Chúa Nhật Lễ Hiện
Xuống
(8-6-2003)
ĐỌC LỜI CHÚA
· Cv 2, 1-11:
(3) Họ thấy xuất hiện những hình lưỡi
giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. (4) Và ai nấy
đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo
khả năng Thánh Thần ban cho.
· 1Cr 12,
3b-7. 12-13: (4) Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần
Khí. (7) Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì
ích chung.
· TIN
MỪNG: Ga
20, 19-23
Đức
Giê-su hiện ra với các môn đệ
(19) Vào chiều ngày
ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các
ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: «Bình an cho anh em!» (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn.
Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: «Bình an cho
anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em». (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: «Anh em hãy
nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em
cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ».
CHIA SẺ
Câu hỏi
gợi ý:
1.
Bạn quan niệm thế nào về Thánh Thần?
Ngài có đóng vai trò gì quan trọng trong đời sống Kitô hữu của bạn không? Cụ
thể là gì?
2.
Kế hoạch phát triển Giáo Hội của Thiên
Chúa là «men
trong bột». Nếu Thánh Thần kêu gọi bạn trở nên «men» cho mọi người, bạn có
đáp lại lời mời gọi ấy không?
3. Muốn thật sự gặp gỡ Thánh Thần, phải thực
hiện sự gặp gỡ ấy thế nào?
Suy tư
gợi ý:
1. Thánh
Thần hoạt động mạnh mẽ, nhưng… bị quên lãng
Từ khi Giáo Hội khai sinh, vai
trò và hoạt động của Thánh Thần mới được chú ý tới nhiều, qua sự ý thức và nhấn
mạnh của Giáo Hội, đặc biệt của Đức Giêsu, của các tông đồ. Trước khi về trời,
Đức Giêsu đã hứa ban Đấng Bảo Trợ, An Ủi cho Giáo Hội: «Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho
anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi» (Ga 14,16).
Và Đấng Bảo Trợ ấy chính là Thánh Thần: «Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân
danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều
Thầy đã nói với anh em» (Ga 14,26). Đức Giêsu đã ra đi để giao lại
nhân loại và Giáo Hội cho Thánh Thần: «Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy
không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em ; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ
sai Đấng ấy đến với anh em» (Ga 15,26). Chính vì thế, hiện nay chúng
ta đang sống trong thời hoạt động của Thánh Thần, Ngài đang hoạt động mạnh mẽ
trong Giáo Hội và trong chính tâm hồn ta. Nhưng ta ít chú ý tới Ngài. Chúng ta
thường tập trung quan tâm của mình vào Chúa Cha, nhất là Đức Giêsu. Vì thế,
Thánh Thần trở thành vị Thiên Chúa bị quên lãng. Do đó, chúng ta ít hợp tác với
Thánh Thần, và Thánh Thần không biến đổi ta một cách hữu hiệu được. Vì dù hoạt
động mạnh mẽ thế nào, Thánh Thần vẫn luôn luôn tôn trọng tự do của con người.
Thánh Thần luôn luôn mời gọi, nhưng con người vẫn luôn luôn có thể làm ngơ vì
không quan tâm, hoặc từ chối lời mời gọi đó. Chính vì thế, công việc của Thánh
Thần thật hết sức khó khăn.
2. Kế hoạch
của Thiên Chúa
Thánh Thần là Đấng tiếp tục công
trình của Đức Giêsu trong thế giới và Giáo Hội. Ngài luôn luôn thúc đẩy sự đổi
mới trong Giáo Hội, để Giáo Hội ảnh hưởng tốt đến thế giới. Nhưng để được làm
điều ấy, Thánh Thần luôn luôn phải hoạt động trong mỗi cá nhân. Cá nhân có thay
đổi thì Giáo Hội mới thay đổi, cá nhân có nên thánh thì Giáo Hội mới thánh
thiện. Tất cả mọi đều bắt đầu từ những cá nhân, và lan truyền từ cá nhân này
sang cá nhân khác. Kế hoạch của Thiên Chúa để xây dựng Nước Trời là chiến lược
«men
trong bột» (x. Mt 13,33), «muối ướp đời» (x. Mt 5,13) hay «đèn sáng cho
trần gian» (x. Mt 5,14). Men là một chất có hoạt tính, có khả năng
biến đổi chất bột tiếp xúc với mình trở nên giống như mình. Mất hoạt tính này,
men không còn là men nữa, nó trở thành một thứ bột vô dụng. Muối hay đèn cũng
có hoạt tính tương tự. Một hình ảnh khác là lửa, nhưng lửa có tác dụng lan
truyền mạnh mẽ và nhanh chóng. Chính vì thế, Thánh Thần khi hiện xuống trên các
tông đồ đã lấy hình lưỡi lửa làm biểu trưng cho mình.
Trong quá trình phát triển từ xưa
đến nay, Giáo Hội vẫn theo chiến lược «men trong bột», nhưng phải nói rằng Giáo
Hội đã phát triển theo chiều rộng nhiều hơn chiều sâu. Nội dung lan truyền chủ
yếu là danh nghĩa, hình thức tôn giáo bên ngoài, hơn là đích thực sống tinh
thần Tin Mừng bên trong. Biết bao Kitô hữu chỉ giữ đạo theo tập tục (siêng năng
đọc kinh, dâng lễ, chịu các bí tích), nói chung là chuộng những thực hành thấy
được, và lấy đó làm đủ, mà ít sống đạo, ít đi vào chiều sâu tâm linh, ít khi
thật sự gặp gỡ Thiên Chúa. Việc thờ phượng Thiên Chúa chưa đúng với tinh thần «thờ phượng
Thiên Chúa trong thần khí và sự thật» (Ga 4,24), mà còn mang nặng
tính thể lý, bên ngoài, nên còn nhiều tính giả dối, không trung thực (ngoài và
trong khác nhau). Vì thế, Giáo Hội dường như không còn phát triển mạnh như
những thế kỷ trước nữa, thậm chí dừng lại hoặc sút giảm về mặt tỷ lệ dân số
(mặc dù số lượng vẫn tăng theo đà phát triển dân số).
Chiến lược «men trong bột» đòi hỏi phải
có những cá nhân thật tốt, thật nhiệt thành. Những cá nhân tốt ấy sẽ ảnh hưởng
tốt sang những cá nhân khác bằng gương sáng, bằng những hoạt động nhiệt thành
và tích cực, biến họ nên tốt, nên nhiệt thành như mình. Nhờ đó, những cá nhân
tốt càng ngày càng được nhân lên. Càng nhiều cá nhân tốt thì Nước Trời càng
phát triển, càng lớn mạnh. Nhưng ai sẽ là men đây? Thánh Thần luôn mời gọi
chúng ta trở nên «men», không chỉ là «men» mà còn là «men tốt». Mỗi khi lắng đọng
tâm hồn lại, chúng ta đều nghe thấy tiếng Ngài mời gọi.
3. Làm sao
trở thành men tốt?
Trong chiến lược phát triển Nước
Trời, «men
trong bột» phải có một «hoạt tính» rất mạnh, nghĩa là có khả năng
biến đổi người khác nên tốt và nhiệt thành giống như mình. Như vậy, chính mình
phải là người tốt và nhiệt thành đã, chính mình phải thật sự sống tinh thần Tin
Mừng đã. Muốn thế, ta phải tiếp xúc với Thánh Thần, nguồn phát sinh «hoạt tính»
ấy. Nhưng làm sao tiếp xúc với Thánh Thần? Bằng cách kêu cầu Ngài với những
kinh hay những bài ca về Thánh Thần chăng? Phải nói đó là những cách thấp nhất
để tiếp xúc với Thánh Thần, thường chỉ dành cho những người chưa thể cầu nguyện
tự phát hay chưa biết cách cầu nguyện. Muốn có một đời sống nội tâm thật sự,
muốn tiến triển trên con đường tâm linh, ta cần phải tiếp xúc với Thánh Thần
một cách thật sự và hữu hiệu.
4. Làm sao
để tiếp xúc với Thánh Thần thật sự và hữu hiệu?
Muốn tiếp xúc với Ngài, trước hết
phải biết Ngài ở đâu, bản chất của Ngài thế nào. Thánh Thần là thần khí (spirit
= tức tinh thần), hiện diện khắp nơi, tràn đầy trong vũ trụ, trong không gian
và thời gian. Chúng ta có tinh thần, và tinh thần của ta cũng là thần khí. Một
cách nào đó, tinh thần của ta phần nào đồng bản chất với Ngài. Chính vì thế,
muốn gặp gỡ Thánh Thần, phải gặp bằng chính thần khí hay tinh thần của ta. Đức
Giêsu đã nhắc nhở: «Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người
phải thờ phượng trong thần khí và sự thật» (Ga 4,24). Nếu ngày xưa
thánh Phaolô nói: «Chúng ta, những người thờ phượng Thiên Chúa nhờ Thần
Khí của Người, mới thật là những người được cắt bì» (Pl 3,3), thì
ngày nay ta cũng có thể nói: chỉ những ai thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí
mới là người Kitô hữu đích thực. Đó là những người thờ phượng Thiên Chúa bằng
tinh thần, bằng tâm hồn, bằng ý thức và bằng tình yêu, bằng việc thật sự gặp gỡ
và sống trong Thánh Thần, chứ không phải chỉ bằng những nghi thức bề ngoài, dù
những nghi thức này lắm khi cũng cần thiết. Thờ phượng Thiên Chúa bên ngoài mà
không có bên trong là thờ phượng trong giả dối, không phải là trong chân lý.
