CHỦ NHẬT 4 QUANH NĂM

LỄ DÂNG CHÚA GIÊ-SU TRONG ÐỀN THỜ

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         Do-thái 2: 14-18

          Thư Do-thái trình bày sứ vụ tư tế của Chúa Giê-su là giao hòa nhân loại tội lỗi với Thiên Chúa. Ðể thi hành sứ vụ ấy, Chúa Giê-su cần phải liên kết mật thiết với gia đình nhân loại. Người đã mặc lấy bản tính con người, trở nên giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi.Tuy nhiên Người muốn khiêm nhượng đến độ đồng hóa với tình trạng tội lỗi của chúng ta khi Người đến xin ông Gio-an Tẩy giả làm phép rửa. Mặc dù xét về thời gian tính, lễ dâng Chúa Giê-su trong Ðền Thờ đặt sau lễ Chúa Giê-su chịu phép rửa, nhưng ý nghĩa của nó vẫn nguyên vẹn, cho chúng ta thấy sứ vụ của Người không chỉ bắt đầu khi Người công khai rao giảng Tin Mừng. Quả thực Chúa Giê-su đã bắt đầu thi hành sứ vụ khi Người được thụ thai trong lòng Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ thấy thực tuyệt vời qua đoạn thư gửi tín hữu Do-thái trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, sứ vụ hòa giải của Chúa Giê-su phải là đề tài suy niệm sau mùa Giáng Sinh và bước vào mùa thường niên: Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân (Dt 2:17). Ở đây, chúng ta thấy rõ ba đặc nét của sứ vụ Chúa Giê-su:

 

a)Chúa Giê-su phải nên giống anh em mình về mọi phương diện

          Sự liên đới huyết nhục con người giữa Chúa Giê-su và chúng ta là cốt lõi kế hoạch cứu chuộc của Thiên Chúa. Thiên Chúa không phác họa một kế hoạch của riêng một mình Người, nhưng một kế hoạch có sự tham gia của loài người. Người cần sự cộng tác của loài người, không phải vì một mình Người không đủ khả năng, nhưng vì Người thương yêu loài người, muốn cho loài người có một phẩm giá nhờ sự cộng tác ấy. Trong gia đình, có nhiều việc chúng ta đâu cần con cái giúp đỡ.Nhưng chúng ta cho chúng tham gia, là để chúng thấy mình cũng có giá trước mặt cha mẹ. Thực ra chúng ta làm hết mọi sự rồi! Tuy nhiên, trong kế hoạch của Thiên Chúa, Người không muốn chúng ta thụ động, trái lại, chúng ta cần phải làm hết khả năng của mình. Chúng ta không thể được cứu rỗi một cách tiêu cực, nhưng phải tích cực cộng tác với Ðấng Cứu Thế. Cho nên Chúa Giê-su trở nên giống chúng ta về mọi phương diện cốt là để chúng ta có thể tích cực cộng tác với Người. Người có thể làm gì, chúng ta cũng có thể làm như vậy. Chúng ta không thể vịn cớ: Chúa Giê-su làm được vì Người là Chúa, còn tôi không thể làm được vì tôi là loài người. Vậy, là con người như chúng ta, Chúa Giê-su đã làm gì?

 

b)Người trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín

          Trong Cựu Ước, thượng tế được tuyển chọn trong số người phàm là đại diện có thế giá của loài người để biểu lộ mối tương quan với Thiên Chúa (Dt 5:1). Nhưng Chúa Giê-su, vị Thượng Tế chính Thiên Chúa đã sai tới, thì khác biệt và phải trổi vượt trên các thượng tế được tuyển chọn từ giữa loài người, vì không những Người biểu lộ mối tương quan, mà Người còn là chính Ðấng Trung gian giữa Thiên Chúa và loài người. Tuy nhiên chúng ta đừng quên một điểm rất quan trọng, đó là Người trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín. Trở thành là một diễn tiến của học tập. Muốn trở thành một bác sĩ, tôi cần phải học và thực tập. Muốn trở thành một cầu thủ, tôi cũng phải học những kỹ thuật môn thể thao và tập luyện vất vả. Trong tiến trình học hỏi để trở thành vị Thượng Tế nhân từ và trung tín, "dầu là Con Thiên Chúa, Ðức Giê-su đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục" (5:8). Mới học vâng phục thôi, mà Chúa Ki-tô đã phải trả giá bằng nhiều đau khổ rồi, còn biết bao điều khác nữa! Nhưng chính nhờ việc học tập của Người tiến tới mức độ thập toàn nên Người mới "trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu" cho chúng ta.

 

c)Mục đích Chúa Giê-su trở thành Thượng Tế là để đền tội cho chúng ta

          /span>Nhữngđức tính cần thiết vịThượng Tếphải cóđểcóthểthi hành sứvụđền tội,đólàphải nhân từvàtrung tín.Chương 3 và4 quảng diễn haiđức tính này.Ðúng vậy, cần phải cólòng nhân từthìChúa Giê-su mới biết cảm thương sốphận của chúng ta làanh chịemcủa Người.Cần phải cólòng trungtín thìChúa Giê-su mới làm cho lời hứa của Thiên Chúa không trởthành bộiước, hứa lèo.Ngườimuốn trung thành với sứvụChúa Cha trao phóvàtrung thànhđáp lạinguyện vọng của loài người.Hơnnữa, bản chất của việcđền tội cũngđòi vịThượng Tếphải nhân từvàtrung tín.Người khôngđền tộicho tội lỗi của mình, nhưngđền thay cho tội lỗi của loài người.Chúa Ki-tôđãchết vàsống lại vìchúngta vàcho chúng ta.Lòng nhân từcảm thương vàtrung tín của Ngườiđãlàm cho việcđền tội cómộtgiátrịđặc biệt của"người Conđứngđầu trong nhàThiên Chúa"(3:6),nhờđókhi Ngườiđược Thiên Chúa tôn vinh, thìchúng ta cũng sẽđượctôn vinh nếu chúng ta sống xứngđáng làcon cái Thiên Chúa.

          Có lẽ điểm đặc biệt chúng ta cần nêu lên là tại sao Phụng vụ Lời Chúa đã chọn đoạn thư gửi tín hữu Do-thái này cho Lễ dâng Chúa Giê-su trong Ðền Thờ. Sứ vụ tư tế đền tội thay cho nhân loại có liên hệ gì với việc dâng Chúa Giê-su trong Ðền Thờ? Có liên hệ mật thiết chứ. Việc dâng con trai đầu lòng của người Do-thái cho Chúa trong Ðền Thờ là một cử chỉ nói lên người con ấy từ nay thuộc về Ðức Chúa, hoàn toàn để Người sử dụng, sẽ tuân phục Người và thi hành bất cứ điều gì Người muốn. Cử chỉ ấy thích hợp với ai nữa nếu không phải là chính Chúa Giê-su? Tiếp đến, thư Do-thái đi tới kết luận chí lý: "Anh em hãy ngắm nhìn Ðức Giê-su là Tông đồ, là Thượng Tế, là Trung gian cho chúng ta tuyên xưng đức tin" (3:1). Ngắm nhìn để mà học tập theo gương Người vậy.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Ðoạn thư Do-thái trên có giúp tôi có một cái nhìn mới về cấu trúc Phụng vụ Lời Chúa lễ dâng Chúa Giê-su trong Ðền Thờ không?Mới về những điểm nào?

          Tham dự vào chức tư tế phổ quát của Chúa Giê-su, tôi đã học tập "trở thành" một Ki-tô hữu như thế nào? Tôi còn thiếu những đức tính nào của một Ki-tô hữu?Phải tập những đức tính ấy ra sao?

          Lòng nhân từ và trung tín của Chúa Giê-su Thượng Tế có dạy tôi đến với anh chị em không? Hay tôi vẫn là một Ki-tô hữu đóng kín, ích kỷ? Tôi sẽ suy nghĩ và học biết về lòng cảm thương và trung tín của Chúa Giê-su bằng cách nào?

 

Cầu nguyện kết thúc

Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng nhau đọc kinh "Xin ơn quảng đại":

          Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa rất đáng mến, xin dạy con biết sống quảng đại,

          biết phụng sự Chúa cho xứng với uy linh Ngài,

biết cho đi mà không cần tính toán,

biết chiến đấu không ngại thương tích,

biết làm việc không tìm an nghỉ,

biết hiến thân mà không mong chờ phần thưởng nào

ngoài việc biết mình đã chu toàn Thánh Ý Chúa. A-men.(Thánh I-Nhã)

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà