CHÚA NHẬT 7 QUANH NĂM

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         2 Cô-rin-tô 1: 18-22

          Thư 1 và 2 Cô-rin-tô được sử dụng từ Chúa Nhật 2 đến 14 thường niên cho thấy tầm quan trọng của hai thư này.  Mỗi thư đều có những đặc nét.  Thư 1 Cr đề cập tới những vấn đề và thử thách của tín hữu Cô-rin-tô sau khi họ tòng giáo.  Còn thư 2 Cr mang sắc thái cá nhân Phao-lô vì nó bênh vực cho sứ vụ tông đồ của ngài.

 

a)  Một vài nét về thư 2 Cô-rin-tô

Thư 2 Cr phản ảnh mối tương quan sống động giữa Phao-lô và cộng đoàn Cô-rin-tô trong hoàn cảnh như sau.  Ở cuối thư 1 Cr, Phao-lô báo tin ngài dự định tới thăm cộng đoàn và có thể lưu lại với họ qua mùa đông (1 Cr 16:5-9).  Nhưng tiếc thay cuộc viếng thăm đã bị hủy bỏ vì hoàn cảnh tại Cô-rin-tô làm cho ngài phải buồn lòng (2 Cr 2:1): có người đã chống đối hoặc hoài nghi tư cách tông đồ và quyền giảng dạy của ngài.  Do đó ngài lên đường đi Ê-phê-xô, tại đây ngài viết cho họ một bức thư nghiêm khắc, với “lòng se lại và nước mắt chan hòa” (2 Cr 2:4), rồi tiếp tục đi Ma-kê-đô-ni-a.  Ở Ma-kê-đô-ni-a, qua báo cáo của Ti-tô, ngài được biết bức thư đã mang lại kết quả tốt đẹp và ngài viết cho họ thư 2 Cr.

Thư được chia làm hai phần.  Phần nhất từ chương 1-9 (bảy bài đọc Chúa Nhật 7-13 của Phụng vụ Lời Chúa năm B trích từ phần này) là suy tư sâu sắc về sứ vụ tông đồ của Phao-lô và lời ngài kêu gọi tín hữu Cô-rin-tô hãy hòa giải với Chúa và với ngài.  Phần hai từ chương 10-13, lời lẽ nghiêm khắc hơn, quảng diễn nghịch lý của Tin Mừng ngài rao giảng:  quyền năng của Thiên Chúa được biểu lộ hoàn toàn trong sự yếu hèn;  từ đó ngài có thể hãnh diện về những yếu hèn của cá nhân tông đồ bởi vì khi ngài yếu là chính lúc ngài mạnh!  Bài đọc thứ tám trích thư 2 Cr nằm trong phần hai này.

 

b)  Sứ vụ rao giảng Tin Mừng là sứ vụ chung:  “Chúng tôi cùng với anh em”

          Trước hết thánh Phao-lô khẳng định nguồn gốc của sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  Đó là sứ vụ phát xuất từ Thiên Chúa, “Đấng củng cố chúng tôi (Phao-lô, Xin-va-nô và Ti-mô-thê) cùng với anh em trong Đức Ki-tô và đã xức dầu cho chúng ta..., đã đóng ấn tín trên chúng ta.”  Thiên Chúa Ba Ngôi đã xức dầu và đóng ấn tín trên mọi người, cả tông đồ lẫn tín hữu, như dấu chỉ bí tích bao gồm sứ vụ rao giảng Tin Mừng.  Đối với giáo dân, đó là các bí tích nhập đạo; còn đối với các tông đồ, đó là bí tích truyền chức thánh.  Nhưng cả hai đều tham dự vào cùng một sứ vụ.

          Ngoài ra, thánh Phao-lô còn đặc biệt nhắc đến vai trò của Thánh Thần.  Thiên Chúa “đổ Thần Khí vào lòng chúng ta làm bảo chứng.”  Thánh Thần là nguyên lý hành động rao giảng Tin Mừng.  Chính Chúa Giê-su đã cảm nghiệm điều này khi Người tuyên đọc Lời Chúa tại hội đường Na-da-rét:  “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.  Người đã sai tôi đi...” (Lc 4:18-19).  Tiếp nối sứ vụ của Chúa Giê-su, các tông đồ và chúng ta cũng được cùng một Thần Khí ấy sai đi và thi hành dưới sự thúc giục và hướng dẫn của Thánh Thần.

 

c)  Đức tính trung thực của người rao giảng Tin Mừng   

          Để rao giảng Tin Mừng, người rao giảng cần phải hiểu rõ và xác tín mình rao giảng điều gì.  Có hiểu và xác tín rõ ràng, chúng ta mới tránh được nguy hiểm rao giảng lơ mơ, khi nói có, khi nói không.  Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, là tất cả nội dung của Tin Mừng.  Người không thể vừa là “có” vừa là “không.”  Nhưng Người thực hiện mọi lời hứa của Thiên Chúa và làm cho ơn cứu rỗi trở thành “có,” tức là một thực tại đã bắt đầu và đang tiếp diễn trong cộng đồng nhân loại.  Vậy nếu người rao giảng chỉ rao giảng về Đức Giê-su Ki-tô, những việc Người làm, những lời Người dạy, giá trị tuyệt đối của cuộc sống, cái chết và sự sống lại của Người, thì người rao giảng quả thực đã giữ được tính cách trung thực của sứ điệp rao giảng, đồng thời cũng trung thành với sứ vụ rao giảng được trao phó.

          Để bênh vực cho sự trung thực (integrity) của mình, thánh Phao-lô đã đưa ra gương mẫu của Đức Ki-tô.  Đức Ki-tô đã đáp lại lời gọi của Thiên Chúa bằng cách tuân phục cho đến nỗi chết trên thập giá.  Việc đáp lại của Người luôn luôn là “vâng” (có), chứ không phải lúc có lúc không.  Chính vì sự trung thực của Đức Ki-tô nên tất cả mọi lời hứa của Thiên Chúa mới được thể hiện nơi Người.  Bắt chước Đức Ki-tô, thánh Phao-lô đã trung thực khi ngài chu toàn sứ vụ dấn thân và yêu thương đối với dân Chúa.  Lần trước ngài không đến thăm Cô-rin-tô như đã hứa không phải vì ngài không trung thực, nhưng vì cộng đoàn Cô-rin-tô chưa sẵn sàng để tiếp nhận ngài.

          Nói đến tính cách trung thực, hoặc ngay thẳng thật thà, chúng ta nhận thấy quả thực là vấn đề của mọi thời đại.  Hầu hết người ta khéo léo làm bộ ngay thẳng qua những cách thức che giấu đi sự giả dối.  Sự thiếu trung thực còn ăn rễ vào ngay cách sống đạo của nhiều người.  Người ta sống đức tin một cách hời hợt.  Người ta cần đến nhà thờ khi xin làm lễ cưới, rửa tội cho con cái...  để tỏ ra mình có đạo.  Trước đây người ta coi Đức Ki-tô như “không” và bây giờ khi hữu sự người ta lại coi Đức Ki-tô như “có”!  Người ta được dạy dỗ về giáo lý và lối sống của Chúa.  Vậy mà khi người đời biện hộ cho những vấn đề vô luân như phá thai, sống chung trước khi làm hôn phối...  thì họ vội vàng chê Giáo Hội lỗi thời, đi ngược lại nhu cầu tự nhiên!  Trong một thế giới thiếu sự trung thực như ngày nay, hơn lúc nào hết, Phao-lô đã làm gương cho chúng ta, phải lấy gương trung thực của Đức Ki-tô để xây dựng cơ sở cho sự trung thực của chúng ta, trong lối sống Ki-tô hữu cũng như trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Thánh Phao-lô viết:  “Vì thế, cũng nhờ Người mà chúng ta hô lên “A-men” để tôn vinh Thiên Chúa.”  Vậy nhờ Đức Ki-tô, có bao giờ chúng ta cảm tạ Chúa vì Người đã giữ lời hứa không?  Tôi phải làm thế nào để đưa tâm tình tôn vinh cảm tạ này vào việc cầu nguyện hằng ngày?

          Để rao giảng Tin Mừng, tôi có ngay thẳng trong lối sống của Ki-tô hữu không?  Tôi hiểu thế nào về tầm quan trọng của việc sống đức tin Công giáo? Nói khác đi, tôi là người Công giáo đích thực hay chỉ mang danh Công giáo?

          Các bí tích nhập đạo (Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể) nói gì với tôi về sứ vụ rao giảng Tin Mừng?

          Bài đọc này liên hệ thế nào với bài đọc Cựu Ước và bài Tin Mừng?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát bài “Lời nguyện truyền giáo.”

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà