CHÚA NHẬT PHỤC SINH – Năm B

18-4-2003

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:  Cô-lô-xê 3: 1-4

          Đức Ki-tô đã chết và đã sống lại.  Đó là hai thời điểm vô cùng quan trọng đối với chúng ta.  Cái chết của Người đã giúp chúng ta đoạn tuyệt với tội lỗi và sự sống lại của Người đã mở ra một cuộc sống mới cho chúng ta.  Trong mấy dòng của thư ngài gửi tín hữu Cô-lô-xê, ngài đã nêu lên nguyên lý của đời sống mới này, là chúng ta phải kết hợp với Đức Ki-tô phục sinh.

 

a)  Để kết hợp với Đức Ki-tô phục sinh, chúng ta phải ý thức mình đã được chỗi dậy với Người.

          Ý thức mình đã được chỗi dậy với Đức Ki-tô là ý thức sống động do việc nhắc nhở mình đã được lãnh nhận Bí tích Rửa tội và được mời gọi sống những lời hứa rửa tội.  Bí tích Rửa tội đã xóa bỏ đi con người cũ của chúng ta.  Con người cũ ấy đã bị tội nguyên tổ khống chế, tước đoạt khỏi chúng ta khả năng được nên công chính và ý muốn hướng về Thiên Chúa.  Chúng ta sống mà như đã chết rồi.  Nhưng nhờ sự chết và sống lại của Đức Ki-tô, qua Bí tích Rửa tội, chúng ta được phục hồi khả năng và ý muốn đã mất ấy, để sẵn sàng đáp lại lời gọi hãy sống cuộc sống mới trong Thần Khí của Chúa Ki-tô.  Nói khác đi, Đức Ki-tô đã lấy lại cho chúng ta một quyền lợi bị tội lỗi chiếm mất, đó là quyền được đứng thẳng (chỗi dậy) trước mặt Thiên Chúa, như con cái chứ không phải như nô lệ hoặc kẻ bị kết án.

          Thường biến cố lãnh nhận Bí tích Rửa tội đã trở thành một kỷ niệm quá khứ và dễ bị quên lãng.  Giống như tôi được tuyên thệ để trở thành công dân một nước, sống trong quốc gia ấy, thụ hưởng những quyền lợi của quốc gia ấy, thế mà ít khi tôi ý thức bổn phận của mình phải đóng góp xây dựng cho quốc gia ấy.  Quên lãng mình đã được rửa tội, được chỗi dậy trong con người mới với Đức Ki-tô, là tình trạng của không biết bao nhiêu người Công giáo.  Được chỗi dậy với Đức Ki-tô là một ân huệ cao cả, nhưng chúng ta quên đi ân huệ đó thì làm sao có thể đáp lại ân huệ đó được.  Cho nên trước khi mời gọi chúng ta sống đời sống mới, tức là sống kết hợp với Đức Ki-tô, thì thánh Phao-lô thấy trước hết cần phải nhắc nhở chúng ta hãy ý thức điểm khởi đầu để chúng ta đi vào đời sống mới ấy.

 

b)  Phải sống đời sống mới trong Chúa Ki-tô phục sinh như thế nào?

          Thánh Phao-lô nêu lên hai điểm thực hành: 

1.  Tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa.  Được nên công chính hóa (justification) theo từ nguyên có nghĩa là quyền được đứng thẳng lên.  Sau khi A-đam và E-và phạm tội bất tuân, tội lỗi đã làm cho con người thành kẻ thù của Thiên Chúa, thay vì hãnh diện nhìn thẳng vào Chúa thì lại phải gập xuống và hướng chiều về sự xấu.  Thay vì “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới” thì con người chỉ đi tìm những gì ở trên mặt đất này.  Thay vì tìm kiếm những gì có giá trị vĩnh cửu thì con người chỉ đi tìm những giá trị tạm bợ nơi vật chất chóng qua.  Nhưng Chúa Ki-tô đã tới để dẫn đưa nhân loại đi theo một hướng đi mới.  Sau Phục sinh, Người thuộc về thượng giới (ngự bên hữu Thiên Chúa) và Người ở đó để chúng ta nhìn lên và tìm kiếm Người.

Trong cuộc sống mới, chúng ta được nhắc nhở phải tìm kiếm Đức Ki-tô nơi thượng giới.  Nhưng Thiên Chúa không lấy đi tự do của chúng ta.  Do đó, chúng ta vẫn còn ước muốn vương vấn với những gì thuộc hạ giới, coi chúng như là mục đích chứ không phải là phương tiện.  Chính Chúa Giê-su cũng cảnh cáo:  “Kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em cũng ở đó” (Lc 12:34).  Kho tàng của chúng ta là Đức Ki-tô.  Cứu cánh của chúng ta là Đức Ki-tô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa.  Cho nên lòng chúng ta cũng phải để ở đó.

2.  Xác tín rằng sự sống mới của chúng ta đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa.  Thánh Phao-lô muốn diễn tả vai trò của Đức Ki-tô như thế nào đối với sự sống mới của chúng ta.  Khi nói sự sống mới ấy “đang tiềm tàng với Đức Ki-tô” có nghĩa là nó thực sự hiện diện qua một tiến trình biến đổi từ từ, để chờ tới ngày nào đó khi được viên mãn nó sẽ được biểu lộ trọn vẹn và cũng sẽ được ở “bên hữu Thiên Chúa” như Đức Ki-tô vậy.  Tiềm tàng không có nghĩa hoàn toàn thụ động.  Trái lại là một hợp tác giữa Đức Ki-tô và chúng ta.  Phía Đức Ki-tô, Người là khuôn mẫu, đồng thời cũng là chính sự sống mới của chúng ta.  Hơi thở thổi vào lỗ mũi A-đam là sinh khí.  Hơi thở Đức Ki-tô thổi vào linh hồn chúng ta là chính Thần Khí của Người.  Sự sống mới ấy được nuôi dưỡng, được lớn lên là do nguồn sống Ki-tô và việc chúng ta tiếp nhận sự sống ấy.

 

c)  Đức Ki-tô quang lâm là niềm hy vọng chắc chắn

          Sự Phục sinh chưa phải là kết điểm, nhưng mở ra cho chúng ta một trời mới đất mới.  Khi Đức Ki-tô trở lại để phán xét nhân loại, đó mới là thời điểm sự sống mới của chúng ta được hoàn tất.  Vậy thời gian hiện tại cho tới khi chúng ta lìa bỏ thân xác này, chúng ta được mời gọi hãy tích cực cộng tác với ơn cứu độ và để cho mình được biến đổi dần dần nên giống với Đức Ki-tô.  Hy vọng được hưởng phúc vinh quang có thể hiện nơi chúng ta hay không là tùy thuộc ở thái độ hợp tác của chúng ta với kế hoạch cứu độ, hay nói khác đi là do chúng ta có thực sự kết hợp với Đấng Cứu Chuộc hay không.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Mỗi ngày lễ Vọng Phục Sinh hoặc khi tham dự lễ Rửa tội, tôi có ý thức lại việc nhận lãnh Bí tích của tôi không?  Ý thức ấy có là một nhắc nhở thường xuyên đối với tôi để sống như con cái Chúa không?  Nếu không, thì tôi phải làm gì để nhớ?

          Lễ Phục sinh không chỉ kết thúc một mùa Phụng vụ, nhưng mở ra cho tôi một chương trình sống đời sống mới.  Vậy tôi sẽ thực hiện chương trình ấy như thế nào?

          Tôi đã chú tâm vào những gì thuộc hạ giới?  Tôi phải làm gì để được tự do đứng thẳng lên làm con Chúa, làm bạn với Chúa Ki-tô?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài hát Phục Sinh.

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

18-4-2003


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà