CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: 1 Gio-an 5: 1-6
Bài đọc Tân Ước được sử dụng trong mùa
Phục Sinh (Chúa Nhật 2 đến 7 Phục Sinh) là những suy niệm về Mầu nhiệm Phục
sinh, lấy từ Thư 1 Phê-rô (năm A), Thư 1 Gio-an (năm B) và sách Khải Huyền (năm
C). Lễ Phục Sinh tiếp tục được cử hành
trong suốt bảy tuần lễ, nên các bài đọc Tân Ước là những suy niệm sâu sắc về
biến cố Phục sinh và những áp dụng thực tế vào cuộc sống Ki-tô hữu.
Tại sao Phụng vụ Lời Chúa sử dụng Thư
1 Gio-an? Thư 1 Ga giống như một thông
điệp gửi cho các giáo hội tại Tiểu Á khoảng giữa năm 90 và 100 sau công nguyên,
đang khi phái lạc giáo Ngộ đạo thuyết lung lạc đức tin Ki-tô giáo. Những người theo Ngộ đạo thuyết chủ trương
thân thể Đức Ki-tô chỉ có bề ngoài mà không có thực, thân thể ấy không thể phục
sinh, chỉ có linh hồn Người mới bay thẳng lên thiên đàng. Họ không chấp nhận thiên tính của Đức
Ki-tô. Họ không nhìn nhận giới răn bác
ái huynh đệ. Do đó trong thư này, thánh
Gio-an khuyên tín hữu hãy tiếp tục nhận biết và yêu mến Thiên Chúa bằng cách
giữ giới răn của Người mà yêu thương anh chị em. Ngài lý luận đanh thép:
“Nếu ai nói: ‘Tôi yêu mến Thiên
Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ
trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga
4:20). Vậy Thư 1 Ga được sử dụng để
giúp chúng ta nhận ra đời sống mới trong đức tin mà sự Phục Sinh của Chúa Ki-tô
đã đem lại cho chúng ta. Được sống lại
cùng với Chúa Ki-tô trong con người mới, Ki-tô hữu phải sống yêu thương như
những người con cái của Thiên Chúa.
Đoạn thư hôm nay nói về căn tính làm con cái Thiên Chúa của chúng ta.
a) Chúng ta là
con cùng một Cha
Trước khi nói đến bổn phận phải yêu
thương anh chị em, thánh Gio-an thấy cần phải nhắc nhở chúng ta về căn tính
đích thực của chúng ta. Nhờ tin vào
Chúa Ki-tô là Con Thiên Chúa, chúng ta đã được Thiên Chúa cho sinh lại trong
đời sống mới. Khi chúng ta lãnh nhận Bí
tích Rửa tội, Thánh Thần đã cho chúng ta khả năng được gọi Thiên Chúa là
“Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8:15). Vinh dự được làm con cái Thiên Chúa đưa
chúng ta tới bổn phận đối với Người, đó là phải “yêu mến Đấng sinh thành.” Nhưng từ bổn phận cốt yếu này, thánh Gio-an
lý luận đưa chúng ta tới một hệ luận khác, tức là “Ai yêu mến Đấng sinh thành,
thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.”
Khi nói “kẻ được Đấng ấy sinh ra,” thánh Gio-an hẳn không ám chỉ Chúa
Giê-su, nhưng ám chỉ tất cả chúng ta là những người đã được Thiên Chúa cho sinh
lại trong Bí tích Rửa tội.
b) Yêu mến Thiên
Chúa và tuân giữ điều răn của Người là dấu chỉ nói lên chúng ta là con cái
Người
Trong sách Tin Mừng, thánh Gio-an ghi
lại lời nhắn nhủ của Chúa Giê-su: “Căn
cứ vào điều này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, đó là anh em
có lòng yêu thương nhau” (Ga 13:35). Ở
đây, ngài theo cùng một phương thức diễn tả để nhấn mạnh đến bổn phận yêu
thương anh chị em: “Căn cứ vào điều
này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa, đó là chúng ta yêu
mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người.” Nếu chúng ta muốn làm môn đệ Chúa, thì chúng ta phải yêu thương
nhau. Nếu chúng ta muốn yêu thương
nhau, thì chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa và giữ điều răn của Người. Hay nói khác đi, lòng yêu mến đối với Thiên
Chúa và việc tuân giữ các điều răn của Người là tiêu chuẩn chắc chắn bảo đảm
cho lòng yêu thương đối với anh chị em.
