CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Phi-líp-phê 2: 6-11
Trong Tuần Thánh, từ Chúa Nhật Lễ Lá
cho đến Chúa Nhật Phục Sinh, chúng ta chìm đắm trong những suy niệm về cuộc
Thương khó và Sống lại của Chúa Giê-su được ghi lại trong những bài Tin
Mừng. Nhưng có lẽ ít khi nào chúng ta
chú ý tới một bài đọc tuy ngắn, nhưng lại vô cùng quan trọng và tóm tắt những
mầu nhiệm của Thiên Chúa mà chúng ta cử hành trong tuần này. Hơn thế nữa, bài đọc ấy còn là kim chỉ nam
hướng dẫn chúng ta nhận ra “Đức Ki-tô là Đấng nào?” Bài đọc ấy chính là bài Tân Ước, thư Phi-líp-phê 2:6-11. Người ta coi đoạn thư này như một tổng luận
Ki-tô học được thánh Phao-lô trình bày và quảng diễn trong hầu hết các thư của
ngài. Nội dung của đoạn thư không chỉ
mang đặc tính thần học, ca ngợi Đức Ki-tô và mầu nhiệm Đức Ki-tô, mà còn là đề
tài suy niệm và cầu nguyện vô cùng phong phú, giúp cho tất cả chúng ta tìm thấy
nơi Chúa Ki-tô một lối sống gương mẫu.
a) Đức Ki-tô là
đường Thiên Chúa đến với nhân loại
Bình thường chúng ta hiểu Đức Ki-tô là
đường đưa chúng ta tới Thiên Chúa, dựa vào lời Người quả quyết: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là
sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà
không qua Thầy” (Ga 14:6). Nhưng trước
khi Đức Ki-tô là đường để chúng ta đến với Thiên Chúa, thì Người đã là đường để
Thiên Chúa đến với chúng ta. Con đường
ấy là con đường khởi đầu từ vô hạn đến với hữu hạn, từ không lệ thuộc vào không
gian và thời gian đến lệ thuộc vào địa lý và niên kỷ, từ đứng ngoài lịch sử đến
đóng khung trong lịch sử nhân loại, từ bất tử trường sinh đến tình trạng yếu
đuối và cái chết... Tóm lại, con đường
Ki-tô mà Thiên Chúa dùng để đến với nhân loại được mô tả bằng một từ vô cùng
thực tế: hoàn toàn trút bỏ vinh
quang (self-emptying; kenosis).
Mầu nhiệm của con đường là ở điểm
Thiên Chúa đã chọn lựa con đường như thế thay vì chọn con đường khác. Cái lô-gích của chúng ta luôn cho là khi
Thiên Chúa đến với chúng ta thì Người sẽ đến theo cách thức của một vị Thiên
Chúa. Mà thực như vậy, trong Cựu Ước,
những cuộc hiển linh của Thiên Chúa được mô tả bằng những hình ảnh long trọng,
uy nghi. Có lửa, mây, sấm sét, cuồng
phong... (Xh 19). Có sợ hãi, run rẩy,
van xin “Thiên Chúa đừng nói với chúng tôi kẻo chúng tôi chết mất” (Xh
20). Con người chỉ có thể hiểu cách thức
Thiên Chúa đến với họ như vậy thôi. Họ
không thể hiểu được cái lý lẽ của tình yêu Thiên Chúa đã khiến Người chọn con
đường trút bỏ vinh quang Thiên Chúa và trở thành con người như chúng ta. Con đường Ki-tô là con đường của tình yêu
Thiên Chúa, cho nên nó đã trở thành một mầu nhiệm đối với lô-gích của con
người.
b) Mức độ trút bỏ
vinh quang Thiên Chúa
Đó là mức độ hoàn toàn, không còn giữ
lại chút nào cho mình. Qua lối diễn tả
của Phao-lô (hoặc của cộng đồng Ki-tô hữu sơ khai), chúng ta nhận ra “những
bước thoái hóa” hoặc những bậc thang đi xuống, bắt đầu từ địa vị Thiên Chúa
xuống tới thân phận một tội phạm chết nhục nhã trên thập giá.
Vậy những bước đi xuống của Thiên Chúa
làm người tuần tự như sau: a) Từ địa vị
Thiên Chúa, Đức Ki-tô từ bỏ sự ngang hàng với Thiên Chúa và vinh quang Thiên
Chúa; b) Chọn làm một con người; c) Trong loài người, chọn thân phận nô
lệ; d)
Trong giới nô lệ, chọn làm tên nô lệ chết do khổ hình thập giá ô
nhục. Từ bước trên xuống bước dưới,
không phải chỉ là “đôi hia bảy dặm” nhưng là những khoảng cách không khi nào có
thể thực hiện được. Khước từ vinh quang
Thiên Chúa để làm người, Đức Ki-tô muốn chia sẻ tất cả những gì yếu đuối của
con người, như đói khát, nghèo hèn, mệt nhọc, đau khổ và cả cái chết, chỉ trừ
tội lỗi thôi. Làm một người bình thường
chưa đủ, Đức Ki-tô còn muốn trút bỏ thêm, đó là bỏ đi chính ý riêng của mình để
hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa. Vâng
phục là đặc điểm của người nô lệ. Tuy
nhiên có tên nô lệ nào vâng phục đến độ bảo chết là tự thâm tâm muốn chết liền
đâu? Giả như có muốn chết đi nữa thì
cũng chẳng ai muốn chọn một cái chết ô nhục, nhưng ít ra cũng muốn chết như một
người có nhân phẩm. Vậy mà Đức Ki-tô đã
vâng phục đến nỗi vui lòng đón nhận cái chết và cả cái chết ô nhục trên thập
giá nữa. Nhìn sự vâng phục thập toàn
(Dt 5:9) của Đức Ki-tô, chúng ta mới hiểu lỗi lầm bất tuân phục của A-đam lớn
lao như thế nào vì nó phạm đến Thiên Chúa.
c) Đức Ki-tô là
đường nhân loại đến với Thiên Chúa
Qua những bước trút bỏ vinh quang
Thiên Chúa, Đức Ki-tô đã thực sự đến với nhân loại. Tuy nhiên con đường Thiên Chúa đến với nhân loại không phải là
ngõ cụt. Nếu Đức Ki-tô không sống lại
thì đúng Người sẽ là ngõ cụt. Nhưng
qua sự Phục Sinh, Đức Ki-tô được Thiên Chúa tôn vinh và trở về với Thiên Chúa. Con đường Ki-tô trở về với Thiên Chúa giờ
đây lại trở thành con đường để cho toàn thể nhân loại đến với Nguồn Cội của
mình.
Không phải là con đường rộng rãi đưa
tới sự hư mất, nhưng là con đường nhỏ hẹp đòi hỏi hy sinh, chịu đựng gian khổ
và dẫn tới vinh quang. Không phải là
con đường cứng ngắc với luật lệ vô bổ, nhưng là con đường của luật bác ái, yêu
thương, tha thứ và nâng đỡ nhau. Con
đường ấy là một con người sống động, một lối sống gương mẫu, một mời gọi khách
lữ hành phải kết hợp mật thiết với chính con đường thì mới tới được quê hương
đích thực của mình.
Tại sao Phụng vụ Tuần Thánh đề cao
hình ảnh Đức Ki-tô hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa? Do-thái 5:9 giúp tôi trả lời câu hỏi này như thế nào?
“Chúa
Ki-tô đã chết để chuộc tội cho nhân loại” có còn là một ý niệm mơ hồ đối với
tôi nữa không? Tôi có cảm nghiệm “Mầu
nhiệm Đức Ki-tô” một cách tích cực và sống động không? Hoặc nói khác đi, tôi có thực sự nhận ra Đức
Ki-tô đã sống, chết và sống lại cho nhân loại và nhất là cho cá nhân tôi
không? Tại sao?
Tôi đã
nhiều lần nghe câu Tin Mừng Ga 14:6 (“Chính Thầy là con đường, là sự thật và là
sự sống”). Giờ đây, tôi hiểu thêm được
những gì qua những lời ấy? Quan trọng
hơn nữa, tôi đã lên đường đến với Thiên Chúa như thế nào?
Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc
lời nguyện kết thúc sau đây:
“Lạy Chúa Giê-su, xin cho con sự bình
an sâu thẳm, vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc vì được cùng
Ngài chịu khổ đau. A-men.”
(Trích
lời nguyện 14, RABBOUNI)