Chúa Nhật III Mùa Chay – B

 

Tại các nhà thờ ở Hoa-kỳ, người ta vẫn còn thấy tệ nạn là nhiều người đi lễ mà miệng vẫn nhai kẹo cao su, rồi đi lên rước lễ như không biết gì tới luật phải giữ chay lòng ít nhất một tiếng trước đó.  Nhai chán rồi, người ta lại còn dính kẹo cao su dưới gầm ghế.  Một cha xứ bạn tôi, đã cho người đi gỡ những miếng kẹo cao su ấy và đựng trong một hộp bằng plastic khá to.  Rồi một ngày Chúa Nhật, trong các thánh lễ, sau phần chia sẻ Lời Chúa, ngài có đôi lời nhắn nhủ giáo dân, giơ cái hộp kẹo cao su trước mắt mọi người và hỏi:  Thưa ông bà anh chị em, đây là những miếng kẹo cao su chúng tôi gỡ được duới gầm các ghế ông bà anh chị em đang ngồi.  Với những miếng kẹo cao su nhai tóp tép trong khi chúng tôi và những anh chị em khác đang cử hành Thánh Thể, thì những người nhai kẹo cao su đã biến nhà Chúa thành cái gì?  Mọi người im lặng.  Một số gương mặt cúi xuống.

 

Câu truyện bài Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giê-su không chỉ nhắc khéo những người biến Đền Thờ thành nơi buôn bán, mà Người còn thẳng tay xua đuổi đám thương mại, tái lập sự tôn nghiêm cung kính của nơi thờ phượng.  Qua sách Tin Mừng, chúng ta thường chiêm ngắm một Chúa Giê-su đang rao giảng, đang chữa lành bệnh tật hoặc làm những phép lạ đáp ứng nhu cầu của dân chúng.  Ở bất cứ nơi nào, sự hiện diện của Người cũng tỏa ra một vẻ hiền từ, ân cần chăm sóc và dẫn dắt.  Nhưng bài Tin Mừng hôm nay kể lại, Chúa Giê-su, được gọi là Thái Tử của sự bình an, đã xử sự không giống như sách Tin Mừng mô tả trước đây.  Đứng trước cảnh hỗn độn, biến tiền đường nhà Chúa thành cái chợ trời, Chúa Giê-su quyết định phải có một hành động nào đó để thay đổi tình huống.  Hành động Chúa Giê-su xua đuổi đám con buôn, tuy có một chút bạo động, nhưng chẳng có ai bị chết chóc hay bị thương, là hành động không phải do máu nóng bốc lên đầu, nhưng là do lòng nhiệt thành đối với Đền Thờ, một biểu tượng nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa trong thành Giê-ru-sa-lem. 

 

Giới chức tại Đền Thờ muốn can thiệp vào việc làm của Chúa Giê-su, xem ra cũng vẫn còn bình tĩnh và họ tới căn vặn Chúa:  “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế?”  Chúa Giê-su nhân cơ hội này muốn tỏ ra cho họ biết Người là Đấng nào và sứ mệnh của Người là gì, Người bảo:  “Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi;  nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”  Thánh sử Gio-an giải thích thêm:  “Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.”  Ngay lúc ấy, những người nghe Chúa nói không hiểu ý của Người.  Nhưng sau khi Chúa sống lại, họ mới hiểu là Người muốn nói về thân xác phục sinh của Người.  Nói tóm lại, chúng ta sẽ hiểu ý của Chúa như thế này:  Đền Thờ Giê-ru-sa-lem là một công trình kiến trúc đồ sộ, biểu tượng cho sự hiện diện của Thiên Chúa đối với dân Israel, đồng thời cũng là nơi để con cái Israel đến gặp gỡ với Thiên Chúa qua việc thờ phượng và cầu nguyện.  Nhưng Đền Thờ cũ này sẽ được thay thế bằng Thân thể Phục Sinh của Đức Ki-tô.  Đức Ki-tô Phục Sinh là nơi Thiên Chúa hiện diện và tỏ mình ra cho loài người.  Đức Ki-tô Phục Sinh là Đền Thờ mới, Đền Thờ đích thực và là nơi để nhân loại thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật.

 

Trong mùa Chay, khi dùng câu truyện Tin Mừng Chúa Giê-su tẩy uế Đền Thờ để hé mở cho chúng ta thấy hình ảnh Phục Sinh của Đức Ki-tô, Giáo Hội mời gọi chúng ta tiếp tục suy niệm về sứ vụ của Chúa Cứu Thế.  Qua việc tiên báo về cuộc Tử nạn, rồi củng cố đức tin của các môn đệ và của chúng ta bằng biến cố Biến hình trên núi Ta-bô-rê, và hôm nay qua dấu chỉ tẩy uế Đền Thờ để cho chúng ta thấy sự Phục Sinh trong tương lai, Chúa Giê-su muốn chúng ta hãy tin vào sứ vụ cứu thế của Người.  Chúa Giê-su đã để cho người ta phá hủy đi chính thân xác của Người, để rồi sau đó thân xác ấy sống lại vinh hiển và trở thành Đền Thờ Mới và làm nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa với nhân loại.

 

Tuy nhiên, khi trình bày biến cố Chúa Giê-su tẩy uế Đền Thờ, Giáo Hội cũng muốn lập lại với chúng ta sứ điệp cốt yếu của mùa Chay:  Hãy hối cải và tin vào Tin Mừng.  Chúng ta là đền thờ sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi.  Vậy chúng ta hãy mở rộng cửa để Chúa Giê-su có thể đến và tẩy uế đền thờ tâm hồn chúng ta.  Chúng ta hãy để cho Chúa lật đổ những giá trị trần thế mà từ lâu chúng ta vẫn tôn thờ, vẫn theo đuổi, đến nỗi gạt bỏ đi những giá trị của Tin Mừng, những giáo huấn đạo đức của Chúa và Giáo Hội dạy bảo.  Chúng ta hãy để cho Chúa biến đổi tâm hồn chúng ta thành một đền thờ mới, một nơi để Chúa hiện diện và nơi để chúng ta gặp gỡ Người.  Chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của Chúa Giê-su, kết hiệp với Người để thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật.  Nghĩa là cần phải đổi mới phong cách chúng ta thờ phượng Thiên Chúa.  Không phải chỉ là hình thức câu nệ, nhưng trong tinh thần con thảo đối với Cha trên trời, tình anh chị em với Chúa Ki-tô.  Không phải với môi miệng giả dối, những hình thức chỉ có tính cách khoe mẽ bề ngoài, nhưng là với con tim chân chính, con tim nhận biết sự thật:  Thiên Chúa đã yêu nhân loại đến nỗi trao phó Con Một Người là Đức Giê-su Ki-tô cho chúng ta.  Có lẽ đó là một vài gợi ý thực tế chúng tôi muốn nêu lên, để tất cả chúng ta cùng với ơn Chúa và nhờ cuộc Khổ nạn của Chúa Giê-su, cố gắng tẩy uế tâm hồn chúng ta trong mùa Chay và được sống lại trong con người mới với Đức Ki-tô. 

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà