CHÚA NHẬT THỨ V MÙA CHAY, NĂM B

Ga 12, 20-33

 

CUỘC  KHỔ NẠN CỦA CHÚA GIÊSU

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Tác giả Tin Mừng thứ tư đưa nhân loại hay nói cách nôm na hơn dẫn con người đi vào cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Người Kitô hữu được đối diện với ý nghĩa đích thực của cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Tin Mừng nhất lãm và Tin Mừng của thánh Gioan không tách rời sự đau khổ, sự chết trên thập giá, nhưng nó nối liền với sự phục sinh, cuộc khải hoàn vinh thắng của Chúa Giêsu.

 

HẠT LÚA MÌ KHÔNG THỐI SẼ KHÔNG MANG LẠI HOA TRÁI

 

Chúa Giêsu đã nói:” Nếu hạt lúa mì không thối đi, không rữa tan trong lòng đất, nó sẽ không sinh hoa trái phong nhiêu”. Hình ảnh về cuộc thương khó của Chúa Giêsu được gợi lên như một hạt lúa mì bị tan rữa trong lòng đất, sẽ dẫn tới một mùa lúa bội thu, phong phú. Cái chết của Chúa Giêsu không dừng lại ở sự cằn cỗi, mất mát, thê lương, cái chết của Chúa sẽ có sức mạnh qui tụ mọi người, mọi dân, mọi nước.” Khi nào Ta được treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta “. Tuy được gắn liền với sự vinh thắng, khải hoàn của sự sống lại, cuộc thương khó của Chúa Giêsu vẫn hoàn toàn là một cuộc thống khổ. Chúa Giêsu dù là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chọn kiếp làm người, đau khổ vẫn là khổ đau, Ngài vẫn phải đương đầu với sự đau khổ, với cái chết nhuốc hổ trên thập giá :” Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự…”( Philip 26-8 ). Chính Chúa Giêsu đứng trước sự đau khổ và đối diện với cái chết,  vẫn cảm thấy khó nuốt trôi vì Ngài mang bản tính con người. Ngài đã bị cám dỗ, thử thách không muốn đương đầu với cái giờ đen tối. Thánh Phaolô trong bài thư gửi cho người Do Thái đã viết:” Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khấn nguyện lên Đấng có thể cứu Ngài khỏi chết”( bài đọc II ). Bị dầy vò, bị cám dỗ, Chúa Giêsu đã lướt thắng tất cả sự thử thách và cầu xin cho Thiên Chúa Cha được tôn vinh. Điều này có nghĩa là Chúa Giêsu hoàn toàn làm theo ý của Chúa Cha và chấp nhận  giờ chết với tất cả sự vâng phục cho đến hơi thở cuối cùng trên thập giá( Mc 14, 35, 37 và 41 ), nhưng cũng đồng thời là giờ con người được bước vào vinh quang.

 

CHÚA GIÊSU KHẢI HOÀN VÀ NHỮNG DƯ ÂM CỦA VIỆC SỐNG LẠI

 

Nghiên cứu lại các tôn giáo, nhân loại sẽ không khỏi ngạc nhiên, bỡ ngỡ và từ ngạc nhiên này, tới bỡ ngỡ khác vì rằng chưa có một vị sáng lập đạo nào dám nói:” Cứ phá hủy đền thờ sau ba ngày sẽ xây dựng lại”. Lời nói này của Chúa Giêsu, vị sáng lập đạo Kitô nghĩa là đạo tình thương. Chúa Giêsu đã hiện điều đó, Ngài chết và đã sống lại khải hoàn sau ba ngày bị chôn trong mồ đá. Chúa sống lại, Tin Mừng cho thấy rõ Ngài phục sinh, trước hết đã hiện ra với Maria Magđala, người phụ nữ đã được Chúa Giêsu tha thứ nhiều. Chúa hiện ra với Maria magđala trong một bầu khí tinh mơ, thi vị . Sau đó, Chúa phục sinh hiện ra với các tông đồ khi các Ngài đang hội họp với nhau vì sợ người Do Thái, điều này làm cho ta liên tưởng tới ngày chúa nhật, ngày các tín hữu trên thế giới, trong mọi nhà thờ, nhà nguyện, hội họp nhau để dâng lễ, cầu kinh, thờ phượng Chúa. Chúa phục sinh luôn đến với các tông đồ và ở giữa họ. Chúa sống lại hiện ra lần đầu tiên đã cho các môn đệ thấy các vết đinh, cạnh sườn và tay chân bị thương tích của Ngài. Chúa phục sinh cũng là Chúa mà các tông đồ đã chứng kiến cuộc thống khổ của Ngài. Nhưng cũng Đức Kitô chịu thống khổ, chịu chết, chịu mai táng trong mồ, đã phục sinh. Nên, Chúa Kitô hôm qua, hôm nay và ngày mai vẫn là một Chúa duy nhất. Các tông đồ đã rất vui mừng vì trước đó, các Ngài đã phải sống trong cảnh hoang mang, sợ sệt bởi Thầy mình đã chết. Chúa phục sinh giờ phút hiện ra này cũng đã trao cho các tông đồ sứ mạng rao giảng, sứ mạng được sai đi và ban cho các Ngài quyền tha tội, quyền giao hòa giữa trời với đất. Hậu quả hay dư âm của việc Chúa sống lại còn được thể hiện nơi tình bác ái yêu thương( bài đọc I ): cộng đòan Kitô hữu tiên khởi đã sống tinh thần bác ái, tất cả đều góp của chung và không để ai phải túng thiếu. Còn thánh Gioan trong bài đọc 2 lại cho thấy nền tảng của tình yêu: mọi người đều là con Chúa, nên là anh em với nhau. Có thể nói Hội Thánh Chúa Kitô được thiết lập ngay từ biến cố phục sinh của Đức Kitô với một sứ mạng vô cùng lớn lao là tiếp nối công trình cứu chuộc của Chúa sống lại: tha thứ tội lỗi, giao hòa con người với Thiên Chúa và làm cho muôn dân trở thành anh em, trở thành môn đệ với nhau. Sứ mạng này Chúa trao cho Giáo Hội để Hội Thánh trở thành nhân chứng của Chúa mãi mãi. Cuộc thương khó của Chúa sẽ mang lại hy vọng và hạnh phúc vì Chúa phục sinh luôn hiện diện giữa mọi người, giữa lịch sử con người.

1-4-2003


Trở Về Mục Lục Trang Cầu Nguyện | Trở Về Trang Nhà