CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN, NĂM B

Mc 2, 18-22

 

CHIỀU SÂU CỦA ĐẠO LÀ TÌNH THƯƠNG

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Con người cũng như thế giới luôn có hai bộ mặt, mặt thật và mặt giả, bề ngoài và bề trong. Thế giới hôm nay lại có nhiều cái hay, cái tiến bộ, cái văn minh, nhưng thực ra lại có nhiều nhiêu khê và khó khăn. Tôn giáo cũng có nhiều, nhưng tựu trung đạo phải tỏa chiếu tình thương. Chúa Giêsu khi thiết lập đạo dưới thế, Ngài chỉ ra rằng cái cốt lõi chính yếu của đạo là tình thương. Đạo phải nói lên tình thương mới là đạo. Sống cái hời hợt, cái mặt nổi, xưng hùng xưng bá chưa phải là mục đích của Đạo Chúa Kitô.

 

ĐẠO CỦA CHÚA GIÊSU THIẾT LẬP: ĐẠO TÌNH THƯƠNG

Thánh Gioan viết:” Thiên Chúa là tình yêu”. Đạo của Chúa thiết lập ở trần gian bắt nguồn từ tình yêu của Thiên Chúa. Nên, Đạo của Ngài là đạo tình thương. Chúa Giêsu khi khai mở sứ vụ rao giảng, đã nói về nước trời mà nước trời là gì nếu không phải là nơi chỉ có tình thương, là nơi chỉ có niềm hoan lạc và hạnh phúc. Ngài loan báo nước Thiên chúa, nhưng với điều kiện con người phải hoán cải và sám hối mới có thể đạt được nước Thiên Chúa, vương quốc của tình yêu. Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mc 2, 18-22 đã chứng tỏ cho nhân loại thấy thế nào là sống đạo, thế nào là tình yêu. Chúa đã kêu gọi một số môn đồ đi theo Ngài và như các kinh sư, luật sĩ Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ của Ngài phải sống một lối sống nào đó. Nhưng điều làm nhiều người kinh ngạc và sững sờ là Chúa Giêsu cũng như các môn đệ của Ngài đã không giữ một số ngày chay tịnh và một số lề luật như môn đệ của Gioan và các luật sĩ đã tuân giữ. Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài xem ra càng lúc càng thách thức những người biệt phái, luật sĩ lúc đó vì rằng Ngài và các đệ tử của Ngài đã không giữ một số ngày chay tịnh nhưng còn hơn thế chính Chúa Giêsu và các môn đệ đã không giữ ngày hưu lễ, tức ngày Sabbát và một số tập tục, truyền thống như rửa tay trước bữa ăn vv…Chúa Giêsu đã chứng tỏ cho nhân loại hay Ngài rất đối lập với những người Do Thái, Ngài đã đưa ra một lối sống đặc biệt của đạo là tình thương. Đối với Ngài cái chính yếu, cái cốt lõi, cái tủy của đạo, phải phát xuất tự tình thương, phải đi từ con tim, cõi lòng của con người. Tình thương đã đưa Ngài tới cái chết trên thập giá:” Khi Ta bị treo lên khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta “ hay “ Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng vì người mình yêu”. Tình yêu của Chúa Giêsu là tình yêu tận hiến, từ bỏ và hy sinh. Chúa Giêsu chết cho nhân loại vì yêu. Nên, cái chết của Ngài có một ý nghĩa cao vời và cứu độ. Nhìn ngắm Chúa Giêsu, dõi theo những hành động, cử chỉ, thái độ của Chúa Giêsu, con người sẽ hiểu rõ rằng chính tình yêu cứu độ của Ngài thắp sáng đức tin cho mọi người.

ĐẠO PHẢI DO TÌNH YÊU

Con người mãi mãi chỉ có thể cảm nghiệm được sự cao sâu, rút ra được bài học yêu thương vô vị lợi khi nhìn vào, cung chiêm Chúa Giêsu, Đấng vô cùng cao cả, vô cùng thánh thiêng, nhưng lại rất khiêm nhượng và hiền lành. Học bài học về đời Chúa Giêsu, con người sẽ nhận ra rằng giáo lý, Tin Mừng của Chúa là tình thương. Chúa thiết lập, mạc khải đạo tình thương để cho nhân loại thấy được tình thương là quan trọng. Không có tình thương, không có lòng nhân ái, vị tha, đạo sẽ chỉ mang một mớ kiến thức và đạo chỉ là một mớ những khoản luật buộc con người tuân giữ cách máy móc mà  thôi. Sống đạo luôn luôn khác với giữ đạo vì sống là phục vụ con người trong tình thương và đạo Kitô giáo là đạo của một con người và con người đó có tên Giêsu, Đấng mang lại ơn an bình, ơn cứu độ cho mọi người. Giữ đạo không chỉ sống máy móc, đọc ba bốn kinh, hay đi lễ lơ mơ lờ mờ ngày chúa nhật là đủ, nhưng đạo phải là tình thương. Đạo là đường, là sự thật, là sự sống, là con người Giêsu . Vậy có những vấn nạn khác con người theo Chúa phải đặt ra và giải quyết thỏa đáng. Ta còn mắc nợ nhau cái gì ? và như thánh Phaolô nói:” anh em chớ mặc nợ ai điều gì ngoài tình thương “. Nhắm mắt làm ngơ trước sự khổ đau của con người, chưa sống bác ái với con người, chưa yêu thương người là ta chưa thực hành đạo vỉ đạo của Chúa Giêsu là đạo tình thương và cốt lõi của đạo Kitô giáo là tình thương.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết sống đạo tình thương của Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ

1.     Bạn nghĩ gì về  Đạo ?

2.     Bạn đã sống đạo chưa ? tại sao ?

3.     Muốn sống đạo, bạn phải làm gì ?


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà