Chúa Nhật Lễ Ðức
Giê-su Chịu Phép Rửa
(12-1-2003)
ÐỌC LỜI CHÚA
Is 42,1-4.6-7: (1) Ðây là người tôi trung Ta nâng
đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta
ngự trên nó; nó sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân (4) Nó không
yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa
cầu.
Cv 10,34-38: (38) Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần
và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Ði tới đâu là Người thi
ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi
vì Thiên Chúa ở với Người.
TIN MỪNG: Mc 1,7-11
Ðức
Giê-su chịu phép rửa (// Mt 3,13-17; Lc
3,21-22)
(7) Khi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả rao giảng rằng: «Có Ðấng
quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi
quai dép cho Người. (8) Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh
em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh
Thần». (9) Hồi ấy,
Ðức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm
phép rửa dưới sông Gio-đan. (10) Vừa lên khỏi nước, Người liền
thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự
xuống trên mình. (11) Lại có tiếng từ trời phán rằng:
«Con
là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con».
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1. Câu nói của Gio-an Tẩy giả trong bài
Tin Mừng cho thấy ông là người thế nào? Có thể rút ra bài học gì
cho những người loan báo hay rao giảng Ðức Giê-su? Nếu không sống tinh
thần tự hủy, thì việc loan báo hay rao giảng cuối cùng nhằm ích lợi
cho ai?
2. Muốn con người thánh ở trong ta lớn lên
và làm chủ, thì con người phàm phải làm gì? Hai con người ấy có thể
cùng lớn lên không?
Suy tư gợi ý:
1. Tinh thần tự hủy của người rao giảng Ðức Giê-su
Trong
bài Tin Mừng, ta thấy có hai nhân vật chính: Gio-an Tẩy giả và Ðức
Giê-su. Trong hai người, Gio-an Tẩy giả là người phàm, đến trước để
loan báo; còn Ðức Giê-su là Thiên Chúa, là con người thần linh, đến
sau để giải phóng nhân loại. Như thế ta thấy: người phàm đến trước
loan báo cho con người thần linh đến sau.
Ðể chu toàn nhiệm vụ loan báo, Gio-an Tẩy giả phải thực hiện tinh thần tự hủy hoàn toàn, nghĩa là hoàn toàn xóa mình đi, coi mình không là gì cả, có như thế vai trò của người mình loan báo mới được nổi bật lên: «Có Ðấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người»; «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi» (Ga 3,30).
Người
loan báo hay rao giảng được kêu gọi và lên tiếng không phải vì mình,
nhưng vì Ðấng mà mình loan báo hay rao giảng. Vì thế, muốn loan báo hay
rao giảng thật sự đúng nghĩa, chúng ta cần phải sống tinh thần tự
hủy, tự xóa mình khi thực hiện công việc này. Tuy nhiên, trong thực
tế, chúng ta dễ bị cám dỗ coi việc loan báo hay rao giảng Tin Mừng như
một phương tiện để làm cho mình nổi bật lên, được mọi người ca tụng
là mình đạo đức, viết hay, giảng hay. Tới một lúc nào đó, chúng ta
bắt đầu có khuynh hướng vì mình nhiều hơn vì Chúa. Lúc ấy, một cách
nào đó, ta biến Chúa trở thành người loan báo cho ta, làm ta nổi bật
lên.
Có thể ban đầu ta hoàn toàn vì Chúa, nhờ đó ta rao giảng về Ngài rất hay, mọi người ca tụng ta là người đạo đức, là «có lửa». Từ khi có danh thơm tiếng tốt ấy, ta bắt đầu bị cám dỗ bảo vệ danh tiếng ấy, và làm cho danh tiếng ấy ngày càng mạnh lên. Danh tiếng ấy có thể giúp ta dễ «thăng quan tiến chức» trong Giáo Hội hay ngoài xã hội. Ta bắt đầu ngày càng trở nên «vì mình» hơn và bớt «vì Chúa» đi. Dần dần ta trở nên kẻ háo danh lúc nào không hay. Từ háo danh đến ham quyền, từ ham quyền đến cố vị chỉ là những bước rất ngắn. Một khi đã ham quyền cố vị rồi, ta dễ dàng bị cám dỗ làm những điều tán tận lương tâm. Vì quyền bính là một con dao hai lưỡi, tuy cần thiết để phục vụ đại chúng, nhưng lại có khả năng tha hóa rất mạnh. Vì thế, những người loan báo hay rao giảng Tin Mừng - nhất là những người đã thành công trong lãnh vực này và đang nắm những địa vị quan trọng trong Giáo Hội hay xã hội - rất cần tinh thần phản tỉnh để luôn luôn tỉnh táo đối với chính mình: «Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ, vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn» (Mt 26,41; Mc 14,38). Thực tế cho thấy nhiều người khi chưa nắm quyền bính thì tinh thần phục vụ rất cao, nhưng khi đã nắm được quyền bính thì trở nên khác hẳn. Nhiều anh hùng dân tộc, nhiều chức sắc tôn giáo đã bị tha hóa vì quyền lực.
2. Phàm nhân và thánh nhân trong mỗi người
Bài
Tin Mừng hôm nay còn có thể hiểu theo một chiều kích khác rất sâu
xa: chiều kích tâm linh. Trong đó, Gio-an Tẩy giả và Ðức Giê-su tượng
trưng cho hai khía cạnh trong cùng một con người: Gio-an Tẩy giả tượng
trưng cho con người phàm của ta, và Ðức Giê-su tượng trưng cho con
người thánh, con người thần linh, siêu phàm ở trong ta. Chính con người
thần linh này trong mỗi người là yếu tố cốt yếu khiến con người là
«hình
ảnh của Thiên Chúa» (St 1,26-27; 9,6), «giống như Thiên Chúa» (St
1,26b). Ðó là chính bản tính Thiên Chúa của Ngài được thông ban cho
chúng ta: «Thiên Chúa đã
ban tặng chúng ta những gì rất quý báu và trọng đại Người đã hứa,
để nhờ đó, anh em được thông phần bản tính Thiên Chúa»
(2Pr 1,4). Chính nhờ có bản tính thần linh thánh thiện này trong bản
thân mà Ðức Giê-su mới có thể mời gọi ta nên thánh: «Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha
anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện» (Mt 5,48).
Giữa
con người với con chó, khoảng cách hữu thể tuy không xa, vì cùng là
tạo vật, nhưng con chó không bao giờ có thể trở thành người như con
người dù có cố gắng luyện tập đến đâu, vì trong con chó không có
bản tính con người. Còn giữa con người với Thiên Chúa tuy là một
khoảng cách vô tận, nhưng con người có thể nên hoàn thiện, nên
thánh như chính Thiên Chúa, vì trong con người đã có sẵn bản tính
Thiên Chúa mà Ngài thông truyền cho. Nếu bản thân con người không
có bản tính Thiên Chúa thì lời Ðức Giê-su mời gọi con người nên
hoàn thiện như Thiên Chúa là tuyệt đối bất khả thi, và câu nói đó
trở thành vô nghĩa.
Tuy nhiên, sống hoàn thiện như Thiên Chúa không phải dễ, vì bên cạnh con người thánh ấy luôn luôn có một con người phàm. Một danh nhân nào đó nói: «Trong lòng mỗi người, vừa có một vị thánh vừa có một con thú». Thật vậy, có những lúc ta suy nghĩ và hành động như một vị thánh, nhưng cũng có rất nhiều lúc ta lại hành động như một con thú. Và dường như vị thánh và con thú trong bản thân ta phải luôn luôn tranh đấu với nhau để dành thắng thế hầu làm chủ bản thân ta. Có người thì vị thánh thường thắng thế và làm chủ, còn lắm người thì bị con thú thường khống chế toàn bộ con người. Thánh Kinh có nói đến tình trạng trái ngược giữa hai con người này: «Tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn» (Gl 5,17); «Những ai sống theo tính xác thịt, thì hướng về những gì thuộc tính xác thịt; còn những ai sống theo Thần Khí, thì hướng về những gì thuộc Thần Khí» (Rm 8,5). Kết quả của hai cách sống đối nghịch ấy là: «Nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em, thì anh em sẽ được sống» (Rm 8,13)
a) Con người phàm thì sống theo xác thịt:
Bản
chất của con người phàm là chỉ biết sống cho mình, sống ích kỷ, có
khuynh hướng «phình to bản ngã». Vì thế, chỉ quan tâm tới những tham
vọng hay lợi lộc ích kỷ của mình, tự coi mình là cái rốn của vũ
trụ, muốn mọi người phải phục vụ mình, luôn luôn coi ý riêng của
mình là quan trọng, thích lèo lái mọi người theo ý riêng của mình.
Kinh Thánh nói về tính cách của phàm nhân: «Những kẻ sống theo xác phàm thì
hay mơ ước những gì xác phàm đòi hỏi» (Rm 8,5); «Họ khoe
mình khôn sáng nhưng đã nên điên dại» (Rm 1,22); «Ý tưởng
họ hóa ra tối tăm, vì họ lìa xa sự sống Chúa Trời» (Ep
4,18); «Lòng
trí họ miên man theo điều phù phiếm, họ ngu muội đắm chìm trong bóng
tối tăm» (Rm 1,21).
b) Con người thánh sống theo Thần Khí:
Con
người thánh là con người sống vị tha, sống theo Thần Khí, theo sự
hướng dẫn của lẽ phải, của chân lý, công lý và tình thương. Hành
động không bị chi phối bởi những động lực vị kỷ, dục vọng, ý muốn
riêng tư, mà bởi tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Khi không
còn sống cho bản thân mình nữa, con người thánh trở nên có nhiều
sức mạnh tinh thần, luôn khôn ngoan, sáng suốt, can đảm, tâm hồn
luôn bình an hạnh phúc, thứ bình an hạnh phúc nội tâm không ai ban
được mà cũng không ai lấy mất được, ngoại cảnh không còn làm họ
làm đảo điên, đau khổ nữa.
3. Phàm nhân có nhỏ lại thì thần nhân mới lớn lên được
Nơi
mỗi con người, phàm nhân được khám phá và ý thức trước tiên. Dần
dần con người khám phá ra một tiếng nói, một khuynh hướng, một lực
lượng thầm kín - nhiều khi rất mạnh mẽ - lôi kéo mình lên khỏi những
ích kỷ cá nhân của phàm ngã. Ðó là thần ngã hay con người thánh.
Vấn đề là làm sao để thần ngã này lớn lên? Bài Tin Mừng cho ta một
bí quyết: Gio-an Tẩy giả - tượng trưng cho phàm ngã - để tự hạ, tự
hủy để làm cho Ðức Giê-su - tượng trưng cho thần ngã - nổi bật lên.
Chỗ khác Gio-an nói: «Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ
đi» (Ga 3,30).
Phàm
nhân lúc nào cũng muốn được nổi bật, được phình to lên, nhưng nếu ta
chiều theo phàm ngã, thì phàm ngã sẽ lớn mạnh và lấn át thần ngã,
làm thần ngã trở nên yếu ớt. Nhưng nếu ta sống tinh thần tự hủy,
làm phàm ngã nhỏ lại, thì tự nhiên thần ngã sẽ lớn và mạnh lên.
Hai lực lượng ấy luôn luôn tỷ lệ nghịch với nhau: lực này lớn thì
lực kia nhỏ lại, lực này yếu thì lực kia mạnh lên. Vì thế, muốn
thần ngã lớn lên, thì phải làm cho phàm ngã nhỏ đi. Không gì làm
phàm ngã nhỏ đi bằng sống tinh thần tự hủy, tự xóa mình: coi mình
chẳng là gì cả, như một người nhỏ bé không có gì là quan trọng,
không cố ý làm gì để lôi kéo sự chú ý của người khác. Nhất là
không bao giờ đòi hỏi ý riêng của mình phải được thực hiện, mà
trái lại sẵn sàng thực hiện thánh ý Thiên Chúa.
Cầu nguyện
Lạy
Cha, xin hãy biến cải con thành một con người mới, con người sống theo
Thần Khí chứ không theo những đòi hỏi của phàm ngã. Nhờ đó bản tính
thần linh mà Cha đã gieo mầm vào trong bản thân con nẩy mầm và phát
triển. Và hy vọng một ngày kia Cha có thể nói với con như xưa Cha đã
nói với Ðức Giê-su: «Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về
Con». Xin giúp con đạt được điều ấy.
Joan Nguyễn
Chính Kết