CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh: 2 Phê-rô 3: 8-14

Chúa Nhật trước chúng ta đã có một bài suy niệm với tư tưởng thần học sâu xa của thánh Phao-lô, về Chúa Giê-su là hồng ân Thiên Chúa Cha ban cho nhân loại trong kế hoạch cứu rỗi và về thái độ chúng ta phải sẵn sàng đón nhận hồng ân ấy.  Hôm nay Phụng vụ Lời Chúa mượn những lời đơn sơ mộc mạc của thánh Phê-rô Tông đồ để nói về ngày Chúa thống trị sẽ đến và lời ngài nhắn nhủ chúng ta hãy sống thánh thiện để góp phần cho ngày ấy mau đến.

 

a)Ngày của Chúa

Khi diễn tả Ngày của Chúa, Tân Ước thường sử dụng kiểu nói khải huyền với những hình ảnh biến động của trời đất như lửa bốc cháy, động đất, lũ lụt... là những dấu chỉ nói lên thời gian Chúa Ki-tô quang lâm không còn xa.  Thiên Chúa Cha tôn vinh Ðức Ki-tô và bắt muôn loài muôn vật phải tuyên xưng Ðức Ki-tô là Chúa (Pl 2:11).  Cho nên Ngày của Chúa cũng có nghĩa là Ngày của Ðức Ki-tô (1 Cr 1:8), tức ngày tận thế và Người sẽ trở lại phán xét mọi người.

Chắc hẳn thánh Phê-rô cũng nhiều lần phải trả lời thắc mắc của tín hữu:  khi nào Ngày của Chúa xảy đến?  Câu trả lời của ngài rất thực tế:  "Ðối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày" (3:8).  Thánh Phê-rô muốn hiểu thời gian đối với Chúa không tính bằng năm tháng ngày giờ của chúng ta.  Nói khác đi, Chúa mới là chủ của thời gian, chứ không phải chúng ta.  Cho nên nếu chúng ta nghĩ hoặc đợi chờ Chúa đến hôm nay hay ngày mai, năm này hay năm khác, đó là chúng ta lấy thời gian của chúng ta để ấn định cho Chúa.  Rồi lại còn có những người cho là Chúa đã chậm trễ thực hiện lời hứa của Người.  Thánh Phê-rô liền giải thích:  Không phải Chúa chậm trễ đâu, nhưng Người muốn kiên nhẫn đợi chờ chúng ta hối cải đấy.  Cho nên thay vì phàn nàn Chúa thì chúng ta phải cám ơn Người vì Người đã tỏ lòng thương xót, không giáng phạt chúng ta ngay lập tức!  Người không muốn để cho bất cứ ai phải mất đi (x. Ga 17:12).

Như thánh Phao-lô đã từng khẳng định Ngày của Chúa chắc chắn sẽ xảy ra, ở đây Phê-rô cũng lập lại cùng một khẳng định ấy.Thường chúng ta quá chú tâm đến chi tiết không cần thiết nên quên đi thực tại cốt yếu, chỉ để ý về ngày giờ đến nỗi khi thấy không xảy ra như mình muốn thì đâm ra nghi ngờ...  Nhắc nhở về ý niệm thời gian của Chúa sẽ giúp đưa chúng ta trở lại với thực tại là thế giới cũ của tội lỗi đang qua đi và Chúa Ki-tô Phục sinh đang xây dựng một thế giới mới.  Thánh Phê-rô gọi việc xây dựng thế giới mới này là tạo dựng "trời mới đất mới" (3:13).

 

b)Ngày của chúng ta

Chỉ nghĩ về Ngày của Chúa mà không màng gì đến ngày của chúng ta thì quả thực là điều không thể hiểu được!  Suy nghĩ về ngày của chúng ta có nghĩa là phải tự hỏi mình:Thời gian chờ đợi Ngày của Chúa là thời gian của chúng ta, là ngày của chúng ta; vậy trong khi chờ đợi Chúa hoặc trong "ngày của chúng ta," chúng ta phải làm gì?  Về phía Chúa, Chúa đã chuẩn bị cho Ngày của Người qua việc sai Con Một Người đến để tạo dựng trời mới đất mới và giúp cho công lý ngự trị.Ðức Ki-tô đã đến tiêu diệt thế giới cũ là tội lỗi và sự chết.Người tái lập công lý cho nhân loại, phá bỏ hàng rào cách ngăn giữa Thiên Chúa và loài người. Còn chúng ta, như thánh Phao-lô nói, theo kế hoạch của Chúa, chúng ta được mời gọi "hiệp thông với Ðức Ki-tô" (1 Cr 1:9) và để cho mình được biến đổi để trở nên tạo vật mới trong Ðức Ki-tô.Ðó là cách chuẩn bị cho "ngày của chúng ta."  Với thánh Phê-rô, ngài muốn diễn tả chiều hướng tích cực của việc chuẩn bị ấy.Ngài nói:  không phải chúng ta chỉ mong đợi ngày của Chúa đến, mà chúng ta còn phải "làm cho ngày đó mau đến."  Mong đợi không phải là một thái độ thụ động và không làm gì cả, nhưng là phải tích cực làm tất cả những gì theo khả năng mình để không lỡ cơ hội và ở trong tư thế sẵn sàng.Chuẩn bị chu đáo cho "ngày của chúng ta" tức là giúp cho ngày của Chúa mau đến.  Nói khác đi, chúng ta có sứ mệnh phải giúp Chúa Ki-tô tạo dựng trời mới đất mới đang khi chúng ta sống ở trần gian này.Bằng cách nào?  Câu trả lời:"Anh em phải cố gắng sao cho Người thấy anh em tinh tuyền, không chi đáng trách và sống bình an" (4:14).

Hai đặc nét của người Ki-tô hữu chuẩn bị cho ngày của mình là:sống tinh tuyền không chi đáng trách và sống bình an.  Lấy Ðức Ki-tô, "Con Chiên tinh tuyền," làm mẫu mực, Ki-tô hữu cố gắng hằng ngày thực hiện cuộc hối cải, quay lưng lại với tội lỗi và hướng mặt về Thiên Chúa.  Ngoài ra, Ðức Ki-tô, "Thái tử bình an," đã thiết lập hòa bình giữa Thiên Chúa và nhân loại, mời gọi chúng ta tiếp tục duy trì hòa bình ấy.  Sống bình an không có nghĩa là an vui tự tại, nhưng là sống sự bình an mà thế gian không ban được (Ga 14:27), sự bình an là kết quả do việc Chúa Giê-su hòa giải Thiên Chúa với con người.  Sống bình an là tiếp tục duy trì quan hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa, đừng để cho tội lỗi làm cho chúng ta trở nên thù nghịch với Thiên Chúa.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

Thánh Phê-rô luôn nhận ra lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với chúng ta:  "Người kiên nhẫn đối với anh em vì Người không muốn cho ai phải diệt vong."  Ðiều này giúp tôi khám phá được những gì nơi Thiên Chúa?

Tôi có thể thấy những dấu chỉ nào để nhận ra "trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị"?  Tôi có tham dự vào những dấu chỉ ấy không?  Nếu có thì tham dự thế nào?

Theo cùng một chiều hướng trình bày như thánh Phao-lô (đọc tiếp từ câu 15 cho đến hết, thánh Phê-rô nhắn nhủ chúng ta:"Anh em hay lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Ðức Giê-su Ki-tô là Chúa và là Ðấng Cứu độ chúng ta."  Tôi hiểu thế nào về việc "lớn lên trong ân sủng và trong sự hiểu biết Ðức Giê-su Ki-tô"?

 

Cầu nguyện kết thúc

Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm có thể cùng đọc kinh sau đây:

"Lạy Chúa Giê-su, nếu ngày mai Chúa quang lâm,  chắc chúng con sẽ vô cùng lúng túng.

Thế giới này còn bao điều khiếm khuyết, dở dang, còn bao điều nằm ngoài vòng tay của Chúa.  Chúa đâu muốn đến để hủy diệt, Chúa đâu muốn mất một người nào...

Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa, xây dựng một thế giới yêu thương và công bằng, vui tươi và hạnh phúc, để ngày Chúa đến thực là một ngày vui trọn vẹn cho mọi người và cho cả vũ trụ.

Xin nuôi dưỡng nơi chúng con niềm tin vững vàng và niềm hy vọng nồng cháy, để tất cả những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.  A-men."

(Trích lời nguyện 48, RABBOUNI)


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà