MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ,
Ngày 22/6
BÁNH TRƯỜNG SINH
Trong một
buổi sinh hoạt,có một cụ già đã kể lại câu chuyện này:” Vào tháng 5, đã nhiều
năm lắm rồi,một trận cuồng phong chưa bao giờ có, đã làm ngã đổ biết bao nhiêu
gia đình,bao người màn trời chiếu đất.Một cảnh thương tâm đã làm xúc động nhiều
người:một gia đình kia bị gió làm sập nhà, đã đè chết người vợ,để lại chồng và
ba đứa con dại, trước khi nhắm mắt lià đời, bà đã rút chiếc nhẫn cưới trao cho
chồng và thều thào trong hơi thở cuối cùng và cố nói”Anh hãy giữ lấy báu vật này”.Chiếc
nhẫn cưới là bảo vật quí giá nhất mà hai vợ chồng khi cưới đã trao cho nhau như
lời thề nguyền yêu thương,trung tín nhất. Mỗi khi nhìn vào chiếc nhẫn cưới người
ta cảm thấy an lòng và được yên ủi vì nó là biểu tượng của tình yêu chung thủy
và son sắt nhất. Hình ảnh của người vợ rút chiếc nhẫn, trao cho chồng là lời
trối quí giá, là lời dặn dò và là cử chỉ tình thương chung thủy, người vợ nhắn
nhủ chồng mình trước khi biết mình không thể nào tồn tại ở thế gian nữa. Chúa
Giêsu đã làm một cử chỉ, đã để lại một lời trăn trối không tiền khoáng hậu cho
các môn đệ và cho nhân loại, Ngài để lại chính Thịt Máu của Mình để nuôi sống
nhân loại.
MỘT SỰ THỰC MUÔN ĐỜI TỒN TẠI:
Vào chiều
thứ năm trong bữa tiệc ly, cách đây hơn hai nghìn năm, Chúa Giêsu cùng với các
môn đệ đang ăn bữa vượt qua, nghĩa là bữa ăn cuối cùng của Ngài với các đệ tử
thân tín của Ngài, trước khi Ngài thực hiện ý định của Cha cứu độ nhân loại( Lc
22,5-16 và Ga 13,1 ). Lễ vượt qua là ngày lễ trọng nhất của người Do Thái, lễ
để cho người Do Thái tưởng nhớ tới hồng ân cao cả Thiên Chúa đã giải cứu dân ra
khỏi đất Ai Cập. Trong lễ vượt qua này, người Do Thái ăn bánh không men với
thịt chiên nướng, rau diếp đắng và uống rượu nho. Chúa Giêsu đã giữ đúng các
nghi thức ăn lễ vượt qua của người Do Thái một cách hết sức tỉ mỉ với các môn
đệ trong bữa tiệc ly.Một biến cố muôn đời tồn tại, đáng ghi nhớ đã xẩy ra trong
bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu, Ngài đã chỗi dậy nửa chừng giữa bữa ăn, lấy
khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu, đoạn rửa chân cho các môn đệ, lấy thắt lưng
mà lau, rồi về chỗ của mình( Ga 13, 4-15 ).Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ,
trước khi lập Bí Tích Thánh Thể ban Bánh trường sinh là Mình Máu của Ngài, để
nói cho các môn đệ và Thế giới biết rằng: Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích Tình
Yêu. Chính vì tình yêu mà Chúa đã lập Bí Tích Thánh Thể. Tình yêu nối kết mọi
người, để tất cả những ai lãnh Nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô, lãnh nhận Bánh
trường sinh là Máu và Thân Xác Chúa Kitô cũng được có sự sống đời đời, vì khi
lãnh nhận Mình Máu Chúa là trở nên như thánh Phaolô đã viết:” Chén chúc tụng ta
cầm mà đội ơn, lại không phải là thông phần Mình Máu Chúa Kitô sao? Vì chưng
chỉ có một bánh, nên tuy ta là nhiều, ta cũng chỉ là một thân mình, vì hết thảy
ta cùng chia phần một bánh”( 1Co 10,16-17). Chúa Giêsu là chiên lễ vượt qua
mới. Chúa chịu sát tế để cứu chuộc mọi người. Tin Mừng hôm nay cũng cho ta hay
Chúa Giêsu và các môn đệ đang sống Giao ước giữa Thiên Chúa và con người. Chúa
lập Bí Tích Thánh Thể và truyền cho các tông đồ làm lại nghi lễ đó để tưởng
niệm cuộc tử nạn của Chúa.Khi Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, trao cho các môn
đệ và cầm lấy chén rượu cũng tạ ơn Chúa Cha,rồi trao cho các
môn
đệ,Ngài nói cho các môn đệ về chính Mình và Máu của Ngài, về cuộc tử nạn và phục
sinh của Ngài, Ngài cứu chuộc cho nhiều người. Các môn đệ với con số 12 đại diện
cho toàn nhân loại, đại diện cho nhiều người, đang đồng bàn với Chúa Giêsu, họ cũng
chỉ là những con người yếu đuối, tội lỗi, phản bội, những con người sợ chết,
chạy thục mạng để thoát thân vì trong cuộc thương khó của Chúa, họ sợ cũng bị
bắt như Thầy.Các môn đệ khi cử hành lại lễ hy tế của Chúa Giêsu nơi bàn
thánh, họ được Chúa loan báo ơn tha thứ và rồi khi Chúa sống
lại với con người bất xứng, yếu đuối, các môn đệ khi cử hành hy tế thập giá, họ
được Chúa ban ơn giao hòa, được thứ tha và được lãnh nhận ơn cứu độ.Bí Tích
Thánh Thể trở nên vĩnh cửu, tồn tại tới muôn muôn đời...
HỘI THÁNH TIẾP TỤC SỨ MỆNH CỦA CHÚA GIÊSU VÀ CÁC TÔNG ĐỒ:
Cử chỉ
của Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly cùng với lời truyền của Ngài:” Các con hãy làm
việc này mà nhớ đến Ta “, đã là lệnh khẩn cấp cho Giáo Hội để Hội Thánh tiếp
nối sứ mạng của Chúa Giêsu và của các tông đồ: tiếp tục cử hành nghi lễ tạ ơn. Nghi
lễ tạ ơn được cử hành dựa theo lời Chúa và cách thức của Chúa đã làm:” Đang lúc
họ ăn, thì Đức Giêsu cầm lấy bánh và chúc tụng, rồi bẻ ra và ban cho họ, Ngài nói:Hãy
cầm lấy mà ăn, này là Mình Ta. Đoạn cầm lấy chén và tạ ơn, Ngài ban cho họ mà
rằng: Hãy uống chén này hết thảy, vì này là Máu Ta, Máu Giao ước, đổ ra vì nhiều
người, để nên ơn tha tội”( Mt 26, 26-28 ). Thánh Phaolô sau này cũng nói:” Mỗi lần
anh em ăn bánh và uống chén này, anh em hãy loan truyền sự chết của Chúa, cho đến
khi Chúa lại đến”( 1 Co 11, 26 ). Giáo Hội ngay từ thuở ban đầu cho tới ngày
nay không ngừng cử hành cuộc hy tế của Chúa xưa trên thập giá. Người Kitô hữu
khi tới nhà thờ hiệp dâng thánh lễ, cử hành Bí Tích Tạ Ơn, đã muốn cho thánh lễ
được nối dài trong đời sống và ngược lại đời sống của người Kitô hữu phải là
thánh lễ nối dài. Thánh lễ của người Kitô hữu phải là khởi điểm và kết thúc cho
một sự dấn thân mới, một sự chọn lựa sống Tin Mừng: yêu thương, quảng đại,
trung tín và chia sẻ. Một sự dấn thân theo
Tin Mừng sẽ giúp cho người Kitô hữu sống Bí Tích Thánh Thể sâu xa và đầy
niềm tin. Người đàn bà trước khi lià đời đã trao cho chồng chiếc nhẫn ngày cưới
để nói lên với chồng bà luôn yêu thương, luôn chung thủy với chồng và gần gũi các
con của bà. Chúa Giêsu khi lập Bí Tích Thánh Thể tức Bí Tích Tình Yêu đã chỉ ra
rằng Ngài luôn hiện diện, luôn yêu thương nhân loại, yêu thương mọi người bằng chính
sự hy sinh cao cả của Ngài là chết vì yêu:” Không tình yêu nào cao vời bằng tình
yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu”( Ga 15, 13 ). Chúa luôn hiện diện
giữa mọi người, giữa nhân loại, Ngài tiếp tục yêu thương nuôi dưỡng con người bằng
chính Mình Máu Thánh của Ngài.
Lạy Chúa
Giêsu, xin ban cho nhân loại luôn biết yêu mến và tôn kính Bí Tích Thánh Thể.
GỢI Ý CHIA SẺ:
1. Bạn cảm nghiệm thế nào về Bí Tích Thánh
Thể ?
2. Bạn có yêu mến Bí Thánh Thể không ?
3. Bạn đã đọc tông huấn của Đức Thánh Cha
Gioan Phaolô II viết về”Bí Tích
Thánh Thể
?”.
16-6-2003