Lễ
Các Thánh
(1-11-2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Kh
7,2-4.9-14: (9) Tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào
đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước
ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế.
· 1Ga 3,1-3: (2)
Hiện giờ
chúng ta là con Thiên Chúa; nhưng chúng ta sẽ như thế nào, điều ấy chưa được
bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Đức Kitô xuất hiện, chúng ta sẽ nên giống như
Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy Người như vậy.
· TIN
MỪNG: Mt
5,1-12a
Tám mối phúc (Lc 6,20-23)
(1) Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người
ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người mở
miệng dạy họ rằng: (3) «Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là
của họ. (4) Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm
gia nghiệp. (5) Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi
an. (6) Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ
sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng. (7) Phúc thay ai xót thương người, vì họ
sẽ được Thiên Chúa xót thương. (8) Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì
họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa. (9) Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ
sẽ được gọi là con Thiên Chúa. (10) Phúc thay ai bị bách hại vì sống công
chính, vì Nước Trời là của họ. (11) Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị
người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy
vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Quan niệm của Đức Giêsu về hạnh phúc so với quan niệm thông thường
của người đời có khác nhau không? Hai quan niệm ấy, mỗi quan niệm được xây dựng
trên nền tảng nào?
2. Giữa hai quan niệm ấy, quan niệm nào khôn ngoan hơn? Tại sao? Mấu
chốt của sự khôn ngoan ấy là gì?
Suy tư gợi ý:
1. Hai quan niệm
trái ngược về hạnh phúc
Những điều nói trong bài Tin Mừng này thật trái
ngược với quan niệm thông thường nếu chưa muốn nói rằng chỉ có người bất thường
mới nghĩ như vậy. Quan niệm thông thường và chung chung của mọi người là: muốn
hạnh phúc thì phải giàu sang, phú quí, có nhà cao cửa rộng, có vợ đẹp con khôn,
có kẻ hầu người hạ, có địa vị, có quyền lực, được hưởng mọi của ngon vật lạ,
mọi thú vui trên đời… Và quan niệm thông thường đó đã thúc đẩy con người tìm đủ
mọi cách để đạt được những thứ ấy. Để đạt được những thứ ấy, người ta không
ngại cố gắng, gian nan và đau khổ, thậm chí không ngại làm những việc độc ác,
thất nhân tâm. Viễn ảnh hạnh phúc theo quan niệm thông thường ấy khiến người ta
sẵn sàng chấp nhận những khó khăn rắc rối nhiều khi vượt quá sức chịu đựng của
con người. Mọi người đều nghĩ rằng quan niệm ấy là hiển nhiên và đúng đắn.
Nhưng quan niệm của Đức Giêsu về hạnh phúc trong
bài Tin Mừng hôm nay thật trái ngược lại với quan niệm thông thường ấy. Những
ai theo quan niệm Ngài thì thường bị người đời cho là bốc đồng, dở hơi, điên
khùng hoặc giả hình. Nhiều người mang danh là theo Đức Giêsu cũng phán đoán y
như vậy về những kẻ thật sự sống đúng theo quan niệm của Ngài. Sở dĩ họ phán
đoán như vậy là vì họ không tài nào hiểu được phần thưởng đời sau dành cho
những ai sống theo quan niệm của Đức Giêsu to tát như thế nào.
2. Quan niệm nào
khôn ngoan hơn?
Giữa quan niệm thông thường của người đời và quan
niệm khác thường của Đức Giêsu, quan niệm nào là đúng, là khôn ngoan? Người
kitô hữu phải theo quan niệm nào? Để rộng đường suy nghĩ, ta nên nhớ: Đức
Giêsu, người đưa ra quan niệm khác thường ấy không phải là người điên hay bất
thường, mà là người được cả thế giới công nhận là khôn ngoan thuộc loại bậc
nhất. Ngài được người Kitô hữu nhìn nhận là sự Khôn ngoan của Thiên Chúa, là
hiện thân của Chân Lý. Như vậy, quan niệm về hạnh phúc của Ngài chắc chắn là
một quan niệm khôn ngoan vượt khỏi sự khôn ngoan thông thường của con người.
Chính vì không hiểu được sự khôn ngoan ấy nên người bình thường cho đó là ngu
xuẩn.
Thật ra, sự khôn ngoan của bài Tin Mừng này chỉ có
thể hiểu được trong niềm tin, tin rằng: đời sau thì vĩnh cửu còn đời này chỉ là
tạm bợ mau qua, nhưng cách sống ở đời này quyết định cho số phận vĩnh cửu đời
sau. Đây chính là mấu chốt của vấn đề: nếu không có đời sau, thì quan niệm như
Đức Giêsu đúng là một quan niệm ngu xuẩn! Đời sống thật ngắn ngủi, không biết
hưởng thụ nó thì thật là dại dột: «Vui xuân kẻo hết xuân đi, cái già sồng sộc nó thì
theo sau» (Ca dao). Nhưng nếu có đời sau, một đời sau vĩnh cửu – mà
đời sau hạnh phúc hay đau khổ lại hoàn toàn tùy thuộc vào cách sống ở đời này –
thì quan niệm như Đức Giêsu mới là khôn ngoan.
Thật vậy, nếu chết rồi là hết, nếu sự sống chỉ tồn
tại ở cuộc đời ngắn ngủi này, thì những điều nói trong bài Tin Mừng quả là điên
rồ: sống nghèo khổ thiếu thốn, chịu bách hại vì Chúa, vì đạo rj quả là ngu
xuẩn! khổ cực như thế thì ích lợi gì? Nếu chỉ có một cuộc đời ngắn ngủi này để
sống, thì mục đích của đời này chỉ là hạnh phúc của chính nó, dù chóng qua giả
tạm đến đâu. Nhưng nếu còn một đời sau lâu dài hơn, và nếu hạnh phúc đời sau
tùy thuộc vào đời này, thì sự khôn ngoan đòi buộc phải lấy hạnh phúc đời sau
làm mục đích, còn mọi sự đời này phải được coi là phương tiện. Do đó, phải sống
cuộc đời ngắn ngủi này cách nào để đời sau vĩnh cửu được hạnh phúc. Nếu sẵn
sàng chấp nhận đau khổ vĩnh cửu ở đời sau để được hạnh phúc chóng qua ở đời này
thì thật là ngu xuẩn, tương tự như giữa hai món tiền: 1 triệu đồng và 1 đồng,
lại đi chọn 1 đồng mà bỏ 1 triệu. Nếu giữa hai phải chọn lấy một, thì phải chọn
cái nào có giá trị hơn, lâu dài hơn mới là khôn ngoan.
3. Mấu chốt của vấn
đề: có đời sau hay không?
Đối với một bào thai, cuộc sống tăm tối trong bụng
mẹ chỉ là cuộc sống tạm bợ ngắn ngủi trong 9 tháng 10 ngày. Cuộc sống ấy không
chỉ kéo dài tới đấy là hết, mà toàn bộ cuộc sống ấy là để chuẩn bị cho một cuộc
sống khác dài hơn gấp bội, có thể tới 90 năm. Cũng vậy, người kitô hữu quan
niệm rằng đằng sau cuộc sống ngắn ngủi này là cả một đời sống vĩnh cửu dài vô
tận. Vì thế, người kitô hữu – những kẻ theo Đức Giêsu – tuy sống trong thế giới
này nhưng tâm hồn vẫn hướng về một thế giới khác tốt đẹp hơn, rộng lớn hơn, lâu
dài hơn rất nhiều. Họ coi thế giới mai hậu ấy mới là đích điểm phải nhắm tới,
chứ không phải thế giới này. Vì thế, đối với họ, mọi cơ cấu và thực tại trần
gian tự bản chất đều là giả tạm, phụ thuộc.
Tuy nhiên, không vì thế mà họ coi thường cuộc sống
hay thế giới này. Họ vẫn coi nó là quan trọng, vì cuộc sống này chính là điều
quyết định cho số phận đời sau. Mà yếu tố quyết định cho số phận đời sau chính
là tình yêu, niềm tin, lòng thành thật, sự công chính ngay ở đời này. Do đó, họ
vẫn sống đời sống hiện tại một cách tích cực, vẫn hăng say xây dựng cuộc sống
và thế giới này cho tốt đẹp. Nhưng dù coi cuộc sống này quan trọng đến đâu thì
họ cũng chỉ coi nó là phương tiện dẫn đến cùng đích là đời sống mai hậu, chứ
không bao giờ coi nó là cùng đích cả. Có quan niệm như thế ta mới hiểu được
tinh thần bài Tin Mừng này.
Quan niệm ấy được mô tả trong câu chuyện sau đây.
Một linh mục thánh thiện, khi được hỏi về những hy sinh vĩ đại của ngài, đã trả
lời: «Tôi
chỉ bỏ có vài cuộn giấy bạc và những thú vui trần tục thế mà mua được cả một
niềm phúc lạc vô biên. So với cái kho tàng tâm linh quí báu này thì đó có thật
là một sự hy sinh chăng? Trái hẳn lại, chính những người thế gian mới là người
từ bỏ và hy sinh những kho tàng tâm linh vô giá trên đường Đạo để chạy theo
những của cải vật chất giả tạm vô thường». Như vậy, ai mới là người
thật sự hy sinh, và hy sinh cái gì cho cái gì?
4. Sự khôn ngoan của
người kitô hữu
Chọn lựa khôn ngoan trên đã được Đức Kitô cụ thể
hóa bằng dụ ngôn kho báu và ngọc quí, trong đó người thương gia sẵn sàng bán
hết gia tài của mình để mua kho báu hay viên ngọc ấy (x. Mt 13,44). Lý do, kho
báu hay viên ngọc ấy giá trị gấp nhiều lần tài sản của ông ta. Đức Kitô cũng
dạy ta: «Nếu
người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Người
ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?» (Mt 16,26). Chính vì nhắm đến
hạnh phúc đời sau mà người kitô hữu sẵn sàng chấp nhận những thua thiệt, nghèo
khó, bị bách hại, đau khổ ở đời này. Thánh Phaolô nói: «Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ
sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta?»
(Rm 8,18). Để được hạnh phúc đời đời, Đức Kitô chỉ cho ta bí quyết: «Ai muốn cứu
mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm
được mạng sống ấy» (Mt 16,25).
Chỉ trong nhãn quan đức tin ấy, người ta mới hiểu
sâu xa nội dung bài Tin Mừng về Bát Phúc hôm nay, và nhận ra rằng chỉ có
những người sống theo tinh thần Bát Phúc mới là những người khôn ngoan
đích thật. Và nếu thật sự sống tinh thần ấy, người Kitô hữu sẽ được hạnh phúc
cả đời này lẫn đời sau. Thật vậy, con người sẽ được hạnh phúc trong đức tin nếu
hết lòng gắn bó với đức tin ấy. Hạnh phúc đó có được là do họ coi nhẹ bản thân
và những lợi ích chóng qua, nhờ đó, họ dễ dàng hy sinh cho người khác. Chính sự
cao thượng này trở thành niềm vui cho họ trong cuộc đời này.
CẦU NGUYỆN
Lạy Cha, xin cho con biết thế nào là sự
khôn ngoan của Cha. Khôn ngoan của Cha là thứ khôn ngoan luôn luôn nhắm đến
hạnh phúc đích thực và trường cửu. Còn khôn ngoan của thế gian chỉ nhắm tìm
kiếm những hạnh phúc tạm bợ chóng qua, mà quên đi hạnh phúc lâu dài. Nó tương
tự như sự khôn ngoan của những người sẵn sàng chấp nhận huy hoàng trong giây
lát để rồi ân hận và đau khổ suốt cả đời. Vì thế, khôn ngoan của người đời xét
cho cùng chỉ là ngu dại mà thôi. Xin đừng để con khôn ngoan một cách ngu xuẩn
như thế!
Joan Nguyễn Chính Kết
23-10-2003