Chúa Nhật thứ 3 Phục Sinh
(4-5-2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Cv 3,13-15.17-19: (15) Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự
sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy từ cõi chết : về điều này,
chúng tôi xin làm chứng.
· 1Ga 2,1-5a: (3) Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta
biết Thiên Chúa : là chúng ta tuân giữ
các điều răn của Người. (4) Ai nói rằng
mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và
sự thật không ở nơi người ấy. (5) Còn hễ ai
giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo
· TIN MỪNG: Lc 24,35-48
Đức Giê-su hiện ra
với các Tông Đồ (// Ga 20,19-20)
(35) (Hai môn đệ đi Emmau về) thuật lại những
gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
(36) Các ông còn đang nói, thì chính Đức
Giêsu đứng giữa các ông và bảo: «Bình an cho
anh em!» (37) Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là
thấy ma. (38) Nhưng Người nói: «Sao lại hoảng hốt? Sao lòng anh em còn
ngờ vực? (39) Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ
xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?» (40) Nói xong,
Người đưa tay chân ra cho các ông xem. (41) Các ông còn
chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: «Ở đây anh em
có gì ăn không?» (42) Các ông đưa cho Người một khúc cá
nướng. (43) Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.
Những lời chỉ bảo sau hết cho các Tông Đồ
(// Mt
28,16-20; Mc 16,14-18; Ga 20,21-23; Cv 1,6-8)
(44) Rồi Người bảo: «Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em
rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép
về Thầy đều phải được ứng nghiệm». (45) Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu
Kinh Thánh (46) và Người nói: «Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô
phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; (47) phải nhân
danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối
để được ơn tha tội. (48) Chính anh em là chứng nhân về những
điều này. (49) Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã
hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ
trời cao ban xuống».
CHIA SẺ
Câu hỏi
gợi ý:
1. Đặt
mình vào địa vị các tông đồ khi gặp Đức Giêsu sống lại lần đầu tiên, bạn có dễ
dàng tin rằng Ngài hiện diện thật sự trước mắt mình không? Hiện nay, bạn có tin
rằng Ngài đang thật sự hiện diện bằng thần khí trong tâm hồn bạn không?
2. Đức
Giêsu đang hiện diện ở trong tâm hồn ta có khả năng hoạt động, dạy dỗ, biến cải
ta như Ngài đã từng hoạt động, dạy dỗ, biến cải các tông đồ ngày xưa không? Sự
hoạt động của Ngài có lệ thuộc vào thái độ nội tâm của ta không?
3. Ta
phải làm gì để được Ngài dạy dỗ, biến cải một cách hữu hiệu?
Suy tư
gợi ý:
1. Đức Giêsu mời gọi ta cảm nghiệm sự hiện diện của
Ngài
Sau khi sống lại, Đức Giêsu hiện
ra trước mắt các môn đệ, điều đó khiến các ông kinh ngạc, sợ hãi và không dám
tin vào mắt mình nữa. Nhưng Đức Giêsu trấn an các ông và chứng tỏ Ngài hiện
diện thật sự, bằng thân xác cụ thể chứ không phải bằng hình bóng theo kiểu một
bóng ma. Ngài chứng tỏ điều ấy bằng cách cầm lấy và ăn một khúc cá nướng trước
mặt các ông. – Hiện nay, Đức Giêsu đang thật sự hiện diện và hoạt động ngay
trong bản thân chúng ta. Nhưng rất nhiều người trong chúng ta – cũng giống như
các tông đồ xưa – không dám tin vào điều ấy. Nếu có tin thì cũng chỉ tin rằng
Ngài hiện diện một cách tượng trưng, bằng hình bóng của Ngài thôi. Nhưng hãy
nghe Ngài nói: «Sao lòng anh em còn ngờ vực? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà!
Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?» –
Ngài mời gọi chúng ta cảm nghiệm sự hiện diện đích thực của Ngài bên trong
chúng ta. Ngài mời chúng ta hướng vào bên trong để thấy Ngài nói và hoạt động
trong bản thân chúng ta.
2. Hiện nay,
Đức Giêsu có ở với chúng ta không? Ngài ở đâu?
Trước khi chịu khổ nạn và tử hình
thập giá, Đức Giêsu đã sống giữa các tông đồ, để dạy dỗ, an ủi, khuyến khích,
thêm sức cho các ông, một cách rất cụ thể, hữu hình hữu tướng, bằng thể chất.
