CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh: Công Vụ Tông Ðồ 10: 34-38

Biến cố Chúa Giê-su chịu phép rửa của Gio-an mang những chiều kích khác nhau.  Nó nói lên sự khiêm nhượng của Con Thiên Chúa làm người, muốn đồng hóa hoàn toàn với con người ngay cả trong thân phận tội lỗi và yếu đuối của họ.  Nhưng biến cố cũng có thể được coi là dịp Thiên Chúa giới thiệu với nhân loại về con người và sứ mệnh của Ðấng Cứu Thế, đồng thời cũng là một gương mẫu sống động để chúng ta noi theo nếu chúng ta muốn làm "con yêu dấu" của Thiên Chúa.

Bài đọc Tân Ước hôm nay trích bài giảng truyền giáo cuối cùng của thánh Phê-rô, không phải cho người Do-thái nhưng cho Dân ngoại.  Ðây là bài giảng tóm tắt về cuộc đời và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Sứ mệnh cứu thế của Người khởi đầu bằng một nghi thức long trọng nhưng đơn giản:  qua biến cố lãnh nhận phép rửa của Gio-an, Chúa Giê-su "được Thiên Chúa xức dầu tấn phong" (Cv 10:38; xem Lc 4:18-21) để ra đi thi hành sứ mệnh.  Vậy trong bài giảng đơn sơ, nhưng đầy sức mạnh và thách thức, thánh Phê-rô đã nói gì về Chúa Giê-su?  Người là ai và Người đã làm gì?

 

a)Ðức Giê-su Ki-tô là Chúa của mọi người

Trước hết thánh Phê-rô đề cao sự công minh của Thiên Chúa.Không phải vì chọn dân Do-thái làm dân riêng mà Thiên Chúa loại bỏ mọi dân tộc khác.Trái lại, các dân tộc khác, nếu họ sống theo lẽ phải, "ăn ngay ở lành," thì cũng làm đẹp lòng Chúa và được Người tiếp nhận.  Ðây là khẳng định cần thiết để thánh Phê-rô đi tới khẳng định cốt yếu:Ðức Giê-su Ki-tô là Chúa của mọi người.

Làm sao chúng ta nhận ra Ðức Giê-su Ki-tô là Chúa của mọi người?Ðể trả lời, thánh Phê-rô bảo chúng ta cần phải nhận rõ Thiên Chúa là Ðấng nào và đâu là kế hoạch của Người.  Thiên Chúa là Ðấng "không thiên vị người nào."  Người muốn tiếp nhận mọi người không trừ ai, đưa họ về với Người.Tuyển chọn dân Ít-ra-en không phải là cùng đích, mà chỉ là phương thế để Thiên Chúa thực hiện kế hoạch của Người.  Nói khác đi, kế hoạch của Thiên Chúa là Người muốn đi vào lịch sử của một dân tộc để đến với toàn thể nhân loại.  "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta" (Ga 1:14).  Theo cách diễn tả của thánh Phê-rô, trong kế hoạch của Thiên Chúa, con cái nhà Ít-ra-en đã trở thành nơi và phương tiện để Thiên Chúa công bố "lời loan báo Tin Mừng bình an" cho nhân loại.

Ðến với nhân loại, Ðức Ki-tô đã tỏ ra "không thiên vị người nào."Người đến với con cái Ít-ra-en.Nhưng Người cũng đến với những anh chị em Dân ngoại.  Người không từ chối lời yêu cầu của viên đại đội trưởng người Rô-ma để chữa lành người nô lệ của ông (Lc 7:1-10).  Người không xua đuổi người đàn bà Ca-na-an đến xin Người trừ quỷ cho con gái bà, lại còn tạo dịp để ca ngợi đức tin mạnh mẽ của bà (Mt:21-28).  Người đến với người giàu có như ông Gia-kêu, nhưng Người cũng không quên những kẻ nghèo khổ, cùi hủi, bị xã hội loại bỏ.  Thiên Chúa đặt Ðức Giê-su Ki-tô làm Chúa của mọi người.  "Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.  Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:  ‘Ðức Giê-su Ki-tô là Chúa’" (Pl 2:9-10).

 

b)"Ði tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó"

Chúa Giê-su đã được xức dầu tấn phong để thi hành sứ vụ cứu thế, tuy Người xuất thân từ Na-da-rét là nơi chẳng có gì đặc biệt (Ga 1:45; 7:27).  Thánh Phê-rô dùng hình ảnh vua Rô-ma kinh lược để diễn tả việc thi hành sứ mệnh cứu thế của Chúa Giê-su.  Khi đi kinh lược, các vua Rô-ma muốn tỏ ra ân đức của mình nên đến đâu cũng thường ân xá cho tù nhân, ban tặng tiền bạc của cải cho người nghèo và ân thưởng cho những thần dân tốt.Sử dụng hình ảnh ấy, Phê-rô muốn ám chỉ Chúa Giê-su là Vua vũ trụ nay quang lâm để tỏ ra cho nhân loại biết lòng yêu thương vô điều kiện của Thiên Chúa.Nếu muốn kể lại tất cả những việc thi ân giáng phúc đó, "nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ:cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra" (Ga 21:25).

Lời giảng ngắn gọn của thánh Phê-rô là một lời mời gọi chúng ta lần giở lại từng trang sách Tin Mừng để lắng nghe lời giảng của Chúa Giê-su, để "ngạc nhiên" trước những phép lạ Người làm và nhất là để chiêm ngưỡng cung cách của Người mà nhận ra Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến mức độ nào.

 

c)  "Tôi biết rõ...Quý vị biết rõ"

Một đặc điểm trong bài giảng đơn sơ của thánh Phê-rô là ngài dựa vào những gì con người biết rõ.  Ngài biết rõ Thiên Chúa không thiên vị ai, vì bản thân ngài đã ba năm sống bên cạnh Ðức Giê-su, Ðấng được sai đến với mọi người.Còn đối với mọi người khác, biến cố Ki-tô xảy ra ở Giu-đê ai mà chẳng rõ.Nếu không có cơ hội gặp gỡ, thì ít ra ai ai cũng nghe nói về Ðức Giê-su.  Nhưng Phê-rô không muốn người ta dừng lại ở phạm vi cái biết trong đầu óc, mà ngài muốn đưa chúng ta đến cái biết bằng con tim.  Biết thôi chưa đủ, mà còn phải tin vào Ðức Giê-su nữa.

Phê-rô biết rõ và làm chứng về Ðức Ki-tô cho mọi người, để "phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội" (Cv 10:43).  Cái biết của Phê-rô đã đưa ngài đi thật xa, đi rao giảng, đi làm chứng và đi cả tới nơi ngài chẳng muốn (Ga 21:18) là cuộc tử đạo.  Chúng ta cũng phải sẵn sàng đạt tới cái biết ấy.  Nhưng chắc chắn một điều là "nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha của Thầy.  Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người" (Ga 14:7).

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

"Ði tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó."  Ðức Ki-tô đã đến trong cuộc đời tôi.  Vậy tôi đã nhận ra được những ân phúc nào khi Người đến với tôi?  Tôi đã lãnh nhận ân phúc ấy như thế nào?

Diễn tả cái biết của tôi về Chúa Giê-su.  Một cái biết hời hợt?  Một cái biết không chút quan hệ cá nhân, giống như biết về một nhân vật lịch sử hoàn toàn không liên can đến cuộc đời tôi?  Hay một cái biết ràng buộc tôi với Chúa?

Có khi nào tôi giới thiệu với bạn bè, người khác, về con người và sứ mệnh của Ðức Giê-su không?  Nhất là tôi có cho họ thấy tôi yêu mến Người và theo Người không?Tại sao không?

 

Cầu nguyện kết thúc

Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát bài "Chúa là tình yêu, Ngài đã đến cứu thế giới..."

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà