Chúa Nhật thứ 2 Phục
Sinh
(27-4-2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Cv 4,32-35:
(33) Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa
Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.
· 1Ga 5,1-6:
(4) Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng
ta. Nguồn mạch đức tin (5) Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu
không phải là người tin rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa?
· TIN MỪNG: Ga 20,19-31
Đức Giêsu hiện ra
với các môn đệ
(// Mt 28,16-20; Mc 16,14-18; Lc 24,36-49)
(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ
ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa
các ông và nói: «Bình an cho
anh em!» (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn.
Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại
nói với các ông: «Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì
Thầy cũng sai anh em». (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông
và bảo: «Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha
tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ».
(24) Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tôma, cũng gọi là
Điđymô, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. (25) Các môn đệ khác nói với ông: «Chúng tôi đã được thấy Chúa!» Ông Tôma
đáp: «Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào
lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin». (26) Tám ngày
sau, các môn đệ Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Tôma ở đó với các
ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: «Bình an cho
anh em». (27) Rồi Người bảo ông Tôma: «Đặt ngón tay
vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng
cứng lòng nữa, nhưng hãy tin». (28) Ông Tôma thưa Người: «Lạy Chúa của
con, lạy Thiên Chúa của con!» (29) Đức Giêsu bảo: «Vì đã thấy
Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!»
(30) Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn
đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. (31) Còn những điều đã được chép ở đây là để
anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà
được sự sống nhờ danh Người.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Việc
Tôma đòi hỏi những chứng cứ để tin như thế có gì quá đáng không? Có gì tích
cực, đáng khen trong sự đòi hỏi đó không? Để tin cho vững chắc đến mức có thể
dấn thân hết mình cho niềm tin ấy, việc đòi hỏi những chứng cứ chắc chắn có cần
thiết không?
2. Trong
Kitô giáo, đức tin là yếu tố quan trọng hàng đầu để được cứu rỗi. Nhưng đức tin
ấy có cần phải có chất lượng không? hay chỉ cần một đức tin xoàng xoàng là đủ?
Đức tin có chất lượng là gì?
3.
Một người tuyên xưng đức tin mạnh mẽ có chắc chắn là một người có đức
tin mạnh mẽ không? Tuyên xưng thật mạnh mẽ nhưng lòng thì không tin được như
vậy, đó có phải phần nào là giả dối không?
Suy tư gợi ý:
1. Thái độ của Tôma: đòi hỏi bằng chứng mới
chịu tin
Bài Tin Mừng hôm nay nói đến thái độ của tông đồ Tôma. Ông đòi buộc
phải thấy dấu đinh trong tay Đức Giêsu, xỏ ngón tay vào lỗ đinh ấy rồi đặt bàn
tay vào cạnh sườn Ngài, thì ông mới tin. Lý trí thiên về thực nghiệm và có
chiều hướng khoa học của ông đòi buộc ông phải làm như thế, nếu không, ông
không thể chấp nhận rằng Đức Giêsu đã sống lại, vì việc sống lại quả hết sức
khó tin. Nhưng rất có thể là sau khi được thỏa mãn những đòi hỏi ấy, Tôma xác
tín việc Chúa sống lại hơn nhiều tông đồ khác. Người ta vẫn nói: «đại nghi thì
đại ngộ» (nghi ngờ lớn thì giác ngộ lớn)! Các tông đồ khác – với bản
tính đơn sơ, dễ tin hơn – không cảm thấy phải có những bằng chứng rõ ràng như
Tôma mới tin được. Các ông chỉ dựa vào một số những biến cố thấy được nơi Thầy
mình trước đây, như cuộc hiển dung trên núi Tabo, khả năng làm phép lạ như hóa
bánh ra nhiều, làm sóng gió ngoài biển phải im lặng, thậm chí làm được cho kẻ
chết sống lại nhiều lần, v.v… là các ông đã đủ để tin rồi.
