CHÚA THĂNG THIÊN
Mc 16, 15-20
SAO CỨ ĐỨNG ĐÓ MÀ
NHÌN LÊN TRỜI ?
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
Chúa về
trời hay lên trời là ngôn ngữ dễ gây ngộ nhận cho nhiều người. Quả thực, khi
nói Chúa lên trời, có nghĩa là chúng ta hiểu Chúa vắng mặt ở trần gian, không
còn hiện diện, không còn ở gian trần này nữa. Phụng vụ lễ Chúa nhật Thăng Thiên
hôm nay, một mặt cho ta thấy Chúa về trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha, mặt khác
lại cho nhân loại thấy Ngài có mặt ở trần gian cách đầy đủ nhất hơn cả khi Ngài
còn sống.
Về trời
hay lên trời của Chúa phục sinh không có nghĩa là một sự thay đổi nơi ở từ mặt
đất để về một nơi nào đó ngoài trái đất, nhưng thăng thiên là một sự tôn vinh.
Thăng Thiên là một cuộc gặp gỡ, đi vào thân tình với Thiên Chúa Cha, được tôn
lên làm Chúa. Chúa Giêsu thành Nagiarét mặc xác phàm làm người, ngoại trừ tội
lỗi, nay được tôn lên làm Đức Chúa, nghĩa là cùng được chia sẻ quyền thống trị
với Đức Chúa Cha. Mầu nhiệm nằm ở đó, mới lạ ở chỗ đó. Chính vì thế, nhân loại
sẽ không còn ngỡ ngàng tưởng rằng chúa Giêsu được bốc đi, được đưa đi từ điểm
này tới điểm nọ. Đức Giêsu Kitô đã đi tới cùng sự chọn lựa của Ngài như thánh
Gioan nói:” Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận”( Ga 1,
11 ). Chúa Giêsu đã đến thế gian rao giảng nước trời, loan báo Tin Mừng nhưng
con người không chịu đón nhận và ngài chấp nhận cái ê chề của cái chết thập giá
như một tội nhân dù rằng Ngài hoàn toàn vô tội: Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Ngài
lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không
những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai( Eph 1, 22 ). Đức
Kitô đã được Thiên Chúa Cha tôn vinh và trao ban cho sự vinh quang viên mãn,
tràn đầy( Eph 1, 23 ). Chúa về trời nghĩa là được tôn vinh, nên các tín hữu
tiên khởi luôn tin tưởng Chúa phục sinh vẫn hiện diện với họ không những ở
Giuđêa hay Galilêa mà Ngài ở khắp cùng trái đất, Ngài ở mọi nơi mọi chỗ, Ngài
hiện diện trong Giáo Hội. Đoạn Tin Mừng của thánh Máccô ngay trong đoạn cuối đã
xác nhận Chúa phục sinh luôn hiện diện, luôn có mặt dù rằng Ngài đã được đưa về
trời, ngự bên hữu Đức Chúa Cha:” …Còn các tông đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi,
có Chúa cộng tác với họ, và dùng dấu lạ điềm thiêng mà xác nhận lời họ rao
giảng”( Mc 16, 20 ).
HỘI THÁNH TIẾP NỐI SỨ VỤ RAO GIẢNG CỦA CHÚA PHỤC SINH
Trước khi
Chúa về Trời, Chúa Giêsu phục sinh đã hứa với các môn đệ:” Thầy sẽ ở cùng các
con mọi ngày cho tới tận thế “( Ga 14, 18 ). Các tông đồ và Giáo hội luôn tiếp
tục sứ mạng của Chúa Giêsu( xem bài đọc I và Bài Tin Mừng ): nối tiếp những
công việc Ngài đã làm ở trần gian, kể cả những việc kỳ diệu lạ lùng như xua trừ
ma quỉ, chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Giáo Hội không còn bị đóng khung ở
một nơi chốn như Galilêa, Giuđêa , hay Giêrusalem, hay chỉ nằm trong một không
gian hạn hẹp, mà Giáo Hội tung ra khắp muôn nơi để rao giảng và loan báo Tin
Mừng cho mọi dân, mọi nước, không loại trừ bất cứ ai, bất cứ người nào, bất cứ
dân tộc nào.” Vậy anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa
cho họ nhân danh Chúa Cha, nhân danh Chúa Con và nhân danh Chúa Thánh Thần”( Mt
28, 19 ). Giáo Hội loan báo Đức Kitô và rao giảng Tin Mừng bằng mọi cách, mọi
phương thế miễn sao có nhiều người được trở về với Thiên Chúa. Lễ Hiển Linh đối
với nhân loại, đối với thế giới hôm nay, Giáo Hội không đứng đó mà ngước lên
trời để nhìn, để nuối tiếc, để ngó mông lung, nhưng Hội Thánh phải hoàn thành
sứ mạng Chúa đã trao phó: rao giảng Tin Mừng cho mọi thọ tạo, Tin Mừng cứu rỗi
cho muôn dân, muôn nước. Rao giảng không chỉ bằng lời nói, mà là bằng cả cuộc
sống, bằng việc dấn thân, bằng sự chọn lựa rõ ràng. Chúa Giêsu khi tới trần
gian này, Ngài đã không có mặt một cách chung chung, một sự hiện diện có lệ,
nhưng Ngài đã hiện diện như Tin Mừng cứu độ cho con người. Chúa Giêsu khi trao
sứ mạng loan báo Tin Mừng cho các môn đệ và cho Giáo Hội, Ngài cũng muốn mọi
người và Hội Thánh có một sự lựa chọn như Ngài
vì Chúa đã hứa:’ Lòng các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và
tin vào Thầy”( Ga 14,1).
Lễ Thăng
Thiên, Chúa Giêsu trao cho mọi Kitô hữu một sứ mạng như vận động viên chạy bộ
chuyền lửa cho các vận động viên khác để cuối cùng lửa được châm lên ở sân vận
động suốt trong những ngày tranh tài. Lễ Chúa lên trời cũng giúp Giáo Hội và
mọi Kitô hữu suy nghĩ và nghiệm ra sự có mặt của Chúa phục sinh giữa thế gian.
Lạy Chúa
Giêsu phục sinh, xin ban cho Giáo Hội và mọi Kitô hữu chúng con được nhận ra
Chúa giữa cuộc đời vì Chúa luôn luôn có mặt ở khắp nơi, khắp chốn. Xin cho
chúng con và mọi người đừng chỉ nhìn về trời một cách vu vơ, xa xôi, mơ hồ mà
hãy nhận ra Chúa đang hiện diện giữa mọi
người.
GỢI Ý
CHIA SẺ
1. Anh chị hiểu thế nào về từ Chúa về trời ?
2. Anh chị có tuân theo huấn lệnh truyền
giáo của Chúa phục sinh ?
3. Anh chị có cảm nghiệm gì về Chúa Thăng
Thiên ?