cô muốn dẫn chúng ta tới tột đỉnh của biến cố, tức là chính những lời Thiên Chúa Cha phán dạy:  “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”

          “Đây là Con Ta yêu dấu.”  Những lời này của Chúa Cha cho chúng ta thấy điều gì?  Trước hết đó là một khẳng định Chúa Giê-su là ai.  Người là Con Thiên Chúa.  Nhưng hơn thế nữa, những lời “Đây là Con Ta yêu dấu” còn nói lên tình yêu đặc biệt Chúa Cha dành cho Chúa Giê-su.  Là con người như chúng ta, Chúa Giê-su cần nghe được những lời khẳng định này, cần xác tín là mình được Thiên Chúa yêu thương.  Chắc chúng ta còn nhớ đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật tuần trước, nói về việc Chúa Giê-su thắng cám dỗ của Xa-tan và Người lên đường thi hành sứ vụ, rao giảng kêu gọi nhân loại “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”  Sở dĩ Chúa Giê-su thắng được cám dỗ và trung thành với sứ vụ là vì Người cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa Cha dành cho Người.  Có lẽ chúng ta phải trở lại biến cố trước đó nữa, để nhận ra tình yêu Thiên Chúa Cha đối với Chúa Giê-su như thế nào.  Trước khi vào hoang địa và chịu cám dỗ, Chúa Giê-su đã đến sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.  Đang khi Người lãnh nhận phép rửa của Gio-an, thì  “có tiếng từ trời phán rằng:  “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1:11).  Như vậy, qua biến cố Biến hình trên núi Ta-bô-rê, đây là lần thứ hai Thiên Chúa Cha giới thiệu Chúa Giê-su là Con Một và Người tỏ ra tình yêu đặc biệt Người dành cho Chúa Giê-su.  Để thắng vượt cám dỗ của Xa-tan, Chúa Giê-su cần xác nhận tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho Người.  Vậy thì lần này, tại sao Chúa Giê-su cần phải xác nhận lại tình yêu của Thiên Chúa?

 

          Như chúng ta đã thấy hoàn cảnh diễn ra biến cố Chúa Giê-su biến đổi hình dạng, đó là thời điểm sau khi Người báo trước cuộc Tử nạn và Người cùng với các môn đệ trên đường lên Giê-ru-sa-lem.  Trước viễn tượng đau khổ và cái chết tới gần, Chúa Giê-su với bản tính con người như chúng ta hẳn cũng thấy rùng mình hãi sợ.  Người bị cám dỗ tháo lui bỏ cuộc.  Người cần sự nâng đỡ khích lệ, cho riêng cá nhân Người và cho cả các môn đệ của Người nữa.  Người có thể tìm được ở đâu sự nâng đỡ khích lệ ấy, nếu không phải là duy ở nơi Thiên Chúa?  Qua lời xác quyết của  Chúa  Cha: “Đây là Con Ta yêu dấu,” Chúa Giê-su đã tìm lại được nguồn sức mạnh từ nơi trái tim yêu thương của Chúa Cha, giúp Người can đảm và trung thành hoàn tất sứ vụ cứu thế.  Tình yêu của Thiên Chúa cần thiết như thế đó! 

 

Nhưng Thiên Chúa Cha còn hướng về các môn đệ Chúa Giê-su, tức là ông Phê-rô, ông Gia-cô-bê và ông Gio-an, và cả chúng ta hôm nay nữa, Người phán:  “Hãy vâng nghe lời Người!”  Có nghĩa là chúng ta hãy noi gương Chúa Giê-su, hãy xác tín tình yêu của Thiên Chúa yêu thương chúng ta, hãy tìm đến nguồn sức mạnh nâng đỡ chúng ta trong cơn cám dỗ, trong lúc khó khăn thử thách.  Đang khi tiếp tục hành trình đức tin trong mùa Chay này, chúng ta cảm nhận mình cần phải có sức mạnh để theo con đường thập giá của Chúa Ki-tô.  Chúng ta cần phải nhớ đến tình yêu Thiên Chúa trong những lúc nghi ngờ đức tin.  Có khi chúng ta mất đi một người thân, hoặc cảm thấy chính mình cũng đang lạc lõng giữa dòng đời và không biết đi về đâu.  Chúng ta phải vật lộn với câu hỏi “Nếu Chúa thương tôi, tại sao hết rủi ro này tới rủi ro khác cứ dồn dập xảy đến cho tôi?”  Chúng ta nghi ngờ cả tình yêu của Thiên Chúa.  Không dễ gì để trả lời cho câu hỏi rất thực tế đó.  Chính Chúa Giê-su cũng không có câu trả lời cho chính Người.  Người không thể cắt nghĩa tại sao Chúa Cha lại sử dụng một phương thức không theo cái lô-gích của con người.  Nhưng có một điều chắc chắn Chúa Giê-su biết và xác tín, đó là Thiên Chúa Cha yêu thương Người, đồng thời Thiên Chúa Cha cũng yêu thương thế gian đến nỗi trao nộp Người cho họ nữa.  Cho nên, chỉ có tình yêu đích thực mới hiểu được những gì lý trí con người không giải thích nổi.

 

Thiên Chúa Cha muốn chúng ta bắt chước Chúa Giê-su, tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa, để thắng vượt khó khăn và trung thành với sứ mệnh làm con cái Chúa.  Chúa Giê-su đã được tình yêu của Chúa Cha củng cố, và Người đã truyền lại sức mạnh ấy cho các môn đệ Người.  Cho nên Chúa Cha cũng muốn chúng ta hãy bắt chước Chúa Giê-su, đem tình yêu của chúng ta đến cho anh chị em, giúp họ có sức mạnh và can đảm để đối phó với những khó khăn cuộc đời.  Chúa mong mỏi mỗi người chúng ta phải là một núi Ta-bô-rê sống động, để anh chị em có thể đến với chúng ta và cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa nơi chúng ta.

 

Lạy Chúa Cha rất đáng mến, chúng con cảm tạ Cha đã ban cho chúng con gương mẫu là Chúa Giê-su.  Chúng con nguyện sẽ luôn nhớ tình yêu Cha yêu chúng con và lời Cha nhắn nhủ hãy noi gương Con Một Cha, mà nâng đỡ anh chị em chúng con bằng chính tình yêu chúng con đã lãnh nhận nơi Cha.  A-men.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà