CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI
Thánh ca và lời nguyện mở đầu
Kinh Thánh: Rô-ma 8: 14-17
Trước khi suy niệm đoạn thư này của
thánh Phao-lô, thiết tưởng chúng ta nên đọc lại mấy câu mở đầu (cc. 1-4) của
chương 8 khẳng định Thiên Chúa đã thực hiện những gì Lề Luật không làm được và
sự tương phản giữa những người sống theo xác thịt với những người sống theo
Thần Khí. Từ điểm này, Phao-lô rút ra
kết luận liên quan tới luân lý và cứu rỗi:
sống theo xác thịt thì phải chết, còn sống theo Thần Khí sẽ đem lại sự
sống đời đời. Nhưng thế nào là sống
theo Thần Khí? Đó là sống theo căn tính
mới của những người làm “nghĩa tử” của Thiên Chúa, trong mối quan hệ mật thiết
với Ba Ngôi Thiên Chúa. Nói khác đi,
Ki-tô hữu sẽ nhận rõ việc làm của tất cả Ba Ngôi giúp chúng ta thuộc về Thiên
Chúa và sẽ được hưởng vinh quang với Người.
Bài đọc hôm nay soi sáng cho chúng ta hiểu về vai trò của Ba Ngôi Thiên
Chúa trong đời sống Ki-tô hữu như thế nào.
a) Ước vọng
của con người là được kêu lên: “Áp-ba,
Cha ơi!”
Sau khi nguyên tổ phạm tội, loài người
không còn tư cách để gọi Thiên Chúa là Cha nữa. Qua bao nỗ lực, con người vẫn thất bại, không thể tự mình nối lại
mối quan hệ với Thiên Chúa. Cơn lụt
hồng thủy chấm dứt, con người quay về với sự dữ khi con cháu ông Nô-ê cao ngạo
muốn xây tháp Ba-ben để thách thức quyền năng Thiên Chúa. Tiếp đến, Áp-ra-ham được tuyển chọn để thành
lập một dân mới, dân tộc được tôi luyện trong đức tin vào Thiên Chúa, được củng
cố qua những thử thách trong sa mạc và cuộc tiến vào Đất Hứa. Họ có Lề Luật để giúp mình sống xứng đáng là
dân Chúa. Nhưng tất cả những nỗ lực ấy
đều không thể xóa được tội lỗi ngăn cách giữa họ với Thiên Chúa. Tuy tột đỉnh của nỗ lực là Lề Luật, nhưng
luật chỉ giúp cho con người nhận thức mình yếu đuối chứ không thể giải thoát họ
khỏi tội hoặc ban sức mạnh cho họ được giải thoát.
Bao lâu ngăn cách đó còn, loài người
không thể gọi Thiên Chúa là Cha. Trong
Kinh Thánh, kẻ tội lỗi được gọi là “kẻ thù của Thiên Chúa.” Cho nên Thiên Chúa mới quảng đại yêu thương
“kẻ thù” của mình đến độ “sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân
xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta” (8:3). Chúa Giê-su cũng đã hùng hồn rao giảng lòng “yêu thương kẻ thù”
ấy khi Người dạy: “Còn Thầy, Thầy bảo
anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện
cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy,
anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt
5:44-45).
Đức Ki-tô đã đối xử với Chúa Cha như
một người Con Yêu dấu, vâng phục Người đến nỗi sẵn sàng chết trên thập giá để
chu toàn thánh ý Cha. Với tính cách là
con người, tinh thần vâng phục của Đức Ki-tô đã cho Người có đủ tư cách gọi
Thiên Chúa là Cha. Là “trưởng tử” của
nhân loại mới và qua mối liên hệ cùng chung bản tính loài người với chúng ta,
Đức Ki-tô đã chia sẻ với chúng ta chính tư cách của Người, tức là giúp chúng ta
được gọi Thiên Chúa là “Cha ơi!” giống như Người đã gọi.
b) Được thừa kế
sản nghiệp của Thiên Chúa: điều vượt
quá cả mong ước của con người
Được gọi là con cái Thiên Chúa đã là
một vinh dự không khi nào con người dám nghĩ tới. Nhưng tình yêu của Thiên Chúa vô điều kiện và không giới
hạn. Nó đưa con người tới những hệ quả
không thể đo lường được. Để hiểu được
mức độ cao cả lớn lao của những hệ quả này, chúng ta phải trở lại với Đức Ki-tô
để xem bởi đâu Người đã đem chúng lại cho toàn thể nhân loại. Đó là nhờ Thần Khí của Người. Thần Khí ấy đã ở lại với Đức Ki-tô suốt cuộc
sống, hướng dẫn Người chu toàn sứ mệnh và cuối cùng đã cho Người sống lại từ kẻ
chết. Cũng thế, vì chúng ta cùng chung
bản tính loài người với Đức Ki-tô, nên “phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng
dẫn, đều là con cái Thiên Chúa.” Tư
cách “nghĩa tử” lại đưa con người đi xa hơn nữa, là làm đồng thừa kế với Đức
Ki-tô.
Trong Cựu Ước, thừa kế ám chỉ việc dân Chúa được Đất Hứa
làm sản nghiệp (Đnl 4:21). Qua lời rao
giảng và việc làm của Đức Ki-tô, Đất Hứa giờ đây trở thành Vương quốc Thiên
Chúa (Mt 25:34), tức là sự sống vĩnh cửu (Mt 19:29) hoặc vinh quang với Thiên
Chúa (Rm 8:17). Thiên Chúa Cha đã trao
ban mọi sự cho Chúa Con, để qua Chúa Con, Người ban cho Ki-tô hữu (Ga 16:15;
17:7-8).
Tuy nhiên, Thiên Chúa đòi phải có sự
cộng tác của chúng ta. Người muốn chúng
ta có được một chút xứng đáng bằng cách “cùng chịu đau khổ” với Đức Ki-tô. Con đường Đức Ki-tô đi từ đau khổ tới vinh
quang đã được phác họa để tất cả chúng ta cùng bước đi theo vết chân
Người. Đức Ki-tô đã chịu đau khổ vì
Người muốn tuân phụ thánh ý Chúa Cha, muốn sống như Con Yêu dấu của Người. Chúng ta cũng vậy, sống như con cái đích
thực của Thiên Chúa chắc chắn sẽ làm cho chúng ta phải đau khổ và thiệt thòi
trước mắt thế gian.
c) Tôi sẽ
làm gì cho Chúa Ba Ngôi?
Thiên Chúa Ba Ngôi, trong kế hoạch yêu
thương nhiệm mầu đã giải thoát chúng ta khỏi tội và đưa chúng ta về làm con cái
Người. Cha mẹ làm bất cứ gì cho con cái
không kể công, không đòi con cái phải làm điều này điều nọ cho mình. Cho con cái đi học, nếu chúng thành công thì
cha mẹ đã mãn nguyện rồi. Nhìn vào tất
cả những gì Thiên Chúa Ba Ngôi đã và đang hoạt động nơi tôi, chẳng lẽ tôi vô
tình đến độ dửng dưng không muốn nhìn nhận hay sao? Tiếng “Cha ơi!” thiêng liêng cần phải được nói lên từ con tim
hiếu thảo của mỗi người Ki-tô hữu.
Gương hiếu thảo của Đức Ki-tô chiếu sáng vằng vặc, soi đường cho chúng
ta bước theo Người là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Suy tư của thánh Phao-lô về mầu nhiệm
Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là những ý tưởng cao siêu của thần học gia, nhưng
là chiêm niệm thực tế về tình yêu cứu chuộc của Thiên Chúa và việc làm của Ba
Ngôi nhằm giúp chúng ta được sống đời đời trong vinh quang Thiên Chúa.
Đã
bao lần tôi đọc kinh Lạy Cha, nhưng tôi thực sự có tâm tình của đứa con kêu
“Cha ơi!” không? Tôi sẽ làm cách nào để
cầu nguyện và sống ý nghĩa kinh nguyện ấy?
Tôi
nghĩ thế nào khi thấy mình được chia sẻ với Đức Ki-tô mọi sự Người có? Ý thức về sự chia sẻ ấy có nơi tôi
không? Tôi có hiểu mình được làm đồng
thừa kế với Đức Ki-tô như thế nào không?
Tôn
thờ Chúa Ba Ngôi, nhưng tôi có nhận biết Ba Ngôi hoạt động liên lỉ nơi tôi
không? Tôi có hiểu tiến trình cứu rỗi –
được tuyển chọn, được trở nên công chính và sống đời sống mới trong Thần Khí –
đang diễn ra nơi tôi và đòi tôi phải cộng tác không? Tôi có đang được biến đổi để trở thành con cái Chúa mỗi ngày một
xứng đáng hơn không? Biến đổi thế nào?
Cầu nguyện kết thúc
Sau
cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc lời nguyện sau đây:
Lạy
Chúa là Chúa Trời con, xin Chúa hãy dạy cho con biết lấy sự ca ngợi Chúa làm
điều vui sướng... nghĩa là cho con được
lập lại khôn cùng rằng: Chúa trọn lành
vô song, rằng: con yêu mến Chúa vô bờ bến...
Xin
Chúa dạy con biết sung sướng trong Chúa, sung sướng nhìn ngắm những sự tốt lành
tuyệt đối của Chúa, sung sướng ca ngợi Chúa bằng những lời nỉ non âu yếm không
ngừng, dưới chân Chúa... (Cha
Charles Foucauld, trích trong Suy nghĩ và Cầu nguyện, trang 32)
Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi
12-6-03