LỄ THĂNG THIÊN

 

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

 

Kinh Thánh:  Ê-phê-xô 1: 17-23

          Trước khi mời gọi suy niệm về tầm quan trọng của việc Đức Ki-tô được Chúa Cha tôn vinh, thánh Phao-lô đã ca ngợi lòng tin và lòng mến của anh chị em tín hữu Ê-phê-xô.  Nhưng nguyện vọng của Phao-lô còn hơn thế nữa.  Ngài muốn họ, nhờ lòng tin và mến ấy, sẽ khám phá thêm được nhiều điều diệu kỳ Thiên Chúa muốn thực hiện nơi họ, nhờ cuộc tôn vinh của Đức Ki-tô.  Sử dụng đoạn thư này của thánh Phao-lô, Phụng vụ Lời Chúa lễ Thăng Thiên cũng muốn mời gọi chúng ta khám phá những thực tại cao cả Người sẽ thực hiện nơi chúng ta.  Vậy làm sao chúng ta có thể khám phá, và sẽ khám phá được những thực tại nào?

 

a)  Để khám phá những điều lớn lao Thiên Chúa thực hiện nơi chúng ta

          Thánh Phao-lô đưa ra một điều kiện căn bản để giúp chúng ta khám phá.  Đó là ý thức Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô.  Đức Ki-tô là Đầu của Nhiệm Thể.  Sự viên mãn của Đầu đã được thể hiện qua việc Thiên Chúa tôn vinh Đức Ki-tô, “đặt ngự bên hữu Người” và “đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô.”  Thiên Chúa Cha còn trao phó cho Đức Ki-tô một trọng trách khác ngoài việc làm đầu toàn thể Hội Thánh, đó là “làm cho tất cả được viên mãn.”  Chỉ nhờ Đức Ki-tô và qua Đức Ki-tô, mọi sự mới được viên mãn.  Nói khác đi, sự tôn vinh của Đức Ki-tô là khuôn mẫu và nguyên lý cho sự tôn vinh của Ki-tô hữu.  Thân thể mầu nhiệm Đức Ki-tô không phải đơn thuần là một hình ảnh so sánh, nhưng là một thực tại.  Để được tôn vinh với Đức Ki-tô đòi hỏi chúng ta phải tháp nhập vào thân thể mầu nhiệm của Người.  Làm chi thể thực sự của Nhiệm Thể ấy, chúng ta mới có thể khám phá được những gì ở nơi Đầu cũng sẽ là những gì của chi thể.

          Một điều kiện nữa giúp chúng ta khám phá là ơn Chúa.  Thánh Phao-lô viết:  “Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển...  ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người.”  Ơn Chúa sẽ “soi lòng mở trí” cho chúng ta nhận ra những gì sự khôn ngoan loài người không thể giúp chúng ta được.  Ơn Chúa sẽ uốn nắn tâm hồn chúng ta để biết nhìn theo cách nhìn của Chúa và theo toàn bộ kế hoạch cứu rỗi của Người.

 

b)  Những điều khám phá được

          Thánh Phao-lô kể ra những thực tại cao cả sau đây:

          -  niềm hy vọng do việc Thiên Chúa kêu gọi chúng ta:  khi Thiên Chúa tuyển chọn chúng ta làm con cái Người thì Người đã bảo đảm cho tương lai của chúng ta rồi.  Được Người tuyển chọn, chúng ta biết mình sẽ đi về đâu, biết được thân phận mai sau, biết được căn tính đích thực của mình.

          -  chia sẻ với con cái Chúa chính gia nghiệp vinh quang của Người:  nếu Đức Ki-tô là thừa kế gia nghiệp của Chúa Cha, thì chúng ta là chi thể Người cũng sẽ được đồng thừa kế gia nghiệp ấy với Người.  “Các thánh” sẽ không chỉ là những vị thánh thiện, các thiên thần..., nhưng là chính chúng ta, nhưng người đã chịu phép thánh tẩy và sống như thụ tạo mới trong cuộc tạo dựng mới của Thiên Chúa.

-  nhận biết quyền lực lớn lao của Thiên Chúa đang hoạt động nơi chúng ta:  nếu chúng ta vô cùng bỡ ngỡ và khâm phục trước những kỳ công tạo dựng của Thiên Chúa, thì giờ đây chúng ta lại có thể khám phá được quyền năng ấy nơi các chi thể của Nhiệm Thể Đức Ki-tô.  Thiên Chúa đang thực hiện một cuộc tạo dựng mới ngay tại mỗi chi thể của thân thể Chúa Ki-tô.  Để tôn vinh Đức Ki-tô, Thiên Chúa đã tặng ban cho Người “danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Pl 2:9).  Qua sự tôn vinh ấy, Thiên Chúa cũng gọi tất cả những ai Người đã tuyển chọn được làm con cái Người, một tước vị tự sức loài người chúng ta không bao giờ có thể đạt tới được.

 

c)  Sống những điều khám phá

          Khám phá những điều lớn lao, rồi để nằm chết trong đống sách vở, thì có ích lợi gì cho cuộc sống chúng ta.  Trái lại, chúng phải được đưa vào cuộc sống.  Những phát minh khoa học đã làm cho cuộc sống con người được phong phú, tuyệt diệu.  Cũng vậy, những khám phá qua việc Thiên Chúa tôn vinh Đức Ki-tô phải được thể hiện trong đời sống Ki-tô hữu.  Nếu những thực tại cao cả đó không gặp thấy nơi Ki-tô hữu, thì Ki-tô hữu ấy chỉ là hữu danh vô thực, có tiếng mà không có miếng.  Nhìn lên trời, nhìn vào Đức Ki-tô đang cất lên cao (Cv 1:11) chưa đủ, nhưng còn phải nhìn vào chính mình, trở lại với thực tế hiện tại để sống đích thực như những chi thể của thân thể Đức Ki-tô nữa.  Điều ấy hôm nay Phụng vụ Lời Chúa lễ Chúa Giê-su Lên Trời đã nhắc nhở chúng ta.

 

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Ý thức làm chi thể của Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Ki-tô đã giữ vai trò nào trong đời sống Ki-tô hữu của tôi?

          Với suy niệm của thánh Phao-lô về việc “lên trời” của Chúa Ki-tô, tôi nhận thấy giá trị và thân phận của mình thế nào?  Như vậy có đáng làm Ki-tô hữu không?

          Thánh Phao-lô “không ngừng tạ ơn Thiên Chúa” về tín hữu Ê-phê-xô của ngài.  Có khi nào tôi cảm tạ Thiên Chúa đã cho tôi được tham dự vào những gì Người đã thực hiện nơi Đức Ki-tô không?  Làm sao để biểu lộ lòng biết ơn này?

 

Cầu nguyện kết thúc

          Sau những lời nguyện bộc phát, nhóm cùng đọc kinh nguyện sau đây:

 

Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã yêu trái đất này, và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết nỗi khổ đau và hạnh phúc, sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời, nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu, chúng con thấy mình được thêm sức mạnh

để xây dựng trái đất này, và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giê-su đang ngự bên hữu Thiên Chúa,

xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời không làm chúng con quên trời cao;

và những vẻ đẹp của trần gian không ngăn bước chân chúng con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,

mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

                                      (Trích RABBOUNI, lời nguyện 46)

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi

30-5-2003


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm B | Về Trang Nhà