CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH

            Cầu cho ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ

            Ga 10, 11-18

 

CHÚA LÀ MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Ca hiệp lễ chúa nhật 4 phục sinh viết rằng:” Vị Mục Tử nhân lành đã sống lại. Chính Người đã thí mạng vì con chiên và chịu chết vì đoàn chiên của Người”. Đức Giêsu Kitô được gọi là Mục Tử nhân hậu, tốt lành và mọi người theo Ngài đều được coi là chiên của Ngài. Abraham, Đavít và biết bao tổ phụ đã xuất thân từ giới lao động, cần cù, đã làm nghề chăn cừu, chăn chiên . Kinh nghiệm của các Ngài có xuất phát từ những việc thực tế trong đời sống chăn chiên và nhờ đó, các Ngài đứng ra lãnh đạo dân, lãnh đạo dân tộc của họ. Đi từ thực tế đó, các tổ phụ có một quan niệm nhất quán về Thiên Chúa Giavê, họ gọi Giavê là Mục Tử và họ tự coi họ là chiên của Giavê Thiên Chúa.

 

QUAN NIỆM MỤC TỬ THEO NHÃN GIỚI KINH THÁNH

 

Trong lịch sử dân Chúa và trong lịch sử đời thường, dân xưa thường sống về nghề nuôi cừu, nuôi chiên. Họ là những dân du mục, rầy đây mai đó, miễn sao kiếm ra những cánh đồng xanh tươi và những dòng suối mát trong lành mà thả chiên ăn cỏ, uống nước. Phát xuất từ nguồn cảm hứng chăn chiên, các thi sĩ, văn sĩ tha hồ diễn tả tâm tình của mình. Đọc lại thánh vịnh 23, chúng ta nhận ra tâm tình của văn sĩ Thánh Kinh. Họ quan niệm Thiên Chúa là Mục Tử đã hy sinh cho Israen, như Vị Mục Tử xả thân vì đoàn chiên:” Chúa là Mục Tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ…Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u, con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm”( Tv 23, 1-4 ). Với quan niệm này, tất cả các vị lãnh đạo tôn giáo của Israen, thay mặt mặt Chúa phục vụ dân, cũng được coi là những Vị Mục Tử.  Tuy nhiên, năm tháng trôi qua, vai trò mục tử của những vị lãnh đạo tôn giáo của Israen đã bị thoái hóa, đã không đi đúng đường lối nguyên tuyền, chính thống của vị mục tử đích thực như mẫu gương là Đức Giêsu Kitô, đến nỗi ngôn sứ Eâzêchiên phải thốt lên những lời này:” …Khốn cho các mục tử Israen,những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao ?...chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên bị lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc…Nên hỡi các mục tử hãy nghe lời Đức Chúa:”…Ta chống lại các mục tử, Ta sẽ đòi lại chiên của Ta”. Ta sẽ cho xuất hiện một  mục tử để chăn dắt chúng; nó sẽ chăn dắt chúng, đó là Đavít, tôi tớ của Ta: chính nó sẽ chăn dắt chúng; chính nó sẽ là mục tử của chúng”( Ed 34, 2-4, 9-10,23 ). Đoạn Tin Mừng của thánh Gioan 10, 11-18 được đọc dưới nhãn giới đó:” Tôi chính là mục tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên….Tôi biết chiên của Tôi, như chiên của Tôi biết Tôi…Chúng sẽ nghe tiếng Tôi. Và chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”( Ga 10,11-16 ). Đức Giêsu chính là mục tử mà ngôn sứ Eâdêkien đã tiên báo. Giống như vua Đavít, vị mục tử nhân lành, Chúa Giêsu chăm sóc, nâng đỡ những con chiên đau ốm, băng bó vết thương cho những con chiên bị thương tổn, và đi tìm những con chiên lạc đường, mất lối. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu tự hiến mạng sống vì chiên mà Ngài yêu thương:” Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ). Rồi, Chúa Giêsu còn làm một việc diệu kỳ, lạ lùng, không ai có thể làm nổi:” Chúa sống lại thật rồi.Kính dâng Người vinh quang và uy quyền. Đến muôn đời muôn thuở”( Lc 24, 34; Kh 1,6) và chia xẻ đời sống phục sinh của Ngài với đàn chiên của chính Ngài.

 

MỤC TỬ NHÂN HẬU, YÊU THƯƠNG

 

Thánh Gioan trong chương 10 này vén lộ cho nhân loại thấy Chúa Giêsu là vị mục tử không chỉ riêng cho dân Israen mà còn cho toàn nhân loại nữa. Vì Thiên Chúa theo thánh Gioan 3, 16 nói:” Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”. Rõ ràng, Chúa Giêsu đến trần gian không vì dân Do Thái, nhưng vì mọi người, vì thế gian. Điều này cũng được các thánh sử Matthêu, Máccô và Luca nhấn mạnh trong bữa tiệc ly, khi Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể:”…Máu Ta đổ ra vì mọi người, đem ơn tha tội cho muôn người, nghĩa là cho thế gian( Mt 26, 26-29, Mc 14, 22-25, Lc 22, 15-20 ). Điều này được thánh Phêrô nhắc lại trong bài đọc I là Chúa chữa người tàn tật nhờ quyền năng của Người. Chúa Giêsu mời gọi dân chúng tin vào Người để được chữa lành phần hồn phần xác và đây cũng là điều thánh Gioan nhắc nhở chúng ta trong bài đọc II, nhờ Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm cho ta trở nên con cái riêng của Ngài.  Ở đây, còn một lý do thâm sâu, cốt lõi nữa là vì mục tử biết chiên, biết ở đây có nghĩa là hiểu rõ hoàn cảnh bi đát, tội lỗi, thiếu thốn của mỗi người, nên mục tử là Chúa Giêsu đã yêu thương con người, đã tìm chiên lạc( Mt 18, 12-14 ), những chiên tản mác, lang thang khắp nơi ( Is 53, 6 ), qui tụ lại thành ràn( Ga 11, 52 ). Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành luôn yêu thương chiên của Người, dù chiên ngỗ nghịch, dù chiên phản bội, dù chiên yếu đuối, Người lúc nào cũng tìm kiếm chiên lạc đàn, hy sinh cứu đàn chiên và qui tụ những chiên đã tìm thấy để qui tụ những con chiên này quanh một vị mục tử duy nhất để tất cả được sống trong hiệp nhất, hòa thuận, yêu thương và bình an:” Lạy Cha xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha”( Ga 17, 21 ).

 

Thánh lễ Chúa Nhật 4 phục sinh: Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, Giáo Hội mời gọi mọi người cầu nguyện cho ơn gọi linh mục và tu sĩ.” Lạy Cha, xin hãy sai thêm thợ gặt trong đồng lúa. Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt”. Tất cả mọi người đều được mời gọi làm trong vườn nho của Chúa. Đứng trước một thế giới văn minh, ơn gọi làm linh mục và tu sĩ nhiều nơi thiếu vắng, chúng ta  hãy cầu nguyện thiết tha cùng Chúa xin cho có nhiều tâm hồn trẻ nam nữ thành tâm thiện chí dâng hiến mình cho Chúa.

Lạy Cha là mục tử nhân lành, chúng con là đoàn chiên đã được Cha cứu chuộc bằng máu châu báu của Đức Giêsu Kitô. Cúi xin Cha giờ đây thương đoái, dẫn đưa chúng con vào đồng cỏ Nước Trời( Lời nguyện hiệp lễ, Chúa Nhật 4 phục sinh ).

 

GỢI Ý CHIA SẺ

1.       Cựu Ước nói gì về các mục tử ?

2.       Tại sao lại gọi Chúa Giêsu là mục tử tốt lành ?

3.       Bạn đã thấy con chiên chưa? Hãy tả lại những nét chính yếu của con chiên .

 

 ngày 5-5-2003


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà