Chúa Nhật Thứ 4 Phục
Sinh
(11-5-2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Cv 4,8-12:
(12) Dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại
để chúng ta nhờ vào danh đó mà được cứu độ.
· 1Ga 3,1-2:
(2) Khi Đức Ki-tô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như Người, vì Người thế
nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy
· TIN MỪNG: Ga 10,11-18
Vị Mục Tử nhân lành
Khi ấy, Đức Giêsu nói: (11) «Tôi
chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn
chiên. (12) Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên
không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy
chiên và làm cho chiên tán loạn, (13) vì anh ta là kẻ làm thuê, và không
thiết gì đến chiên. (14) Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi
biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, (15) như Chúa
Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đàn
chiên. (16) Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi
cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và
một mục tử. (17) Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng
sống mình để rồi lấy lại. (18) Mạng sống của tôi, không ai lấy đi
được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có
quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Mục
tử là gì? Xét về phẩm chất, có mấy loại mục tử? Mỗi loại có những tính chất gì?
Làm sao phân biệt được loại nào với loại nào?
2. Đức
Giêsu là mục tử nhân lành: đặc điểm cao quí nhất của Ngài là gì? Ngài có thể hy
sinh cho đàn chiên tới mức độ nào?
3. Những
bậc cha mẹ trong gia đình, những tổ trưởng trong khu phố hay trong các xí
nghiệp, những thầy giáo trong các trường học, những giám đốc công ty… có thể
hiểu là những mục tử không? Bài Tin Mừng này có áp dụng cho họ được không?
Suy tư gợi ý:
1. Mục tử – tốt và xấu – trong xã hội và Giáo
Hội
Xã hội nào cũng đều có tổ chức, cơ cấu, trong đó luôn luôn có những
người lãnh đạo, điều khiển. Trong các tôn giáo cũng thế. Trong lịch sử Do-thái,
những người lãnh đạo dân chúng được gọi là mục tử (x. Gr 10,21; Ed 37,23-24):
chẳng hạn như vua Sa-un, vua Đavít. Kitô giáo, vốn tiếp nối truyền thống
Do-thái, cũng gọi những người lãnh đạo trong Giáo Hội (như linh mục, mục sư,
giám mục, hồng y, giáo hoàng) là mục tử. Những mục tử hay những người lãnh đạo
ấy thường được xã hội hay tôn giáo tạo cho những điều kiện thuận lợi và trao
cho những phương tiện hữu hiệu để có thể thi hành hữu hiệu công việc lãnh đạo
đó: chẳng hạn địa vị, chức vụ, quyền bính, tiền bạc, tiếng nói… Những điều kiện
và phương tiện này là một thứ dao hai lưỡi. Nó có thể giúp các mục tử hay các
nhà lãnh đạo phục vụ dân chúng hay các tín hữu hữu hiệu hơn. Nhưng nó có thể
làm tha hóa, biến chất các mục tử khi sử dụng nó. Và nó cũng có thể bị những kẻ
lắm tham vọng tìm cách đạt tới để lợi dụng nó, để phục vụ cho những tham vọng
hay lợi ích cá nhân của mình, của gia đình hay phe nhóm mình.
Như vậy, chiếu theo thái độ đối với những điều kiện và phương tiện mà
xã hội hay tôn giáo dành cho những người lãnh đạo hay mục tử, ta có 2 loại mục
tử tương ứng:
– Mục tử tốt: là
những người lãnh đạo thật sự có ý hướng phục vụ dân chúng hay các tín hữu, chứ
không nhằm lợi ích cho riêng mình. Họ sử dụng những điều kiện hay phương tiện
xã hội hay Giáo Hội trao cho hoàn toàn để phục vụ tha nhân và công ích.
– Mục tử xấu: là
những người lãnh đạo không nhắm phục vụ dân chúng, mà nhắm đạt được những điều
kiện và phương tiện thuận lợi kia để hưởng thụ hoặc chỉ để thăng tiến bản thân,
thỏa mãn những tham vọng riêng tư.
Loại sau này còn bao gồm những mục tử bị tha hóa, là những người lãnh đạo khởi đầu có ý
hướng tốt, nhưng khi tiếp xúc hay sử dụng những điều kiện hay phương tiện xã
hội trao cho, thì bị chúng hấp dẫn, mê hoặc và làm cho biến chất, để cuối cùng
trở thành những mục tử xấu.
2. Mục tử tốt và xấu trong bài Tin Mừng và trong
Thánh Kinh
Trong bài Tin Mừng hôm nay (Ga 10,11-18), Đức Giêsu mô tả và đối chiếu
hai loại mục tử ấy: một loại được gọi là mục tử nhân lành, còn loại kia là kẻ chăn chiên
thuê.
· Mục tử nhân
lành thì: «hy sinh mạng
sống mình cho đàn chiên», «tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi…
chúng sẽ nghe tiếng tôi». Ngài tự nhận mình chính là mục tử loại
này. Trong Thánh Kinh có rất nhiều câu mô tả những đức tính tốt của những mục
tử nhân lành, mà chính Thiên Chúa là mô hình gương mẫu nhất:
– yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: «Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh
tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt»
(Is 40,11).
– yêu quí từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: «Ai có một
trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên
núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì
con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc» (Mt
18,12-13).
– lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: «Ta sẽ chăn
dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại
đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ» (Ed
34,14).
– làm chiên sống no ấm, hạnh phúc: «Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì»
(Tv 23,1); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: «Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn,
vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm» (23,4).
– tinh thần trách nhiệm rất cao: «Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ
đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh;
con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng» (Ed 34,16).
– cứu thoát, giải phóng đàn chiên: «Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu
thoát đàn chiên» (Dc 9,16).
