CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:  1 Gio-an 3: 18-24

          Quảng diễn chủ đề làm con Thiên Chúa, thánh Gio-an đề cập tới một số điều kiện căn bản cho những ai muốn sống trong sự sáng.  Chúng ta phải tránh phạm tội và phải tuân giữ điều răn của Chúa, sống kết hợp với Chúa, đoạn tuyệt với tội lỗi và những lý thuyết quyến rũ của nó.  Trong những tư tưởng của Gio-an, chúng ta nhận ra nhiều giới răn:  Chúa đòi chúng ta phải phục tùng, có lòng tin, lòng mến, khiêm nhường...  Phao-lô cũng trình bày những đặc sủng Chúa ban cho tín hữu, nhưng ngài quy về một nguồn gốc là Thánh Thần và nhắm cùng một mục đích là xây dựng Nhiệm thể Chúa Ki-tô, rồi ngài đi đến kết luận:  “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1 Cr 13:13).  Vậy với Gio-an, chúng ta có thể nhận ra đâu là giới răn ngài muốn nhấn mạnh và cho là quan trọng hơn hết không?  Có chứ.  Mặc dù Thư 1 Gio-an hầu như lúc nào cũng đề cập tới yêu thương, nhưng tư tưởng cốt lõi của ngài vẫn là về đức tin.  Nói về những giới răn khác chỉ là cách ngài nhìn giới răn cốt yếu qua những chiều kích khác nhau.  Đối với ngài, giới răn cốt yếu là hãy tin vào Đức Giê-su là Con Thiên Chúa:  “Đây là điều răn của Thiên Chúa:  chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta” (1 Ga 3:23).  Vậy thế nào là tin vào Đức Giê-su và phải làm gì để làm chứng cho niềm tin ấy?

 

a)  “Chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người”

           Kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa là muốn đưa nhân loại về với nguồn cội là Thiên Chúa.  Kế hoạch ấy Thiên Chúa đã thực hiện qua lịch sử Ít-ra-en để lời hứa của Người được thể hiện, rồi qua Đức Ki-tô Phục Sinh bắt đầu một cuộc tạo dựng mới để kế hoạch sẽ được hoàn tất trong ngày cánh chung.  Theo kế hoạch của Thiên Chúa, Đức Ki-tô lịch sử đã mặc khải cho nhân loại tất cả những gì Thiên Chúa muốn nói với họ về tình yêu vô điều kiện của Người và giờ đây đã trở thành Đức Ki-tô của lòng tin.  Do đó, điều quan trọng nhất Người đòi hỏi con người phải làm nếu họ muốn đáp lại kế hoạch yêu thương của Người, đó là phải tin vào Đức Giê-su Ki-tô.

          Truy nguyên tại sao Thiên Chúa dạy chúng ta phải tin vào Đức Ki-tô, chúng ta đi theo từng bước.  Tin vào danh Đức Ki-tô nghĩa là tin vào tất cả con người Đức Ki-tô, vì cái tên thay cho toàn diện con người.  Tin vào con người Đức Ki-tô nghĩa là tin vào tất cả những gì Đức Ki-tô đã sống, đã giảng dạy, cả đến việc Người chết và sống lại.  Tin vào những gì Đức Ki-tô đã làm tức là tin vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Ki-tô.  Là Ki-tô tức là Đấng được xức sầu, Đức Ki-tô đã chu toàn vai trò của Người tôi tớ chịu đau khổ.  Là Con Thiên Chúa, Đức Ki-tô đã vâng phục Người và hoàn tất kế hoạch Chúa Cha đã phó thác.  Bởi đó, những danh hiệu  Ki-tô và Con Thiên Chúa đã nói lên Chúa Giê-su là ai và sứ mệnh của Người là gì.  Không thể chỉ tin vu vơ, nhưng là phải có một mối tương giao mật thiết với con người Chúa Giê-su và sứ mệnh của Người.  Ki-tô hữu đã được vinh dự làm con Thiên Chúa và được mời gọi sống mối tương giao mật thiết với Người.  Đoạn thư hôm nay cho Ki-tô hữu một phương thức sống động để sống mối tương giao ấy:  hãy tin vào Đức Giê-su Ki-tô.

 

b)  “Phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta”    

          Tin vào Đức Ki-tô tức là chấp nhận toàn diện con người, giáo lý và lối sống của Người.  Vậy Người đã dạy điều gì quan trọng nhất?  Trong bữa Tiệc ly, Chúa Giê-su đã thu gọn toàn bộ giáo lý của Người khi Người nhắn nhủ môn đệ:  “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau;  anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13:34).

          Tin không phải đơn thuần là hành vi của lý trí, nhưng là của con tim, giúp chúng ta thể hiện niềm tin qua việc làm cụ thể.  Tin là sống mối quan hệ với người chúng ta tin tưởng.  Cho nên trước khi khẳng định điều răn của Thiên Chúa là chúng ta phải tin vào Đức Ki-tô, thánh Gio-an đã cẩn thận nhắc nhở:  đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng chân thật và biểu lộ bằng việc làm.  Sự chân thật ấy không chỉ đối với anh em, mà đối với cả Thiên Chúa nữa.  Thiên Chúa cảm thông những yếu đuối của con người chúng ta, cho nên nếu lương tâm chúng ta có thấy khó yêu thương anh em, hoặc đã phạm lỗi đức yêu thương, thì Thiên Chúa vẫn khoan dung với chúng ta.

 

c)  Thánh Thần giúp chúng ta tin vào Đức Ki-tô và yêu thương anh em

          Thánh Gio-an đã nêu lên một thực tại cho thấy chúng ta tin vào Đức Ki-tô và sống theo điều răn Người đã ban cho chúng ta, đó là chúng ta “ở lại” trong Thiên Chúa và Thiên Chúa “ở lại” trong chúng ta.  “Ở lại” là lối nói quen thuộc của thánh Gio-an để diễn tả mối tương giao mật thiết và sống động giữa chúng ta với Chúa Giê-su hoặc giữa chúng ta với Thiên Chúa.  “Ở lại” bằng cách nào và như thế nào?  Chính là nhờ Thần Khí.  Chúa Thánh Thần là nguyên lý của đời sống mới thúc giục chúng ta mỗi ngày một đi sâu hơn vào mối tương giao mật thiết với Chúa Giê-su và qua Chúa Giê-su sống mật thiết với Thiên Chúa.  Thánh Thần là sức mạnh của Thiên Chúa thúc đẩy và giúp chúng ta tuyên xưng Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa và thể hiện việc tuyên xưng ấy bằng việc yêu thương anh chị em.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Tôi nhận ra được mối tương quan giữa niềm tin vào Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, và bổn phận yêu thương anh em như thế nào?  Nếu trong quá khứ tôi không nhận thức điều đó thì từ nay tôi phải làm gì?

          Tại sao thánh Gio-an đã đề cao đức tin vào Chúa Ki-tô?  Có phải Đức Ki-tô là “Tình Yêu nhập thể” và gương mẫu yêu thương không?  Có phải chính về Đức Ki-tô mà thánh Gio-an cứ nói hoài về một chủ đề “tình yêu” không?

          Tôi đang làm gì và sẽ làm gì để “lòng tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa” của tôi được phát triển mỗi ngày một hơn?

          Có lẽ tôi ít chú ý tới vai trò của Thánh Thần trong khi sống mối tương giao với Chúa Giê-su và Chúa Cha.  Tôi sẽ làm gì để giúp mình ý thức hơn vai trò của Người?  Có một kinh nguyện đặc biệt và thường xuyên cầu xin với Chúa Thánh Thần?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau những lời nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài diễn tả ơn gọi làm con cái Chúa hoặc một lời nguyện về Chúa Thánh Thần.

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

16-5-2003


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà