CHÚA
NHẬT III MÙA CHAY, NĂM B
ĐỀN THỜ MỚI
Chúa nhật
thứ ba mùa chay năm nay qui hướng về việc thánh hóa gia đình và sống năm mân
côi. Đền thờ là nơi qui tụ dân Chúa tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích và
sống sự hiệp nhất, cầu nguyện. Đoạn Tin Mừng của thánh Gioan 2, 13-25 như gợi
lên sự xung khắc lớn nhất giữa Chúa Giêsu và những người Do Thái, các vị lãnh
đạo tôn giáo lúc đó. Chúa Giêsu đã tấn công ngay chính ý nghĩa của đền thờ và
đây là cái cớ để các vị lãnh đạo tôn giáo, các người Do Thái lên án Chúa Giêsu,
tìm cách bắt giết Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Chúa Giêsu càng lúc càng cho ta thấy
rõ công trình cứu thế của Ngài.
Đây là
dịp lễ trọng trong năm của người Do Thái: tất cả mọi người có tín ngưỡng, theo
Do Thái giáo đều qui tụ về Giêrusalem, trung tâm hành hương và là đền thờ lớn
nhất của Giêrusalem. Trong dịp lễ này, hẳn rất nhiều người Do Thái ở mọi nơi
đều bỡ ngỡ, kinh ngạc trước thái độ, hành động của Chúa Giêsu khi Ngài xua đuổi
những người buôn bán bò, cừu, dê, bồ câu và đổi tiền. Chúa Giêsu không những
chỉ quát tháo, xua đuổi những người đó mà còn dùng roi da mà đánh đập, đuổi
những thành phần này ra khỏi đền thờ. Chúa Giêsu xô nhào bàn ghế của những
người đổi tiền và muốn chứng minh cho mọi người thấy rõ ý nghĩa của việc nổi
giận thánh của Ngài:” Đừng biến nhà Cha Ta thành một cái chợ”. Sở dĩ các vị
lãnh đạo tôn giáo đã cho phép một cách ngầm làm những việc đó vì họ trục lợi,
có nhiều lợi nhuận trong dịch vụ này: Khách hành hương trở về Giêrusalem trong
dịp lễ lớn hàng năm này là để dâng lễ vật và nộp thuế. Dâng lễ vật có thể là
bò, cừu, dê, bồ câu tùy theo khả năng của khách, nhưng tiền chỉ có thể là tiền
của đền thờ. Vì thế, khách phải đổi tiền theo đúng qui định của đền thờ và nhờ
đó các vị lãnh đạo tôn giáo tha hồ mà chia chác lợi nhuận qua các dịch vụ này.
Chúa Giêsu cho thấy qua hành động của Ngài, Ngài minh chứng rằng việc dâng lễ,
nộp thuế đã biến dạng. Người ta đã biến việc dâng lễ vật và nộp thuế đền thờ
trở thành việc đổi chác khiếm lợi và biến đền thờ thành cái chợ không hơn không
kém. Hành động như Chúa Giêsu không phải bất cứ ai cũng có thể làm được và dám
làm. Người Do Thái cũng hiểu điều đó và họ xin Chúa tỏ dấu lạ để làm chứng Ngài
có quyền. Chúa Giêsu hiểu tất cả, nhưng Ngài không cho người Do Thái dấu lạ
thuộc bình diện tự nhiên họ muốn, Ngài nói đền thờ là chính thân xác của Ngài.
Khi tuyên
bố cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại.
Người Do
Thái và ngay chính các tông đồ lúc đó cũng không làm sao hiểu nổi ý nghĩa sâu
sắc ấy của Chúa Giêsu. Các môn đệ chỉ có thể hiểu nổi câu nói ám chỉ tới thân
xác của Chúa dưới ánh sáng của sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Qua câu nói
của Chúa, Ngài đã xác định rằng việc thờ phượng kiểu cũ đã lỗi thời, sự hiện
diện của Chúa đã bắt đầu một kiểu thờ phượng mới. Đền thờ là nơi con người thờ
phượng, tôn kính Thiên Chúa, nhưng đồng thời cũng là nơi Thiên Chúa hiện diện
để mang lại hạnh phúc và ơn cứu độ cho con người. Trong lòng tin Kitô giáo và
trong lòng tin của các môn đệ thân xác chúa Giêsu phục sinh chính là đền thờ
mới. Chúa phục sinh là sự hiện diện của Thiên Chúa giữa con người và chính Chúa
là trung tâm của việc thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và Sự Thật. Xưa vua
Đavít nói với Chúa và ước ao xây đền thờ, xây nhà cho Chúa, nhưng Thiên Chúa
phán cùng vua:” Người mà xây nhà cho Ta ở sao? Thật vậy, từ ngày Ta đưa con cái
Israen lên từ Ai Cập cho tới ngày hôm nay, Ta đã không ở trong một ngôi nhà,
nhưng Ta đã nay đây mai đó trong một cái lều và trong một nhà tạm”( 2 Sm 7,
5-6)
Thiên
Chúa không cần nhà vì:” Trời là ngai của Người, đất là bệ dưới chân Người”
( Is 66,
1 ).Đền thờ vẫn cần thiết nhưng con người vẫn trọng hơn đền thờ, phải làm sao
cho có những người thờ phượng Thiên Chúa đích thực, chứ không phải là lo sao
cho có đền thờ. Vì đền thờ trần gian với năm tháng sẽ bị hư hại, xụp đổ nhưng
con người luôn tồn tại và vững bền.
Mùa chay
thánh trong năm thánh hóa gia đình, người Kitô hữu phải hoán cải, làm cho gia
đình mình mới, sống đạo, thực thi đạo hơn là giữ đạo cách máy móc, bề ngoài.
Người Kitô hữu cũng phải xét lại cách giữ đạo, hành đạo của gia đình mình, của
cá nhân, của giáo xứ, Giáo Hội và mau mắn đổi mới đời sống, lòng tin, cách thực
hành đạo, siêng năng cầu nguyện và lần chuỗi làm cho đền thờ tâm hồn mỗi người
đẹp hơn, tốt hơn.
Lạy Chúa
xin cho mỗi người chúng con biết yêu chuộng đền thờ tâm hồn và yêu mến nhà thờ
Giáo Xứ như chính bản thân mình.
1. Bạn hiểu gì về đền thờ ?
2. Bạn nghĩ gì về câu:” Cứ phá hủy đền thờ
này đi, nội ba ngày Ta sẽ xây dựng lại “ ?
3. Bạn thích kiến trúc nhà thờ kiểu nào ?