CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:  1 Gio-an 4: 11-16

          Với bài đọc cuối cùng trích thư I Gio-an nói về tình yêu của Thiên Chúa, Phụng vụ Lời Chúa dẫn chúng ta vào tận tâm điểm của mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa.  Chúng ta được sống đời sống đức tin vì Chúa Con đã thực sự cứu chuộc chúng ta.  Chúng ta được sống đời sống đức ái vì chúng ta được chia sẻ Thần Khí của Thiên Chúa.  Đời sống tin yêu ấy mở đường cho chúng ta đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa, cho dù chưa bao giờ chúng ta nhìn thấy Người.  Tuyệt đỉnh của suy niệm về tình yêu Thiên Chúa phải là đưa chúng ta về với chính tình yêu ấy, tình yêu được biểu lộ qua sinh hoạt của Ba Ngôi Thiên Chúa.  Nói khác đi, để kết thúc cho loạt bài suy niệm về tình yêu Thiên Chúa, Phụng vụ Lời Chúa muốn trình bày một cuộc hành trình đưa chúng ta đến với Thiên Chúa và “ở lại” với Người.

 

a)  Khởi đầu cuộc hành trình đến với Thiên Chúa:  phải xác tín tình yêu của Thiên Chúa

          Muốn đến đâu, chúng ta cần phải biết vị trí của địa điểm mình tới và phương tiện mình sử dụng để tới.  Với phương tiện “tìm bản đồ” trong mạng lưới hôm nay, việc xác định địa điểm chúng ta muốn tới quả thực rõ ràng.  Chỉ cần bấm máy vi tính ra là chúng ta có ngay một tấm bản đồ đầy đủ chi tiết.  Văn minh hơn nữa, hệ thống “chỉ đường” còn được gắn ngay trên xe, cứ việc vừa lái xe vừa theo lời của “người” chỉ đường vô hình!  Nhưng có bản đồ nào giúp chúng ta tới với Thiên Chúa không?  Thánh Gio-an cung cấp cho chúng ta một bản đồ sống động:  cứ theo con đường tình yêu mà đi.  Vậy tình yêu ở đâu? 

          Tự bản chất, Thiên Chúa là Đấng siêu việt, thụ tạo không thể tự mình đến với Người được.  Có những kẻ vỗ ngực tự cho mình là những người có trực kiến, có sức đạt tới Thiên Chúa được.  Nhưng thánh Gio-an khẳng định nhiều lần:  Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ (Ga 1:18; 5:37 và 6:46).  Không phải là con người đến với Thiên Chúa, nhưng là Thiên Chúa đến với con người.  Chẳng những Người đã đến, mà còn “ở lại” nữa!  Thiên Chúa đã “ở lại” với con người qua dạng thức tình yêu.  Trước hết qua Tình yêu Nhập thể, là Con Một Người đã được trao ban cho nhân loại (Ga 3:16).  Đâu cần phải lên trời, xuống biển hoặc đến tận chân trời mà tìm kiếm Chúa nữa.  Nhưng chính “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1:14).  Qua Đức Giê-su, Thiên Chúa đã ôm nhân loại vào lòng, đã sờ vào những người phong cùi bệnh tật, đã bênh vực kẻ yếu đuối, đã đón nhận kẻ tội lỗi...  Cụ thể nhất, khi tông đồ Phi-líp-phê xin Người tỏ cho biết Chúa Cha, Đức Giê-su trả lời:  “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9).

          Khi Đức Ki-tô, Tình yêu Nhập thể, không còn hiện diện bằng thể xác ở giữa loài người nữa, thì Người lại hiện diện bằng Thần Khí giữa nhân loại.  Thiên Chúa luôn luôn muốn “ở lại” với con người.  “Người đã ban Thần Khí của Người cho chúng ta” cũng giống hệt như “Người đã ban Con Một.”  Cả hai việc trao ban để “ở lại” với con người đều do cùng một động lực là Tình yêu.  Như thế, mầu nhiệm Thiên Chúa đã được biểu lộ và “hoạt động” của Ba Ngôi:  Cha, Con và Thần Khí, đã giúp con người nhận ra “nơi chốn” của Thiên Chúa.

 

b)  Yêu thương anh chị em là phương tiện đưa chúng ta đến với Thiên Chúa

          Sau khi xác định địa điểm phải tới, chúng ta cần sử dụng phương tiện di chuyển.  Thiên Chúa “ở lại” trong chúng ta.  Người là sự sống dấu ẩn trong tâm hồn chúng ta và lúc nào cũng chờ đợi được biểu lộ qua sinh hoạt.  Sinh hoạt ấy chính là “Nếu chúng ta yêu thương nhau.”  Chúng ta sẽ gặp được Người ngay tại cõi lòng mình nếu chúng ta đến với anh em.  Đến với anh em trong yêu thương chính là phương tiện chuyên chở Thiên Chúa đến với tha nhân và biểu lộ hình ảnh của Thiên Chúa nơi chúng ta.  Thiên Chúa muốn chúng ta theo cùng một cách thức sinh hoạt của Ba Ngôi khi đến với nhân loại để tỏ cho nhân loại biết Người là Đấng nào.  Thần Khí sinh động của Người đã làm cho mối tình của Thiên Chúa đối với nhân loại (“Thiên Chúa yêu thế gian”) được thể hiện (“đã ban Con Một”).  Cũng vậy, Thần Khí được ban cho chúng ta (1 Ga 4:13) để thúc giục và hướng dẫn chúng ta sống tinh thần con Thiên Chúa qua sinh hoạt “yêu thương nhau.”  Vai trò của Thần Khí là giúp cho tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta nên hoàn hảo.  Thánh Thần khơi lên lòng tin của chúng ta vào Chúa Giê-su (Tình yêu Thiên Chúa)  và thúc giục chúng ta sống tình yêu ấy qua việc yêu thương nhau.  Tin và Yêu là hai hành động không thể tách rời.  Chúng ta nhận ra Đức Ki-tô là dấu chỉ Tình yêu Thiên Chúa (tin) và chúng ta tuân giữ giới răn yêu thương anh em như Người đã dạy (yêu).  Đó là con đường đưa chúng ta tới Thiên Chúa.

 

c)  Kinh nghiệm bản thân của Gio-an

          Với tư cách là người cha của một cộng đoàn Ki-tô, thánh Gio-an chia sẻ chính cảm nghiệm cá nhân về con đường tình yêu ngài vừa đề cập tới.  “Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và làm chứng rằng:  Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian.”  Thế nào là chiêm ngưỡng và làm chứng?  Thưa là tin vào Tình yêu Thiên Chúa và sống Tình yêu Thiên Chúa.  Đó cũng là điều mỗi Ki-tô hữu chúng ta phải thể hiện trong cuộc sống mỗi ngày, để mỗi ngày chúng ta có thể nhận ra dung mạo của Thiên Chúa rõ ràng hơn.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Ý tưởng của thánh Gio-an hôm nay có giúp tôi liên kết lòng mến Chúa với yêu thương anh em không?  Sự liên kết ấy được ngài diễn tả như thế nào?

          Từ “ở lại” thánh Gio-an sử dụng ở đây nói gì với tôi về Chúa và về chính tôi?

          Có lẽ vai trò của Thần Khí trong đời sống Ki-tô hữu của tôi ít được lưu ý.  Tôi phải làm gì để giúp cho mình ý thức hoạt động của Thánh Thần nơi tôi?  Nhất là trong những sinh hoạt biểu lộ tình yêu đối với anh chị em?

          Mỗi ngày tôi có xét mình để thấy “tình yêu của Thiên Chúa nơi tôi nên hoàn hảo hơn” không?  Xét làm sao?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau những lời nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài ca ngợi Thiên Chúa là Tình Yêu, hoặc bài “Đâu có tình yêu thương...”

 

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

30-5-2003


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà