Chúa Nhật Lễ Lá – B
Trong
đời linh mục, nhiều lần chúng tôi được chứng kiến người ta chết. Hoặc chúng tôi cũng được nghe người trong
gia đình nói về người thân của họ chết như thế nào. Thí dụ: Thưa cha, cám ơn
Chúa, mẹ con đã ra đi rất êm ả, bà chết thật là thánh thiện. Hoặc:
Bố con khi còn sống chỉ ước ao được chết vào ngày Thứ Sáu đầu tháng, vì
ông cụ rất có lòng kính mến Trái Tim Chúa Giê-su, và Chúa đã thương nhận lời... Thực tại cái chết là một chuyện, nhưng tư
thái của người ta lúc hấp hối và chết là chuyện khác và nhiều khi thật quan
trọng và nói lên con người đó là ai, như thế nào.
Với bài Thương khó trích sách Tin Mừng
Mác-cô, chúng ta có một nhân chứng hết sức đặc biệt đã chứng kiến giờ hấp hối
của Chúa Giê-su trên thập giá và đã phát biểu niềm tin của ông về Chúa
Giê-su. Nhân chứng đó chính là viên sĩ
quan Rô-ma, người có trách nhiệm việc thi hành án tử hình, đóng đinh Chúa
Giê-su vào thập giá. Ông ta là người có
nhiệm vụ xác nhận Chúa Giê-su đã thực sự chết rồi hay là chưa, cho nên ông càng
phải quan sát kỹ lưỡng hơn ai hết.
Thánh Mác-cô đã ghi lại một câu nói về ông ta như sau: “Viên đại đội trưởng đứng đối diện với Chúa
Giê-su, thấy Người tắt thở như vậy liền nói:
Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”
(Mc 15:39).
Tuyên
xưng Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô và là Con Thiên Chúa, đó là mục đích của sách
Tin Mừng Mác-cô. Khi viết sách Tin
Mừng, thánh Mác-cô mở đầu với tựa đề:
Khởi đầu Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, rồi kết thúc với lời
tuyên xưng của viên sỹ quan Rô-ma đứng gần thập giá và chứng kiến cái chết của
Chúa Giê-su: Quả thật, người này là Con
Thiên Chúa. Viết như thế, thánh Mác-cô
muốn trình bày và mời gọi chúng ta hãy đi vào một cuộc hành trình đức tin. Vậy hành trình đức tin ấy như thế nào? Hành trình ấy bắt đầu từ một khẳng định
thuộc phạm vi hiểu biết, nói với chúng ta rằng: Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, là Con Thiên Chúa. Tiếp theo, hành trình đó đưa chúng ta đi
theo Chúa Giê-su trên đường thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng, nhìn những việc
Người làm, nghe những lời Người giảng dạy, theo Người lên Giê-ru-sa-lem để thấy
Người luôn tuân phục Chúa Cha và sẵn sàng chấp nhận cuộc Khổ nạn, và cuối cùng
đứng dưới chân thập giá để cùng với viên sĩ quan Rô-ma tuyên xưng Chúa Giê-su
là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa. Ở đây,
lời tuyên xưng là một niềm tin phát xuất từ trái tim con người. Không còn là một khẳng định thuộc phạm vi lý
trí và hiểu biết nữa, nhưng là một sự tiếp nhận, một tâm tình hay một xác tín
của con tim chúng ta. Không còn là “tôi
biết, tôi hiểu Đức Giê-su là Con Thiên Chúa” nữa, nhưng là chính tâm tình của
chúng ta, phải giống như tâm tình của tông đồ Tô-ma khi ngài tuyên xưng: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!”
Vậy
viên đại đội trưởng người Rô-ma đã nhận ra điều gì khác lạ nơi kẻ tử tội
Giê-su, không giống như những kẻ tử tội khác?
Sách Tin Mừng không nói đến, nhưng chắc chắn chúng ta cũng có thể hình
dung ra được. Bình thường những tử tội
quen với tính hung dữ hoặc bất mãn của mình, hay chửi rủa oán hận người khác
hoặc những kẻ hành quyết mình, bằng lời nói tục tằn cay đắng hoặc cử chỉ bất
nhã. Nhưng tất cả những gì viên sĩ quan
Rô-ma quan sát được nơi Chúa Giê-su lại hoàn toàn khác. Không hề nghe một lời oán trách hay làm mích
lòng, mà trái lại chỉ có những lời tha thứ kẻ thù, tha thứ những kẻ chế giễu
mình, khích lệ người trộm lành, ân cần lo lắng cho mẹ già, cho người môn đệ dấu
yêu, và nhất là những lời kinh tha thiết thưa cùng Thiên Chúa Cha. Nếu có thì giờ, chúng ta hãy lần rở những
dòng Kinh Thánh ghi lại các lời vàng ngọc của Chúa Giê-su trong giây phút cuối
đời, để tìm thấy qua đó hình ảnh đích thực của Đấng “đã cứu được thiên hạ, mà
chẳng cứu nổi mình” (15:31). Rồi viên
sĩ quan Rô-ma không thấy nơi Chúa Giê-su một ánh mắt thù hằn, mà chỉ thấy đôi
mắt hiền từ sáng ngời bên những giọt máu, trào dâng tình yêu của Thiên Chúa đối
với nhân loại. Chúng ta cũng tin rằng
chính ánh mắt tha thứ và mời gọi của Chúa Giê-su đã hoán cải tâm hồn chai đá
của một chiến sĩ Rô-ma và biến ông thành người môn đệ của Chúa trong tương lai.
Bước
vào Tuần Thánh, qua bài Tin Mừng, Phụng vụ Lời Chúa muốn cho chúng ta một cái
nhìn tổng quát về cuộc Thương khó của Chúa Giê-su, để chúng ta sẽ dần dần đi
vào từng suy niệm sâu xa hơn mà cảm nghiệm được tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa. Tuy nhiên trong chính cuộc sống hằng ngày,
chúng ta là Ki-tô hữu được mời gọi hãy tháp nhập những đau khổ của chúng ta vào
cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa Giê-su, để nhờ đó chúng ta khám phá được ý
nghĩa của đau khổ mình đang chịu. Chúa
muốn chúng ta đi theo con đường thập giá Chúa Giê-su đã đi qua. Chúa muốn rằng qua tư thái hoặc cách thức
chúng ta chịu đau khổ, người khác có thể nhận ra những khác biệt nơi người
Ki-tô hữu, nghĩa là không phàn nàn oán trách, nhưng tin tưởng phó thác trong
tay Chúa, không cay đắng muốn chối bỏ, nhưng coi thánh giá là một vinh dự lớn
lao. Chính trên thập giá và trong cái
chết của mình, Chúa Giê-su đã được nhận biết là Đấng Ki-tô, là Con Thiên
Chúa. Cũng thế, nếu Ki-tô hữu chúng ta
thể hiện được những tâm tình tha thứ, cầu nguyện, yêu thương của Chúa Giê-su
trên thập giá khi chúng ta chịu đau khổ, thì chắc chắn chúng ta có thể làm cho
những người chung quanh chúng ta nhận ra chúng ta là ai. “Quả thực, người này là con Thiên Chúa.” Mong được như vậy.