CHÚA NHẬT 8 QUANH NĂM
Như chúng tôi đã nhắc tới trong bài suy niệm tuần trước,
phần thứ nhất của Thư 2 Cô-rin-tô là một suy tư sâu sắc về sứ vụ tông đồ, cho
nên bài đọc hôm nay là mở đầu của những suy tư ấy. Tiếp theo bài đọc hôm nay, bốn bài đọc kế tiếp cũng sẽ đề cập đến
cùng một chủ đề về sứ vụ của người tông đồ thời Tân Ước.
Một số người trong cộng đoàn Cô-rin-tô đã chất vấn về tư
cách tông đồ của Phao-lô chỉ vì ngài không đến thăm họ như đã hứa. Chúng ta không biết đích xác họ là những ai,
nhưng các nhà chú giải Kinh Thánh thường nghĩ đó là nhóm Ki-tô hữu gốc
Do-thái. Người ta còn trách thánh
Phao-lô tự cao tự đại, không cần đến thư giới thiệu của cộng đoàn mà cứ tự ý
tới (xem Cv 18:27 để đối chiếu). Lá thư
giới thiệu chỉ là cớ nhóm người chống đối kia sử dụng để làm thánh Phao-lô mất
uy tín. Trả lời cho những vấn đề đã nêu
ra, thánh Phao-lô đã khéo léo trình bày một số thực tại của sứ vụ tông đồ và
rao giảng Tin Mừng: thành quả của sứ vụ
tông đồ, sự đối lập giữa Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới, và ý thức của vị tông đồ.
Nhờ Phao-lô mà người Cô-rin-tô được đón nhận Tin Mừng. Vậy mà lại có nhóm người lên mặt đòi Phao-lô
phải có thư giới thiệu của họ thì mới được phép đến thăm họ! Thật là mỉa mai. Thánh Phao-lô không tự ái.
Nhưng ngài thẳng thắn vạch ra sai lầm của họ. Ngài muốn họ nhìn lại xem họ là ai đối với vị tông đồ của
họ. Ngài cũng muốn họ biết rõ ngài đã
đối xử với họ như thế nào. Qua lời ngôn
sứ I-sai-a, Thiên Chúa phán: “Hãy xem,
Ta đã ghi khắc ngươi trong lòng bàn tay Ta” (49:16). Phao-lô cũng diễn tả cách tương tự tình cảm của ngài đối với tín
hữu Cô-rin-tô: “Thư giới thiệu chúng
tôi là chính anh em. Thư ấy viết trong
tâm hồn chúng tôi... bức thư của Đức
Ki-tô được giao cho chúng tôi chăm sóc” (2 Cr 3:2-3). Lời lẽ của Phao-lô đối với họ vừa nghiêm khắc, nhưng cũng đầy
tràn tâm tình mến thương của một người cha đã sinh ra họ trong đức tin. Cộng đoàn đức tin Cô-rin-tô là thành quả của
sứ vụ tông đồ và công trình của Chúa Thánh Thần. Mà nếu đã ý thức mình là thành quả thì mình phải nhìn nhận nguyên
nhân nào đem lại thành quả ấy. Phao-lô
đã tế nhị áp dụng nguyên lý “xem quả biết cây” để nhắc nhở tín hữu Cô-rin-tô
nhìn nhận vai trò tông đồ của ngài!
Nhưng ngài còn đi thêm một bước nữa để áp dụng nguyên lý “cây nào sinh
trái ấy” để ngầm bảo tín hữu Cô-rin-tô cần phải sống sao cho xứng đáng, luôn
luôn là một bức thư “viết trong tâm hồn” của ngài và “mọi người đều biết và đã
đọc.”
Ngài còn nói lên giá trị cao
cả của cộng đồng đức tin Tân Ước, vì chính Thần Khí của Thiên Chúa hằng sống đã
tạo dựng cộng đồng ấy. So với cộng đồng
Do-thái giáo là cộng đồng chỉ biết sống theo quy luật trên bia đá, thì cộng
đồng Ki-tô thật khác xa vì họ sống theo luật của Thần Khí Chúa Ki-tô được ghi
khắc trong tâm hồn.
