CHÚA NHẬT THỨ V PHỤC
SINH, NĂM B
Ga 15, 1-8
TÌNH YÊU VÔ BIÊN
Hình ảnh
con chiên và cây nho đã được Cựu Ước và đặc biệt được dân Do Thái làm biểu
tượng cho niềm tin tôn giáo của mình. Chiên và nho không chỉ có giá trị kinh tế
trong cuộc sống mà nó còn mang một ý nghĩa sâu xa của đạo Thiên Chúa. Dân Do
Thái dùng ngôn từ chiên và nho một cách thân thương, tế nhị giống như dân Việt
Nam ta, thường dùng con trâu, cây trúc hoặc cây tre làm văn hóa riêng của mình.
Mỗi dân tộc có nền văn hóa, văn minh riêng.
CHÚA GIÊSU CŨNG DÙNG VĂN HÓA CỦA DÂN DO THÁI ĐỂ TRUYỀN ĐẠT SỨ ĐIỆP CỦA MÌNH:
Chúa
Giêsu được sinh ra tại đất Do Thái, mang dòng máu Do Thái, Ngài cũng sống hoàn
toàn tập tục, truyền thống và nền văn hóa của dân tộc mình. Thấm nhuần truyền
thống của các ngôn sứ trong Cựu Ước là dùng hình ảnh cây nho và con chiên để
nói lên tình yêu của Giavê Thiên Chúa đối với dân của Người, Chúa Giêsu thời
Tân Ước cũng dùng hình ảnh cây nho để diễn tả mầu nhiệm cao sâu và thâm thúy:”
sống gắn bó, mật thiết với Ngài”. Sứ điệp cứu độ Chúa Giêsu muốn mang lại cho
nhân loại là ơn giải thoát nhân loại khỏi tội khiên. Chúa đã dùng hình ảnh con
chiên, đàn chiên để diễn tả nhân loại đang bơ vơ, vất vưởng. Chính Ngài là mục
tử nhân lành, Ngài là hiện thân của Thiên Chúa, Ngài đến trần gian để:”…hy sinh
mạng sống mình cho đoàn chiên”( Ga 10, 11 ). Còn với hình ảnh cây nho, Chúa
Giêsu vén lộ cho nhân loại biết Ngài chính là hiện thân của Thiên Chúa Giavê,
Ngài đến thế gian không những để đích thân chăm sóc, vun trồng vườn nho, nhưng
Ngài là cây nho đích thực( Ga 15, 1 ), để chính Ngài truyền ban sự sống cho
nhân loại như cây nho nuôi sống cành lá của nó bằng chính nhựa sống của nó.
Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh thân thương của cây nho, vườn nho của dân Do Thái
để đi xa hơn trong ý định cứu thế của Ngài: Thiên Chúa là người trồng nho, nhân
loại là cành, là lá, Chúa Giêsu là cây nho vì với sự nhập thể làm người, Chúa
Giêsu đã đến thế gian, Ngài chính là cây nho tốt, cây nho tuyệt hảo( Ga 10, 5 )
để Ngài tạo nên một vườn nho mới, Ngài là Adam mới, xây dựng một nhân loại mới
theo hình ảnh của Thiên Chúa( St 1, 27 ). Dùng hình ảnh cây nho và cành nho( Ga
15, 1-2 ), Chúa Giêsu còn muốn đi xa hơn nữa là Ngài muốn thông ban cho nhân
loại sự sống thần linh của Người:” Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong
anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền
với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy”( Ga 15, 4 ).
THIÊN CHÚA LÀ TÌNH YÊU: TÌNH YÊU VÔ BIÊN:
Thánh
Gioan nói:” Thiên Chúa là tình yêu”. Giáo Hội là dân mới của Chúa Giêsu. Được
thông hiệp với huyết nhục của Chúa Giêsu, nhân loại hay nói cách khác, Hội
Thánh cũng chia phần với sự đau khổ với Chúa Giêsu như cành được cắt tỉa khỏi
cây, tức nói lên sự mất mát, chia lìa( Ga 15, 2 ). Có cắt tỉa: cành mới sinh hoa
trái mới. Dân Chúa vì là cành, lá của thân nho là Chúa Giêsu, nên sự đau khổ
của Chúa cũng là đau khổ của dân, sự chết của Chúa Giêsu cũng là sự chết của
dân, để sự sống lại của Chúa cũng phải là sự sống lại của dân vì như thánh
Phaolô đã viết:” Tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Đức Kitô sống trong
tôi” hay” Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” hoặc” Nếu
ta cùng chết với Đức Kitô, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu
đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người”( 2 Tm 2, 11-12 ). Giáo Hội hay nhân loại
sống mật thiết, gắn bó, hiệp thông với Đức Kitô như cành dính liền với thân nho
thì sẽ sinh nhiều hoa trái vì Chúa đã nói:”…không có Thầy, anh em chẳng làm
được gì “( Ga 15, 5 ). Chúa Giêsu quả thực đã mạc khải đạo tình yêu bởi chính
Ngài là tình yêu. Cuộc đời của Chúa Giêsu là một mạc khải tình yêu liên tục.
Lịch sử dân Chúa là mạc khải tình yêu không ngừng: Thiên Chúa đã sai Con của
Người đến thế gian để yêu thế gian và hy sinh mạng sống làm giá cứu chuộc cho
muôn người .Dân Chúa sống kết hiệp mật thiết với Chúa thì việc của dân làm và
hiệu quả của công việc của dân đều do bởi chính Đức Kitô. Chúa luôn muốn thông
ban tình yêu của Ngài cho nhân loại và việc trao ban kỳ diệu, lạ lùng và hết
sức thực tế là chính Ngài đã hy sinh mạng sống cho muôn người, cho nhân loại vì
yêu:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình
vì người mình yêu mến”( Ga 15, 13 ). Đáp trả lại tình yêu của Chúa là nhân loại
đã đền đáp phần nào tình yêu vô biên của Ngài. Milton A. Marcy đã nói một câu
chí lý:” Ai mất liên lạc với Chúa sẽ sống trong bóng đêm không lối thoát…”. Và
như thế, tách rời Chúa:” …thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo…”(
Ga 15, 6 ).
Lạy Chúa
Giêsu, xin cho mọi người được hiệp nhất nên một, như con ở trong Cha và Cha ở trong Con ( Ga 17, 22-23 ).
1. Cựu Ước dùng hình ảnh Con chiên và cây
nho để làm gì ?
2. Tại sao Đức Giêsu Kitô lại gọi Mình là
cây nho ?
3. Anh chị đã trông thấy cây nho chưa ?