CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh: 1 Thê-xa-lô-ni-ca 5: 16-24

Mặc dù chỉ lưu lại Thê-xa-lô-ni-ca ít tuần lễ để rao giảng Tin Mừng, nhưng thánh Phao-lô đã đặt nền tảng đức tin vững chắc cho anh chị em tân tòng.Không những họ trung thành với Tin Mừng Chúa Ki-tô, mà còn giúp cho sứ điệp của Người được lan tới những miền khác thuộc Ma-kê-đô-ni-a và A-kai-a (1 Tx 4:10).  Vào năm 50, từ Cô-rin-tô, thánh Phao-lô viết thư này cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca.  Trong phần nói về ngày Cánh chung, ngài nhắc nhở họ hãy có những chuẩn bị thích đáng chờ đợi Chúa Ki-tô tái lâm, chuẩn bị cá nhân cũng như chuẩn bị trong bối cảnh đời sống cộng đoàn.  Bài đọc hôm nay trích từ phần khuyên nhủ này, được Phụng vụ Lời Chúa sử dụng để nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy để cho Chúa "thánh hóa toàn diện con người" chúng ta, để chúng ta được hòa nhập với đời sống của một cộng đoàn đang chờ đợi Chúa trở lại.

 

a)Ðang khi chờ đợi Chúa Ki-tô đến, cá nhân chúng ta hãy để Thiên Chúa thánh hóa toàn diện con người chúng ta.

Trong viễn tượng chờ đợi Chúa Ki-tô lại đến, thánh Phao-lô cầu nguyện cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, mong đợi mỗi người sẽ được gìn giữ "vẹn toàn, không gì đáng trách."  Ðó cũng chính là kế hoạch của Thiên Chúa.  Ðể thực hiện kế hoạch này, Thiên Chúa dùng ân sủng của Người mà thánh hóa toàn diện con người chúng ta.  Vậy ân sủng của Người là gì nếu không phải là quà tặng lớn lao nhất, tức Con Một Người là Ðức Giê-su Ki-tô mà Người đã ban cho chúng ta vì quá yêu thương (Ga 3:16)?  Trong tinh thần chờ đợi của mùa Vọng, Phụng vụ Lời Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta suy gẫm về vai trò của Quà tặng Giê-su, Ðấng chúng ta đang chờ đợi.  Ở đây chúng ta nhận ra tiến trình hợp lý của kế hoạch cứu rỗi:  Chúa Ki-tô đến lần thứ nhất để "thánh hóa toàn diện con người" chúng ta, rồi Người lại đến trong ngày Phán xét chung để thấy chúng ta được "vẹn toàn, không gì đáng trách."  Vậy giữa hai thời điểm ấy, bổn phận của chúng ta là phải cộng tác với ơn thánh hóa của Thiên Chúa.

Khi nói tới sự thánh hóa toàn diện con người, thánh Phao-lô kể ra ba phần khác nhau:thần trí, tâm hồn và thân xác.Ðây là lần duy nhất ngài diễn tả rõ ràng tính cách toàn diện của con người chúng ta.  Thánh hóa toàn diện đã trở thành đề tài được khai triển nhiều nhất, nhờ những soi sáng hàm chứa trong tài liệu và tinh thần của Công đồng Vatican II.  Chiều hướng tu đức này cổ võ cho việc đem đạo vào đời, sống đức tin giữa môi trường sống của chúng ta.

Chúa Ki-tô là Ngôi Lời mặc lấy thân phận con người, làm một "con người vẹn toàn, không chi đáng trách" để trở nên gương mẫu cho tất cả chúng ta.  Chúng ta cần phải khám phá ra sự thánh thiện nơi thần trí, tâm hồn và thân xác của Chúa Ki-tô, để cho mình được biến đổi dần dần theo gương mẫu ấy.

 

b)Ðang khi chờ đợi Chúa quang lâm, cộng đoàn "hãy vui mừng luôn mãi."

Trong Chúa Nhật thứ ba mùa Vọng, chủ đề luôn hướng về niềm vui đang khi chờ đợi.  Có những chờ đợi khác nhau.  Người tử tù chờ đợi cái chết thì khác.  Tâm trạng của họ phức tạp, lo lắng, hối hận, buồn bã...  Còn chúng ta chờ đợi một Ðấng chúng ta đã quen biết, đã thân thương, đã để cho chính Người biến đổi chúng ta, hoặc nói theo tâm tình của Phao-lô, đã nhận Người làm "Chúa của tôi."  Do đó, niềm vui sẽ phản ảnh thái độ nền tảng của những ai chờ đợi Chúa trở lại.

Nhưng niềm vui của một cộng đoàn còn tùy thuộc những yếu tố khác.  Vậy theo Phao-lô, đâu là những yếu tố đem lại niềm vui cho cộng đoàn chờ đợi Chúa quang lâm, hoặc nói cho thực tế, làm sao giúp cho cộng đoàn Ki-tô hữu hôm nay, một giáo xứ, một nhóm cầu nguyện, một đoàn thể Công giáo... trở thành một cộng đoàn vui mừng, không xào xáo, không ganh tị nhau, không chia rẽ...?  Ngoài việc thánh hóa bản thân mỗi người, thánh Phao-lô còn kể ra một số yếu tố thực tế sau đây:

Cầu nguyện không ngừng:  vì cầu nguyện đưa chúng ta tới gần Chúa, nhưng cũng đưa chúng ta đến gần nhau, cảm thông với nhau, nhận biết những nhu cầu của nhau.

Tạ ơn trong mọi hoàn cảnh:  tạ ơn là một cách nhìn nhận những gì Chúa ban cho mình, cho cộng đoàn, để chúng ta biết sử dụng và đáp lại lòng quảng đại của Chúa.

Ðừng dập tắt Thần Khí:  Thánh Thần làm dậy lên sự sống và sinh hoạt của Giáo Hội, toàn cầu cũng như địa phương.  Không ngăn chặn ảnh hưởng của Người, nhưng cần nhận định những gì là bởi Thánh Thần và cộng tác vào những hoạt động của Người.  Có lẽ đây là đòi hỏi quan trọng nhất đối với đời sống cộng đoàn.  Do đó, thánh Phao-lô mới căn dặn:  Hãy cân nhắc mọi sự, điều gì tốt thì giữ, còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì tránh cho xa!

Những đòi hỏi trên nếu được thực thi do mỗi phần tử trong cộng đoàn, thì sẽ trổ sinh hoa trái, những hoa trái đã được thánh Phao-lô nói đến trong thư gửi tín hữu Ga-lát:  bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa và tiết độ (5:23-23).  Như thế, chờ đợi Chúa lại đến trong bối cảnh đời sống cộng đoàn, chính anh chị em thuộc cộng đoàn cũng góp phần vào việc giúp chúng ta trở nên "vẹn toàn, không gì đáng trách."Nói khác đi, chúng ta không chờ đợi Chúa một mình, nhưng cùng với anh chị em trong Giáo Hội, không phải trong thái độ cô đơn bi quan, nhưng giữa một cộng đoàn yêu thương và vui mừng.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

Nhận định lại sự thánh hóa toàn diện nơi con người tôi, tôi thấy như thế nào?  Phương diện nào chưa được chú ý tới?  Có những cách hiểu nào còn quá tiêu cực về tính cách toàn diện?Thí dụ khinh thường thể xác?  Thần trí còn quá thế tục, chứ chưa phải là thần trí của Ðức Ki-tô?

Thánh Phao-lô nói lên sự cần thiết của đời sống cộng đoàn giúp chúng ta trở nên thánh thiện hơn.  Trước đây tôi nghĩ gì về vai trò của đời sống cộng đoàn?  Tôi đã tránh dây mình vào những sinh hoạt cộng đoàn vì sợ phiền phức?  Tôi đã vô trách nhiệm làm tổn thương đến hòa khí của cộng đoàn?...  Tôi có những phán đoán rất tiêu cực về những người trong cộng đoàn:  cha xứ, hội đoàn, cá nhân...?

 

Cầu nguyện kết thúc

Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát "Kinh hòa bình" của thánh Phan-xi-cô.

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà