Chúa Nhật thứ 8 Thường Niên
(2-3-2003)
Hs
2,16b.17b.21-22: (21) Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, trong công minh
và chính trực, trong ân tình và xót thương.
2Cr
3,1b-6: (6) Thiên Chúa ban cho chúng tôi khả năng phục vụ Giao Ước Mới, không
phải Giao Ước căn cứ trên chữ viết, nhưng dựa vào Thần Khí. Vì chữ viết thì
giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống.
TIN
MỪNG: Mc 2,18-22
Tranh luận về việc ăn chay (// Mt 9,14-17; Lc
5,33-39)
(18) Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người
Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: «Tại sao các môn đệ ông
Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn
chay?» (19) Đức Giê-su trả lời: «Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn
chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn
chay được. (20) Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn
chay trong ngày đó. (21) Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá
mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. (22) Cũng không
ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng
mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!»
Câu hỏi gợi ý:
1. Đám
cưới chưa kết thúc, chú rể chưa ra về mà khách dự tiệc đã ăn chay, thì việc ăn
chay đó có hợp tình và hợp lý không? Giữa sự hợp tình hợp lý và việc ăn chay,
cái nào quan trọng hơn? Từ đó ta suy ra được điều gì? Giữa những tập tục tôn
giáo và tình yêu thương, cái nào quan trọng hơn? Đức Giê-su đặt nặng cái nào?
2. Đức
Giê-su đến để làm một cuộc cách mạng vĩ đại về tôn giáo. Cuộc cách mạng đó hệ
tại điều gì? Hiện nay chúng ta đã sống theo tinh thần cách mạng của Đức Giê-su
chưa, hay vẫn sống theo quan niệm cũ của các kinh sư, luật sĩ và Pha-ri-sêu
thời Cựu Ước?
Suy tư gợi ý:
1. Đối
với Đức Giê-su, tình người là lề luật quan trọng nhất
Ăn chay là một nghi thức mang tính tôn giáo, có
mục đích: biểu lộ sự tự hạ, lòng ăn năn thống hối tội lỗi, và tạo cho tâm trí
tỉnh thức, sáng suốt. Các kinh sư, luật sĩ và Pha-ri-sêu đặt rất nặng việc ăn
chay, và coi đó là một việc làm đạo đức. Và họ căn cứ vào đó để đánh giá ai là
người đạo đức, ai không đạo đức. Các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả cũng ăn chay để
tỏ lòng sám hối và đón chờ Đấng Cứu Tinh đến. Họ cũng đặt rất nặng việc ăn
chay.
Nhưng quan niệm và thái độ của Đức Giê-su đối với
việc ăn chay khiến ta phải suy nghĩ và sửa đổi lại cách quan niệm của mình về
bậc thang giá trị của những việc đạo đức. Ngài vẫn luôn coi trọng việc ăn chay
như một giá trị thiêng liêng cao quí, nhưng Ngài coi việc đối xử cho có tình có
nghĩa, cho hợp với cung cách «làm người» còn quan trọng và cao quí hơn nhiều:
«Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ?»
Đành rằng việc ăn chay là quí, nhưng khi có khách tới nhà, khi còn là thời gian
mừng cho hạnh phúc của đôi tân hôn, thì việc ăn chay quả là không thích hợp,
nếu không muốn nói là kỳ cục, ngược đời, lập dị. Chắc hẳn đối với Ngài, ăn chay
trong những trường hợp ấy chẳng những không đáng khen mà còn đáng trách nữa.
Trong cuộc đời Đức Giê-su, ta thấy Ngài luôn luôn
đặt nặng tình người hơn cả việc giữ những tập tục hay luật lệ tôn giáo. Thật
vậy, Ngài sẵn sàng lỗi luật sa-bát để làm theo sự thúc đẩy của tình yêu (x. Mt
12,1-8; 9-14; Lc 13,10-17; 14,1-6; Ga 5,1-18; 9,1-41), đang khi đó là một luật
quan trọng do Thiên Chúa lập nên qua Mô-sê (x. Xh 20,8-11) mà ai vi phạm có thể
bị xử tội chết hoặc bị loại trừ ra khỏi dân (x. Xh 31,14; 35,2). Như vậy, rõ
ràng Ngài coi việc thực hiện tình người là quan trọng hơn cả việc tuân giữ các
lề luật, dù là những luật được Kinh Thánh coi là rất quan trọng. Ngài đã làm
một cuộc cách mạng tôn giáo, đảo lộn các bậc thang giá trị của quan niệm đạo
đức cổ điển vốn thích thượng tôn lễ nghi, ưa chuộng những hình thức bên ngoài.
Và Ngài đã lập nên một tôn giáo mới, với một tinh thần mới, luật lệ mới, lấy
tình thương hay tình người làm nền tảng, làm giá trị cao quí nhất.
Và Ngài đã tuyên bố một cách thật rõ ràng luật mới
của Ngài, chỉ gồm một khoản luật duy nhất, đó là luật yêu thương, là việc thực
hiện tình người với nhau: «Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy
yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga
13,35). Chỉ một luật duy nhất này là đủ tóm gọn toàn bộ mọi lề luật khác, chỉ
cần giữ một luật này thôi là giữ được toàn bộ mọi luật lệ: «Ai yêu người, thì
đã chu toàn Lề Luật (…) Yêu thương là chu toàn Lề Luật» (Rm 13,8.10). Luật căn
bản này mà không giữ thì dù có giữ trọn vẹn những lề luật khác thì cũng kể như
chẳng giữ luật gì cả (x. Ga 7,19; Cv 7,53), và công phu giữ những luật khác ấy
chẳng có một giá trị nào trước mặt Ngài. Cứ nghiêm túc xem xét cách Ngài phán
xét vào ngày chung thẩm, ta ắt thấy trong số những người bị kết án, chắc chắn
có những người thường xuyên ăn chay, trung thành giữ những nghi thức hay tập
tục tôn giáo, thậm chí làm được rất nhiều việc tốt đẹp lớn lao. Nhưng những
việc tốt đẹp ấy ích lợi gì cho họ khi Ngài chỉ xét có một điều: «Mỗi lần các
ngươi làm/không làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây,
là các ngươi đã làm/không làm cho chính Ta vậy» (Mt 25,40.45). Chính thánh
Phao-lô cũng xác nhận rằng những việc làm tốt đẹp ấy chẳng có giá trị gì trước
mặt Thiên Chúa nếu không phát xuất từ tình yêu: «Giả như tôi có đem hết gia tài
cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức
mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi» (1Cr 13,3). Điều ấy càng trở nên rõ ràng
với câu nói của Đức Giê-su: «Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng:
“Lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân
danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Và bấy giờ
Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta,
hỡi bọn làm điều gian ác!» (Mt 7,22-23). Họ bị kết án dù đã làm đủ mọi điều tốt
đẹp, trừ một điều tốt đẹp nhất và nền tảng nhất, là tình thương, là cư xử với
tha nhân bằng tình người đích thực.
Thiết tưởng qua bài Tin Mừng này, chúng ta cần
phải nghiêm túc đặt lại vấn đề: chúng ta đã quan niệm và hành xử như Đức Giê-su
chưa, hay chúng ta vẫn quan niệm giống như các kinh sư, luật sĩ và Pha-ri-sêu?
Những người này coi việc ăn chay, việc giữ những nghi thức luật lệ, kể cả những
luật nhỏ nhặt nhất, quan trọng hơn tình yêu, tình người, hơn những điều mà tình
yêu đòi hỏi phải thực hiện. Mặc dù Đức Giê-su đến đã 2000 năm nay để lập nên
một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của Tân Ước, đã đem đến cho thế giới một tinh thần
mới, luật lệ mới, nhưng cho đến hôm nay, tiếc thay còn rất nhiều Ki-tô hữu –
trong đó rất có thể có bạn và tôi – vẫn đang sống theo quan niệm của nhiều
người thời Cựu Ước: coi trọng những tập tục và luật lệ tôn giáo hơn tình
thương.
2. Thời
mới, phải giữ luật mới, phải theo tinh thần mới
Về sự không hợp thời này, Đức Giê-su đã khuyên
chúng ta bằng những hình ảnh rất cụ thể: «Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì
như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách
thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu,
thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới!» Điều
đó có nghĩa là đã bước sang thời mới mà chúng ta vẫn sống theo luật cũ, theo
tinh thần cũ thì sẽ gây nên nhiều tai hại: chẳng những không đạt được điều mong
muốn mà còn bị phản tác dụng. Chẳng những không làm cho chiếc áo đã rách được lành
lặn, mà còn làm cho nó rách thêm. Chẳng những không chứa đựng hay bảo vệ được
rượu, mà làm cho rượu bị chảy mất. Thật vậy, nếu vào cuối thời Cựu Ước mà Đức
Giê-su đã khiển trách và kết án bọn kinh sư, luật sĩ và Pha-ri-sêu không tiếc
lời, thậm chí có thể nói là «cạn tàu ráo máng» (x. Mt 23,13-36), thì Ngài sẽ
khiển trách và kết án chúng ta tới mức độ nào một khi Ngài đem tinh thần mới
đến thế gian đã 2000 năm nay, mà chúng ta vẫn sống theo tinh thần cũ của bọn
kinh sư, luật sĩ và Pha-ri-sêu thời đó? Chúng ta quả là những người ngoan cố
không chịu sửa sai!
