Chúa Nhật Lễ Hiển
Linh
(5-1-2003)
ÐỌC LỜI CHÚA
Is 60,1-6: (1) Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của
ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên
ngươi.
Ep 3,2-3a.5-6: (6) Trong Ðức Ki-tô Giê-su và nhờ Tin
Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái,
cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa.
TIN MỪNG: Mt 2,1-12
Các
nhà chiêm tinh đến bái lạy Ðức Giê-su Hài Nhi
(1) Khi Ðức Giê-su ra đời tại
Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh
từ phương Ðông đến Giê-ru-sa-lem, (2) và hỏi: «Ðức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi
đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Ðông, nên chúng tôi
đến bái lạy Người».
(3)
Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng
xôn xao. (4) Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và
kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Ðấng Ki-tô phải sinh ra ở
đâu. (5) Họ trả lời: «Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có
chép rằng: (6) "Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu
phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn
dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời"».
(7) Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật
vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã
xuất hiện. (8) Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: «Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi
đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người». (9) Nghe nhà vua nói thế, họ ra
đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Ðông, lại dẫn đường cho họ
đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. (10) Trông thấy ngôi sao, họ mừng
rỡ vô cùng. (11) Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà
Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng,
nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. (12) Sau đó, họ được báo mộng là
đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ
mình.
CHIA SẺ
Câu hỏi gợi ý:
1.Các thượng tế và kinh sư Do Thái biết
rõ Ðấng Cứu Thế sinh ra ở đâu lại không đến gặp Ngài, còn các nhà
chiêm tinh ở mãi tận đâu đâu, phải nhờ các thượng tế và kinh sư Do
Thái chỉ cho, thì lại gặp được Ngài. Tại sao lại có chuyện mỉa mai và
nghịch lý như vậy?
2. Rút kinh nghiệm từ bài Tin Mừng thì để
gặp được Thiên Chúa, điều quan trọng nhất là gì? Cần phải có tôn
giáo chân chính, hay phải có thiện chí và quyết tâm đi tìm Ngài? Cái
nào là yếu tố quyết định để gặp được Ngài?
3.Ðộng lực gì khiến vua Hê-rô-đê muốn
giết hài nhi Giê-su, cho dù biết hài nhi ấy là người của Thiên
Chúa? Tuy Kinh Thánh không đề cập đến, nhưng ta thử đoán xem các
thượng tế và kinh sư Do Thái - với bản chất của họ như ta đã thấy
trong các Tin Mừng - đã có thái độ nào trước tội ác của Hê-rô-đê:
can đảm ngăn cản nhà vua hay mặc kệ Ðấng Cứu Thế mà họ mong chờ ra
sao thì ra?
Suy tư gợi ý:
Bài
Tin Mừng hôm nay cho thấy ba hạng người khác nhau với ba thái độ khác
nhau đối với Ðức Giê-su mới sinh ra. Trước hết là các nhà chiêm tinh
đến từ phương Ðông, sau là các thượng tế và kinh sư tại
Giê-ru-sa-lem, và cuối cùng là vua Hê-rô-đê.
1. Thái độ của các nhà chiêm tinh đông phương
Các
nhà chiêm tinh được nói đến như những người thuộc dân ngoại, không
phải là người Do Thái giáo. Họ đại diện cho các dân tộc, các quốc
gia trên thế giới đến thờ lạy Ðức Giê-su, Ðấng trong tương lai và
vĩnh cửu sẽ là vua của toàn thể thế giới và vũ trụ. Thái độ của
các nhà chiêm tinh là thái độ của những người tìm kiếm, khắc khoải
đối với Thiên Chúa, với tha nhân, với chân lý, công lý và tình
thương. Và chính vì họ quyết tâm lên đường và ra công tìm kiếm nên
họ đã gặp, đúng như Ðức Giê-su nói: «Ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ
cửa thì sẽ mở ra cho» (Mt 7,8). Khi ngôi sao biến mất, việc
tìm kiếm bị thử thách, họ không nản chí bỏ cuộc, vẫn tiếp tục tìm
kiếm, vì họ đã quyết tâm và hết lòng tìm kiếm: «Các ngươi tìm Ta thì các ngươi sẽ
thấy, bởi vì các ngươi hết lòng tìm kiếm Ta» (Gr 29,13); «Kẻ yêu Ta
sẽ được Ta yêu lại, người tìm Ta ắt sẽ gặp Ta» (Cn 8,17).
2. Thái độ của các thượng tế và kinh sư tại Giê-ru-sa-lem
Các thượng tế và kinh sư Do Thái là những bậc thông thái, hiểu biết Kinh Thánh, thông thạo các lẽ đạo của tôn giáo chân chính do chính Thiên Chúa thiết lập. Vì thế, họ đại diện cho những người có chính đạo. Họ là những người có Kinh Thánh trong tay, nắm vững những kiến thức thần học, họ rao giảng và bảo vệ chân lý của Thiên Chúa. Nhưng khi Ðức Giê-su đến, những hiểu biết rộng rãi và sâu xa của họ chẳng giúp ích gì cho họ trong việc tìm gặp Ngài. Họ biết rất rõ Ðấng Cứu Thế sinh ra tại Bê-lem, vì Kinh Thánh cho biết như thế. Nhưng họ biết để mà biết, để mà dạy người khác, để mà tự hào rằng mình hiểu biết, chứ không phải biết để áp dụng vào đời sống, để đem ra thực hành. Vì thế, cái biết của họ trở nên vô ích cho họ.
Cũng
vậy, rất nhiều Ki-tô hữu hiểu biết rất sâu xa về Thiên Chúa, về
chân lý, nhưng họ biết chỉ để biết, để khoe, để dạy người khác, để
rao giảng, chứ không phải để áp dụng sự hiểu biết ấy vào đời sống
thực tế. Vì thế, sự hiểu biết ấy không đem lại sự cứu rỗi cho họ.
Ðức Giê-su nói: «Ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực
hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Còn ai nghe những
lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người
ngu dại xây nhà trên cát» (Mt 7,24.26). «Mẹ tôi và anh em tôi chính là những
ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành» (Lc 8,21); «Anh em đã
biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em»
(Ga 13,17); «Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa»
(Lc 11,28). Dụ ngôn người gieo giống (Lc 8,11-15) cho thấy những người
nhận được Lời Chúa mà không đem áp dụng vào đời sống thực tế cũng
giống như những mảnh đất «vệ đường», đầy «đá sỏi», đầy «bụi gai»,
khiến Lời Chúa không phát triển được. Còn những ai đem Lời Chúa ra
thực hành, giống như mảnh đất mầu mỡ khiến Lời Chúa sinh hoa kết
trái.
3. Bài học cho những ai đang theo chính đạo
Câu chuyện về hai mẫu người trên cho chúng ta bài học quí giá. Những người tưởng rằng mình đang nắm được Thiên Chúa cùng với chân lý, công lý và tình thương trong tay, đồng thời ngủ say và an tâm trong sự lầm tưởng ấy, họ sẽ chẳng bao giờ gặp được Ngài và thực thi được những giá trị kia. Vì Thiên Chúa, chân lý, công lý và tình thương là những thực tại sống động, không phải thứ đồ vật tĩnh lặng có thể nắm được trong tay, nên chỉ có thể tìm kiếm và gặp được trong từng thời điểm, chứ không thể nắm bắt một lần cho mãi mãi. Cho nên muốn gặp Thiên Chúa, muốn sống trong chân lý, công lý và tình thương, ta phải không ngừng lên đường tìm kiếm, ra sức thực hiện trong từng thời điểm. Ngừng tìm kiếm, ngừng nỗ lực, thì những thực tại cần thiết ấy sẽ vuột khỏi ta ngay, và sự ngừng nghỉ ấy sẽ tạo cho ta một ảo tưởng rằng mình đang nắm được Thiên Chúa, chân lý, công lý và tình thương ở trong tay. Trong khi ấy, thực tế là ta đang xa rời Thiên Chúa và thường hành động ngược lại với chân lý, công lý và tình thương. Thật vậy, những ai dù đang theo chính đạo, tự hào tự mãn về chính đạo của mình, tưởng mình đang nắm được chân lý trong tay, nhưng trong thực tế lại không sống đạo của mình, lại còn khinh chê người khác, họ sẽ trở thành những kẻ tự lừa dối chính mình: «Anh em hãy đem Lời ấy ra thực hành, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình» (Gc 1,22). Những ai chỉ biết rao giảng Lời Chúa cho người khác, còn chính bản thân mình lại không thèm áp dụng, hãy lo ngại cho số phận mình như thánh Phao-lô: «Tôi phải bắt thân thể tôi chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại bỏ» (1Cr 9,27).
Chuyện
các nhà chiêm tinh - mà truyền thống Giáo Hội coi là đại diện cho
người ngoại và các dân tộc - cho thấy: dù là người ngoại giáo hay
không có tôn giáo chân chính, nhưng nếu người ta thật sự nỗ lực tìm
kiếm Thiên Chúa thì họ sẽ gặp được Ngài, nếu thật sự muốn thực thi
chân lý, công lý và tình thương thì họ sẽ thực hiện được. Còn những
người có tôn giáo chân chính, nhưng lại thờ ơ với việc tìm kiếm
Thiên Chúa, với việc thực thi chân lý, công lý và tình thương, người
ấy sẽ chẳng gặp được Ngài, và trong người ấy không có chân lý,
công lý và tình thương. Tôn giáo chân chính được ví như một chiếc xe
hơi tốt, có thể giúp ta đi đến nơi cần đến một cách an toàn, nhanh
chóng và bảo đảm. Còn các tôn giáo khác như những loại xe kém hơn.
Nhưng có đi đến nơi hay không, không tùy thuộc vào loại xe cho bằng ý
chí quyết tâm muốn đi đến nơi. Người không có xe, phải đi bộ mà
quyết tâm đi thì chắc chắn sẽ tới nơi, còn có xe tốt và bảo đảm
đến đâu, nhưng chính bản thân lại không quyết tâm đi, thì không thể
đến nơi cần đến được. Thiên Chúa vẫn luôn luôn tôn trọng đồng thời
đòi hỏi sự tự do và quyết định của con người.
4. Thái độ của vua Hê-rô-đê, nhà cầm quyền
Nói
tới Hê-rô-đê, ta thấy ông có một nỗi sợ hãi khi nghe các nhà
chiêm tinh cho biết: «Ðức Vua dân Do-thái mới sinh». Ông
sợ hài nhi mới sinh ấy sẽ lật đổ vương quyền của ông. Và dù biết
hài nhi ấy đến từ Thiên Chúa, ông vẫn quyết tâm trừ khử. Như thế,
tính tham quyền cố vị - ngoài xã hội cũng như trong Giáo Hội - có thể
làm người ta mất hết lương tri, sẵn sàng gây nên tội ác, hay ít ra
là im lặng để mặc sự ác phát triển. Hê-rô-đê quyết tâm tìm giết
con trẻ Giê-su bằng cách «sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bê-lem
và toàn vùng lân cận từ hai tuổi trở xuống» (Mt 2,16). Tin
Mừng không nói đến thái độ của các thượng tế và kinh sư trước tội
ác của nhà cầm quyền. Như đã nói trên, sự hiểu biết của họ về
việc sinh ra của Ðấng Cứu Thế chỉ là thứ hiểu biết để mà hiểu
biết, để mà rao giảng, chứ không hề làm cho họ trở nên lo lắng cho
số phận của Ðấng Cứu Thế hài nhi. Ðối với họ, sinh mạng của Ðấng
Cứu Thế chẳng là gì cả, chuyện quan trọng đối với họ là sự an toàn
bản thân và giữ cho vững những «chiếc ghế» của họ trong tôn giáo Do
Thái. Theo họ, lên tiếng để làm gì cho liên lụy đến bản thân, cho
mất quan hệ tốt đẹp với nhà cầm quyền? Im lặng cho mọi sự qua đi,
bất chấp tốt xấu, đó không phải là thái độ của những ngôn sứ hay
mục tử đích thật. Nếu họ sẵn sàng «bỏ chiên mà chạy khi thấy sói đến»
(Ga 10,12) thì họ cũng sẵn sàng im lặng bỏ mặc Ðấng Cứu Thế mà họ
rao giảng ra sao thì ra, dẫu có nguy hiểm đến tính mạng.
Cầu nguyện
Lạy
Cha, con tưởng cứ theo chính đạo do Cha sáng lập là bảo đảm được cứu
rỗi. Nhưng bài Tin Mừng hôm nay cho thấy, kẻ ngoại giáo quyết tâm tìm
kiếm Cha - là chân lý, công lý và tình thương - thì lại bảo đảm gặp
được Cha hơn là người có chính đạo mà lãnh đạm với Cha. Xin Cha đừng
để con say ngủ trong chính đạo mà thờ ơ với những gì là chân lý,
công lý và tình thương. Amen.
Joan
Nguyễn Chính Kết