Tại Hoa-kỳ, sau khi lớp người
Việt tới định cư có nhiều cộng đoàn Công giáo Việt Nam được thành lập. Do ảnh hưởng của những cộng đồng Tin Lành,
nhiều cộng đoàn Công giáo Việt Nam cũng muốn đặt lại vấn đề vai trò lãnh đạo
của các linh mục. Người ta muốn coi các
linh mục giống như người công nhân được họ trả lương. Thế là cha con xích mích hoặc đụng độ. Mối quan hệ giữa cộng đoàn đức tin và vị tông đồ không được nhìn
theo chiều hướng như thánh Phao-lô diễn tả.
Có lẽ bài học thánh Phao-lô dạy hôm nay cần được áp dụng vào hoàn cảnh
của biết bao giáo xứ hoặc cộng đoàn để cả cha lẫn con đều nhận ra chỗ đứng của
mình và đối xử với nhau bằng những tâm tình xứng hợp.
Tuy thành quả của sứ vụ tông đồ là sự có mặt của cộng đồng
đức tin, nhưng không phải vì thế mà vị tông đồ vênh vang kể công cho mình. Trái lại, thành quả ấy là “do ơn Thiên
Chúa.” Chính Thiên Chúa Cha đã ban khả
năng cho vị tông đồ để ngài có thể rao giảng Tin Mừng và thành lập cộng đoàn
đức tin.
Để viết một bức thư cần phải có mực. Cũng vậy, để thiết lập một cộng đoàn đức tin
cần phải có Thần Khí. Vai trò của Thần
Khí là ban sự sống, biến đổi những bộ xương khô thành thân thể có thịt máu và
gân cốt (Ed 37:1-10), thay thế những quả tim đá cứng bằng những trái tim thịt
mềm (Ed 36:26). Vị tông đồ là người đem
lời Chúa đến, nhưng chính Thần Khí sẽ hoạt động qua lời Chúa để in sâu lề luật
của Tin Mừng vào trái tim con người và biến đổi con người thành tạo vật
mới. Nhận biết vai trò của Thần Khí, vị
tông đồ sẽ làm hết sức mình để rao giảng Tin Mừng tựa như người đi gieo hạt
giống, với lòng tin tưởng vào Thiên Chúa.
Thần Khí sẽ làm cho hạt giống nảy mầm, lớn lên và sinh hoa quả.
Nhưng còn một điều nữa vị tông đồ không bao giờ quên, đó là
phải “nhờ Đức Ki-tô.” Đức Ki-tô không
chỉ là gương mẫu, mà còn là trung gian nữa.
Có kết hiệp với Người, chúng ta mới “dám tin tưởng vào Thiên Chúa.” Có kết hiệp với Người, chúng ta mới “có khả
năng,” bởi vì “Ai ở lại trong Thầy và
Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy,
anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).
Có lẽ cái nhìn của chúng ta về cộng đoàn đức tin thường
không được chính xác do ảnh hưởng bởi những tổ chức trần thế. Chúng ta chỉ thấy những luật lệ, những sinh
hoạt ồn ào, gây quỹ để sống còn, để bành trướng... mà khó nhận ra sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa, nhất là sức
sống dồi dào của Thần Khí bên trong cộng đoàn.
Chính vì cái nhìn khiếm khuyết đó nên chúng ta hững hờ với những sinh
hoạt của cộng đoàn, nhất là trong phụng vụ và phục vụ. Phụng vụ và phục vụ phải gắn liền với
nhau. Nếu chỉ thờ phượng Chúa trong nhà
thờ mà không phục vụ anh chị em ở ngoài nhà thờ thì chúng ta mới chỉ đi được
nửa đường, mới “mến Chúa” chứ chưa “yêu người.”
Trình bày của thánh Phao-lô về sự ưu việt của cộng đoàn đức
tin và sứ vụ tông đồ hy vọng sẽ thay đổi cái nhìn của chúng ta, nhất là sẽ nhắc
nhở chúng ta phải trở nên “những tấm bia bằng thịt,” trên đó Thánh Thần ghi
khắc lề luật và giá trị của Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô.
Tôi cần phải xét lại việc tham gia của mình vào giáo xứ
hay cộng đoàn như thế nào mới là đúng?
Tôi có thể tham gia vào lãnh vực nào?
Thái độ của tôi đối với vị chủ chăn như thế nào? Làm sao tôi trở thành “thư giới thiệu” của
ngài? Hay là thay vì đó tôi lại là một
thứ “truyền đơn”, một loại “thư nặc danh” làm phương hại vị chủ chăn và cộng đoàn?
Sau cầu
nguyện bộc phát, nhóm cùng hát “Bài ca hiệp nhất” hay “Xin hiệp nhất”.