Chúa Nhật Phục Sinh
Năm B (20-4-2003)
Khi phải đối diện với cái
chết của một người thân yêu, chúng ta đều cảm thấy một mất mát không thể nào
diễn tả được. Nhiều khi sự mất mát ấy
lớn lao đến độ chúng ta không muốn nhìn nhận sự chết là điều có thật. Chắc chắn đã có lần chúng ta nghe người khác
nói với chúng ta rằng: người thân của
họ đã chết, thế mà họ vẫn nghe thấy tiếng chân bước của người thân ở ngoài vườn
hay ngoài hè nhà, vẫn nhìn thấy bóng người thân thấp thoáng trên hè phố... Tưởng như người chết vẫn còn hiện diện đâu
đây. Tình yêu và thương nhớ đã làm cho
người ta nghĩ và hy vọng như thế.
Nhưng qua câu truyện Tin
Mừng thánh Gio-an kể lại hôm nay, khi bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đi thăm mộ Chúa
Giê-su, bà không ảo tưởng là Người vẫn còn sống, mà là Người đã thực sự chết vì
chính bà đã đứng dưới chân thập giá và đã tham dự cuộc mai táng Người. Với lòng yêu mến, bà chỉ muốn đến đứng trước
mộ, tưởng nhớ công ơn người quá cố đã làm cho mình. Trước đây bà đã bị bảy quỷ ám (có thể Kinh Thánh dùng hình ảnh
bảy quỷ ám để nói về một chứng bệnh trầm trọng và nan y nào đó bà Ma-ri-a
Ma-đa-lê-na đã phải chịu). Rồi bà được
Chúa Giê-su chữa lành và đi theo Chúa cùng các môn đệ để giúp đỡ công việc
truyền giáo của các ngài. Sáng sớm ngày
thứ nhất trong tuần khi bà đến gần mộ Chúa, tuy trời vẫn còn tối, nhưng cũng đủ
sáng để bà Ma-ri-a nhận thấy tảng đá lấp cửa mộ đã bị chuyển đi rồi. Phản ứng tức thời của bà không phải là cảm
thấy hết ưu phiền vì Chúa thực sự không chết, nhưng là lo lắng vì chắc có kẻ
nào đến lấy trộm xác Chúa. Thật là chết
rồi mà cũng không được yên thân! Tội
nghiệp Chúa tôi quá! Bà muốn chia sẻ
nỗi lo lắng này với môn đệ của Chúa.
Khi hai môn đệ Chúa là ông
Phê-rô và Gio-an nghe bà Ma-ri-a kể lại và chạy đến mộ, hai ông đã nhận ra
những dấu vết cho thấy đã xảy ra chuyện gì bất thường. Các băng vải quấn xác người chết được vứt
lại ở đó, còn tấm khăn che mặt người chết thì được cuốn lại và để riêng ra một
chỗ. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây
không phải là những gì các ông thấy trước mắt, mà là một thực tại siêu nhiên
các ông sẽ khám phá được ở đằng sau những dấu vết ấy. Thánh sử Gio-an đã mô tả việc khám phá thực tại này bằng một câu
thật ngắn gọn, nhưng cũng vô cùng sâu sắc và phong phú. Ngài viết:
“Ông đã thấy và đã tin.”
Thấy những băng vải và
khăn che mặt là một chuyện. Nhưng nhận
ra một điều gì khác nữa qua cái thấy ấy lại là chuyện khác. Thánh sử Gio-an không cho chúng ta biết là
qua những gì mắt nhìn thấy, ông Phê-rô có nhận ra được điều gì khác nữa
không. Còn chính bản thân Gio-an, ông
chia sẻ cảm nghiệm cá nhân của mình, ông đã khám phá ra một điều khác thuộc
lãnh vực đức tin, tức là lãnh vực của con tim chứ không phải lãnh vực của đầu
óc và kiểm chứng. “Ông đã thấy và ông
đã tin.” Ông Gio-an đã di chuyển từ chỗ
ông không biết và nghi ngờ đến chỗ ông hiểu biết và tin. Vậy thì bước nhảy vọt của đức tin ấy nảy
sinh từ đâu? Chính là do lòng mến của
ông đối với Chúa Giê-su. Lòng mến đã
giúp cho ông Gio-an chấp nhận những gì Chúa Giê-su nói trước kia và bây giờ ông
nhớ lại. Chúa đã giảng cho ông và các
bạn nghe về hình ảnh hạt lúa rơi xuống đất phải thối đi mới nảy mầm và sinh
được nhiều hạt khác. Chúa đã nói với
ông và các bạn: “Thầy là đường, là sự
thật và là sự sống.” Rồi sau biến cố
cho La-da-rô sống lại, Chúa đã tuyên bố:
“Thầy là sự sống lại và là sự sống.
Ai tin vào Thầy thì sẽ được sống muôn đời.” Vậy động lực của lòng yêu mến đã giúp cho bà Ma-ri-a Ma-đa-lê-na
không sợ hãi đi đến mộ từ sáng sớm, đã giúp cho ông Phê-rô bước thẳng vào trong
mộ mà không ngần ngại, và nhất là đã giúp cho ông Gio-an nhớ lại cũng như chấp
nhận tất cả những lời giảng của Chúa Giê-su để nhờ đó ông khám phá ra thực tại
Phục Sinh.
Tin vào sự Sống lại của
Chúa không chỉ là điều trân trọng giữ cho riêng mình mà thôi, nhưng phải được
đem đi chia sẻ cho người khác, phải biến người môn đệ Chúa thành những người
làm chứng cho sự Sống lại ấy. Ông
Phê-rô và các tông đồ đã rao giảng Chúa sống lại. Ông Phao-lô đã vượt hằng ngàn dặm để công bố Tin Mừng Phục Sinh
cho dân ngoại.
Trở lại với chính mình,
chúng ta tự hỏi đã học được gì nơi niềm tin vào sự Phục sinh của Chúa? Trong cuộc sống, chúng ta đã bao lần nhìn
thấy những dấu vết của mất mát và sự chết, nhưng đồng thời đấy cũng là những
dấu vết của Phục sinh. Đó là khi chúng
ta mất mát, thất bại. Đó là khi chúng ta
có người thân khám phá ra mình bị ung thư.
Đó là khi chúng ta có đứa con một bị chết trong tai nạn gây ra do một
tên say rượu lái xe vượt đèn đỏ. Tương
tự như những băng vải và khăn che mặt để lại trong ngôi mộ Chúa, chúng ta nhìn
thấy biết bao nhiêu dấu vết đang hằng ngày để lại trong cuộc đời Ki-tô hữu
chúng ta. Nhưng nếu chúng ta thực sự có
đức tin vào cuộc Phục sinh của Chúa, và nhất là nếu chúng ta có lòng yêu mến
Chúa, thì chắc chắn chúng ta sẽ khám phá ra thực tại Phục sinh của chính chúng
ta. Ước gì chúng ta đều có thể nói được
như thánh Gio-an: Tôi đã thấy và tôi đã
tin.
Lm.
Ðaminh Trần Ðình Nhi
16-4-2003