Đòi hỏi hay không đòi hỏi bằng chứng để tin không phải là chuyện quan
trọng. Điều này tùy thuộc vào bản tính Trời cho của mỗi người. Điều quan trọng
là phải làm sao để tin cho chắc, tin cho vững, tin tới mức có thể dám dấn thân
hết mình cho niềm tin ấy. Có những người rất dễ tin, vì thế niềm tin ấy không
được xây dựng trên cơ sở vững chắc để có thể giúp họ dấn thân hết mình cho điều
mình tin, nên khi gặp những giông tố thử thách, nghe những lý thuyết ngược lại,
thì đức tin đâm ra bị chao đảo. Vì thông thường là: nếu dễ tin trong trường hợp
này thì cũng sẽ dễ tin trong những trường hợp khác! Hay dễ được thì cũng dễ
mất! Cũng có những người đòi hỏi đầy đủ chứng cớ mới chịu tin. Có thể họ không
tin nếu chưa đủ chứng cớ. Nhưng một khi đã có chứng cớ làm cơ sở để tin, thì họ
lại tin rất vững chắc tới mức độ có thể dấn thân hết mình cho niềm tin ấy. Hạng
người sau sẽ ích lợi cho Thiên Chúa, Giáo Hội và nhân loại hơn. Cũng có thể có những
người tuy dễ tin, nhưng vẫn tin vững chắc và không thay đổi được. Điều này theo
lý luận thì khá nghịch lý, nhưng vẫn có thể xảy ra, vì trong thực tế vẫn có
những điều rất nghịch lý!
Trong Kitô giáo, đức tin là một yếu tố quan trọng hàng đầu. Tuy nhiên,
tin hay không tin không quan trọng bằng chất lượng của đức tin. Người tin hời
hợt cũng là tin, và người tin một cách xác tín cũng là tin. Nhưng giá trị của
hai thứ đức tin ấy khác hẳn nhau.
2. Trong Kitô giáo, đức tin là yếu tố quan
trọng hàng đầu
Người Kitô hữu coi việc rỗi linh hồn, tức hạnh phúc vĩnh cửu, là điều
quan trọng nhất. Họ có thể hy sinh tất cả mọi thứ khác trên đời cho hạnh phúc
vĩnh cửu ấy, và đó chính là sự khôn ngoan căn bản của họ. Vì như Đức Giêsu nói:
«Được lời
lãi cả thế gian mà mất sự sống đời đời thì ích lợi gì?» (Lc 9,25).
Nhưng muốn được sự sống đời, thì phải tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu-Kitô,
hay vào Tin Mừng của Ngài như một điều kiện không thể không có: «Ai tin và
chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án»
(Mc 16,16); «Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn tin rằng Thiên
Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ được cứu độ»
(Rm 10,9).
3. Nhưng điều quan trọng là chất lượng của đức
tin
Nhưng thế nào là tin đúng với ý nghĩa của chữ «tin»? Nhiều người tưởng rằng
mình tin vào Thiên Chúa, vào Đức Giêsu, nhưng thật ra họ chẳng tin hay chỉ tin
rất ít! Chỉ cần Chúa gửi đến cho họ một vài thử thách là họ sẽ thấy ngay họ có
tin hay không, hoặc tin ở mức độ nào.
Thật vậy, trong những điều kiện bình thường không có gì đe dọa, có biết
bao người tuyên xưng đức tin rất mạnh mẽ, rao giảng đức tin hùng hồn không ai
bằng. Thậm chí để bảo vệ đức tin, họ không ngần ngại lên tiếng kết án những kẻ
xem ra yếu đức tin hoặc tin khác với mình. Nhưng khi có thử thách xảy tới,
chẳng hạn khi tình thế đòi buộc phải lên tiếng bảo vệ đức tin, bảo vệ Giáo Hội,
bảo vệ công lý, và việc lên tiếng bảo vệ này đòi hỏi phải trả một cái giá nào
đấy, thì họ lại sẵn sàng im lặng bất động, bỏ mặc đức tin, Giáo Hội và công lý
ra sao thì ra. Hay khi đức tin đòi hỏi phải dấn thân hy sinh, chịu thiệt thòi
một cách cụ thể mà trước mắt không được bù đắp lại, lúc đó họ mới nhận ra đức
tin của họ – mà họ vẫn tưởng rất mạnh mẽ – hóa ra là thứ đức tin chỉ tuyên xưng
mạnh mẽ ngoài miệng mà thôi!
4. Tin thật trong lòng quan trọng hơn tuyên
xưng ngoài miệng
Phải nói rằng chúng ta chú tâm vào việc tuyên xưng đức tin hơn là sống
đức tin, chúng ta quan tâm chứng tỏ đức tin bằng miệng, bằng lời nói nhiều hơn
bằng hành động. Chúng ta có khuynh hướng chọn cái dễ hơn, cái «rẻ tiền»
hơn để thực hiện, chứ không chọn cái thật sự cần thiết dù là «đắt giá»,
vì thế, đời sống đức tin và việc truyền giáo của chúng ta không đi đến kết quả
mong muốn. Theo thánh Phaolô thì «có tin thật trong lòng mới được nên công
chính; có xưng
ra ngoài miệng mới được ơn cứu độ» (Rm 10,10). Chúng ta
có vẻ coi việc xưng ra ngoài miệng quan trọng hơn việc tin thật trong lòng. Có
phải chúng ta coi việc «được ơn cứu độ» quan trọng hơn việc «được nên
công chính»? Nhưng cần xét lại xem: có ai không trở nên công chính
mà được ơn cứu độ nhờ «xưng ra ngoài miệng» không? Lời ấy của
thánh Phaolô đòi hỏi chúng ta phải làm cả hai, và điều trước (tin thật trong
lòng) thì quan trọng và cần thiết hơn điều sau (xưng ra ngoài miệng)! Điều sau
chỉ là hiệu quả chứng tỏ điều trước mà thôi. Vì theo tự nhiên thì «lòng có đầy,
miệng mới nói ra» (Mt 12,34; Lc 6,45). Lòng không đầy mà ngoài miệng
lại nói ra thật hùng hồn mạnh mẽ thì rất có thể đã có phần nào giả dối trong
đó!
Thật vậy, thứ đức tin chỉ được tuyên xưng ngoài miệng chứ không được
chứng tỏ bằng hành động chỉ là đức tin giả dối, hay «đức tin chết»: «Đức tin
không có hành động là đức tin chết» (Gc 2,17.26). Liệu người ta có
thể được cứu rỗi với thứ «đức tin chết» ấy không?
5. «Phúc thay những người không thấy mà tin!»
Quả thật, nếu thấy rồi thì đâu còn là tin nữa, mà là thấy, biết!
Như vậy, tin
khác với thấy, biết. Tin chỉ có ý nghĩa khi đối
tượng tin còn mù mờ, chưa sáng tỏ, nó vừa đòi hỏi lý trí nắm được một số chứng
cứ để tin, vừa đòi hỏi ý chí chấp nhận một kết luận vượt khỏi giới hạn mà những
chứng cứ ấy chứng tỏ. Chẳng hạn bố mẹ tôi nói với tôi rằng lúc nhỏ tôi bị một
chứng bệnh rất nguy hiểm mà tôi đã thoát được. Tôi tin điều ấy, chứ không phải
tôi biết hay thấy điều ấy. Để tin điều ấy, trong tôi có tác động của lý trí và
ý chí. Lý trí tôi dựa trên những chứng cứ xác thực này:
– bố mẹ tôi sinh ra tôi và nuôi tôi nên biết rõ điều đó.
– bố mẹ tôi là một người chân thật, không hay nói dối
– tôi thấy bố mẹ tôi không có lợi gì khi dối gạt tôi điều này.
Những chứng cứ ấy chưa đủ để tôi có thể kết luận chắc chắn điều ấy.
Nhưng dựa trên những chứng cứ xác đáng ấy, tôi xác định rằng điều bố mẹ nói về
chứng bệnh lúc tôi còn nhỏ ấy là sự thật. Xác định điều ấy khi chưa hoàn toàn
sáng tỏ là việc làm của ý chí tự do.
Lời của Đức Giêsu: «Phúc thay những người không thấy mà tin!»
đặc biệt áp dụng cho chúng ta hơn là cho các tông đồ. Tất cả chúng ta chẳng ai
thấy Đức Giêsu, chẳng ai thấy Ngài sống lại. Nhưng chúng ta tin điều ấy. Niềm
tin ấy được xây dựng trên những lời chứng phải trả giá bằng máu, bằng mạng sống
của các tông đồ, là những người đã sống với Đức Giêsu và đã chứng kiến Ngài
sống lại: «Chính
Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin
làm chứng» (Cv 2,32; x. 3,15; 4,33; 10,39.42; 13,31). Không ai lại
sẵn sàng chết để làm chứng một điều gian dối chẳng đem lại lợi lộc gì cho mình.
CẦu nguyỆn
Lạy Cha, xin củng cố đức tin cho con, đồng thời giúp con
luôn thành thật với niềm tin của mình. Đừng để cho con trở nên giả dối: tin thì
không mạnh, nhưng tuyên xưng ngoài miệng thì rất là mạnh.
Joan
Nguyễn Chính Kết