Thật vậy, biết bao Ki-tô hữu hiện nay – thuộc
thiên niên kỷ thứ 3 rồi – mà vẫn coi những tập tục tôn giáo, những luật lệ chủ
yếu do con người lập nên, quan trọng hơn cả luật yêu thương, điều luật duy nhất
của Đức Giê-su? Có lẽ chúng ta nên tự xưng mình là «Mô-sê hữu» hay môn đệ của
Mô-sê, thì đúng hơn là «Ki-tô hữu» hay môn đệ của Đức Ki-tô! Quả thật, có biết
bao Ki-tô hữu coi việc lãnh nhận các bí tích, những tập tục tôn giáo như đọc
kinh, lần chuỗi, ăn chay, kiêng thịt, v.v… còn quan trọng hơn việc đối xử cho
có tình có nghĩa với người chung quanh mình! Họ tưởng làm những việc ấy cho
nhiều thì sẽ trở nên công chính. Thánh Phao-lô đã khuyên họ: «Anh em mà tìm sự
công chính trong Lề Luật, là anh em đoạn tuyệt với Đức Ki-tô và mất hết ân
sủng» (Gl 5,4). Chúng ta cần đọc lại Tân Ước cho kỹ để biết Đức Giê-su coi việc
nào quan trọng hơn việc nào. Tôi không có ý đả kích việc lãnh nhận các bí tích
hay những tập tục tôn giáo, vì tất cả những việc đó đều là những việc tốt đẹp,
nhưng tôi nghĩ chúng ta cần phải ý thức việc nào là quan trọng nhất cho việc
sống đạo của chúng ta. Lấy cái chính làm cái phụ, rồi ngược lại lấy cái phụ làm
cái chính thì quả thật là điên rồ!
Đức Giê-su đã cảnh cáo các kinh sư về điều ấy, vì
họ không biết cái nào chính cái nào phụ, cái nào là quan trọng cái nào nên coi
nhẹ: «Khốn cho các người, những kẻ dẫn đường mù quáng! Các người bảo: “Ai chỉ
Đền Thờ mà thề, thì có thề cũng như không; còn ai chỉ vàng trong Đền Thờ mà
thề, thì bị ràng buộc” Đồ ngu si mù quáng! Thế thì vàng hay Đền Thờ là nơi làm
cho vàng nên của thánh, cái nào trọng hơn» (Mt 23,16-17). Ngài còn nói thật rõ:
«Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người
nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng
nhất trong Lề Luật là công lý, tình thương và sự thành thật» (Mt 23,23).
Áp dụng những câu
nói đó vào việc giữ đạo ngày nay, Ngài sẽ nói thế nào về những người coi việc
tham dự các bí tích, các nghi thức và tập tục tôn giáo còn quan trọng hơn cả
việc sống yêu thương? Bí tích và các nghi lễ chỉ là những dấu chỉ của những
thực tại hết sức cao quí, mà trong đó cao quí nhất là tình thương, vốn là bản
chất của Thiên Chúa (x.1Ga 4,8.16). Giữa thực tại cao quí và dấu chỉ của thực
tại cao quí ấy, cái nào cao quí hơn, quan trọng hơn? Coi trọng dấu chỉ hơn cả
thực tại mà dấu chỉ ấy ám chỉ, thì chẳng khác gì quí trọng hình ảnh của một
người hơn chính bản thân người ấy! Như thế chẳng phải là nực cười sao? Nếu Đức
Giê-su coi các bí tích như là cốt yếu của tôn giáo, chắc chắn Ngài đã dành rất
nhiều quan tâm về vấn đề này. Thực tế, trong Tân Ước – trong 4 Tin Mừng, sách
Công Vụ Tông Đồ, và trong các thư tín – chưa bao giờ bí tích được đề cập như
một vấn đề trọng yếu. (Về vấn đề này, xin đừng hiểu lầm ý của tôi: khi tôi nói
cha mẹ tôi không đáng kính trọng bằng Thiên Chúa, điều đó không có nghĩa là tôi
không kính trọng cha mẹ tôi, mà trái lại tôi đã quan niệm hết sức đúng đắn về
chỗ đứng của cha mẹ tôi trước Thiên Chúa).
Lạy Cha, xin Cha giúp con chịu khó tìm hiểu tư
tưởng và lập trường của Đức Giê-su để biết trong đời sống đạo, điều nào là điều
cốt yếu nhất, quan trọng nhất, và điều nào là điều phụ thuộc. Xin đừng để việc
giữ đạo rất thành tâm của con trở nên vô giá trị trước mặt Cha chỉ vì con đã
không quan niệm, suy nghĩ và hành xử giống như Đức Giê-su đã dạy.
Joan
Nguyễn Chính Kết.