Chúa Nhật thứ 5 Phục Sinh
(18-5-2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Cv 9,26-31: (31) Hồi ấy,
trong khắp miền Giuđê, Galilê và Samari, Hội Thánh được bình an, được xây dựng
vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh
Thần nâng đỡ.
· 1Ga 3,18-24:
(23) Đây là điều răn của Người, chúng ta phải tin vào
danh Đức Giêsu Kitô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn
Người đã ban cho chúng ta.
· TIN MỪNG, Ga 15,1-8
Cây nho thật
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn
đệ: (1) «Thầy là cây
nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. (2) Cành nào
gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh
hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. (3) Anh em được
thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. (4) Hãy ở lại
trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình
sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại
trong Thầy.
(5) Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và
Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy,
anh em chẳng làm gì được. (6) Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành
nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. (7) Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy
ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. (8) Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là, Anh
em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Câu
«cành nào
gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi» nghĩa
là gì? Tại sao gắn liền với Đức Giêsu mà lại không sinh hoa trái? Câu này ám
chỉ loại người nào?
2. Câu
«cành nào
sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn»
nghĩa là gì? Chữ «cắt tỉa» ở đây ám chỉ điều gì? Tại sao lại phải «cắt tỉa»?
3. Từ
ngữ «ở
lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu phải được thể hiện
thế nào trong đời sống của ta?
Suy tư gợi ý:
1. «Cành
nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi»
Đức Giêsu tự ví mình là cây nho, và những người theo Ngài là những cành
nho. Cành nho sống được là nhờ thân nho. Rời thân nho, cành nho sẽ khô héo và
bị quăng vào lửa. Tuy nhiên, Đức Giêsu đưa ra trường hợp này: có những cành
nho, tuy gắn liền với cây nho, nhưng lại không sinh hoa trái. Trường hợp này,
cành nho sẽ bị chặt khỏi cây nho.
Nói đến trường hợp này, người Kitô hữu không khỏi nghĩ về bản thân
mình: liệu đó có phải là trường hợp của mình không? Vì người Kitô hữu là người
gắn liền với Đức Giêsu, nhưng quả thật có rất nhiều Kitô hữu suốt bao năm
trường đã chẳng sinh ra hoa trái nào! Biết bao Kitô hữu theo Đức Giêsu từ nhỏ
tới lớn, thậm chí tới già, nhưng xét cho kỹ và nói cho khách quan, thì họ chẳng
tốt hơn người ngoại loại trung bình chút nào! Nhiều người còn tệ hơn cả những người
ngoại loại ấy nữa! Họ sẵn sàng ăn gian nói dối, đối xử bất công, sống không
tình nghĩa, v.v… Tương tự, có biết bao linh mục, tu sĩ, mang danh theo Chúa
hàng chục hay mấy chục năm, nhưng chẳng tốt hơn những giáo dân bình thường bao
nhiêu, đôi khi còn tệ hơn! Sách Khải Huyền nói về hạng người này: «Ta biết các
việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn
hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa
ngươi ra khỏi miệng Ta» (Kh 3,15-16).
Trường hợp này rất có thể đúng cho tôi, cho bạn. Vì thế, mỗi người
chúng ta cần phải tự vấn mình trước mặt Chúa, để sửa đổi trước khi quá muộn.
Chúa vẫn luôn chờ đợi chúng ta sửa đổi, để Ngài khỏi phải ra tay! «Ta không
muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống»
(Ed 18,23; 33,11; x.33,19).
2. «Cành nào
sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn»
Người làm vườn giỏi biết chăm sóc cây thì biết cắt tỉa cành để nó sinh
nhiều hoa trái hơn. Nếu người Kitô hữu là cành nho, Đức Giêsu là cây nho, Thiên
Chúa Cha là người trồng nho, thì ắt nhiên Chúa Cha sẽ phải «tỉa cành»
để người Kitô hữu «sinh nhiều hoa trái» hơn. Người Kitô hữu «sinh nhiều
hoa trái» là người có nhiều tiến bộ về mặt tâm linh (mến Chúa yêu
người ngày càng nhiều hơn). Và Chúa Cha «tỉa cành» là giúp người Kitô hữu bỏ bớt
những bận tâm vô ích để có thể tập trung năng lực vào việc tiến bộ tâm linh.
Ngài có thể làm điều ấy bằng cách làm cho người Kitô hữu ấy bị thiệt thòi mất
mát về vật chất, thể chất, cũng như tinh thần, hoặc cho người ấy trải qua những
đau khổ thử thách. Vì những đau khổ thử thách có khả năng thánh hóa rất hữu
hiệu.
Chính Đức Giêsu, thánh thiện như vậy mà cũng được Chúa Cha «tỉa cành»
cho Ngài. Thánh Phaolô nói về điều ấy: «Thiên Chúa (…) đã làm một việc thích đáng, là cho Đức
Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn dẫn đưa mọi người
tới nguồn ơn cứu độ» (Dt 2,10). Như vậy, theo thánh Phaolô, nhờ chịu
gian khổ mà Đức Giêsu trở nên một người lãnh đạo hoàn hảo. Tin Mừng cũng nói: «Nào Đấng
Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của
Người sao?» (Lc 24,26). Còn chúng ta, Thiên Chúa cũng mời gọi chúng
ta chia sẻ đau khổ với Đức Giêsu, để cùng tham dự vào vinh quang và hạnh phúc
của Ngài: «Một
khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng vinh quang với
Người» (Rm 8,17). «Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu,
anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng
được vui mừng hoan hỷ» (1Pr 4,13). «Phần anh em là những kẻ phải chịu khổ
ít lâu, chính Thiên Chúa sẽ cho anh em được nên hoàn thiện, vững vàng, mạnh mẽ
và kiên cường» (1Pr 5,10).
Đọc hạnh các thánh ta thấy hầu như vị thánh nào cũng đều có kinh nghiệm
được Thiên Chúa thánh hóa bằng đau khổ. Chẳng hạn, thánh Têrêxa Avila đã bị
Thiên Chúa thử thách bằng biết bao đau khổ, đến độ thánh nhân phải kêu lên: «Chúa đối xử
với bạn bè Chúa như vậy, hèn chi Chúa ít bạn là phải!» «Chúa ít bạn
là phải!» vì nhiều người dù biết rằng đau khổ có tác dụng thánh hóa
bản thân, nhưng vẫn sợ và tránh né đau khổ: nếu phải đau khổ mới nên thánh thì
thôi, thà đừng nên thánh! Nghĩ như thế thật là nông cạn, vì nên thánh, nên hoàn
hảo là điều rất quí giá: những đau khổ ta phải chịu chẳng là gì cả so với vinh
quang và hạnh phúc ta được nhờ sự hoàn hảo thánh thiện, và sự thánh thiện hoàn
hảo này ta đạt được là nhờ đau khổ. Thánh Phaolô viết: «Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ
sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta!»
(Rm 8,18). Thánh Phêrô cũng khuyên ta đừng sợ hãi đau khổ: «Nếu anh em
chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc! Đừng sợ những kẻ làm hại
anh em và đừng xao xuyến» (1Pr 3,14). Vua Đavít cũng nhận ra ích lợi
của đau khổ đối với sự thánh thiện: «Đau khổ quả là điều hữu ích, để giúp con học biết
thánh chỉ Ngài» (Tv 119,71).
Người tốt chấp nhận đau khổ vì đau khổ Chúa gửi đến cho mình chẳng
những làm cho mình nên công chính, mà còn làm cho những người khác nên thánh
thiện nữa: «Vì
đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người
nên công chính và sẽ gánh được tội lỗi của họ» (Is 53,11). Như vậy,
tự nguyện chấp nhận đau khổ (chịu đau đớn, cực hình, chịu thiệt thòi, mất tiền,
mất thì giờ, mất sức khỏe, bị nghi ngờ, hàm oan…) vì tha nhân là một hành vi
bác ái, là một phương tiện thực hiện yêu thương. Vì nhờ ta chấp nhận đau khổ mà
nhiều người nên công chính và được hạnh phúc. Vì thế, người có lòng yêu thương
thật sự sẽ sẵn sàng lợi dụng đau khổ của mình để làm lợi cho người khác.
3. «Gắn liền với» hay «ở lại trong» Đức Giêsu là
gì?
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu dùng nhiều lần hai từ ngữ «ở lại trong»
và «gắn
liền với» Ngài, và coi đó như điều kiện cần thiết để «sinh hoa
trái» hay «sinh nhiều hoa trái». Chẳng hạn câu: «Hãy ở lại trong
Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa
trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong
Thầy». Hai từ ngữ ấy có nghĩa gì? Chúng ta đã thật sự «ở lại trong»
và «gắn
liền với» Đức Giêsu chưa? – Thực ra, ai là người Kitô hữu thì cũng,
một cách nào đó, «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu. Nhưng phải nói
rằng tình trạng ấy có nhiều mức độ khác nhau, từ hời hợt bên ngoài đến thâm sâu
bên trong.
Thật vậy, nhiều người mang danh Kitô hữu, nhưng chẳng có tinh thần Kitô
hữu bao nhiêu. Họ là những người Kitô hữu «hữu danh vô thực». Thánh Phaolô có nói về
một tình trạng tương tự như vậy trong Do-thái giáo (x. Rm 2,17-23). Có nhiều
Kitô hữu có vẻ rất ngoan đạo, đi lễ và rước lễ hằng ngày, có vẻ rất hăng hái
trong những việc liên quan đến nhà thờ, hội đoàn, công tác tông đồ. Nhưng đời
sống của họ lại chẳng toát lên được tinh thần Kitô giáo, là chân thật, công
bằng, yêu thương, thông cảm, tha thứ.
Tình trạng «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu phải
được thể hiện trong ba phạm vi:
· ý thức: luôn luôn ý
thức Đức Giêsu ở với mình, ở trong mình. Ngài là tình yêu và sức mạnh của mình.
Ngài vô cùng quyền năng, nên với Ngài ta có thể làm được mọi sự. Luôn luôn ý
thức Ngài yêu thương mình, nên hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho tình
yêu của Ngài. Nhờ đó, ta luôn luôn bình an, không phải lo lắng gì cho bản thân
mình: «Chúa
khoan nhân là mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì, tôi không còn e sợ nỗi gì…»
(Tv 23). Ý thức này phải trở thành một tâm trạng thường hằng của ta.
· tình cảm: luôn luôn yêu mến Ngài, hướng về Ngài, lấy
Ngài là lẽ sống cho cuộc đời mình. Vì thế, dấn thân hết mình cho Ngài, cho Nước
Ngài, cho kế hoạch cứu độ của Ngài, một cách quảng đại, không so đo tính toán.
Ngoài ra, tình yêu của ta đối với Ngài phải được thể hiện cụ thể nơi những hiện
thân của Ngài, là tha nhân chung quanh ta, đặc biệt những người gần gũi ta nhất
(cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè…)
· hành động: luôn luôn làm theo ý muốn của Ngài, theo sự
đòi hỏi của tình yêu trong lòng mình. Ý muốn của Ngài được thể hiện qua lời
Ngài, qua luật yêu thương của Ngài, qua tiếng lương tâm, qua những biến cố hay
hoàn cảnh xảy ra trong đời, đặc biệt những nghịch cảnh.
Khi luôn luôn «gắn liền với» hay «ở lại trong» Ngài, ta sẽ
nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài, và đời ta sẽ trở thành một cuộc đời tươi
đẹp, ý nghĩa, chẳng những đầy sức mạnh, an vui, hạnh phúc mà còn là nguồn sức
mạnh, nguồn an vui hạnh phúc cho mọi người nữa.
CẦu nguyỆn
Lạy Cha, Cha là nguồn sống, nguồn sức mạnh, nguồn tình yêu
của muôn loài vạn vật. Con muốn kết hiệp với Cha để nhận được sự sống, sức mạnh
và tình yêu hầu sống một cuộc sống tươi đẹp, ích lợi, đồng thời để những ai
tiếp xúc với con cũng nhận được sự sống, sức mạnh và tình yêu của Cha từ nơi
con. Xin hãy giúp con gắn bó mật thiết với Cha.
Joan Nguyễn
Chính Kết