CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG
Kinh Thánh: 1 Cô-rin-tô 12: 3-7,12-13
Một trong những điều làm cho thánh
Phao-lô nhức đầu với tín hữu tân tòng Cô-rin-tô, đó là việc lộn xộn về những ân
huệ của Thánh Thần. Có thể nhiều dấu
hiệu cho thấy tín hữu Cô-rin-tô quả thực được Chúa ban cho những ân huệ đặc
biệt. Để giúp họ nhận ra được đâu là
Thần Khí đích thực và biết sử dụng những ân huệ đó, Phao-lô muốn nói lên một số
đặc tính của Thần Khí và những ân huệ Người ban nhắm mục đích nào.
a) Thánh Thần
khơi động và củng cố đức tin của tín hữu vào Chúa Ki-tô
Trong thư Rô-ma 8:15 và Ga-lát 4:6, thánh Phao-lô đã nói
đến vai trò của Thánh Thần là giúp cho Ki-tô hữu có đủ tư cách để gọi Thiên
Chúa là Áp-ba, Cha. Trong đoạn thư hôm
nay, ngài đề cập tới vai trò của Thánh Thần đối với việc Ki-tô hữu tuyên xưng
đức tin vào Chúa Giê-su. “Ở trong Thần
Khí” là cách nói ám chỉ Ki-tô hữu được đầy tràn Thánh Thần, được Người củng cố
và thúc đẩy để đi tới hành động. Với
Ki-tô hữu, hành động chính yếu là tuyên xưng lòng tin của mình vào Chúa
Giê-su. Tất cả cuộc sống Ki-tô hữu phải
là một lời tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su.
Thánh Gio-an đã lập đi lập lại rất nhiều lần sự cần thiết phải có đức
tin vào Chúa Giê-su: “Để ai tin vào
Người thì được sống muôn đời.” Nhưng
động lực nào sẽ giúp chúng ta sống và biểu lộ niềm tin ấy? Đó là Thánh Thần. Để cho dễ hiểu hơn về động lực Thánh Thần, chúng ta hãy trở lại
chiêm ngưỡng chính Chúa Giê-su đã hành động dưới ảnh hưởng của Thánh Thần như
thế nào. Nếu Thánh Thần là ngôi vị liên
kết Chúa Cha với Chúa Giê-su, thì quả thực Chúa Giê-su đã làm mọi sự vì mối
liên kết mật thiết ấy giữa Người với Chúa Cha.
Nói khác đi, mối tương giao mật thiết giữa Cha-Con (tức là Thánh Thần) đã
thúc đẩy Chúa Giê-su chu toàn thánh ý của Chúa Cha và thể hiện trọn vẹn tình
Con đối với Chúa Cha. Cũng thế, nếu
Ki-tô hữu muốn tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su, họ cũng phải ở trong mối
tương giao mật thiết với Người. Thánh
Thần đã liên kết Chúa Cha với Chúa Giê-su thì Người cũng liên kết chúng ta với
Chúa Giê-su, để trong mối liên kết ấy chúng ta mới có thể tuyên xưng “Đức
Giê-su là Chúa.”
b) Thánh Thần
hướng Ki-tô hữu nhắm tới lợi ích chung là xây dựng Giáo Hội
Có liên quan mật thiết giữa đặc sủng,
việc phục vụ và hoạt động. Đặc sủng là
một khả năng đặc biệt được Chúa ban cho tín hữu để họ sử dụng trong những hoạt
động nhằm phục vụ cộng đồng. Cách thức
thánh Phao-lô nhấn mạnh nguồn gốc duy nhất của những đặc sủng là Thánh Thần cho
thấy có lẽ tín hữu Cô-rin-tô vì đức tin còn non yếu và ảnh hưởng của ngoại giáo
nên nghĩ rằng có nhiều thần khí ban cho họ nhiều đặc sủng. Ngài bảo điều đó không thể có được. Mọi đặc sủng phải đưa chúng ta tới nguồn gốc
duy nhất là Chúa Thánh Thần. Mọi việc
phục vụ phải noi theo gương mẫu duy nhất là Chúa Con. Mọi hoạt động phải hướng về một nguyên lý duy nhất là Chúa
Cha. Hoặc nói khác đi, cũng như chỉ có
một Thiên Chúa là Cha mọi người, một Chúa là Đức Giê-su Ki-tô, thì cũng chỉ có
một Thánh Thần là Thần Khí của Đức Ki-tô Phục Sinh và của Thiên Chúa hằng
sống. Ở đây, thánh Phao-lô đã khéo léo
đưa chúng ta đến hình ảnh và đặc tính duy nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi, để từ đó
nhấn mạnh đến vai trò của Thánh Thần.
Thánh Thần ban các đặc sủng cho
tín hữu là để giúp họ xây dựng Giáo Hội.
“Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách” cũng đồng nghĩa với “ai ở
trong Thần Khí.” Do đó, nếu chỉ “ở
trong Thần Khí” chúng ta mới có thể tuyên xưng đức tin vào Đức Ki-tô, thì cũng
chỉ “ở trong Thần Khí” chúng ta mới được thúc đẩy và dẫn dắt để mưu ích chung
cho Giáo Hội.
Mặc dù tín hữu hôm nay dễ dàng mở
miệng tin rằng chỉ có một Thần Khí, nhưng nhiều người lại không còn cảm nghiệm
được hoạt động của Thần Khí, hoặc rất ít ai nghĩ rằng mình có được đặc sủng do
Người ban. Thế nhưng đối với thánh
Phao-lô, cảm nghiệm về Thánh Thần rất sống động trong Giáo Hội. Không có Thánh Thần thì không có đặc
sủng. Mà không có đặc sủng của Thánh
Thần thì Giáo Hội không thể hoạt động như là Nhiệm Thể Chúa Ki-tô. Do đó, nhắc nhở của thánh Phao-lô về vai trò
của Thần Khí thật là cần thiết để đưa chúng ta trở lại ý thức Giáo Hội là một
cộng đồng sinh hoạt sống động nhờ Thánh Thần hiện diện nơi mọi chi thể.
c) “Tất cả chúng
ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất”
Sau khi nêu lên thực tại “ở trong Thần
Khí” để tuyên xưng Đức Ki-tô là Chúa và thực tại “Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi
người một cách” vì lợi ích chung, thánh Phao-lô trình bày một hiệu quả vô song
của Thánh Thần, đó là làm cho tất cả chúng ta thành một thân thể duy nhất của
Đức Ki-tô và được hiệp nhất với nhau.
Nguyên lý thống nhất các chi thể chính là vì họ đã được chịu phép rửa
trong cùng một Thánh Thần.
Khẳng định của thánh Phao-lô “Tất cả
chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” cũng ngầm hiểu là một mệnh
lệnh phải cố gắng sống tinh thần hiệp nhất với Giáo Hội và với anh chị em. Một trong những kẻ thù nguy hại nhất của
Giáo Hội là những mầm mống chia rẽ. Ý
thức “được đầy tràn một Thánh Thần duy nhất” sẽ giúp chúng ta biết đặt lợi ích
của Giáo Hội lên trên những quyền lợi và tham vọng cá nhân, nhờ đó sẽ hăng say
xây dựng cho Giáo Hội và giúp cho “triều đại Thiên Chúa” mau đến.
Trước đây tôi đã ý thức sự hiện
diện của Chúa Thánh Thần như thế nào? Có phải chỉ là một vài tư tưởng lờ
mờ từ mớ kiến thức giáo lý nghèo nàn
không? Lịch sử Giáo Hội nói gì với tôi về sự hiện diện và hoạt động của Chúa
Thánh Thần?
Có khi nào
tôi quan sát sinh hoạt của giáo xứ, của nhóm... để nhận ra “Thần Khí biểu lộ nơi mỗi người một cách” không?
Tôi có
thực sự “được đầy tràn Thần Khí duy nhất” để sống đức tin vào Chúa Giê-su và
xây dựng Giáo Hội của Người không? Nói
khác đi, tôi có thực sự ở trong mối tương giao mật thiết với Chúa Ki-tô không?
Sau những lời nguyện bộc phát, nhóm
cùng hát bài kính Chúa Thánh Thần, hoặc đọc lời nguyện sau đây:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến
như cơn gió mát thổi vào đời con, thổi vào Giáo Hội, thổi vào thế giới, để đem
lại cho chúng con sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát.
Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong
chảy vào đời con, chảy vào Giáo Hội, chảy vào thế giới, để cuốn trôi đi mọi nhơ
nhớp, khô cằn, cứng cỏi, và làm bật dậy những mầm xanh sự sống nơi chúng con.
Xin Ngai hãy đến như ngọn lửa hồng
chiếu sáng đời con, chiếu sáng Giáo Hội, chiều sáng thế giới, để chúng con
không còn đồng lõa với tối tăm, nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng, đó
là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu.
(Trích
RABBOUNI, lời nguyện 39)
5-6-2003