Nhưng sau khi sống lại, Ngài không còn hiện hữu theo kiểu cũ, không thường xuyên
ở bên cạnh các ông một cách hữu hình nữa. Thân xác của Ngài là một thân xác
vinh quang, thoạt hiện thoạt biến, chỉ ở bên cạnh các ông một cách hữu hình
trong giây lát. Phải chăng cách hiện hữu này khiến Đức Giêsu và các ông xa cách
nhau hơn? Có phải sau khi về trời, Ngài không còn ở cùng các ông nữa không?
Không phải vậy. Trước khi về
trời, nghĩa là trước khi thân xác Ngài vĩnh viễn rời khỏi các môn đệ, Ngài nói:
«Thầy sẽ
ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28,20). Trong bối cảnh
thầy trò sắp chia tay nhau như thế mà Ngài lại nói vậy thì thật là mâu thuẫn và
nghịch lý! Đáng lẽ Ngài phải nói: «Thầy phải ra đi và không còn ở với anh em nữa cho đến
tận thế. Hẹn gặp lại anh em vào ngày tận thế!» Có phải Ngài nói lộn,
hay các thánh sử ghi sai lời Ngài?
Chắc chắn không phải như vậy! Tuy
Ngài không hiện hữu bằng thân xác của Ngài, nhưng Ngài vẫn hiện hữu một cách
thiêng liêng, bằng thần khí của Ngài, bên cạnh và bên trong chúng ta. Với cách
hiện hữu này, Ngài có thể thân mật với chúng ta hơn, và chúng ta có thể gặp
Ngài bất cứ lúc nào chúng ta muốn, một cách hết sức dễ dàng. Và Ngài vẫn có thể
dạy dỗ, an ủi, khuyến khích, ban bình an và sức mạnh cho chúng ta, miễn là
chúng ta tin vững chắc sự hiện diện của Ngài bên trong chúng ta, thường xuyên ý
thức và cảm nghiệm sự hiện diện ấy, đồng thời lắng nghe Ngài nói trong đáy lòng
mình. Đây là một ý thức và khả năng mà bất kỳ người Kitô hữu nào cũng cần tập
luyện. Và đây cũng là một bí quyết để có được bình an, sức mạnh và thăng tiến
trong đời sống tâm linh.
3. Phục sinh
Đức Giêsu trong ý thức và nội tâm ta
Đức Giêsu hứa với chúng ta: «Thầy sẽ ở cùng anh
em mọi ngày cho đến tận thế» (Mt 28,20). Ngài cũng nói
với Chúa Cha: «Con ở trong họ và Cha ở trong con» (Ga 17,23). Thánh
Phaolô nhắc lại sự hiện diện ấy: «Chỉ có Đức Kitô là tất cả và ở trong mọi người»
(Cl 3,11); «Thiên
Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em» (Gl 4,6).
Như vậy, theo lời Ngài đã hứa thì Ngài vẫn ở với và ở trong chúng ta. Nhưng sao
chúng ta chẳng thấy Ngài hoạt động hay ảnh hưởng gì trên chúng ta, giống như
xưa các tông đồ đã thấy Ngài hoạt động và ảnh hưởng trên các ông? – Sự hiện
diện của Ngài trong chúng ta có tính hoạt động và có khả năng biến đổi ta hay
không, điều đó còn tùy thuộc vào ý thức và sự tự do cộng tác của ta nữa. Nếu
chúng ta không tin hoặc không ý thức sự hiện diện của Ngài trong chúng ta, thì
sự hiện diện ấy chỉ giống như sự hiện diện của xác Ngài trong nấm mồ: một thân
xác vô hồn, bất động, không có khả năng gì cả. Chính ý thức sống động của ta về
sự hiện diện của Ngài trong bản thân ta làm cho Ngài «sống lại» trong ta và hoạt
động hữu hiệu. Nếu ta không ý thức sự hiện diện ấy thì hãy coi chừng: ta chưa
thật sự sống trong đức tin. Thánh Phaolô yêu cầu ta kiểm điểm lại đức tin của
mình: «Anh
em hãy tự xét xem mình có còn sống trong đức tin hay không. Hãy tự kiểm điểm
xem. Anh em chẳng nhận thấy có Đức Giêsu Kitô ở trong anh em sao?»
(2Cr 13,5).
Vì thế, để lời hứa của Ngài – là ở với chúng
ta – trở nên hiện thực, chúng ta phải tập luyện ý thức thường xuyên
sự hiện diện và hoạt động của Ngài trong nội tâm mình. Ngài hiện diện trong
chúng ta bằng thần khí của Ngài, chứ không phải bằng thể chất. Hiện diện dù
bằng thần khí hay bằng thể chất, đều là hiện diện thật sự. Và sự hiện diện ấy
là một hiện diện hoạt động chứ không bất động. Nếu ta để Ngài tự do hoạt động
trong chúng ta, nghĩa là không để hoạt động của Ngài bị hạn chế bởi ý riêng của
ta, lúc đó, ta sẽ nói được như thánh Phaolô: «Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà
là Đức Ki-tô sống trong tôi» (Gl 2,20). Nói cụ thể hơn là: bất kỳ
điều gì tôi làm (suy nghĩ, ăn, nói, làm việc, đối xử, ngủ, nghỉ…) đều không còn
phải là bản thân tôi làm nữa, mà chính là Đức Giêsu làm trong tôi. Ý thức
thường xuyên về sự hiện diện và hoạt động của Ngài trong nội tâm mình chính là
tâm trạng cầu nguyện, là tình trạng kết hợp liên lỉ với Đức Giêsu. Thiết tưởng
tất cả mọi Kitô hữu, nhất là những bậc hiến thân sống đời tu trì, đều được mời
gọi tập luyện sự ý thức thường xuyên này.
4. «Những gì
… đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm»
Khi chúng ta đã thường xuyên ý
thức sự hiện diện hoạt động của Đức Giêsu trong bản thân ta, ta sẽ dần dần cảm
nghiệm thấy «tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã
chép về Thầy đều được ứng nghiệm» ngay trong bản thân chúng ta. Câu
này cần được hiểu theo nghĩa huyền nhiệm của tâm linh. Nghĩa là tất cả những
lời hứa trực tiếp của Thiên Chúa với các tổ phụ, với Môsê (đất hứa, sự sung
túc, con cháu đầy đàn), những lời hứa của Ngài đối với Dân Ngài qua các ngôn
sứ, qua các lời Thánh Vịnh (sự thái bình, thịnh vượng…) đều được thực hiện tại
thế ngay trong tâm hồn ta. Lúc đó ta sẽ cảm nghiệm được thế nào là bình an và
hạnh phúc siêu nhiên, một thứ bình an hạnh phúc không tùy thuộc vào những điều
kiện bên ngoài, nên «không ai lấy mất được» (Ga 16,22). Lúc ấy,
Bát Phúc trong bài giảng trên núi của Đức Giêsu sẽ trở nên hiện thực và cụ thể
trong tâm hồn ta. Đây là tình trạng hạnh phúc của tâm hồn mà những vị thánh
thường xuyên kết hợp với Thiên Chúa luôn luôn cảm nghiệm được. Chính nhờ cảm
nghiệm được thứ hạnh phúc này, mà các ngài luôn luôn vui tươi khi gặp gian lao
thử thách. Hạnh phúc mà các ngài cảm nghiệm được này đã bù đắp cho các ngài tất
cả những hy sinh mất mát mà các ngài tự nguyện chịu. Hạnh phúc ấy, bất kỳ Kitô
hữu nào ý thức được sự hiện diện của Đức Giêsu trong tâm hồn mình, và hoàn toàn
sống với ý thức ấy đều có thể cảm nghiệm được.
CẦu nguyỆn
Lạy Cha,
Đức Giêsu vẫn sống ở trong con, nhưng tâm trí của con không hề nghĩ đến Ngài,
vì bận mải mê tìm kiếm những thứ ở bên ngoài. Điều đó đã làm cho sự hiện diện
của Đức Giêsu trong con trở thành bất động, Ngài chẳng có thể làm được gì ích
lợi cho con. Xin giúp con ý thức lại sự hiện diện của Ngài trong con, và thường
xuyên sống với ý thức ấy, để làm cho Đức Giêsu trở thành sống động trong con,
biến con trở nên một tâm hồn tốt đẹp và hạnh phúc.
Joan Nguyễn Chính Kết
29-4-2003