Chúa
Nhật thứ 2 Thường Niên
(19-1-2003)
ÐỌC LỜI CHÚA
1Sm 3,3b-10.19: (10) Ðức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước,
Sa-mu-en! Sa-mu-en! Sa-mu-en
thưa: Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.
1Cr 6,13c-15a.17-20: (19) Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính
Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, (20) vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em.
TIN MỪNG, Ga 1,35-42
Các môn đệ đầu tiên
(35) Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm
môn đệ của ông. (36) Thấy Ðức Giê-su đi ngang qua, ông lên
tiếng nói: Ðây là Chiên Thiên Chúa. (37) Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Ðức Giê-su. (38) Ðức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì
hỏi: Các anh tìm gì thế? Họ đáp:
Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? (39) Người bảo họ: Ðến mà xem. Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày
hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. (40) Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai
người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Ðức Giê-su. (41) Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói:
Chúng tôi đã gặp Ðấng Mê-si-a (nghĩa
là Ðấng Ki-tô). (42)
Rồi ông dẫn em mình đến gặp Ðức Giê-su. Ðức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: Anh
là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha (tức là Phê-rô).
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Bạn có thể biết và tin Ðức Giê-su mà không do một người nào
khác giới thiệu cho bạn không? Nếu thế, bạn có cảm thấy bổn phận phải tiếp tục
giới thiệu Ðức Giê-su cho những người khác nữa không?
2. Những người hiện nay mang danh là biết và tin Ngài, thật ra có
biết và tin Ngài đích thực không? Những người này có cần được giới thiệu lại về
Ðức Giê-su để họ biết và tin Ngài đích thực hơn, nghĩa là niềm tin ấy phải được
thể hiện bằng sự dấn thân cụ thể trong đời sống không?
3. Khi giới thiệu, rao giảng về Ðức Giê-su, bạn có bị cám dỗ tìm
chính mình, lợi ích cho mình - thay vì tìm Ngài và lợi ích cho Ngài - trong
công việc thánh thiện ấy không? Bạn có dễ dàng từ bỏ những ưu đãi, đặc quyền
đặc lợi đi kèm với công việc tông đồ không?
Suy tư gợi ý:
1. Cần
giới thiệu Ðức Giê-su cho người chưa biết Ngài
Ðức Giê-su nói: Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án (Mc 16,16). Sự cần thiết và quan trọng của Ðức tin được Kinh Thánh nói đến rất nhiều (xem thêm: Lc 8,12b; Cv 16,31; Rm 10,9; Ep 2,8; 1Pr 1,9; v. v.). Nhưng tin không phải chuyện ai cũng làm được: ta thấy hiện nay trên thế giới, cứ 10 người thì mới có 3 người mang danh là tin Ðức Giê-su. Và rất có thể trong 3 người - hay hơn nữa - mang danh là tin ấy mới có một người thật sự tin vào Ngài (vì tin thật sự là tin phải được chứng tỏ bằng việc làm, bằng đời sống và sự dấn thân thật sự). Việc có đức tin tùy thuộc nhiều điều kiện: một cách khách quan vào cơ hội hay nhân duyên (nói theo từ nhà Phật), và một cách chủ quan vào tâm trạng của mỗi người. Về điều này thánh Phao-lô cũng viết: Kinh Thánh nói: Tất cả những ai kêu cầu danh Ðức Chúa sẽ được cứu thoát. Thế nhưng làm sao họ kêu cầu Ðấng họ không tin? Làm sao họ tin Ðấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng (Rm 10,11.13-15a).
Ðể người ta tin vào Ðức Giê-su, cần có người giới thiệu Ngài cho họ. Người giới thiệu hết sức cần thiết. Trong thương trường, để bán được hàng hóa, người ta phải tìm mọi cách, bằng quảng cáo, tiếp thị, để giới thiệu cho mọi người biết trên thị trường có loại hàng hóa ấy, chất lượng nó ra sao, nó cần thiết cho đời sống thế nào. Thời nay, hàng hóa mà không nhờ quảng cáo và tiếp thị thì dễ có nguy cơ bị ế. Trong bài Tin Mừng hôm nay, ta thấy Gio-an Tẩy giả đã giới thiệu Ðức Giê-su cho hai môn đệ của mình để họ theo Ngài: hai môn đệ này một người là An-rê, và người kia chắc hẳn là Gio-an (nhỏ), tác giả bài Tin Mừng này (tác giả thường không muốn nói đến bản thân mình). Nhờ Gio-an Tẩy giả giới thiệu, hai môn đệ của ông đã trở thành môn đệ của Ðức Giê-su và dấn thân trọn vẹn cho Ngài suốt cuộc đời.
2. Cần
giới thiệu lại Ðức Giê-su cho người đã biết và tin Ngài
Hiện nay, chung quanh ta có biết bao người không tin thật sự vào Ðức Giê-su, vào chân lý cứu độ. Trong số đó, có biết bao người mang danh là tin Ngài, nhưng thật sự chỉ là tin trên danh nghĩa, vì trong thực tế họ chỉ biết về Ngài rất mơ hồ, sự biết ấy không đủ sức mạnh để thúc đẩy họ sống và hành động như sự hiểu biết ấy đòi hỏi. Ngay trong số chúng ta, những người tự xưng là Ki-tô hữu, chúng ta có thể tuyên xưng rất mạnh niềm tin của mình, thậm chí kết án những ai tin khác với mình, nhưng giữa niềm tin ấy và cuộc sống của ta là cả một sự xa cách. Tin trên lý thuyết và sống trong thực tế không trùng hợp với nhau, lý và sự, chủ trương và hành động, nói và làm khác xa nhau. Ðiều đó chứng tỏ chúng ta chưa thật sự tin.
Thánh Gia-cô-bê nói: Một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy,
đức tin không có hành động là đức tin chết (Gc 2,26; x.2,17). Nhiều
khi chúng ta tưởng mình có đức tin, nhưng đức tin ấy xét cho nghiêm túc lại là
thứ đức tin chết, những đức tin
giả hiệu, là hàng giả, loại rẻ
tiền (vì được mua với giá rẻ). Chính vì thế, Giáo Hội ngày nay mới nói đến vấn
đề phúc âm hóa mới, hay tái phúc âm hóa, nghĩa là giới thiệu lại
Ðức Giê-su cho những người đã biết Ngài, đã mang danh là tin Ngài, để họ tin
Ngài một cách đích thực hơn.
3. Tỷ
lệ người tin thật sự trong Giáo Hội và thế giới hiện nay
Cứ nhìn vào thực trạng của Giáo Hội, của xã hội và thế giới hiện nay, ta có thể thấy được tỷ lệ người tin
thật sự vào Ðức Giê-su là bao nhiêu. Người thật sự tin tất nhiên phải trở thành muối (x. Mt 5,13; Mc 9,49; Lc 14,34), thành men (Mt 13,33; Lc 13,21) chất lượng. Nếu thức ăn được ướp muối mà vẫn bị hư, bột được trộn men mà không dậy lên được, là vì: hoặc muối hay men quá ít, hoặc muối hay men đã bị mất chất lượng. Vì nếu men tốt thì chỉ cần một chút men (là đủ) làm cả khối bột dậy men (Gl 5,9).
Tệ hơn nữa, nếu men bị biến chất thành men thối thì thật là nguy hiểm cho đống bột. Ðức Giê-su đã cảnh cáo chúng ta chuyện này: Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và men Hê-rô-đê (Mc 8,15; x. Mt 16,6). Ngài giải thích: Men Pha-ri-sêu tức là thói đạo đức giả (Lc 12,1b), là thói giữ đạo một cách hình thức, với những nghi lễ trang trọng bề ngoài, mục đích để được ca tụng, được khen, nhưng trong tâm hồn thì chẳng có tình thương, chẳng muốn hy sinh chịu thiệt cho ai (x. Mt 23). Còn men Hê-rô-đê có thể là thói ham thích quyền bính, thích ép buộc người khác phải làm theo ý mình, đồng thời sẵn sàng làm tất cả mọi sự - kể cả những chuyện bỉ ổi, đê hèn, tội lỗi - để đạt được hay duy trì quyền bính của mình (x. Mt 2,16). Hai loại men này thực chất thì như nhau, nhưng một đằng áp dụng trong tôn giáo, một đằng áp dụng ở ngoài đời. Chính những loại men này đã làm Giáo Hội, xã hội và thế giới thoái hóa về đạo đức và tâm linh.
Vậy, ai sẽ là người làm công
việc tái phúc âm hóa này, nghĩa
là làm cho muối mặn trở lại, men nồng trở lại? Bạn nhận định thế nào về thực
trạng của Giáo Hội, xã hội và thế giới hiện nay? Bạn có ý thức được nhu cầu
khẩn thiết phải tái phúc âm hóa trong Giáo Hội không? Bạn có nghe thấy tiếng
Chúa kêu gọi bạn làm công việc này không? Nếu nghe thấy, bạn có đáp lại tiếng
Chúa như Sa-mu-en trong bài đọc I không? Bạn có sẵn sàng đi theo và rủ người
khác theo Ngài như hai môn đệ của Gio-an Tẩy giả trong bài Tin Mừng không? Bạn
thử lắng nghe Chúa nói trong lòng mình và nghe cả lòng mình nói nữa!
4. Dành
cho Chúa tất cả, đừng giữ lại gì cho mình
Thái độ của Gio-an Tẩy giả cũng là một gương mẫu và là một bài học tốt cho chúng ta. An-rê và Gio-an (nhỏ) đều đang là môn đệ của Gio-an Tẩy giả. Chắc chắn ông đã từng nói với các môn đệ mình cũng như đã từng nói với dân chúng: Ðấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Tôi làm phép rửa trong nước để giục lòng sám hối, còn Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa (Mt 3,11). Khi nói những lời ấy, Gio-an Tẩy giả xác định mình không phải là Ðấng ấy, đồng thời muốn giới thiệu Ðấng ấy để mọi người - kể cả các môn đệ của ông - tin và hướng về Ðấng ấy. Chính vì thế, khi Gio-an Tẩy giả thấy Ðức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: "Ðây là Chiên Thiên Chúa" thì có hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Ðức Giê-su. Khi hai môn đệ rất ưu tú của mình bỏ mình để làm môn đệ Ðức Giê-su, chắc chắn Gio-an Tẩy giả cảm thấy một niềm vui buồn lẫn lộn. Vui vì thấy Ðức Giê-su có được hai môn đệ, vui vì hai môn đệ của mình có được một người thầy cao cả và xứng đáng hơn mình. Nhưng cũng buồn vì mình đã bị mất mát một cái gì rất thân quí. Giữa vui và buồn ấy, đối với một người thật sự quan tâm tới công việc chung, thì cái vui ấy sẽ lấn át cái buồn, và nỗi buồn chỉ là thoáng qua.
Khi ta giới thiệu Ðức Giê-su
cho mọi người, rao giảng, dạy dỗ về Ngài, chắc chắn vì sự giới thiệu, dạy dỗ
ấy, nhiều người sẽ nhận ta là thầy, và theo làm môn đệ ta. Ngoài ra, ta còn
được biết bao người kính trọng, nể phục, khen ngợi, đồng thời dành cho ta nhiều
ưu tiên, đặc quyền đặc lợi nào đó. Ban đầu có thể ta không hề nhắm tới những
điều phụ thuộc này, nhưng khi đã hưởng được những ưu đãi hay đặc quyền đặc lợi
ấy, lòng ta bắt đầu cảm thấy gắn bó với chúng, đến nỗi nếu không có những ưu
đãi hay đặc quyền đặc lợi ấy, ta cảm thấy thiếu thốn, bực bội. Từ đó, như một
phản xạ có điều kiện, khi ta giới thiệu hay rao giảng về Ðức Giê-su, phản ứng
tự nhiên của ta là đòi hỏi những ưu đãi hay đặc quyền đặc lợi ấy. Và cuộc đời
tông đồ của ta dần dần bị biến chất. Ta không còn quan tâm chính yếu tới Ðức
Giê-su mà ta đang giới thiệu, rao giảng, nhưng ta lại tìm chính ta, tìm danh
vọng, địa vị, ưu đãi trong chính công việc tưởng chừng rất thánh thiện ấy. Và
khi bổn phận tông đồ buộc ta phải từ bỏ chúng, ta không thể chấp nhận được. Ta
cố níu lại cho bằng được những thứ ấy. Ðó chính là một trong những cám dỗ rất
thường gặp nơi những người làm tông đồ, những người giới thiệu Ðức Giê-su như
Gio-an Tẩy giả. Thiết tưởng chúng ta luôn luôn tỉnh táo kẻo sa vào chước cám dỗ
ấy, vì có biết bao người đã chìm đắm trong đó rồi!
Cầu nguyện
Lạy
Cha, con biết Cha là nhờ Ðức Giê-su giới thiệu, và biết Ðức Giê-su là nhờ Giáo
Hội, nhờ một ai đó giới thiệu. Nhờ đó, con được diễm phúc biết và yêu mến Cha,
biết và tin theo Ðức Giê-su để được cứu độ. Vì thế, con cảm thấy mình thật ích
kỷ nếu không tiếp tục giới thiệu cho những người khác nữa biết về Cha, về Ðức
Giê-su. Nhưng xin hãy cho con biết và tin đích thực, đồng thời sống thật sự
niềm tin ấy trước khi giới thiệu niềm tin ấy cho người khác. Amen. (JK)