Chúa Nhật Thứ 4
Mùa Vọng
ÐỌC LỜI CHÚA
2 Sm 7,1-5.8b-12.14a.16: (8) Ðức Chúa các đạo binh phán thế này: Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en. (9) Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi.
Rm 16,25-27: (26) Tin Mừng tôi loan báo đó mặc khải
mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ
như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh.
TIN MỪNG: Lc 1,26-38
Truyền
tin cho Ðức Ma-ri-a
(26) Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên
Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là
Na-da-rét, (27) gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên
là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Ða-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
(28) Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: «Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ân sủng, Ðức Chúa ở cùng bà». (29) Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. (30) Sứ thần liền nói: «Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. (31) Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. (32) Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Ðấng Tối Cao. Ðức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Ða-vít, tổ tiên Người. (33) Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận». (34) Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: «Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!» (35) Sứ thần đáp: «Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Ðấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Ðấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. (36) Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. (37) Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được». (38) Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: «Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói». Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Ma-ri-a có gì đặc biệt mà được Thiên
Chúa chọn làm Mẹ Ðấng Cứu Thế và theo niềm tin Công giáo, còn là
Ðấng đồng công cứu chuộc nhân loại? Dưới mắt người đời, Ma-ri-a đâu
có tài năng gì đặc biệt, làm sao Ma-ri-a thành công trong công việc
vĩ đại ấy?
2. Khi được Thiên Chúa chọn, ta cần có
tinh thần nào để hoàn thành tốt đẹp sứ mạng mà Ngài giao cho ta? Có
ai được Thiên Chúa chọn mà làm hỏng việc Ngài không? Tại sao vậy?
Suy tư gợi ý:
1. Ma-ri-a nhỏ bé yếu đuối nhưng được Chúa chọn.
Dưới
nhãn quan Ki-tô giáo, chúng ta đang chuẩn bị kỷ niệm một mầu nhiệm vĩ
đại nhất trong lịch sử nhân loại, khởi đầu một công trình hết sức
lớn lao của Thiên Chúa: cứu chuộc nhân loại, thiết lập Nước Trời.
Công cuộc vĩ đại này bắt đầu một cách rất âm thầm, nhỏ bé tại
một làng quê, với một thôn nữ yếu đuối chẳng mấy người biết. Ðiều
này làm ta nhớ tới dụ ngôn hạt cải của Ðức Giê-su: «Nước Thiên
Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ
nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi
thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới
bóng» (Mc 4,31-32). Qua kinh nghiệm tâm linh của nhiều vị
thánh, ta thấy Thiên Chúa thường khởi sự những việc hết sức lớn lao
bằng những việc hết sức bé nhỏ, với những con người cũng hết sức
nhỏ bé. Có như thế người ta mới thấy quyền năng của Ngài, mới thấy
Ngài là một Thiên Chúa vĩ đại: «Những gì thế gian cho là yếu kém, thì Thiên
Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh» (1Cr 1,27).
Thật
vậy, theo tiêu chuẩn thông thường của người đời, nghĩa là xét về
tài năng, thông minh, học vấn, sức khỏe, sắc đẹp, v.v. chắc hẳn
Ma-ri-a không có gì đặc biệt hơn những thiếu nữ khác cùng trang lứa
với mình. Trên đời chắc chắn còn những thiếu nữ đặc biệt hơn Ma-ri-a
rất nhiều. Nhưng Ma-ri-a đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Ðấng Cứu
Thế để cộng tác với Ngài trong công trình vĩ đại này. Ngài chọn
Ma-ri-a vì Ngài muốn chọn, theo sự tự do của Ngài (x. Rm 9,12.16), và
cũng «vì
bà đẹp lòng Thiên Chúa». Và Ngài đã thành công trong việc
chọn Ma-ri-a, đang khi có những người khác được Ngài chọn đã làm «hỏng việc»
của Ngài, hay đã làm Ngài không hài lòng, chẳng hạn trường hợp vua
Sa-un (x. 1Sm 9,17; 13,13-14); tông đồ Giu-đa (Mt 26,47-50).
Vấn
đề đặt ra cho chúng ta là: nhiều người được Thiên Chúa chọn cho công
việc của Ngài, tại sao có những người làm nên việc, khiến Ngài
thành công và hài lòng như trường hợp của Ma-ri-a, và cũng có những
người làm «hỏng việc», khiến Ngài «thất bại» (từ gượng
dùng) hoặc không hài lòng? Ta có thể rút ra bài học nào cho ta khi
ta được Thiên Chúa chọn làm công việc của Ngài?
2.Ma-ri-a xóa bỏ bản ngã mình trước Thiên Chúa
Một
trong những yếu tố quan trọng nhất để Thiên Chúa có thể thành công
nơi ta, đó là ta biết xóa bỏ bản ngã mình trước Thiên Chúa, xóa bỏ
ý riêng mình trước thánh ý Ngài, xóa bỏ dự định hay kế hoạch của
mình trước dự định hay kế hoạch của Ngài. Ðó chính là tinh thần tự
hủy mà Ðức Giê-su là gương mẫu hoàn hảo nhất, và kế đó là Ðức
Ma-ri-a.
Theo tư
tưởng lưu truyền trong giới Công giáo, khi được thiên sứ báo tin,
Ma-ri-a đang dự định sống trọn đời đồng trinh để phụng sự Thiên Chúa.
Việc đính hôn với Giu-se chỉ là để che mắt thị phi của thiên hạ, vì
người đương thời quan niệm sai lầm rằng một phụ nữ sống độc thân là
một hình thức bị chúc dữ. Nhưng khi biết thánh ý Thiên Chúa muốn
chọn mình làm Mẹ sinh ra Ðấng Cứu Thế, thì lập tức nàng từ bỏ tất
cả mọi ý muốn hay dự định riêng của mình để vâng theo ý muốn của
Thiên Chúa: «Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi
như lời sứ thần nói».
3.Ðược Ngài chọn, hãy toàn tâm toàn ý cho việc của Ngài
Nếu Thiên Chúa chọn ta thì là để ta thực hiện công việc của Ngài chứ không phải việc của ta, để ta làm theo ý Ngài chứ không phải ý ta. Nên nếu ta được chọn, ta hãy để Ngài hoàn toàn làm chủ công việc của Ngài mà trong đó ta chỉ là một công cụ Ngài dùng mà thôi. Công cụ thì không hiện hữu cho mình mà cho công việc hay ý muốn của người sử dụng công cụ. Công cụ tốt là công cụ hoàn toàn làm đúng ý người sử dụng. Vậy, ta hãy toàn tâm toàn ý cho công việc và mục đích của Ngài, đừng nghĩ gì đến công việc hay mục đích của ta. Nếu công việc hay mục đích của Ngài thành tựu, thì công việc hay mục đích của ta cũng sẽ tự động thành tựu tốt đẹp, có thể gấp trăm lần ta tự lo cho công việc hay mục đích của ta. Ðức Giê-su có nói: «Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho» (Mt 6,33). Vì thế, việc của ta, hãy hoàn toàn phó thác cho Ngài. Chắc chắn một Thiên Chúa quan phòng tài tình như Ngài sẽ không để việc của ta bị thất bại chỉ vì ta đã toàn tâm toàn ý lo cho việc của Ngài. Hãy tin tưởng chắc chắn như thế!
4.Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi chừng kẻo ngã»
Những
người được chọn mà làm «hỏng việc» Ngài - như vua Sa-un, Giu-đa
- có thể là những người ban đầu rất nhiệt thành, quên mình, hoạt
động vì Thiên Chúa và tha nhân chứ không vì mình. Nhưng tới một lúc
nào đó người ấy bị tha hóa, đã đặt mục đích hay công việc của mình
lên trên mục đích hay công việc của Ngài, đặt ý mình lên trên ý
Ngài, hoặc muốn lèo lái công việc của Ngài theo ý mình, v.v. Những
người này lúc ban đầu nhờ nhiệt thành và quên mình nên đạt được
danh vọng, quyền lực, tiền bạc. nhưng về sau họ đã bị chính những thứ
đạt được ấy làm biến chất, tha hóa, khiến họ bị mất ơn Chúa và trở
thành những kẻ phá hoại hay cản trở việc Chúa. Do đó, mọi Ki-tô
hữu đang có chức vị cao, đang nắm quyền lực hay có nhiều tiền bạc
trong tay cần phải lưu ý lời của thánh Phao-lô: «Ai tưởng mình đứng vững, hãy coi
chừng kẻo ngã» (1Cr 10,12). Coi chừng kẻo mình trở thành như
cây chổi cùn, sau khi đã tận tâm tận lực quét đi mọi thứ rác rưởi,
thì cuối cùng mình lại trở thành một thứ rác lớn nhất, khó quét đi
nhất. Vậy, tinh thần tỉnh thức, luôn luôn phản tỉnh, tự xét bản thân
là điều rất cần thiết. Hãy coi chừng danh vọng, địa vị, quyền lực,
tiền bạc là những yếu tố có khả năng tha hóa và làm biến chất
rất mạnh! Vì thế, đời sống thanh đạm, tinh thần từ bỏ, siêu thoát
vẫn luôn luôn cần thiết cho đến hết cuộc đời.
5.Người được chọn sẽ bị thử thách
Ai được Thiên Chúa chọn để làm những công việc lớn lao cho Thiên Chúa, thường gặp nhiều thử thách, đau khổ. Ðó là cách mà Thiên Chúa vẫn đối xử với những ai Ngài đặc biệt yêu thương và tuyển chọn để tinh luyện người ấy xứng đáng với ơn gọi. Hãy coi những thử thách mà Ðức Giê-su và Ðức Ma-ri-a - là những người được Thiên Chúa đặc biệt ưu đãi - phải chịu trong cuộc đời các Ngài thì rõ. Ðây là kế hoạch của Ngài dành cho những người được Ngài chọn: «Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang» (Rm 8,30). Cách thức «làm cho nên công chính» của Ngài chính là thử thách, cho trải qua đau khổ: «Ðức Giê-su trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn» (Dt 2,10); «Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức vụ» (1Tm 3,10); «Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội» (1Pr 1,7). Bù lại, vinh quang của những người được Thiên Chúa yêu mến và tuyển chọn cũng rất lớn lao: «Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta» (Rm 8,18).
Chính nhờ những đau khổ và thử thách ấy nên không ai có thể ganh tị được với vinh quang vô cùng lớn lao mà Thiên Chúa ban cho những ai bền đỗ với những thử thách ấy. Họ rất xứng đáng với vinh quang và hạnh phúc mà Thiên Chúa ban cho họ. Vì thế, khi được Thiên Chúa tuyển chọn, ta hãy sẵn sàng chấp nhận mọi đau khổ và thử thách Thiên Chúa gửi tới. Hãy tin tưởng: «Ai bền chí đến cùng sẽ được cứu thoát» (Mt 10,22; 24,13).
Cầu nguyện
Lạy
Cha, để yêu thương và cứu rỗi nhân loại, Cha cần rất nhiều người
cộng tác. Cha chọn người cộng tác theo sự tự do của Cha. Con sẵn
sàng đáp lại lời mời gọi của Cha, nếu Cha cần đến con. Một khi được
kêu gọi, con quyết sẽ toàn tâm toàn ý sống và làm tất cả mọi sự
theo sự hướng dẫn của Cha, bất chấp những đau khổ thử thách mà Cha
dùng để rèn luyện con. Xin cho con trung thành với quyết tâm ấy.
Joan Nguyễn
Chính Kết