CHÚA NHẬT V MÙA CHAY, năm B
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Do-thái 5: 7-9
Theo
dõi diễn tiến của các bài đọc mùa Chay, chúng ta nhận thấy sự tăng triển mỗi
ngày một rõ hơn về nhiều phương diện, như bầu khí căng thẳng giữa Chúa Giê-su
với những kẻ chống lại Người, Chúa Giê-su cảm thấy việc rao giảng càng cấp bách
hơn trong những ngày cuối đời... Nhưng
nổi bật nhất, đó là càng gần tới cuộc Khổ nạn, Phụng vụ Lời Chúa càng nêu cao
thái độ khiêm nhượng vâng phục của Chúa Giê-su trước thánh ý của Chúa Cha. Trích dẫn đoạn thư Do-thái hôm nay đã đề cao
sự vâng phục của Chúa Giê-su như là “nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu.” Để hiểu giá trị tuyệt đỉnh của đức vâng phục
ấy, chúng ta phải trở lại thời điểm trước khi Thiên Chúa hứa ban ơn cứu độ cho
loài người để thấy được mức độ tai hại của việc A-đam đã không vâng phục Thiên
Chúa như thế nào. Thánh Phao-lô đã cặn
kẽ trình bày so sánh giữa A-đam và Đức Giê-su Ki-tô trong chương 5, thư gửi tín
hữu Rô-ma. Tuy nhiên ở đây qua đoạn thư
Do-thái, Giáo Hội chỉ muốn chúng ta chú tâm vào sự vâng phục của Chúa Giê-su và
mời gọi chúng ta noi gương Chúa trong cuộc sống Ki-tô hữu chúng ta.
a) “Ở đâu
tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20)
Khi so sánh việc bất tuân phục của
A-đam với sự vâng phục của Đức Ki-tô, thánh Phao-lô muốn làm nổi bật lên tình
yêu cứu độ của Thiên Chúa. Dựa vào hậu
quả, chúng ta có thể thẩm định mức tai hại của sự bất tuân lớn lao như thế
nào. Qua hành động bất tuân của A-đam,
tội lỗi xâm nhập trần gian và tác hại gây nên sự chết. Hậu quả thật lớn lao, vì không phải chỉ có
một mình A-đam phải chết, mà là toàn thể nhân loại. Thánh Phao-lô đã sử dụng động từ “thống trị” để diễn tả mức độ
trầm trọng của lầm lỗi A-đam. Tội lỗi
do bất tuân còn tiêu diệt luôn cả khả năng được nên công chính nơi con người
chúng ta, hoặc nói theo ngôn từ của Phao-lô, là “chúng ta không có sức làm được
gì” và trở thành “hạng người vô đạo.”
Vậy thì bởi đâu chúng ta được phục hồi khả năng được nên công chính và
trở nên con cái hiếu nghĩa của Thiên Chúa? Đó là nhờ sự vâng phục của Đức Ki-tô, sự vâng phục đã thành nguồn
ân sủng và là nguồn “chứa chan gấp bội.”
b) Diễn tiến bài
học vâng phục của Chúa Giê-su
Thư Do-thái khai triển việc Chúa
Giê-su học vâng phục như thế nào? Vâng
phục không phải là một nhân đức đối thần, nhưng là nhân đức thủ đắc. Nghĩa là vâng phục không phải là ơn siêu
nhiên do chính Chúa ban như đức tin, cậy và mến, nhưng là thói quen chúng ta
phải tập tành mới nắm được trong tay (thủ đắc). Vậy diễn tiến việc học vâng phục được mô tả như sau.
Trước hết thư Do-thái nêu lên hoàn
cảnh Chúa Giê-su học vâng phục: “Khi
còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà
dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết.” Chúa Giê-su không học vâng phục với tính
cách là Thiên Chúa, nhưng là người phàm như chúng ta. Là phàm nhân, nên Chúa Giê-su cũng kêu van khóc lóc, cũng sợ đau
khổ và cái chết, nhất là cái chết phải hư mất đời đời. Lời cầu xin kêu cứu của người công chính là
lời cầu xin đầy lòng tin kính phó thác, lấy ý Thiên Chúa làm mục đích để tuân
theo chứ không phải lấy ý riêng mình để giải quyết khó khăn.
Cơ hội để phát triển lòng tin kính phó
thác chính là những đau khổ trong cuộc sống.
Đau khổ là trường tôi luyện lòng tín thác của chúng ta nơi Chúa. Cũng như chúng ta, Chúa Giê-su đã được đào
tạo trong môi trường đau khổ để học bài học vâng phục Thiên Chúa. Nhìn lại cuộc đời của Người, chúng ta thấy
đau khổ nhiều hơn vui sướng. Sinh ra
trong cảnh cơ hàn, lớn lên trong cuộc sống thanh bần Na-da-rét và “không có chỗ
tựa đầu” trong khi thi hành sứ vụ cứu thế.
Cuối cùng là cuộc Thương khó và cái chết “gục đầu xuống và tắt thở” chứ
không phải tựa đầu trên gối êm. Quả
thực, Thiên Chúa đã cứu Người khỏi chết, không phải khỏi cái chết tạm phần xác
nhưng là cái chết vĩnh viễn. Thần Khí
Thiên Chúa đã cho Người sống lại từ cõi chết, để Người sống muôn đời và ngự bên
hữu Thiên Chúa, đó chính là ý nghĩa của việc Thiên Chúa cứu Người khỏi chết.
Thư Do-thái đề cập tới mức độ thập
toàn của việc vâng phục. Mức độ này
cũng được thánh Phao-lô diễn tả rõ ràng hơn trong thư Phi-líp-phê 2:8. “Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.”
Vâng lời bằng lòng chịu chết đã là một hành vi phi thường hiếm có. Nhưng lại còn tự ý chấp nhận một cái chết
nhục nhã như một tên tội đồ thì chẳng có ai dám làm điều đó cả! Trừ phi người ấy phải đạt tới trình độ vâng
phục thập toàn. Chính Đức Ki-tô đã đạt
mức độ sung mãn của vâng phục, cũng như Người là chính sự sống và là sự sống sung
mãn.
c) Đức Ki-tô vâng
phục đã trở nên nguồn ơn cứu độ
Nguồn ơn cứu độ không có nghĩa thụ
động, nhưng đòi hỏi sự cộng tác và kết hiệp của chúng ta với Người. Sự vâng phục của Chúa Giê-su mang ý nghĩa
một cuộc hòa giải nhân loại với Thiên Chúa.
Sự vâng phục của Người không chỉ là một hành vi tức thời, nhưng là hành
vi cứu độ, nghĩa là sự vâng phục ấy đã khởi đầu và sẽ được tiếp nối bằng những
vâng phục của mỗi chi thể thuộc Nhiệm Thể Người. Người mở ra con đường vâng phục Thiên Chúa “cho tất cả những ai
tùng phục Người” để họ được hòa giải với Thiên Chúa và được cứu độ, tức là cho
những ai thực sự muốn làm môn đệ Người.
Hôm nay tôi sống theo ý Chúa và tuân
phục lề luật Chúa tức là tôi đang được hòa giải và cứu độ. Nhưng có một điều nữa tôi phải học nơi Chúa
Giê-su, đó là phải lấy những đau khổ cuộc sống làm cơ hội học biết thế nào là
vâng phục Chúa. Như thế, tôi có thể
nhận ra chiều kích ích lợi và tích cực của những đau khổ tôi chịu, chứ không
phải chỉ thấy lúc nào cũng đầy hãi sợ.
Trước những đau khổ trong cuộc sống, thái độ của tôi thế
nào? Trách móc Thiên Chúa? Tín thác và cố gắng nhận ra ý nghĩa tích cực
của những đau khổ? Học vâng phục ý
Chúa?
Tôi sẽ mô
tả diễn tiến việc học vâng phục Chúa nơi tôi như thế nào? Đau khổ nào được coi như là khởi đầu cho
việc học vâng phục? Tiến triển ra
sao? Chia sẻ.
Chiêm
ngưỡng Chúa Giê-su vâng phục Chúa Cha sẽ giúp tôi sống tinh thần mùa Chay và
chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh thế nào?
Nhất là chiêm ngưỡng Người qua Phụng vụ Tuần Thánh?
Nếu có
thể, học hỏi chương 5 của thư thánh Phao-lô gửi tín hữu Rô-ma.
Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng nhau đọc Thánh ca
Phi-líp-phê 2:6-11.
Ngày 2-4-03