c) Con cái Thiên
Chúa là những kẻ chiến thắng thế gian
Một dấu chỉ hết sức đặc biệt nói lên
chúng ta là con cái Chúa, đó là chúng ta là những người chiến thắng thế gian
nhờ lời Thiên Chúa ở lại trong chúng ta (2:14) và nhờ đức tin của chúng ta vào
Đức Ki-tô (5:4-5). Là Con Thiên Chúa,
Đức Ki-tô đã chiến thắng thế gian nhờ sự vâng phục thập toàn của Người, đến nỗi
Người vui lòng chết trên thập giá. Chiến
thắng ấy đã được khởi đầu nơi Đấng “là khởi nguyên, là Trưởng tử trong số những
người từ cõi chết sống lại” (Cl 1:18) và sẽ được tiếp tục nơi các em của Người,
tức là tất cả chúng ta. Ở đây chúng ta
cũng có thể theo cùng một lý luận của thánh Gio-an mà nói rằng: giống như lòng yêu mến Chúa là tiêu chuẩn
bảo đảm cho lòng yêu thương anh chị em, thì cũng thế, chiến thắng của Đức Ki-tô
là tiêu chuẩn bảo đảm cho chiến thắng của chúng ta đối với thế gian.
d) Hành trình của
con cái Thiên Chúa
Tất cả những trình bày của thánh
Gio-an giúp chúng ta tổng hợp lại thành một thực tại duy nhất, đó là hành trình
của kẻ làm con Thiên Chúa. Hành trình
ấy khởi đầu với đức tin vào Chúa Ki-tô là Con Thiên Chúa để chúng ta nhận lãnh
căn tính mới làm Ki-tô hữu và được mời gọi sống đời sống mới. Cốt lõi của đời sống mới trong Thần Khí Đức
Ki-tô là hãy yêu mến Thiên Chúa và tuân giữ điều răn của Người, yêu thương anh
chị em và thẳng tiến trên đường chiến thắng thế gian để được cùng chia sẻ gia
nghiệp với Chúa Ki-tô.
Có bao giờ tôi suy nghĩ sâu xa hơn
về căn tính Ki-tô hữu và làm con Thiên Chúa của mình không? Những khẳng định của thánh Gio-an soi sáng
thêm sự hiểu biết của tôi như thế nào?
Tôi có
thuộc hạng người nói “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà vẫn chứ yêu thương anh chị em
không? Suy nghĩ về một vài trường hợp
cho thấy tôi là “kẻ nói dối.”
Qua bài
đọc này, Giáo Hội muốn dẫn tín hữu theo một lối sống yêu thương, mến Chúa yêu
người. Tôi sẽ cố gắng theo dõi tư tưởng
của thư thứ nhất thánh Gio-an trong mùa Phục Sinh. Vậy tôi sẽ bắt đầu hoạch định một chương trình sống như thế nào
cho riêng tôi, nhấn mạnh đến lòng mến Chúa yêu người?
Sau nhưng lời nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lời nguyện
sau đây:
Lạy Thầy Giê-su, Thầy không gọi chúng
con là tôi tớ, Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ. Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,
vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con những điều riêng tư thầm kín nhất trong tương
quan giữa Thầy với Cha.
Hơn nữa, sau phục sinh, Thầy đã gọi
các môn đệ là anh em. Mặc nhiên Thầy tự
nhận mình là Anh Trưởng đứng đầu một đoàn em đông đúc.
Xin cho chúng con luôn thi hành ý muốn
của Cha, để trở nên những người em cùng huyết nhục với Thầy...
Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng
của Thầy và sống yêu thương mọi người như anh em. A-men.
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 33)