Tóm lại, người mục tử tốt thật sự yêu thương đàn chiên, sẵn sàng hy
sinh cho sự an nguy và hạnh phúc của đàn chiên. Thậm chí như Đức Giêsu, người
mục tử tuyệt vời nhất, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình: coi sự sống còn của
đàn chiên quý hơn cả sự sống mình.
· Kẻ chăn
chiên thuê hay mục tử xấu thì: «không thiết
gì đến chiên», «khi thấy sói đến liền bỏ chiên mà chạy: sói vồ lấy
chiên và làm cho chiên tán loạn». Thánh Kinh cũng có nhiều câu mô tả
hạng mục tử này với những đặc tính:
– vô trách nhiệm: «Con chiên nào mất, nó chẳng quan tâm; con thất lạc,
nó chẳng đi tìm; con bị thương, nó không chạy chữa; con mạnh khoẻ, nó chẳng
dưỡng nuôi» (Dc 11,16a); «Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên
bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng
bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi
tìm» (Ed 34,4)
– chỉ nghĩ tới hưởng thụ, sẵn sàng bóc lột: «Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc,
chiên béo tốt thì các ngươi giết, mà đàn chiên lại không lo chăn dắt»
(Ed 34,3). Thậm chí bóc lột đến tận xương tủy: «Con nào béo thì chúng ăn thịt, rồi lóc
luôn cả móng» (Dc 11,16b)
– ích kỷ, vụ lợi, đầy tham vọng: «Chúng là lũ chó đói, ăn chẳng biết no. Thế mà chúng
lại là mục tử! Cả bọn – chẳng trừ ai – chỉ mưu tìm lợi lộc cho riêng mình»
(Is 56,11).
– tàn bạo, độc ác: «Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc»
(Ed 34,3); «Các
ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng» (Gr 23,2b).
– tác hại vô cùng đến đàn chiên: «Các ngươi đã làm cho đàn chiên của Ta phải tan tác»
(Gr 23,2).
Tóm lại, mục tử xấu coi đàn chiên chỉ là phương tiện, bắt chúng phải hy
sinh phục vụ cho lợi ích riêng tư của mình, không một chút tình thương đối với
chúng. Nhưng kết cục của hạng mục tử này rất bi thảm: «Khốn cho mục tử vô tích sự đã bỏ mặc
đàn chiên. Gươm sẽ chặt đứt tay nó, sẽ chọc mắt phải của nó. Cánh tay của nó sẽ
khô đét, và mắt phải của nó sẽ mù loà» (Dc 11,17); «Khốn thay
những mục tử làm cho đàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác (…) các
ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi
gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi. Đó là sấm ngôn của Đức Chúa»
(Gr 23,1-2).
3. Hãy trở nên những mục tử nhân lành
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu tự xưng mình là «mục tử nhân lành», luôn yêu
thương đàn chiên và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên. Khi tự xưng
như thế không phải để chúng ta nể phục cho bằng để chúng ta bắt chước, noi
gương Ngài trong công việc «mục tử» của chúng ta. Chúng ta thường giới
hạn ý nghĩa của từ «mục tử» này, đến nỗi chỉ áp dụng nó cho
những người lãnh đạo tôn giáo. Thật ra, tất cả những ai đảm trách việc lãnh
đạo, từ một gia đình đến một phường, một tỉnh, hay một quốc gia, từ một hội
đoàn, một xứ đạo, đến một giáo phận, một giáo hội địa phương hay Giáo Hội toàn
cầu, một cách nào đó, đều có thể gọi là mục tử. Ước chi mọi mục tử đều biết
thật sự yêu thương đàn chiên của mình và lãnh đạo chúng một cách sáng suốt! Ước
chi mọi cha mẹ đều yêu thương con cái, mọi cha xứ đều sẵn sàng hy sinh phục vụ
giáo dân, mọi giám mục đều hết lòng chăm sóc các linh mục và giáo dân dưới
quyền mình! Ước chi mọi vị lãnh đạo xã hội và đất nước biết quên những quyền
lợi riêng tư để nghĩ đến lợi ích chung của dân chúng!
Mọi quốc gia, mọi giáo hội, đều rất cần những vị minh quân, những mục
tử nhân lành. Cần hơn cả việc có thật đông những cá nhân tài giỏi, xuất sắc.
Câu chuyện sau đây minh họa điều đó.
Có hai người thuộc hai quốc gia nói chuyện với nhau: – «Tôi rất khâm
phục đất nước anh, vì nước anh có rất nhiều anh hùng». – «Thế đất nước
anh có nhiều anh hùng không?» – «Rất tiếc, đất nước tôi ít anh hùng lắm!» –
«Lạ nhỉ,
đất nước tôi nhiều anh hùng thế mà sao vẫn cứ nghèo nàn và lạc hậu, còn đất
nước anh không có anh hùng mà sao lại phát triển và giàu có như vậy?»
– «À, đất
nước tôi thì bù lại, được khá nhiều vị minh quân!» Thì ra chỉ một vị
minh quân – hay mục tử nhân lành – cũng đủ quí giá và ích lợi cho đất nước và
Giáo Hội hơn nhiều anh hùng hay cá nhân xuất sắc hợp lại! Cầu mong cho đất nước
và Giáo Hội Việt Nam có được những minh quân!
CẦu nguyỆn
Lạy Cha, xin Cha hãy ban cho Giáo Hội và đất nước con nhiều
vị mục tử nhân lành hơn! Xin cho các nhà lãnh đạo đất nước và Giáo Hội con biết
thật sự yêu thương người dân cũng như các tín đồ của mình hết lòng và sẵn sàng
hy sinh phục vụ họ. Có như thế, đất nước và Giáo Hội con mới tiến bộ lên được.
Amen.
Joan Nguyễn
Chính Kết
5-4-2003