CHÚA NHẬT VI PHỤC
SINH, năm B
Ga 15, 9-17
Linh mục Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Trong bài
hát” Niềm tâm sự”, hầu hết các nhà thờ ở Việt Nam đều biết đến, nhạc sĩ Anh
Linh đã mượn Kinh Thánh để phổ những dòng nhạc thật êm dịu ngọt ngào:” Yêu nhau
chính là giới răn riêng Thầy. Yêu nhau như Thầy yêu dấu chúng con, để cho thế
gian hiểu biết rằng chúng con chính là môn sinh của Thầy”. Đây là lời bộc bạch
của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly với các môn đệ sau khi Giuđa, một trong nhóm
mười hai phản bội đi ra khỏi phòng ăn. Lời tâm sự cuối cùng của Chúa Giêsu
trước khi Ngài thi hành ý định của Thiên Chúa Cha cứu độ nhân loại.
Trước khi
nhắm mắt lìa đời, những lời cuối cùng của một con người bao giờ cũng mang một ý
nghĩa quan trọng bộc lộ cả một tấm lòng, cả tâm huyết của con người. Chúa Giêsu
trước khi bị trao nộp, Ngài đã dùng bữa cuối cùng với các môn đệ và trong bữa
ăn này sau khi đã làm một cử chỉ rửa chân đầy ấn tượng, gây ngạc nhiên cho các
tông đồ, Giuđa đi ra khỏi phòng, Chúa Giêsu đã thổ lộ tất cả những gì cần nói
với các môn đệ. Qua cuộc trao đổi, đàm đạo, tâm sự đầy thân mật, các môn đệ đã
trở nên nghĩa thiết, trở thành bạn hữu của Chúa:” Thầy không còn gọi anh em là
tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn
hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi cha của Thầy, Thầy đã cho anh em
biết( Ga 15, 15 ). Trong cuộc tâm sự, bộc bạch, dặn dò này, Chúa Giêsu nhắc đi
nhắc lại các tông đồ:” Hãy yêu thương nhau”. Đây là cốt lõi của Tin Mừng của
Chúa Giêsu và cũng là giáo huấn chủ yếu của Đạo Kitô giáo. Lõi tủy của đạo do
Chúa Giêsu thiết lập xem ra thật đơn giản, nhưng đầy thâm thúy, sâu sắc:”Anh em
hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”( Ga 15, 12 ). Chúa Giêsu
nhắn nhủ các môn đệ, nhưng đồng thời Ngài cũng truyền lệnh cho các ông:” yêu
thương nhau”. Để làm gương cho các ông, Chúa Giêsu không bao giờ nói suông, nói
lý thuyết, mơ hồ, nhưng chính Ngài đã làm gương cho các ông về tình huynh đệ,
về sự khiêm nhượng, về sự tận tình. Tình yêu thương lớn nhất, cao cả nhất là:”
Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng
vì bạn hữu của mình”( Ga 15, 13 ). Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá là
bằng chứng tình yêu của Ngài đối với cha của Ngài, nhưng đồng thời cũng là chóp đỉnh của tình yêu thương của Ngài đối
với con người. Đây là mẫu mực và là nền tảng của tình yêu xả kỷ, tình yêu vô vị
lợi, tình yêu chỉ mong hạnh phúc cho tha nhân. Chúa Giêsu đã đưa các môn đệ đi
vào tình liên đới với Thiên Chúa Cha vì tình yêu của Ngài phát xuất tự Thiên
Chúa Cha:” Chúa Cha yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh
em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”( Ga 15,9)
Đây cũng
là cốt lõi của công trình cứu chuộc vì khi đưa các môn đệ đi vào tình thân mật
với Thiên Chúa Cha và qua đó ở lại với Chúa Giêsu trong tình yêu mến, và như
thế cũng phải yêu mến anh em. Hai vế yêu Chúa, yêu tha nhân không thể tách rời
nhau. Thánh Phaolô cũng xác quyết manh mẽ lệnh truyền của Chúa Giêsu:” Nếu ai
nói yêu Chúa mà không thương yêu anh em mình thì kẻ đó nói láo”. Với lòng yêu
thương mà Chúa Giêsu tiết lộ, các môn đệ đang sống trong thời cứu chuộc:” niềm
vui của anh em được nên trọn vẹn”( Ga 15, 11 ). Niềm vui này là niềm vui phục
sinh, các môn đệ đang được chia sẻ trong cuộc sống mới của Chúa Kitô sống lại.
Các môn đệ yêu thương nhau còn là dấu chỉ của sự hiện diện của lòng yêu thương
của Thiên Chúa đối với con người và nhân loại sẽ nhận biết các môn đệ là bạn
hữu của Chúa Giêsu:” Anh em hãy yêu thương nhau…mọi người sẽ nhận biết anh em
là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”( Ga 13, 35 ).
Giới luật
yêu thương Chúa truyền cho các môn đệ cũng là lệnh Chúa ban cho mọi Kitô hữu,
những người được mời gọi đi theo Đức Kitô. Như thế, xét cho cùng đạo của Chúa
Giêsu thiết lập là đạo tình thương. Chúa Giêsu không tới trần gian để dạy những
lý thuyết suông, những luật lệ cứng ngắc, những giới răn không hồn. Chúa không
bao giờ nói mà không làm. Những lời nói của Chúa hết sức thực tế, những phép lạ
của Chúa làm hết sức ấn tượng và luôn phù hợp với đời thường, với những gì diễn
ra ở xã hội, ở trần gian. Tin Mừng Chúa nhật hôm nay của thánh Gioan 15, 9-17
đặt mọi người Kitô hữu trước thúc bách của Phúc Aâm, đưa mọi người Kitô hữu vào
trọng tâm của Đạo, vào cốt lõi của Đạo:” Đạo của Chúa là Đạo tình thương, của
lòng yêu mến”. Mọi đường hướng, chỉ đạo, dậy bảo nếu chúng nằm ngoài sự yêu
mến, nằm ngoài tình thương của Chúa thì chúng đi ngược lại với Tin Mừng, nằm
ngoài Kitô giáo. Nên, muốn đi đúng hướng, đi đúng đường, muốn loan báo, rao
giảng, làm chứng cho công trình cứu chuộc của Chúa Giêsu, cho tình thương của
Ngài, nhân loại phải thực thi lệnh truyền của Chúa:” Anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em”( Ga 15, 12). Lời ca trong niềm tâm sự của nhạc
sĩ Anh Linh vẫn vang lên mỗi lần nhà thờ chọn để hát. Niềm tâm sự của Chúa vẫn
nhẹ nhàng, đầy tâm huyết, đầy nhiệt tình:” Yêu nhau như Thầy yêu dấu chúng con,
để cho thế gian hiểu biết rằng, chúng con chính là môn sinh của Thầy “. Kahil
Gibran đã để lại một câu bất hủ:” Bạn chỉ cho đi quá ít, khi cho đi của cải.
Chỉ khi nào cho đi chính mình, bạn mới thực sự cho đi “.
Lạy Chúa
Giêsu, xin cho mọi người chúng con luôn biết thực thi giới luật yêu thương của
Chúa.
19-5-2003