Thánh Thần tuy tràn lan trong vũ
trụ, nhưng lại hiện diện «đặc sệt» và tràn đầy nhất trong tâm hồn ta:
«Nào anh
em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự
trong anh em sao?» (1Cr 3,16); «Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần mà
chính Thiên Chúa đã ban cho anh em» (1Cr 6,19). Vì thế, muốn gặp gỡ
Thánh Thần, không gì tốt hơn là gặp Ngài trong chính bản thân mình, bằng tinh
thần của mình. Việc gặp gỡ Ngài rất dễ dàng: chỉ cần hồi tâm lại, ý thức Ngài
đang hiện diện ngay trong bản thân mình, và muốn được tan hòa vào trong Ngài.
Điều quan trọng trong việc gặp gỡ Thánh Thần là những ý thức và tâm tình có
thực bên trong, chứ không phải là những lời cầu nguyện phát biểu ra, dù là phát
biểu trong tâm trí. Tuy nhiên, nếu những lời ấy tự nhiên bộc phát ra từ đáy
lòng, thì cũng là điều rất tốt. Tuyệt đối không nên sáng tác ra bất kỳ lời nào
khi không có những tâm tình đích thực bên trong, vì cầu nguyện như thế là thờ phượng
trong giả dối. Lời bộc phát ra phải luôn luôn phù hợp với tâm tình
có thực bên trong mới là thờ phượng trong chân lý.
5. Ý thức và
tâm tình phải có khi tiếp xúc với Thánh Thần
Khi hồi tâm để tiếp xúc với Thánh
Thần, ngoài việc ý thức sự hiện diện thật sự của Ngài trong tâm hồn ta, ta nên
ý thức rằng Ngài là nguồn sức mạnh, nguồn yêu thương của ta. Hãy giục lòng tin
tưởng rằng: nếu năng tiếp xúc với Ngài thì sức mạnh và khả năng yêu thương vô
biên của Ngài sẽ truyền sang ta, như năng lượng từ dòng điện truyền sang dụng
cụ điện, làm dụng cụ ấy hoạt động. Thường xuyên tiếp xúc với Ngài như vậy, nội
lực và tình thương của ta ngày càng tăng lên một cách cảm nghiệm được.
Ngoài ra, ta cần tan hòa trong
Thánh Thần bằng tâm tình «tự hủy» (kenosis), «tự sát tế» của Đức Giêsu.
Nghĩa là có sự quyết tâm muốn quên mình, xóa bỏ mình trước Thiên Chúa và tha
nhân, không tự coi bản thân mình, ý riêng của mình, và những gì của mình là
quan trọng. Tâm tình ta cần có là: «Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ đi»
(Ga 3,30), nhỏ đi chừng nào tốt chừng nấy.
Song song với tâm tình «tự hủy»
cần phải có là tâm tình «vị tha». Nghĩa là có sự quyết tâm sống cho
Thiên Chúa và tha nhân, đặc biệt sẵn sàng làm tất cả những gì Thánh Thần đề
nghị để gieo tình thương và hạnh phúc nơi nơi, cho tất cả mọi người chung quanh
ta.
Và cuối cùng là lắng nghe tiếng
của Thánh Thần vang dội trong lòng mình. Tiếng của Ngài ngày càng trở nên rõ
ràng và mạnh mẽ nếu ta luôn luôn quảng đại đáp lại lời mời gọi của Ngài. Tiếng
của Ngài sẽ dần dần yếu đi nếu ta bỏ lơ hay không đáp lại lời mời gọi ấy.
Thường xuyên gặp gỡ Ngài như thế,
chắc chắn cuộc đời của ta sẽ biến đổi và trở nên men tốt, muối tốt
và ánh
sáng rực rỡ cho xã hội, Giáo Hội và đặc biệt cho môi trường chung
quanh ta. Và đó chính là cách ta «thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật».
CẦu nguyỆn
Lạy Cha,
Cha đã ban Thánh Thần cho thế giới. Nhưng dường như sự hiện diện của Ngài trong
thế giới ít được người Kitô hữu quan tâm đến trong đời sống thực tế của mình.
Nếu có thì thường chỉ được nhắc đến trong phụng vụ. Xin Cha giúp con năng tiếp
xúc với Thánh Thần để được tan hòa trong Ngài và nhận được tràn đầy sức mạnh và
khả năng yêu thương của Ngài. Nhờ đó con trở nên muối men cho đời, cho những
người chung quanh con, để biến họ nên tốt lành và hạnh phúc hơn.
Joan Nguyễn Chính Kết
2-6-2003