CHÚA NHẬT III PHỤC SINH, NĂM B

Lc 24, 35-48

 

NHÂN CHỨNG CHO SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚA

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Trong một bài ca có tựa đề:” Trên đường Emmaus”, linh mục Thành Tâm Dòng Chúa Cứu Thế đã viết những lời rút ra từ Kinh Thánh, gây rất nhiều ấn tượng cho giới trẻ và những người thích nhạc trẻ. Lời đó thế này:” Trên đường Emmaus hai người lữ khách bước đi bên nhau, mộng vàng tan mây, nhọc nhằn lê gót, chân buồn đường dài. Này ngài tiến đến về Emmaus tiến bước theo ngay bên. Họ không trông ai, Người lữ khách đó chính là Ngài”. Thật thế, các bài đọc và phụng vụ chúa nhật thứ ba phục sinh tiếp tục giới thiệu cho nhân loại về Chúa phục sinh và quá trình các môn đệ đến với Chúa sống lại.

 

CHÚA PHỤC SINH DƯỚI ÁNH SÁNG CỦA KINH THÁNH

 

Đoạn Tin Mừng của thánh Luca 24, 35-48 cũng như đoạn Tin Mừng Chúa nhật phục sinh diễn tả cho nhân loại thấy về việc Chúa Sống lại dưới ánh sáng của Thánh Kinh và dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Với ánh sáng của đức tin và Tin Mừng, các môn đệ đã được Chúa phục sinh làm cho họ hiểu rõ về việc Ngài sống lại.Thật vậy, Tin Mừng ngày thứ nhất phục sinh và Tin Mừng của thánh Luca hôm nay, chỉ trở thành dấu chứng đích thực của việc Chúa sống lại khi nó được soi chiếu dưới sự tác động và soi sáng của Thánh Thần. Càng ngày khi đọc lại đoạn Tin Mừng này, nhân loại sẽ cho rằng các môn đệ cứng tin vì họ đã được loan báo trước về việc Chúa phục sinh, đã được nghe Maria Mácđala, Simon và các tông đồ khác, nhất là nghe hai môn đệ trên đường Emmaus tường thuật về việc họ đã gặp Chúa phục sinh như thế nào, nhưng khi Chúa sống lại đã hiện ra cho các ông, đã ban bình an cho các ông, các môn đệ vẫn hoảng hốt, sợ sệt, hoang mang, họ vẫn chưa mường tượng việc Chúa sống lại. Chúa đứng giữa các ông, nhưng các ông vẫn tưởng là ma. Chúa phục sinh đã chỉ cho các ông thấy chân, tay, cạnh sườn và chân của Chúa Giêsu bị đóng đinh. Ngay lúc đó các ông vẫn chưa hoàn hồn và vẫn chưa tin Chúa sống lại. Chúa xin các ông cho Chúa ít bánh, ít cá và Ngài ăn trước mặt các ông. Cuối cùng Chúa phải dùng Thánh Kinh để mở trí cho các ông hiểu lời Kinh Thánh đã viết về Chúa Giêsu. Và Thánh Thần sẽ mở trí cho các môn đệ, để các Ngài cảm nghiệm sâu xa về Chúa sống lại và Ngài còn tiếp tục hiện diện nơi trần gian, giữa các ông. Đoạn Tin Mừng Luca 24, 35-48 bao gồm cả lời rao giảng của các tông đồ được thuật lại trong sách Tông Đồ Công Vụ như việc xử dụng Thánh Kinh, rao giảng sự sám hối ăn năn và sứ mạng làm chứng Chúa phục sinh trao phó cho các tông đồ. Thánh Phaolô viết:” Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người…Thiên Chúa đã chọn những gì thế gian cho là điên dại, để hạ nhục những kẻ khôn ngoan”( 1Co 1, 25-27 ). Xưa người Do Thái thường mong ước gặp một Đấng Mêsia là Vua vinh quang, đầy uy quyền, đầy dũng lực. Họ vỡ mộng khi Chúa nói Ngài sẽ đội mũ gai và phải chịu khổ hình. Các môn đệ sau khi đã thấy Chúa, đã hiểu Kinh Thánh, đã được Chúa Thánh Thần soi dẫn, họ đã nhận ra Chúa phục sinh và Phêrô đã có thể công khai rao giảng về một Đức Kitô chịu đóng đinh và sống lại. Điều quan trọng, Phêrô đã đặt Chúa sống lại vào chính lịch sử cứu độ. Thiên Chúa, Đấng đã can thiệp vào cuộc sống của Abraham, Isaac, Giacóp và vào lịch sử dân Chúa, đã tôn vinh Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô. Lịch sử cứu độ là lịch sử duy nhất. Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Đấng sống lại từ cõi chết và Oâng còn khẳng định Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu độ gian trần.

 

THẾ GIAN CHO LÀ KHÔN NGOAN. THIÊN CHÚA CHO LÀ DẠI KHỜ

 

Tin là cái gì xem ra nghịch lý: vì khi có đức tin, con người sẽ thấy được ánh sáng ngay trong bóng tối, tìm được sức mạnh ngay trong cái yếu đuối, tìm được sự sống ngay trong cái chết.” Hạt lúa mì rơi xuống đất, không thúi đi, nói sẽ không sinh nhiều hoa trái”( Ga 12, 24 ). “ Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo Ta”. Đạo của Chúa Giêsu Kitô thiết lập là đạo thánh giá. Xem ra chấp nhận thập giá là một sự khờ dại vì rằng người Do Thái và ngay cả các môn đệ lúc đó vẫn cứ tưởng Chúa Giêsu sẽ đội vương miện vàng, ngờ đâu Ngài đội mạo gai và phải kinh qua cuộc đau khổ trên thập giá. Đây là nghịch lý của Tin Mừng vì theo đạo Chúa có nghĩa là chấp nhận thập giá. Chúa nói vác thập giá của mình mà theo Chúa, chứ không phải vác thập giá của người khác. Chấp nhận thập giá là đón nhận hy sinh, từ bỏ và yêu thương. Vậy, thập giá có nghĩa là yêu thương. Tin Mừng của thánh Luca không chỉ đẹp về văn chương và mạch lạc về câu cú, cốt chuyện, nhưng Tin Mừng của Ngài toát lên niềm tin. Thánh Luca viết cho Théôphilê( Lc 1,11 )và qua Théôphilê, Ngài muốn gửi cho tất cả nhân loại, cho chúng ta. Niềm tin của Ngài là niềm tin vào Đức Kitô chịu đóng đinh và phục sinh. Thánh Luca đã có được niềm tin ấy nơi Phaolô, Vị  tông đồ dân ngoại, nơi Giáo Hội sơ khai, nơi lời chứng của những người đã được sống với Chúa, thánh Luca tin vì thấy sự yêu thương, hiệp nhất, bác ái của Cộng Đoàn Sơ Khởi, Ngài tin vì  kinh nghiệm riêng cá nhân của Ngài. Rõ ràng đoạn Tin Mừng Luca 24, 35-48 là phần cuối của chương 24. Thánh Luca ở đây diễn tả một số yếu tố chính như việc Chúa Giêsu ăn một mình, chứng tỏ Ngài không phải là ma, việc Chúa giải thích Kinh Thánh, soi đường chỉ lối cho các môn đệ biết mầu nhiệm vượt qua: Đấng Mêsia phải chịu khổ hình, mới đạt tới vinh quang phục sinh, mới chiến thắng khải hoàn. Đó là mầu nhiệm của thập giá. Thánh Luca lập đi lập lại điệp khúc:” Chúa Kitô phải chịu khổ hình, mới đạt tới vinh quang phục sinh”. Đây là cái cốt lõi của đạo công giáo. Muốn vinh quang phải trải qua khổ đau. Đây là con đường duy nhất dẫn tới vinh quang: con đường khổ giá. Đoạn Tin Mừng của thánh Luca 24, 35-48 đưa ta bắt gặp Tin Mừng của thánh Gioan ở hai điểm chính yếu: Chúa ban bình an cho các môn đệ, chỉ cho các ông thấy tay, chân của Chúa bị đóng đinh và cạnh sườn Chúa bị đâm thâu qua( Ga 20, 19-21 ) và xác nhận chân lý này: thập giá là nơi mạc khải vinh quang của Đức Kitô. “ Ai tìm mạng sống mình thì sẽ mất…Ai đành mất mạng sống vì Ta thì sẽ tìm lại được…”. Cái nghịch lý là ở chỗ đó.Các môn đệ đã hiểu mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu Kitô nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, nhờ lời dẫn giải Kinh Thánh của Chúa phục sinh vì thế họ nhất loạt trở nên những chứng nhân kiên trung cho Chúa sống lại.

 

Và bài ca của linh mục Thành Tâm vẫn cất lên:” Biết mấy lúc chúng ta đi trong cuộc sống mọi ngày, đã gặp Ngài nhưng chẳng biết Ngài. Aáy những lúc mắt ta không trông, không thấy được Ngài trong những kẻ nghèo đói “. Chúa phục sinh đang hiện diện nơi thế gian, nơi mỗi người và ở khắp chốn.

 

Lạy Chúa Giêsu Kitô xin cho mọi người chúng con xác tín rằng:” Đức Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba từ cõi chết sống lại. Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân. Kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội”( Lc 24, 46-47 ).

 

GỢI Ý CHIA SẺ

1.       Bạn hiểu sao về con đường thập giá ?

2.       Bạn mến yêu thập giá không ?

3.       Bạn nghĩ gì về câu:” Muốn vinh quang phải trải qua đau khổ” ?

29-4-2003

Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà