Chúa Nhật Lễ Chúa Ba
Ngôi
(15-6-2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Đnl
4,32-34.39-40: (39) Anh em phải biết và để tâm suy niệm điều này: trên
trời cao cũng như dưới đất thấp, chính Đức Chúa là Thiên Chúa, chứ không có
thần nào khác nữa.
· Rm 8,14-17:
(14) Phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.
(16) Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng
chúng ta là con cái Thiên Chúa.
· TIN MỪNG: Mt 28,16-20
Đức Giêsu hiện ra tại Galilê, và sai môn đệ đi đến với muôn
dân
(16) Mười một môn đệ đi tới miền Galilê,
đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. (17) Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng
có mấy ông lại hoài nghi. (18) Đức Giêsu
đến gần, nói với các ông: «Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. (19) Vậy anh em
hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, (20) dạy bảo họ
tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi
ngày cho đến tận thế».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Ba Ngôi Thiên Chúa khác biệt
nhau, hay đồng dạng với nhau? Nếu bản chất khác biệt nhau, có Ngôi nào muốn bắt
các Ngôi kia phải trở nên giống mình không? Sự hiệp nhất của Ba Ngôi xây dựng
trên tinh thần «hiệp nhất trong đa dạng» hay «thống nhất bằng đồng dạng» ?
2. Vũ trụ vạn vật mà Ba Ngôi tạo
dựng là đa dạng hay đồng dạng với nhau? Thiên Chúa có muốn chúng ta biến vạn
vật thành đồng dạng không? Bắt mọi người phải đồng dạng với mình thì có hợp với
ý Thiên Chúa không?
Suy tư gợi ý:
1. Hiệp nhất trong đa dạng nơi Ba Ngôi Thiên Chúa
Thiên Chúa
theo quan niệm Kitô giáo là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng lại gồm có ba Ngôi –
nói nôm na là ba Đấng, ba Vị hay ba «Người» – khác biệt nhau. Ba Ngôi nhưng mỗi
Ngôi một vẻ, không Ngôi nào giống Ngôi nào. Ba Ngôi khác biệt nhau, nhưng lại
hoàn toàn bình đẳng, và không Ngôi nào muốn Ngôi kia phải trở nên giống như
mình. Chính vì chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng của nhau, mà Ba Ngôi sống hòa
bình với nhau, hợp tác chặt chẽ với nhau, yêu thương nhau, và hiệp nhất với
nhau chặt chẽ tới mức độ chỉ còn là một Thiên Chúa duy nhất.
2. Sự khác biệt và đa dạng trong vũ trụ vạn vật
Ba Ngôi khác
biệt nhau và đa dạng như vậy, nên đã tạo dựng nên một vũ trụ cũng đầy khác biệt
và đa hình đa dạng vô cùng. Ngài tạo dựng nên muôn loài khác biệt nhau, và loài
nào cũng lại phân chia thành nhiều cấp độ khác nhau với những chủng loại khác
nhau. Nhờ đó vũ trụ trở nên vô cùng phong phú, muôn hình muôn vẻ. Thật vậy,
tinh tú trên trời thì đủ kiểu đủ loại. Con người người thì đủ mọi chủng tộc, đủ
mọi ngôn ngữ, đủ mọi nền văn hóa khác biệt nhau. Thú vật và thực vật thì lại
càng đa hình đa dạng hơn: loại sống trên trời, loại trên đất, loại dưới nước,
loại thật to như đại bàng, cổ thụ, loại thật nhỏ như vi trùng, vi-rút, loại ăn
thịt, loại ăn cỏ… Vạn vật phong phú và đa dạng đến nỗi con người từ khi biết
khám phá đến nay vẫn chỉ thấy mình khám phá được một phần rất nhỏ. Chỉ riêng
loài hoa thôi đã có cả hàng chục ngàn giống khác nhau. Vạn vật tuy vô cùng đa
dạng như thế, nhưng vật nào cũng có cái hay cái đẹp riêng của nó và trở nên một
toàn thể rất hài hòa. Chính vì thế mà vũ trụ mới tươi đẹp huy hoàng làm sao!
Thử tưởng tượng xem nếu Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ trong đó vạn vật đồng dạng
với nhau, nghĩa là chỉ có một loài duy nhất, loài này cũng chỉ có một chủng
loại duy nhất thì vũ trụ sẽ buồn thảm biết bao! Chỉ cần xét loài hoa: nếu hoa
chỉ có một loại duy nhất – dù là loại được hầu hết mọi người coi là đẹp nhất –
thì thế giới sẽ bớt đẹp, bớt thơ mộng và phong phú đi biết bao!
Riêng xã hội
con người, Thiên Chúa đã gầy dựng trong đó nhiều dân tộc với những nền văn
minh, văn hóa, phong tục, nề nếp suy nghĩ khác nhau. Thiên Chúa cũng cho xuất
hiện nhiều tôn giáo với những nghi thức, tín điều, với những cách gọi tên, cách
quan niệm hay cách nhìn về Thực Tại Tối Hậu khác biệt nhau; v.v… Nói về từng
người, thì mỗi người một vẻ, mỗi người một diện mạo, một tài năng, một tính
tình, một quan niệm, một lối suy nghĩ khác nhau: «bá nhân bá tính». Ngay như
khi cùng nhau nhìn vào một sự vật cụ thể, thì mỗi người lại có một cách nhìn
khác nhau, cách diễn tả về vật ấy cũng khác nhau, thậm chí gọi vật ấy bằng
những tên khác nhau. Một vật cụ thể hữu hạn mà người ta còn có nhiều cách nhìn
khác nhau như vậy, huống gì khi họ suy nghĩ về những thứ vô hình, nhất là những
thực tại không thể quan niệm hay suy nghĩ được, chẳng hạn khi suy nghĩ về tuyệt
đối, về nguồn gốc siêu hình của vũ trụ vạn vật… làm sao mà họ quan niệm và nhìn
cách giống nhau cho được? Thôi thì đủ mọi loại quan niệm, đủ mọi kiểu nhìn, đủ
mọi tên gọi khác nhau cho Thực Tại Tối Hậu duy nhất ấy!
Những cách
nhìn khác nhau ấy – dù là hướng về một vật hết sức cụ thể hay về những thực tại
hết sức trừu tượng – cũng thường bổ túc cho nhau dẫu có mâu thuẫn lẫn nhau, để
– nếu tổng hợp lại – sẽ có được một cái nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn. Chính
nhờ sự khác nhau ấy mà con người mới cần lẫn nhau, mới phải hợp tác với nhau,
mới yêu thương nhau. Chẳng hạn khi xây một căn nhà, người ta cần có đồ họa của
kiến trúc sư, cần khả năng thực hiện tổng quát của nhà thầu khoán, cần sự khéo
léo của đủ loại thợ (mộc, xây, trang trí, điện…), cần những nhà cung cấp vật tư
khác nhau (gạch, xi măng, sắt, gỗ, ống nước, đồ điện…). Ơng kiến trúc sư có tài
giỏi đến đâu mà không nhờ thầu khoán thực hiện thì cũng chẳng làm nên trò trống
gì! Ơng thầu khoán mà không thuê được thợ thì cũng đành bó tay bất lực! Thợ
khéo léo hay tài giỏi đến đâu mà không có kiến trúc sư hay thầu khoán thì cũng
chẳng biết phải làm gì. Nhờ tài năng khác nhau mà người ta cần lẫn nhau, kết
hợp với nhau, yêu thương nhau! Thiên Chúa của chúng ta – gồm Ba Ngôi khác biệt,
tuy đa dạng nhưng lại hiệp nhất – đã muốn như thế, chúng ta không nên đi ngược
lại đường lối của Ngài!
3. Khuynh hướng phản đa dạng của con người
Thế nhưng
trên thế giới có biết bao nhiêu con người, bao nhiêu tập thể muốn đi ngược lại
ý muốn của Thiên Chúa, muốn chống lại luật «vạn vật đa dạng» của Ngài. Họ muốn tất cả
mọi người phải nghĩ giống như họ, làm giống như họ, chỉ theo một lập trường duy
nhất là lập trường của họ, vì họ cho rằng chỉ có họ là nghĩ đúng, làm đúng, lập
trường của họ là duy nhất đúng hoặc đúng hơn cả. Ai khác họ là họ khó chịu, bực
bội, kết án, loại trừ. Họ muốn trên thế giới này chỉ có một bè đảng duy nhất là
bè đảng của họ, một ý thức hệ duy nhất là ý thức hệ của họ, một tôn giáo duy
nhất là tôn giáo của họ, một đoàn thể duy nhất là đoàn thể của họ… Và họ nỗ lực
để biến thế giới đa dạng này thành độc dạng hay đồng dạng (uniforme), thậm chí
với tất cả thiện chí hay lòng thành của họ. Biện pháp của họ là loại trừ tất cả
những ai khác với họ. Ai chủ trương khác với họ thì bị coi là đối lập, là kẻ
thù, cần phải tiêu diệt.
Rất tiếc là
trên thế giới này không chỉ có một bè đảng, một tôn giáo, một đoàn thể duy nhất
nghĩ mình là duy nhất đúng hoặc đúng hơn cả và chủ trương loại trừ những ai
khác với mình, mà có nhiều bè đảng, nhiều tôn giáo, nhiều đoàn thể nghĩ và chủ
trương như vậy. Thế là có chiến tranh: bè đảng này tìm cách diệt bè đảng kia,
tôn giáo này diệt tôn giáo kia, đoàn thể này diệt đoàn thể kia. Bè đảng nào,
tôn giáo nào, đoàn thể nào cũng đều nhân danh sự thiện, sự đúng của mình – mà
họ nghĩ là duy nhất thiện, duy nhất đúng – để tiêu diệt những gì mà họ cho rằng
chắc chắn là sai lầm, xấu xa. Ai cũng có những «vũ khí» riêng của mình để ép
buộc người khác theo mình, trung thành với mình, đồng dạng với mình. Bè đảng
thì dùng vũ lực, âm mưu chính trị. Tôn giáo thì dùng những quyền lực thiêng
liêng của mình. Đoàn thể thì dùng kỷ luật riêng của đoàn thể.
Nhưng hễ
phản lại ý muốn của Thiên Chúa thì chỉ gây rối loạn. Đáng lẽ con người phải tôn
trọng sự khác biệt nhau như một hồng ân Thiên Chúa ban để bổ túc lẫn nhau, để
hợp tác với nhau, và để nhờ đó mà dễ yêu thương nhau, dễ đi đến hiệp nhất. Hiệp
nhất ở đây là thứ hiệp nhất trong đa dạng. Có tôn trọng sự khác biệt của nhau
thì mới có thể hiệp nhất được. Nhưng con người lại coi tình trạng đa dạng đó
như một bất lợi cho «cái tôi tập thể» của mình. «Cái tôi»
nào – dù là cá nhân hay tập thể – thì cũng ích kỷ, muốn đề cao mình và những gì
của mình, muốn mình phải trổi vượt hơn những «cái tôi» khác, và những gì
của mình cũng phải trổi vượt hơn những gì của những «cái tôi» khác. «Cái tôi»
nào cũng muốn dùng thế mạnh của mình để hiếp đáp những «cái tôi» khác yếu thế hơn,
bắt những «cái
tôi» khác phải theo mình, phải đồng dạng với mình. Họ muốn «thống nhất
bằng đồng dạng».
4. «Hiệp nhất trong đa dạng» là ý muốn của Thiên Chúa
Ơi, chính cái ý chí muốn «thống nhất
bằng đồng dạng» này đã gây nên biết bao cảnh «nồi da xáo thịt» trong các
quốc gia, cảnh các «bè phái ly khai» trong các tôn giáo, cảnh
chia rẽ nhau trong các đoàn thể. Đúng là chưa phát triển được ra bên ngoài thì
đã bị chia rẽ nội bộ. Thiết tưởng thế giới đã phải đau khổ rất nhiều, phải chịu
biết bao cảnh đau thương tang tóc chỉ vì những tham vọng «thống nhất bằng đồng dạng»
của các bè đảng, tôn giáo, đoàn thể. Nhưng thực tế hiện nay chứng tỏ rằng tham
vọng đó càng ngày càng trở nên phi lý, phản tiến bộ và bất khả thi. Thật vậy,
khuynh hướng của thế giới, của các quốc gia dân tộc càng ngày càng đòi hỏi phải
«đa nguyên
chính trị», phải «đa đảng», phải loại trừ độc tài. Chủ
trương «độc
đảng», «độc tài» đang dần dần bị đào thải khỏi
nhân loại vì chủ trương này chỉ làm cho quốc gia dân tộc mình bị băng hoại,
nghèo khổ và chậm tiến. Các tôn giáo thì tôn giáo nào cũng muốn trở thành tôn
giáo toàn cầu và đều nỗ lực tối đa để đạt được điều đó; nhưng dường như ngày
nay tôn giáo nào cũng đều đi đến tình trạng «bão hòa», nghĩa là khó có
thể phát triển thêm về tỷ lệ dân số. Vì ai đã theo tôn giáo nào thì khó mà bỏ
tôn giáo mình để theo tôn giáo khác, vì tôn giáo nào cũng có những biện pháp
riêng khá hữu hiệu để giữ tín đồ của tôn giáo mình lại. Tuy vẫn có những người
thay đổi tôn giáo, nhưng khi có những người tôn giáo này bỏ sang tôn giáo kia,
thì ngược lại cũng lại có những người tôn giáo kia bỏ sang tôn giáo này. Cuối
cùng vẫn phải chấp nhận một «thế giới đa nguyên tôn giáo», như một «dấu hiệu của
thời đại» (signum temporum) để nhận ra ý muốn của Thiên Chúa. Các
đoàn thể cũng tương tự như thế.
Vì thế, đã
đến lúc các bè đảng, các tôn giáo, các đoàn thể phải nhận ra rằng càng muốn «thống nhất
bằng đồng dạng» thì càng gây nên chia rẽ, xáo trộn, và đau khổ cho
nhân loại, vì điều này chống lại luật tự nhiên của Thiên Chúa. Trái lại, càng
muốn «hiệp
nhất trong đa dạng» – nghĩa là đến với nhau trong tinh thần tôn
trọng sự khác biệt và đa dạng – thì càng dễ đoàn kết, càng dễ gắn bó yêu thương
nhau. Vì sự «hiệp nhất trong đa dạng» chính là ý muốn của Thiên Chúa. Và
sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa chính là gương mẫu toàn hảo nhất của sự «hiệp nhất
trong đa dạng» mà chúng ta phải noi theo. Gia đình nào, dân tộc nào,
tôn giáo nào, tập thể nào biết noi gương này thì sẽ càng ngày càng trở nên hạnh
phúc, thịnh vượng và phát triển.
CẦu nguyỆn
Lạy Cha, xin cho con cũng như các Kitô hữu và mọi tín đồ
của các tôn giáo biết noi gương «hiệp nhất trong đa dạng» của Ba Ngôi Thiên
Chúa; biết tôn trọng sự khác biệt và đa dạng mà Cha đã tạo nên nơi mỗi người,
mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, mỗi quốc gia, mỗi tôn giáo… Xin cho chúng con
biết chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, đừng ép ai phải giống mình.
Để chúng con nhận ra rằng chúng con cần lẫn nhau, cần đến với nhau, cần tìm
hiểu, thông cảm, hợp tác với nhau, và nhất là cần yêu thương nhau như Cha hằng
mong muốn điều đó. Amen.
Joan Nguyễn Chính Kết